Sóc Trăng chú trọng cách làm hiệu quả, hỗ trợ đồng bào dân tộc ứng phó với đại dịch COVID-19

T.H | 22/09/2021, 09:31

Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp chính là một trong các giải pháp biến nguy thành cơ, để tăng tốc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong toàn xã hội, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Sóc Trăng.

Tăng cường ứng dụng CNTT vào công vụ trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp

Ông Dương Văn Nhân - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Sóc Trăng cho biết: Sở TT-TT đã đề nghị và được các doanh nghiệp viễn thông - CNTT trên địa bàn tỉnh hỗ trợ nâng cấp băng thông đường truyền cho Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh để nâng cao năng lực đáp ứng trong công tác xử lý công việc từ xa, phục vụ chỉ đạo điều hành của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, các hệ thống quản lý văn bản và chỉ đạo điều hành, hệ thống cổng dịch vụ công, hệ thống thư điện tử, hệ thống hội nghị trực tuyến của tỉnh, hệ thống hội nghị trực tuyến trên nền tảng phần mềm mã nguồn mở giúp tất cả các cơ quan đều có thể chủ động tạo các phòng họp trực tuyến hoạt động thông suốt và rất hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu giải quyết công việc của cán bộ, công chức, viên chức trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trong tháng 6-2021, Sở TT-TT đã phối hợp với các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh tiến hành nâng cấp 100% các dịch vụ công đủ điều kiện lên cung cấp trực tuyến ở mức độ 4. Đến ngày 15-7-2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1787/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 áp dụng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Theo đó, tất cả các dịch vụ công đủ điều kiện ở các cơ quan nhà nước đều đã được cung cấp ở mức độ 4, mức độ mà cho phép người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện hoàn toàn ở bất cứ nơi đâu thông qua môi trường mạng.

Mặt khác, Sở TT-TT đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan nhà nước và Bưu điện tỉnh tăng cường triển khai các dịch vụ công thông qua dịch vụ bưu chính công ích, không thực hiện tiếp xúc trực tiếp. Như vậy, mặc dù đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, người dân và doanh nghiệp đều có thể thực hiện các dịch vụ công thông qua hình thức trực tuyến trên mạng internet hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích được phục vụ tại nhà.

Trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, tất cả các hoạt động đều hạn chế tiếp xúc trực tiếp thì CNTT càng phát huy mạnh mẽ hiệu quả của nó. Việc ứng dụng CNTT đã giúp các cơ quan nhà nước tiếp tục thực hiện công việc một cách bình thường mới trong phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thông qua các hình thức trực tuyến, đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đồng thời vẫn đáp ứng nhu cầu được phục vụ của người dân.

Có thể nói, việc ứng dụng CNTT trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp chính là một trong các giải pháp biến nguy thành cơ, để tăng tốc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong toàn xã hội, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội.

Hiệu quả từ Mô hình “Tiếng loa Biên phòng” trong tuyên truyền phòng, chống COVID-19 

Trước diễn biến phức tạp của COVID-19, các đồn biên phòng trực thuộc Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh tại vùng sâu, vùng xa trên địa bàn khu vực biên giới biển với nhiều cách làm sáng tạo, tiết kiệm và mang lại hiệu quả cao.

Sóc Trăng chú trọng cách làm hiệu quả, hỗ trợ đồng bào dân tộc ứng phó với đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Mô hình “Tiếng loa Biên phòng” của Đồn Biên phòng An Thạnh Ba, BĐBP Sóc Trăng. (Ảnh Văn Long).

Hình ảnh những chiến sĩ quân hàm xanh chở theo phía sau xe máy một chiếc loa phát liên tục các nội dung tuyên truyền liên quan đến công tác phòng, chống COVID-19 ở khắp các tuyến đường ấp, khóm trên khu vực biên giới biển đã trở nên thân thuộc với bà con DTTS nơi đây.

Cùng với hình thức tuyên truyền "đi từng ngõ, gõ từng nhà" thì Mô hình "Tiếng loa Biên phòng" được tuyên truyền bằng hai thứ tiếng Kinh và Khmer cho nên rất thiết thực, bổ ích. Thông qua mô hình, người dân đồng bào dân tộc thiểu số đã nghe, hiểu về mức độ nguy hiểm của COVID-19 và chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Mô hình "Tiếng loa Biên phòng" được triển khai trong tình hình COVID-19 đang diễn biến phức tạp, việc tuyên truyền tập trung đông người không còn phù hợp, tuyên truyền nhỏ lẻ lại không phát huy hiệu quả. Do đó, các đồn biên phòng xác định phải đổi mới công tác tuyên truyền, vận động là một trong những việc cần làm hiện nay.

Mô hình "Tiếng loa Biên phòng" khá đơn giản và tiết kiệm, nhưng lại phát huy tối đa hiệu quả đối với nơi có địa bàn rộng, đường đi lại khó khăn, hệ thống loa truyền thanh xã, phường không đáp ứng được nhu cầu. Chỉ với 1 chiếc "loa kẹo kéo", chiếc USB có sẵn các nội dung tuyên truyền và xe môtô 2 bánh, thì có thể đi đến được tất cả những nơi có người dân sinh sống, để truyền đạt những thông tin cơ bản nhất về dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Ở những khu vực tập trung đông người, cán bộ phụ trách "Tiếng loa Biên phòng" sẽ chạy xe chậm và phát đi, phát lại các nội dung tuyên truyền để người dân nghe, hiểu và tự giác chấp hành. Tùy vào tình hình thực tế, đơn vị sẽ xây dựng nội dung tuyên truyền cho phù hợp. Riêng trong giai đoạn hiện nay, đơn vị tập trung tuyên truyền về công tác phòng, chống COVID-19, thực hiện tốt thông điệp 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế) tại các điểm công cộng; đồng thời, hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng Bluezone.

Đại tá Lê Văn Anh - Phó Chính ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19, BĐBP tỉnh Sóc Trăng cho biết: "Mô hình "Tiếng loa Biên phòng" đáp ứng được các quy định về phòng, chống COVID-19, phù hợp với văn hóa địa phương nên đạt hiệu quả cao, quan trọng nhất là nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống dịch. Mô hình cũng góp phần thực hiện thắng lợi 2 nhiệm vụ kép: Bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia và phòng, chống có hiệu quả COVID-19, hỗ trợ người dân nâng cao ý thức phát triển kinh tế gia đình".

Kết quả, hiện nay người dân biết đeo khẩu trang khi ra ngoài, rửa tay thường xuyên, dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ và không còn tụ tập đông người như trước…

Trên tinh thần "chống dịch như chống giặc", người lính Biên phòng Sóc Trăng luôn tiên phong trên tuyến đầu để ngăn ngừa sự lây lan của COVID-19, tránh phát sinh trong cộng đồng. Mô hình "Tiếng loa Biên phòng" hay những tờ rơi, chiếc khẩu trang… của lực lượng Biên phòng đã và sẽ tiếp tục góp thêm sự đồng thuận của xã hội trong phòng, chống dịch bệnh, mang lại sự bình yên cho Nhân dân khu vực biên giới biển của tỉnh Sóc Trăng./.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO