Việc tiếp cận CNTT và internet của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên đã có nhiều khởi sắc

Quỳnh Chi | 21/09/2021, 09:02

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Tây Nguyên, nên đời sống của đồng bào ngày càng được nâng lên, góp phần rất quan trọng giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tăng cường sức mạnh quốc phòng. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đóng một vai trò quan trọng.

Khả năng tiếp cận CNTT tăng cao

Báo cáo "Số liệu về phụ nữ và nam giới các dân tộc ở Việt Nam giai đoạn 2015-2019" cho thấy khả năng tiếp cận CNTT của người DTTS đã tăng lên đáng kể tuy nhiên không đồng đều ở các khu vực và các dân tộc.

Việc tiếp cận CNTT và internet của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên đã có nhiều khởi sắc - Ảnh 1.

Cơ hội tiếp cận với máy tính và internet của đồng bào dân tộc Tây Nguyên ngày càng được nâng cao.

Cụ thể, có tới 92,5% hộ gia đình DTTS có sử dụng điện thoại năm 2019 (cố định hoặc/và di động) tăng tới 17% so với năm 2015. Xét theo vùng kinh tế - xã hội thì vùng Tây Nguyên có tỷ lệ hộ gia đình DTTS có sử dụng điện thoại thấp nhất 84,6%. Một điều đáng chú ý là, một số DTTS vẫn có tỷ lệ hộ gia đình có sử dụng điện thoại khá thấp, đặc biệt là hộ gia đình DTTS do nữ là chủ hộ, như La Hủ 34,6%, Chứt 51,0%, Rơ Măm 54,8%, Bru Vân Kiều 63,6%, Xơ Đăng 65,2% và Ba Na 68,5%

Về trang bị máy tính, có 10,3% hộ gia đình DTTS sử dụng máy vi tính, tăng 2,6 % so với năm 2015. Trong đó, Tây Nguyên vẫn là vùng có tỷ lệ hộ gia đình DTTS có sử dụng máy vi tính thấp nhất 5%, tiếp đến là vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung 5,7%.

Xét theo dân tộc, có tới 29/53 DTTS có tỷ lệ hộ gia đình sử dụng máy vi tính dưới 5% như Xinh Mun 1,1%, Khơ Mú 1,3%, Rơ Măm 1,5%, La Hủ 1,6%, Ba Na 1,8% và Chứt 1,9%.

Ở khía cạnh sử dụng dịch vụ Internet ghi nhận tỉ lệ người DTTS sử dụng dịch vụ này tăng rất cao. Theo báo cáo, có tới 61,3% hộ gia đình DTTS có sử dụng internet (wifi, cáp hoặc 3G), tăng tới 54,8 % so với năm 2015 (6,5%). Có thể nói đây là bước phát triển rất mạnh trong tiếp cận thông tin ở vùng DTTS, đặc biệt chênh lệch giữa hộ gia đình DTTS do nam và nữ làm chủ hộ rất ít, chỉ 1,5% với tỉ lệ chủ hộ là nam sử dụng internet là 61,4% và 59,9% chủ hộ là nữ.

Trong các vùng kinh tế - xã hội, Tây Nguyên có tỷ lệ hộ gia đình DTTS có sử dụng internet thấp nhất 46,1% và Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung 50%. Có 9/53 DTTS có tỷ lệ hộ gia đình sử dụng internet dưới 30% như La Hủ 10,2%, Brâu 15,1%, Chứt 21,2%, Mảng 23,3%, Cống 24,3%, Bru Vân Kiều 25,6%, Xơ Đăng 28,5%, Ba Na 28,5% và Si La 29,6%.

Các chủ trương lớn tháo gỡ rào cản tiếp cận CNTT của đồng bào DTTS

Triển khai Quyết định số 414/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Tăng cường ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển KT-XH và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025"; Nghị quyết số 88 /2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTT và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, và Nghị quyết số 120 /2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 về Ủy ban Dân tộc đã đề xuất nhiệm vụ "Ứng dụng CNTT hỗ trợ phát triển KT-XH và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS và miền núi" trong Tiểu dự án 1, thuộc Dự án 10 "Truyền thống, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình".

Mục tiêu đến năm 2023, 100% người có uy tín, 90% đồng bào DTTS nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên hệ thống thông tin điện tử. 80% đồng bào DTTS được tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và thị trường. 90% người DTTS được tiếp cận thông tin, kiến thức về y tế, phòng, chống các bệnh đặc thù; thông tin về pháp luật và các chính sách về bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng, phòng, chống thiên tai và nắm bắt thông tin về an ninh, trật tự để chủ động đảm bảo giữ gìn ổn định cuộc sống.

Trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển quốc gia số, Chính phủ số và ứng dụng công nghệ số rộng rãi vào các lĩnh vực của đời sống xã hội thì với vùng DTTS và miền núi nói riêng, việc ứng dụng CNTT còn có ý nghĩa to lớn trong việc hỗ trợ cảnh báo thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn; chuẩn đoán, khám chữa bệnh từ xa; kết nối, phát triển thương mại, văn hóa, du lịch… Vì vậy, có thể thấy, với những chủ trương, chính sách lớn trong thời gian tới, sẽ là cơ hội để đồng bào vùng DTTS và miền núi tiếp cận CNTT, tiếp cận những tiến bộ của xã hội một cách nhanh nhất, qua đó từng bước thu hẹp dần khoảng cách với các khu vực phát triển trên cả nước.

Một số bài học tại các địa phương

Tỉnh Lâm Đồng hiện có 47 dân tộc anh em cùng sinh sống, với trên 70.000 hộ, 333.000 nhân khẩu chiếm 25,72% dân số toàn tỉnh. Theo Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg, ngày 12/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021- 2025, hiện nay, toàn tỉnh có 10/10 huyện; 78/124 xã, thị trấn, 478/1.376 thôn là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đang triển khai đồng bộ các giải pháp như: đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận thông tin, chú trọng các lĩnh vực kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng; nâng cấp công nghệ thông tin phục vụ việc quản lý nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn; đào tạo, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức việc ứng dụng công nghệ thông tin cho đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng các cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ đồng bào ứng dụng công nghệ thông tin, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư đóng góp vào bộ dữ liệu dân tộc thiểu số của tỉnh; nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông cho người làm công tác dân tộc…

Những năm qua, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng tiếp tục phát triển. Công tác xóa đói giảm nghèo được quan tâm triển khai thực hiện. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số chỉ còn 3,58% trên số hộ dân tộc thiểu số, giảm 2% so với cuối năm 2019.

Tại Kon Tum, nhờ ứng dụng CNTT, nhiều dịch vụ như: thực hiện thủ tục hành chính, khám chữa bệnh, thanh toán bảo hiểm y tế, hoạt động thương mại điện tử trên sàn giao dịch điện tử... trở nên thuận lợi và giúp bà con đồng bào DTTS hưởng lợi trong đời sống.

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Kon Tum đã đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong nhiều lĩnh vực, nhất là hoạt động cải cách thủ tục hành chính hướng đến người dân và doanh nghiệp, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, trong đó có đồng bào các DTTS.

Một số kết quả đáng chú ý như: 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến xã triển khai phần mềm Cổng dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống thông tin một cửa điện tử (VNPT-Igate) của tỉnh, phục vụ công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông cho tổ chức, công dân. Kết quả trên cơ sở dữ liệu quốc gia hiện nay, tỉnh Kon Tum đã công khai 1.624 thủ tục hành chính và đã hoàn thành đồng bộ giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính với Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh với tổng số lượng 591 thủ tục hành chính.

Tính đến tháng 12/2020, trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh đã tiếp nhận 4.003 hồ sơ trực tuyến trên tổng số 66.929 hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ được xử lý đúng hạn đạt 98%. Hệ thống đã được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia hoạt động ổn định, đảm bảo kết nối, cung cấp thông tin và dịch vụ công mọi lúc, mọi nơi. Bên cạnh đó, triển khai, ứng dụng Zalo để thực hiện tra cứu kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (tra cứu mã hồ sơ, quét mã QR code qua Zalo...), cung cấp thông tin chỉ đạo điều hành, các thông tin về kinh tế -xã hội nhanh chóng, hiệu quả.

Việc ứng dụng CNTT cũng giúp triển khai xong hệ thống phần mềm quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế tại 100% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Sở Y tế quản lý, nâng cao hiệu quả về quản lý chuyên môn, công tác khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế cho các bệnh viện tuyến tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố và cơ sở y tế xã, phường, thị trấn; Hệ thống phần mềm Hồ sơ sức khỏe cá nhân đã được áp dụng đến tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh...


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO