NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BÁO CHÍ Ở ĐỊA PHƯƠNG
Sở Thông tin và Truyền thông Hà Tĩnh
1. Những giá trị tích cực từ Luật Báo chí 2016
Quốc hội ban hành Luật Báo chí năm 2016 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017) có thể nói là một sự chuyển biến lớn trong việc xác lập hành lang pháp lý phù hợp với công tác quản lý nhà nước về báo chí trong xu hướng phát của báo chí hiện đại, đồng thời tạo điều kiện để hoạt động quản lý báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển; cùng với các văn bản hướng dẫn đã tạo ra một không gian mới về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí được đảm bảo; cơ bản đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn và đòi hỏi trong xu hướng phát triển chung của báo chí cách mạng Việt Nam..
Sau khi Quốc hội ban hành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã kịp thời triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật một cách rộng rãi với sự vào cuộc của Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh, bản thân cơ quan báo chí, các Chi hội nhà báo .v.v. với nhiều hình thức phù hợp với thực tiễn hoạt động báo chí tại địa phương. Việc tuyên truyền, phổ biến đã góp phần rất lớn vào quá trình triển khai, áp dụng Luật Báo chí trong công tác quản lý nhà nước trong tình hình mới.
Nhìn chung, Luật Báo chí năm 2016 đã có nhiều điểm tích cực và cập nhật hơn rất nhiều so với Luật Báo chí cũng như các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động báo chí và quản lý nhà nước về báo chí trước đó. Vừa tạo điều kiện thúc đẩy báo chí phát triển, xây dựng môi trường báo chí chuyên nghiệp trong xu hướng phát triển chung của báo chí hiện đại.
2. Một số tồn tại, hạn chế, vướng mắc
Mặc dù Luật Báo chí 2016 đã tạo và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, trong thực tiễn, vẫn còn không ít bất cập. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những bất cập đó, trong đó phải kể đến sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại, và nhu cầu của bản thân người làm báo, người thụ hưởng sản phẩm báo chí .v.v. đã đặt ra những vấn đề lớn, những đòi hỏi vượt lên trên cả các giá trị vừa được xác lập. Trong khi đó, một số nội dung được quy định tại Luật Báo chí đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn cho nên đã dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện Luật Báo chí tại địa phương.
Từ thực tiễn, chúng tôi đưa ra nội dung trao đổi một số vấn đề đặt ra trong định hướng quản lý báo chí:
Thứ nhất, cơ chế quản lý hoạt động theo tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí
Cơ chế quản lý hoạt động báo chí theo tôn chỉ mục đích hiện nay là phù hợp, qua đó để các cơ quan báo chí thực hiện đúng quy định của pháp luật, các tạp chí hoạt động đúng tính chất chuyên sâu, chuyên ngành; tránh tình trạng lợi dụng danh nghĩa báo chí để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh việc quản lý báo chí theo tôn chỉ mục đích cần quan tâm quy định rõ hơn về loại hình báo chí trong đó quy định chặt chẽ tỉ lệ về nội dung, thể loại mà các tạp chí chuyên ngành, tạp chí của các đơn vị nghiên cứu khoa học được đăng tải. Cụ thể như việc tạp chí chuyên ngành có được đăng tải các bài viết phản ánh về sai phạm, điều tra theo đơn thư, phản ánh của bạn đọc hay không?.
Thứ hai, về đối tượng, điều kiện thành lập cơ quan báo chí theo quy định của Luật báo chí
Đối tượng thành lập cơ quan báo chí như Luật Báo chí 2016 quy định thì nó sẽ rất rộng và thiếu điều kiện đảm bảo tính bền vững của cơ quan báo chí. Nên thu hẹp để nhất quán giữa Luật Báo chí và quy hoạch phát triển, quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 362/QĐ- TTg ngày 3/4/2019, đảm bảo việc thành lập cơ quan báo chí được thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Luật chưa quy định rõ Tạp chí điện tử, Tạp chí in, báo điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan báo chí, trong đó đặc biệt là đối với Tạp chí điện tử. Chưa có điều khoản riêng, quy định rõ về kỳ xuất bản, thời gian cập nhật tin, bài đối với Tạp chí điện tử…
Thứ ba, quan điểm định hướng xây dựng, ban hành cơ chế chính sách quản lý nhà nước đối với mô hình truyền thông mới
Luật Báo chí năm 2016 chưa đề cập đến một số mô hình cơ quan báo chí mới (tổ hợp truyền thông, tòa soạn hội tụ, cơ quan truyền thông….), chưa có trong tiền lệ, cần được cụ thể hóa trong Luật Báo chí để cập nhật và phù hợp với xu thế phát triển của báo chí.
Hiện nay tại một số địa phương trong đó có Quảng Ninh, đài Truyền thanh và Truyền hình cấp huyện đã chuyển sang mô hình Trung tâm Truyền thông và Văn hoá hoặc Trung tâm Truyền thông Thể thao và Văn hoá, do đó các phóng viên, biên tập viên đang công tác tại các đơn vị này không thuộc đối tượng quy định được cấp đổi thẻ nhà báo theo Điều 26 Luật Báo chí năm 2016.
Hiện nay, một số cơ quan báo chí nước ta thuộc loại hình đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, nhiều cơ quan tạp chí (thuộc tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, viện nghiên cứu,...) không thuộc loại hình này, do vậy cần điều chỉnh Luật phù hợp với tình hình thực tế của các cơ quan báo chí.
Thứ tư, vấn đề tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí là rất rộng, nội hàm bao trùm
Tình trạng các cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích đã và đang phổ biến hiện nay. Các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương trong tỉnh thường xuyên nhận được văn bản đề nghị cung cấp thông tin, giấy giới thiệu giới thiệu phóng viên đến tìm hiểu các vấn đề, nội dung không phù hợp với tôn chỉ mục đích theo lĩnh vực chuyên ngành của cơ quan báo chí. Nguyên nhân ở đây là tôn chỉ mục đích của một số cơ quan báo chí được cấp phép không có giới hạn, còn bao trùm lên tất cả các lĩnh vực như “thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước”, cần được quy định cụ thể, rõ ràng để thực thi có hiệu quả vấn đề tôn chỉ mục đích trong hoạt động của các cơ quan báo chí.
Thứ năm, quy định về văn phòng đại diện, phóng viên thường trú chưa có khung giới hạn
Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú được quy định tại Điều 22 Luật Báo chí đã đề cập đến điều kiện và hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, song thực tế triển khai đã nhận ra những bất cập như: Chưa có quy định giới hạn số lượng văn phòng đại diện, phóng viên thường trú hoặc quy mô cơ quan báo chí như thế nào thì được thành lập bao nhiêu văn phòng đại diện; chưa có quy định cụ thể dẫn đến tình trạng một người làm trưởng văn phòng của nhiều văn phòng đại diện khác nhau, hoặc thường xuyên không có mặt tại văn phòng đại diện[1]; mô hình văn phòng đại diện không thống nhất, nơi thì đại diện tại một địa phương, nơi thì đại diện khu vực gồm nhiều tỉnh thành, vấn đề phóng viên trực thuộc Văn phòng đại diện cũng thiếu căn cứ điều chỉnh[2]. - Tình trạng văn phòng đại diện, phóng viên thường trú hoạt động gây bức xúc cho địa phương, doanh nghiệp nguyên nhân là do một số cơ quan báo chí buông lỏng quản lý, thiếu kiểm soát để một bộ phận nhà báo, phóng viên, cộng tác viên không thực chất hoạt động nghiệp vụ, lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi; tạo sức ép về làm kinh tế, thậm chí là giao, khoán chỉ tiêu doanh thu, quảng cáo cho văn phòng đại diện, nhà báo, phóng viên, cộng tác viên.
Thứ sau, vấn đề về điều kiện, tiêu chuẩn được cấp thẻ nhà báo
Tại Điều 27 Luật Báo chí quy định về điều kiện, tiêu chuẩn được xét cấp thẻ nhà báo đã có đổi mới, một số yêu cầu đơn giản hơn trước đây. Trước đây yêu cầu từ yêu cầu 03 năm công tác và phải có hợp đồng dài hạn tại cơ quan báo chí xuống còn 02 năm công tác liên tục tại cơ quan báo chí. Song chưa có quy định yêu cầu về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp báo chí cho người làm báo trước khi cấp thẻ nhà báo lần đầu.
Thời gian gần đây, một bộ phận nhà báo, phóng viên thiếu tu dưỡng đạo đức, rèn luyện bản lĩnh chính trị; hoạt động thiếu chuẩn mực, ảnh hưởng đến hoạt động hợp pháp và gây bức xúc cho cơ quan, doanh nghiệp, địa phương; vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trái quy định pháp luật, thậm chí bị xử lý hình sự. Và khi vi phạm pháp luật thì cũng chưa có quy định thu hồi và cấm hoạt động báo chí vĩnh viễn hoặc bao nhiêu năm đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, bị xử lý hình sự.
3. Đề xuất kiến nghị
- Với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Kiến nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí đảm bảo bao quát hơn, nâng cao hiệu lực QLNN lĩnh vực thông tin và truyền thông trong tình hình công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ. Đồng thời tăng cường giám sát việc thực thi Luật Báo chí và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
- Đối với Chính phủ: đề nghị chỉ đạo tổng kết việc thi hành Luật Báo chí và triển khai Quy hoạch báo chí, trên cơ sở đó đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí và các luật có liên quan.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách phát triển báo chí phù hợp với xu thế phát triển khoa học, công nghệ và thông tin, truyền thông hiện đại, tạo điều kiện cho báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả.
- Đối với Bộ Thông tin và Truyền thông: Cần tiếp tục tổng kết, đánh giá, tham mưu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về báo chí cho phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho hoạt động báo chí, nâng cao hiệu quả QLNN về báo chí; sớm tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Báo chí năm 2016; triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 ban hành theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ; sớm ban hành văn bản quy định về phạm vi hoạt động của các tạp chí để không xảy ra tình trạng “báo hóa tạp chí” theo hướng: Tần suất cung cấp thông tin: Có định kỳ theo giấy phép (01 số/tháng hoặc 02 số/tháng…); không cập nhật thông tin hằng ngày (kể cả các tạp chí điện tử). Phạm vi nội dung hoạt động: Chỉ được cung cấp thông tin, tuyên truyền thuộc phạm vi trực tiếp của ngành, lĩnh vực; không thực hiện hoạt động tìm hiểu, điều tra.
- Đối với cơ quan chủ quan, Ban Biên tập các báo: Các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí phối hợp với các địa phương trong việc quản lý các VPĐD, PVTT, cộng tác viên bằng việc thiết lập các kênh liên lạc; kịp thời thông báo với địa phương nếu có những thay đổi, điều chỉnh đội ngũ phóng viên; các địa phương thông báo tình hình hoạt động của VPĐD, PVTT, cộng tác viên trên địa bàn với các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí để phối hợp xử lý các vấn đề nếu có.
Phối hợp xây dựng quy định về việc tiếp nhận phóng viên, cộng tác viên đối với các cơ quan báo chí về chuyên môn nghiệp vụ báo chí, đạo đức nghề nghiệp để tránh tình trạng một số cơ quan báo chí tiếp nhận phóng viên đã vi phạm kỷ luật ở báo khác về tiếp tục cử làm Trưởng đại diện, thường trú ở địa phương.
Phối hợp tổ chức các Hội nghị, Hội thảo; mở các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là nâng cao trình độ lý luận cho đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ phóng viên, biên tập viên của các các quan báo chí, chú trọng đội ngũ các VPĐD, PVTT nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Các cơ quan cần phối hợp có hướng dẫn VPĐD về việc sử dụng cộng tác viên; có được trực tiếp tuyển cộng tác viên hay không, được sử dụng cộng tác viên trong trường hợp nào.
Tăng cường phối hợp xử lý phản hồi báo chí, cải chính trên báo chí; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động báo chí đối với phóng viên.
Trên đây là một số nội dung trao đổi, chia sẻ và kiến nghị với các cơ quan chức năng của Bộ, các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí để cùng nhau tháo gỡ các tồn tại, khó khăn góp phần chấn chỉnh, xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam vững mạnh, hòa nhịp cùng sự phát triển của đất nước.
Xin trân trọng cảm ơn!
[1] Hiện nay có tình trạng một số tạp chí khoa học nhưng mở quá nhiều văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú không cần thiết cho hoạt động nghiên cứu, thông tin khoa học mà tập trung khai thác những vấn đề tiêu cực, bất cập của địa phương.
[2] Nhiều văn phòng đại diện chỉ có Trưởng văn phòng có thẻ nhà báo, còn lại phóng viên thuộc văn phòng là nhân viên quảng cáo hoặc cơ quan báo chí ký với các cá nhân không có chuyên môn, nghiệp vụ về báo chí làm cộng tác viên, không đáp ứng được yêu cầu về năng lực và trình độ của người làm báo