Phát triển kinh tế số: Cần “chiếc áo” thể chế đủ rộng

02/10/2021, 11:37

Các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dựa trên nguyên tắc dùng các quy định của pháp luật hiện hành cộng thêm các ngoại lệ đặc thù để điều chỉnh, quản lý một số mô hình kinh doanh mới.

Chưa theo kịp khoa học công nghệ

Thực tế tại Việt Nam, ngoài những bộ luật truyền thống, hiện nay đã có khá nhiều văn bản pháp luật từng bước được ban hành để điều chỉnh quan hệ của các chủ thể tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư như: Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Luật Công nghệ thông tin năm 2006, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật An ninh mạng năm 2018.

Tuy nhiên theo PGS-TS. Trần Văn Nam - Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, khung pháp lý hiện nay cũng bộc lộ một số bất cập, thiếu đồng bộ giữa các văn bản pháp luật, còn có khoảng cách giữa quy định pháp luật với việc thực thi trong thực tế. Các quy định thường không theo kịp với tốc độ số hóa nhanh chóng của nền kinh tế.

Cần hoàn thiện khung pháp lý để phát triển kinh tế số

Đơn cử như trong lĩnh vực ngân hàng, không nhà băng nào có thể đứng ngoài cuộc đua chuyển đổi số hay ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0 như Big Data, AI, Opne API… nếu muốn nâng cao năng lực cạnh tranh. Những thành tựu này cho phép ngân hàng có thể tiếp thị, phân phối và đa dạng hóa các dịch vụ, đáp ứng chính xác nhu cầu của từng khách hàng riêng lẻ. Nó cũng giúp cho các ngân hàng có thể thực hành quản trị rủi ro tốt hơn, từ quản trị rủi ro tín dụng truyền thống đến những loại rủi ro thị trường phức tạp khác. Tuy nhiên, đến nay hành lang pháp lý liên quan đến vấn đề này đến nay vẫn chưa hoàn thiện.

Hay như Luật Giao dịch điện tử năm 2005, rõ ràng giờ đây luật này không còn là một “chiếc áo” đủ rộng cho ngành Ngân hàng. Cụ thể, quy định hiện tại chưa rõ ràng về giá trị pháp lý, giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu; chưa rõ ràng về tính pháp lý và trường hợp áp dụng chữ ký điện tử, đồng thời thiếu quy định về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử.

Việc quản lý thông tin người dùng cũng chưa được thể chế hoá đồng bộ. Tuy Việt Nam đã ban hành Luật An ninh mạng và chính thức có hiệu lực từ 1/1/2019, nhưng chưa có nghị định chi tiết về bảo vệ dữ liệu cá nhân, nên thực tế chưa hướng tới thực hiện triệt để quy định “thông tin người dùng Việt Nam chỉ được tồn tại trong lãnh thổ Việt Nam”.

TS. Lưu Hương Ly - Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp cũng đề cập đến việc Luật Giao dịch điện tử năm 2005 chưa có quy định về việc giao kết và thực hiện hợp đồng thông qua việc sử dụng hệ thống thông tin tự động, mà mới chỉ quy định khái niệm giao dịch điện tử tự động. Quy định cũng chưa làm rõ giá trị pháp lý cũng như trách nhiệm của các bên khi tham gia vào các giao dịch điện tử tự động.

Trong khi đó, với những ưu điểm như bảo đảm tính minh bạch, sự tin cậy, chắc chắn trong thực thi và giảm chi phí giao dịch, hợp đồng thông minh được coi là có tiềm năng phát triển rất lớn và hiện đang rất được quan tâm.

Ông Đoàn Tử Tích Phước - Giám đốc văn phòng đại diện miền Bắc của Ví MoMo nêu vấn đề, đại dịch Covid-19 đã đặt ra nhiều câu hỏi cho doanh nghiệp khi phải làm việc nhiều hơn trên không gian số. Đơn cử như việc xử lý kỷ luật lao động có thể làm online được không? Bởi hiện Luật Lao động vẫn chưa có cơ chế rõ ràng. Hay như việc tổ chức đại hội cổ đông có làm online được không, đến nay cũng chưa có câu trả lời rõ ràng, đặt ra rủi ro cho doanh nghiệp.

Cần những ngoại lệ đặc thù

Ông Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cũng cho rằng, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để theo kịp sự vận động của khoa học công nghệ là điều cần thiết, nhưng thực chất không phải sáng tạo ra một hệ thống pháp luật mới, hoàn toàn đối lập với nền tảng pháp luật hiện nay mà phải dùng các quy định của pháp luật hiện hành cộng thêm các ngoại lệ đặc thù để điều chỉnh, quản lý một số mô hình kinh doanh mới. Bên cạnh đó, quan trọng nhất vẫn là việc áp dụng pháp luật như thế nào. Điều này đòi hỏi người áp dụng và thi hành phải hiểu về công nghệ và các đặc thù của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư để có biện pháp xử lý phù hợp. Đồng thời, cần kết hợp giữa ba bên: Nhà quản lý, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp để thúc đẩy việc hoàn thiện khung pháp luật.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cần có quy định và cơ chế phù hợp để điều chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tương thích với nền kinh tế số như: xây dựng luật văn bản điện tử, chữ ký số, cấp giấy phép từ cơ quan quản lý. Nhà nước cần mạnh dạn chấp nhận các mô hình kinh doanh mới và các công nghệ mới bằng cách tiếp cận mới trong quản lý mà nhiều nước áp dụng.

TS. Lưu Hương Ly cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Theo đó cần bổ sung quy định về suy đoán về năng lực chủ thể của các bên tham gia giao dịch điện tử trong Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) để giảm nhẹ trách nhiệm chứng minh của các bên về hiệu lực của giao dịch khi phát sinh tranh chấp.

Ngoài ra cần quy định rõ chữ ký điện tử an toàn là chữ ký số hoặc chữ ký do các bên thoả thuận và đáp ứng các điều kiện nhất định. Chữ ký điện tử an toàn có giá trị chứng cứ (các bên không phải chứng minh tính xác thực và tính toàn vẹn của chữ ký điện tử an toàn), trừ trường hợp có chứng cứ chứng minh ngược lại. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển các giao dịch điện tử, khi hai bên có thể không gặp nhau.

Đồng thời, việc ban hành Luật Bảo vệ thông tin cá nhân cần được xem là một ưu tiên trong thời gian tới. Hiện Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo nghị định quy định về việc bảo vệ dữ liệu cá nhân để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi và dự kiến sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay. Các chuyên gia kỳ vọng, nghị định này khi được ban hành sẽ góp phần quan trọng ngăn chặn tình trạng dữ liệu cá nhân bị đánh cắp và mua bán phức tạp như hiện nay.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO