Ứng dụng CNTT trong việc truyền thanh cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Phú Thọ

Quỳnh Chi | 21/09/2021, 10:10

Thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong việc hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)ổn định sản xuất, nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo.

Nhiều biện pháp hỗ trợ đồng bào DTTS trên địa bàn

Toàn tỉnh Phú Thọ có 13 huyện, thành, thị, trong đó có 10 huyện miền núi với 218/277 xã, thị trấn là miền núi, với 50 dân tộc cùng chung sống. Đồng bào DTTS có gần 250 nghìn người, chiếm 17% dân số toàn tỉnh, phân bố chủ yếu ở địa bàn các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, Đoan Hùng, Thanh Thủy...

Trong 5 năm qua, tỉnh Phú Thọ đã huy động hơn 681 tỷ đồng đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tỉnh đầu tư xây dựng mới 611 công trình đường giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, trường học, trạm y tế; huy động hơn 149 tỷ đồng thực hiện nhiều dự án nông, lâm nghiệp, khuyến nông, khuyến lâm; hỗ trợ máy móc, thiết bị, nhân rộng mô hình giảm nghèo. Từ nguồn vốn huy động, tỉnh đầu tư xây mới năm công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, hỗ trợ các công trình cấp nước phân tán cho 11.448 hộ; hỗ trợ đất sản xuất cho 333 hộ đồng bào dân tộc thiểu số…

Ứng dụng CNTT trong việc truyền thanh cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Phú Thọ - Ảnh 1.

Phú Thọ đã tận dụng các ưu thế tự nhiên để khai thác du lịch, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. (Ảnh: TTV).

Ðể tiếp tục triển khai đồng bộ, lồng ghép các nguồn lực để giảm nghèo bền vững đối với vùng dân tộc và miền núi, thời gian tới, tỉnh tập trung nâng cấp, mở rộng tuyến đường giao thông kết nối các vùng sản xuất hàng hóa, trung tâm các xã, thôn, bản; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe người dân; nâng cao trình độ y, bác sĩ tuyến huyện, xã và cán bộ y tế thôn, bản, trong đó chú trọng y tế dự phòng. Tỉnh tiếp tục xây dựng chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tạo cơ hội bình đẳng để đồng bào tiếp cận nguồn lực phát triển và thụ hưởng dịch vụ, phúc lợi xã hội... Tỉnh phấn đấu đến năm 2024, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tăng gấp 1,8 lần so với hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm 4% đến 5%, giảm 30% số xã đặc biệt khó khăn, 50% số thôn đặc biệt khó khăn so với hiện nay.

Bởi thế, bộ mặt nông thôn miền núi Phú Thọ đã có nhiều đổi mới và khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc ngày càng được cải thiện. Cơ sở hạ tầng được tăng cường, hệ thống chính trị, trình độ đội ngũ cán bộ không ngừng củng cố và nâng lên. Bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc được gìn giữ và phát huy. Trình độ dân trí được nâng lên, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường được duy trì ở mức cao. Công tác chăm sóc sức khỏe được quan tâm, người dân thuộc hộ nghèo và người DTTS ở vùng khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế và khám, chữa bệnh miễn phí...

Ông Đinh Ngọc Thanh - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ, cho biết: Thời gian tới, Ban Dân tộc tiếp tục tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung vào việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025; Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 tại Nghị quyết 120/2020/QH14. Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, tập trung mọi nguồn lực, ưu tiên đầu tư cho vùng DTTS và miền núi, với mục tiêu thoát nghèo bền vững, tuyên truyền vận động người dân vươn lên làm giàu chính đáng.

Để thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm lo cho đồng bào DTTS giai đoạn tới, giải pháp trọng tâm là ưu tiên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, tăng cường sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, ổn định dân cư và đảm bảo môi trường sống vùng DTTS.

Ứng dụng công nghệ số vào hoạt động của đài truyền thanh cơ sở

Những năm qua, hệ thống truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã phát huy tốt vai trò, chuyển tải kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và của tỉnh đến nhân dân, trong đó, có đồng bào DTTS. Qua đài truyền thanh cơ sở, người dân, nhất là đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa tiếp cận các thông tin chính thống về kinh tế, văn hóa - xã hội, góp phần quan trọng trong việc ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc truyền thanh cho đồng bào Dân tộc thiểu số tại Phú Thọ - Ảnh 2.

Cài đặt lịch phát tự động của đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT thông qua máy tính hoặc điện thoại kết nối internet. (Ảnh: https://phutho.gov.vn)

Tuy nhiên, hiện nay trên 95% số đài truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh là đài FM và có dây. Loại hình này vẫn còn nhiều hạn chế như: Bị chi phối bởi địa hình, dễ hỏng hóc, khó sửa chữa, bảo dưỡng; vùng phát thanh bị giới hạn; không lắp đặt được các cụm loa ở vùng sâu vùng xa; chất lượng âm thanh không ổn định, lẫn tạp âm, chịu ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết… Bởi vậy, các cán bộ cơ sở đã có nhiều sáng kiến để việc truyền tải qua hệ thống phát thanh hiệu quả hơn từ việc áp dụng ứng dụng CNTT.

Tại Đài Truyền thanh xã Cao Xá, huyện Lâm Thao, chỉ cần 1 chiếc máy tính hoặc điện thoại thông minh kết nối internet là các cán bộ có thể cài đặt lịch phát tự động cho Đài truyền thanh xã dù ở bất cứ vị trí nào. Việc thao tác, thực hiện cũng rất đơn giản.

Hiện vận hành hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT-VT với các thiết bị kỹ thuật gồm:1 máy tính được cài đặt phần mềm quản lý hệ thống; 13 cụm loa; bộ thu phát sóng lắp sim 4G, hệ thống chuyển đổi và số hóa… So với hệ thống đài hữu tuyến trước kia thì loại hình truyền thanh thông minh này có nhiều ưu điểm vượt trội như: Không cần dây dẫn, gọn nhẹ, dễ điều khiển vận hành thiết bị. Hơn thế, chất lượng âm thanh trong trẻo rõ ràng, không nhại tiếng, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Việc tạo lập, kiểm soát, thu âm phát thanh từng bản tin trở nên dễ dàng, nhanh chóng nhờ thiết bị sử dụng công nghệ chuyển đổi văn bản thành giọng nói nền tảng trí tuệ nhân tạo. Qua đó giúp các cán bộ tiết kiệm thời gian, công sức trong vận hành đài.

Nếu xảy ra sự cố hỏng hóc, hệ thống sẽ gửi thông báo về máy tính. Nhờ đó, có thể ngồi một chỗ để kiểm tra, kiểm soát hiện trạng cơ sở vật chất, thay vì phải đến tận nơi như trước đây. Thực sự hệ thống truyền thanh thông minh đã giảm tải nhiều công việc cho cán bộ xã.

Không giới hạn khoảng cách truyền tín hiệu âm thanh; ứng dụng công nghệ số để sản xuất, lưu trữ và quản lý chương trình phát thanh; sử dụng trí tuệ nhân tạo trong một số khâu như chuyển đổi bản tin giấy sang giọng nói, dịch tự động tiếng Việt sang tiếng các dân tộc thiểu số… - Đó là những ưu điểm nổi bật của thiết bị truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (CNTT-VT), hay còn gọi là truyền thanh thông minh.

Việc đưa hệ thống đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT với những tính năng hiện đại vào sử dụng đã giúp giảm thiểu hạn chế trong công tác thông tin tuyên truyền tại cơ sở, góp phần từng bước chuyển đổi số hệ thống đài truyền thanh cơ sở.Tuy nhiên, do đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT sử dụng công nghệ mới, nhiều cán bộ đài truyền thanh cơ sở tuổi đã cao, trình độ còn hạn chế nên quá trình vận hành cũng gặp những khó khăn nhất định. Bởi vậy thời gian tới cần tăng cường công tác tập huấn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ vận hành đài nói chung và đài truyền thanh thông minh nói riêng. Từ đó nâng cao chất lượng hoạt động của đài truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh.

Ứng dụng CNTT trong việc truyền thanh cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Phú Thọ - Ảnh 3.

Loa truyền thanh thông minh tại xã Hanh Cù, huyện Thanh Ba. (Ảnh: phutho.gov.vn)

Có thể nói, tuy vẫn còn nhiều khó khăn khi kinh tế vùng đồng bào DTTS và miền núi phát triển chưa thực sự bền vững, sự chênh lệch khoảng cách về mức sống giữa các dân tộc, các vùng miền trên địa bàn tỉnh còn lớn… song với quyết tâm mới, khí thế mới, sẽ mở ra sự phát triển mới cho vùng DTTS và miền núi Phú Thọ thời gian tới.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO