Dự thảo quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Thông tin và Truyền thông lấy ý kiến đã đưa ra 4 kịch bản dự báo cho sự tăng trưởng phát triển hạ tầng thị trường điện toán đám mây của Việt Nam.
Các kịch bản dự báo được dựa trên phương pháp tiếp cận theo hàm mục tiêu cao, định hướng thu hút các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng và vận hành trung tâm dữ liệu quốc tế tại Việt Nam, xây dựng Digital Hub để đưa Việt Nam trở thành Digital Hub của khu vực.
Hiện nay, kinh tế số hiện đang chiếm 15% GDP toàn cầu. Kinh tế số của Việt Nam khoảng 10% và mục tiêu đạt 20% vào năm 2025. Để đạt mục tiêu này thì kinh tế số phải tăng trưởng gấp 3- 4 lần tăng trưởng GDP, tức là khoảng 20- 25%/năm.
Nếu tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 30%/năm như giai đoạn 2015- 2020 thì kinh tế số Việt Nam có thể chiếm tới 25% GDP vào năm 2025. Để phát triển kinh tế số và xã hội số cần một hạ tầng số hiện đại. Ngành Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu hạ tầng số Việt Nam sẽ vào top 30 thế giới trước năm 2025.
Phương pháp dự báo theo các kịch bản phát triển sử dụng chuỗi dữ liệu về tổng doanh thu thị trường điện toán đám mây, phân tích quy mô thị trường, xu hướng khu vực cũng như thế giới đã và đang xảy ra để dự báo mô hình phát triển cho tương lai, đồng thời lồng ghép các mục tiêu phát triển kinh tế số, xã hội số và các mục tiêu đảm bảo an ninh, quốc phòng trong các kịch bản dự báo.
Kịch bản thứ nhất, thị trường điện toán đám mây Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tuần tự. Việt Nam nằm trong top 50 quốc gia trên thế giới có mức độ phát triển thông tin và truyền thông cao khi so sánh về tỷ lệ đóng góp của thị trường điện toán đám mây theo GDP.
Hướng tới mục tiêu năm 2025 tổng doanh thu điện toán đám mây đạt 653 triệu USD. Tổng số rack (tủ chứa các thiết bị mạng) cần lắp đặt đến năm 2025 khoảng 46.600 rack. Tương ứng với đó, nhu cầu băng thông truyền dẫn trong nước cần ít nhất 17.000 Gbps.
Kịch bản thứ hai, ứng dụng số sẽ diễn ra phổ biến trong toàn bộ dân số và các ngành công nghiệp, tạo ra thị trường chuyển đổi số tăng trưởng toàn diện. Việt Nam nằm trong top 30 quốc gia trên thế giới có mức độ phát triển thông tin truyền thông cao khi so sánh về tỷ lệ đóng góp của thị trường điện toán đám mây theo GDP. Hướng tới mục tiêu năm 2025 tổng doanh thu điện toán đám mây đạt 1,1 tỷ USD. Tổng số rack cần lắp đặt đến năm 2025 khoảng 80.000 rack. Tương ứng, nhu cầu băng thông trong nước cần ít nhất 22.000 Gbps.
Kịch bản thứ ba, ứng dụng số diễn ra mạnh mẽ ở tất cả các ngành, lĩnh vực, tạo ra thị trường chuyển đổi số tăng trưởng mạnh. Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia trên thế giới về mức độ đóng góp của thị trường điện toán đám mây trên GDP. Mục tiêu năm 2025 tổng doanh thu điện toán đám mây đạt 4,3 tỷ USD. Tổng số rack cần lắp đặt đến năm 2025 đạt 327.000 rack. Nhu cầu băng thông trong nước tại kịch bản này cần ít nhất 62.000 Gbps.
Kịch bản thứ tư, ứng dụng số diễn ra mạnh mẽ ở tất cả các ngành, lĩnh vực, tạo ra thị trường chuyển đổi số tăng trưởng mạnh. Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia trên thế giới về mức độ đóng góp của thị trường điện toán đám mây trên GDP với mục tiêu Việt Nam phấn đấu trở thành Digital Hub của khu vực.
Tổng doanh thu điện toán đám mây năm 2025 đạt 4,7 tỷ USD. Theo kịch bản này, tổng số rack cần lắp đặt đến năm 2025 khoảng 335.000 rack. Nhu cầu băng thông trong nước trong nước cho kịch bản này dự báo tương đương như kịch bản 3.
Theo thống kê, thị trường điện toán đám mây Việt Nam cuối năm 2020 đạt khoảng 200 triệu USD với tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 đạt 20,67%.