Vốn đổ vào Fintech ở Việt Nam tiếp tục ưu tiên ví điện tử

12/11/2021, 10:52

Các công ty FinTech có trụ sở tại Việt Nam đã gọi được vốn đầu tư trị giá hơn 388 triệu USD, tương ứng gần một phần mười (9%) trong tổng số 167 thương vụ của khu vực ASEAN 9 tháng đầu năm 2021.

Vốn đổ vào Fintech ở Việt Nam tiếp tục ưu tiên ví điện tử - Ảnh 1.

Thanh toán vẫn là danh mục FinTech được tài trợ nhiều nhất ở ASEAN trong năm nay với 1,9 tỉ USD - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nguồn vốn đầu tư vào Công nghệ tài chính (FinTech) ở ASEAN tăng mạnh trở lại vào năm 2021, tổng số vốn trong chín tháng đầu năm 2021 tăng hơn gấp ba lần so với cả năm 2020 ở mức cao lịch sử 3,5 tỉ USD.

Theo báo cáo FinTech ở ASEAN năm 2021 của UOB, PwC Singapore và Hiệp hội FinTech Singapore (SFA) vừa được công bố ngày 11-11, sự phục hồi của nguồn tài trợ FinTech được thúc đẩy bởi 167 thương vụ bao gồm 13 vòng gọi vốn lớn, chiếm 2 tỉ USD trong tổng số vốn tài trợ. Trong đó, vòng gọi vốn lớn được định nghĩa là vòng gọi vốn tài trợ từ 100 triệu USD trở lên.

Với 388 triệu USD gọi vốn thành công, Việt Nam đứng thứ ba về vốn tài trợ FinTech, vị trí này có rớt hạng so với hai năm trước, tuy nhiên đã có mức phục hồi mạnh mẽ so với năm ngoái. 

Nguồn vốn tăng trở lại là nhờ vào hai vòng gọi vốn lớn, cụ thể là 250 triệu USD vào VNPay, nhà cung cấp giải pháp thanh toán di động cho các ngân hàng và doanh nghiệp, và 100 triệu USD  vào vòng gọi vốn Series D của MoMo. 

Với việc áp dụng thanh toán kỹ thuật số ngày càng tăng ở ASEAN, các nhà đầu tư đã đặt niềm tin và rót số tiền cao nhất vào các công ty FinTech giai đoạn cuối từ lĩnh vực thanh toán.

Trong đó, những công ty FinTech có trụ sở tại Singapore tiếp tục thu hút nguồn vốn mạnh nhất của ASEAN, chiếm gần một nửa (49%) tổng số thương vụ thông qua sáu vòng gọi vốn lớn tương đương trị giá 972 triệu USD trên tổng số 1,6 tỉ USD vốn tài trợ. 

Indonesia vẫn giữ vị trí thứ hai trong năm nay, thu về 904 triệu USD vốn tài trợ (26%). Các công ty FinTech ở Singapore và Indonesia đã nhận được tài trợ trong hầu hết các danh mục, một dấu hiệu cho thấy đây là một ngành công nghiệp sôi động và đang phát triển với bối cảnh đầu tư tích cực.

Ông Shadab Taiyabi, chủ tịch, SFA, cho biết một động lực chính của sự hồi sinh này là đại dịch, đã thúc đẩy việc áp dụng kỹ thuật số ở khắp khu vực ASEAN, thúc đẩy sự gia tăng thanh toán kỹ thuật số và thúc đẩy sự dịch chuyển sang các kênh kỹ thuật số trong lĩnh vực dịch vụ tài chính.

Về danh mục đầu tư, các khoản tiền được rót vào các công ty công nghệ đầu tư và tiền điện tử ở ASEAN đã có mức tăng trưởng mạnh nhất trong năm nay, đưa cả hai danh mục lên vị trí thứ hai và thứ ba tương ứng sau danh mục thanh toán. 

Đây cũng là lần đầu tiên trong sáu năm, hoạt động cho vay thay thế đã bị vượt ra khỏi ba vị trí hàng đầu về nguồn vốn đầu tư do người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn đối với các khoản đầu tư kỹ thuật số và tiền tệ kỹ thuật số.

So với năm 2020, vốn tài trợ cho các công ty công nghệ đầu tư đã tăng sáu lần lên mức 457 triệu USD trong năm nay. Theo một cuộc khảo sát, sáu trong số 10 người tiêu dùng ASEAN đã sử dụng các công cụ kỹ thuật số như cố vấn robot và nền tảng môi giới trực tuyến cho nhu cầu đầu tư của họ.

Vốn tài trợ cho các công ty tiền điện tử đứng thứ ba với 356 triệu USD khi họ thu hút được gấp năm lần số tiền nhận được vào năm 2020. Cho rằng cứ 10 người tiêu dùng ASEAN thì có chín người bắt đầu hoặc có kế hoạch sử dụng tiền điện tử và tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương. 

Thanh toán vẫn là danh mục FinTech được tài trợ nhiều nhất ở ASEAN trong năm nay với 1,9 tỉ USD. Việc rót vốn vào các công ty này sẽ đẩy nhanh việc sử dụng ví điện tử, thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng và các ứng dụng ngân hàng di động vốn đã là những phương thức thanh toán phổ biến nhất của người tiêu dùng ASEAN sau tiền mặt.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO