Chỉ mất tối đa 10 giây để khai báo y tế
"Mắt thần thông minh" (Cli-SmartEyes) do PGS.TS Phạm Hồng Quang, Trung tâm Tin học và Tính toán, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam và đội ngũ 20 kĩ sư nghiên cứu, chế tạo từ cuối năm 2020.
CLi-SmartEyes thiết kế nhỏ bằng lòng bàn tay, bên trong tích hợp bộ vi xử lý, camera, cảm biến (censor) nhiệt độ bằng hồng ngoại, phần mềm nhận dạng khuôn mặt và QR Code. Mặt ngoài thiết bị có màn hình hiển thị, chuông báo để cảnh báo khi có trường hợp ốm, sốt.
Theo đơn vị thiết kế, thiết bị có thể gắn ở cửa ra vào các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, khu công nghiệp, bệnh viện, trường học, bến tàu xe, khu chung cư... để kiểm soát thông tin dịch tễ của người ra vào.
Quy trình đo trong khoảng 10 giây, thực hiện 5 bước. Bước 1, người dân đứng trước thiết bị, giơ tay gần cảm biến để khởi động thiết bị. Bước 2, người dùng bật ứng dụng y tế trên điện thoại thông minh để quét QR Code. Bước 3, người đo dí trán cách cảm biến nhiệt độ khoảng 4 cm. Bước 4, người dùng tháo khẩu trang cách camera 30 cm để chụp khuôn mặt. Bước 5, kết quả hiện rên màn hình, nếu nhiệt độ cao chuông cảnh báo sẽ vang lên.
Tất cả dữ liệu thu được sẽ kết nối đến trung tâm dữ liệu của Bộ Y tế để đảm bảo thông tin không bị rò rỉ. Đặc biệt, để bảo đảm xác thực của khai báo y tế qua mã QR cá nhân, CLi-SmartEyes còn sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhận diện khuôn mặt nhằm phát hiện các trường hợp không trung thực, sử dụng mã QR của người khác để lưu thông.
Ngoài ra, CLi-SmartEyes cũng có thể gắn thêm cảm biến đo nồng độ oxy trong máu chỉ trong vài chục giây. Các dữ liệu về nhịp tim, nhịp thở, lượng oxy được hiển thị cảnh báo nếu người đo có dấu hiệu ốm, sốt.
Thay người trực chốt
Theo nhóm nghiên cứu, việc tích hợp modul đọc token điện tử không tiếp xúc chứa mã QR Code giảm thời gian kiểm soát, thích ứng nơi có lượng người đo lớn.
Qua ghi nhận, nhiều người đi chợ, đi mua hàng không mang điện thoại, có điện thoại thì lại không phải điện thoại thông minh, một số người khác đưa mã QR Code không phải của địa điểm đó dẫn tới mất đi ý nghĩa của quét mã y tế. Chính vì thế việc thiết kế ra CLi-SmartEyes là cần thiết.
Theo GS.TS Phạm Hồng Quang, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, việc kiểm soát xã hội qua truy vết phải đảm bảo người quét đúng chưa, người kiểm soát nắm được thông tin cơ bản người ra vào. Ngoài ra, nhiều người dân bối rối vì nhiều ứng dụng hoặc nhiều công đoạn nên không muốn sử dụng. Khoảng 70, 80% người dân quét mã QR Code không đảm bảo, không thể truy vết nếu có sự việc không may xảy ra.
"Sân bay, bến xe có thể thông báo truy vết qua báo chí nhưng cửa hàng, chợ tạm thì rất khó cho lực lượng chức năng. Công nghệ không có ý nghĩa nếu như người dân không thực sự làm đúng, làm chính xác việc quét mã QR Code, đo thân nhiệt. Hệ thống tự động có ý nghĩa khi mọi người dân tự nguyện, có ý thức chấp hành", ông Quang chia sẻ.
Theo PGS.TS. Phạm Hồng Quang, CLi-SmartEyes có nhiều ích lợi. Thứ nhất, người quét mã có dấu hiệu ốm, sốt thì chuông cảnh báo sẽ kêu lên. Thứ hai, người giám sát có thể kiểm soát được tất cả người ra vào ngẫu nhiên tạo phản ứng xã hội, nâng cao ý thức người dân. Thứ ba, đội phản ứng nhanh phụ trách khu vực sẽ nhận được thông báo về trường hợp ốm, sốt để có phương án xử lý kịp thời. Thông tin như tên tuổi, vị trí, tình trạng sức khỏe cơ bản hoàn toàn được bảo mật.
"Thiết bị nhỏ gọn, chi phí phải chăng (5 triệu đồng), tích hợp nhiều tính năng, kết nối đồng bộ với Bộ Y tế… Nó có thể thay thế khoảng 6,5 triệu người phụ trách kiểm tra thân nhiệt, QR Code như ước tính của Bộ Y tế", ông Quang nhấn mạnh.
Tuy vậy, anh Bình (Hà Nội) chia sẻ: "Nếu máy lắp đặt ở ngoài trời thì sẽ bị ảnh hưởng bởi ánh nắng, việc đo nhiệt độ cơ thể không được chính xác. Nhiều lúc quét mã QR Code trên điện thoại mất nhiều thời gian do wifi chập chờn".
Nhiều chuyên gia cũng chỉ ra vấn đề duy nhất đối với QR code là tính không bảo mật. Việc đo nhiệt độ bằng hồng ngoại, độ chính xác phụ thuộc vào khoảng cách, mức độ nhiễu nhiệt nền và môi trường xung quanh.
Hiện, đơn vị thực hiện dự án đã tiếp nhận những phản hồi thực tế và bổ sung thêm công cụ che chắn, hạn chế tia nắng chiếu vào đảm bảo đo nhiệt độ chính xác, tránh cảnh báo sai. Ngoài ra, nhà sản xuất cũng hướng dẫn người quản lý "mắt thần thông minh" lắp đặt bộ phát wifi để đảm bảo đường truyền và chỉ dẫn người dân khai báo mã QR khác trong môi trường mạng yếu.
Thiết bị còn có thể nâng cấp thành máy kiểm soát hành trình trên xe khách, xe tải khi bổ sung tính năng hiển thị tốc độ, GPS…