SỬA ĐỔI LUẬT BÁO CHÍ ĐỂ BẢO ĐẢM TỐI ĐA QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN TRÊN BÁO CHÍ CỦA CÔNG DÂN
TS. Nguyễn Thị Hằng Thu
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
1. Luật Báo chí quy định về quyền tự do ngôn luận (TDNL) trên báo chí của công dân
Báo chí Việt Nam, bắt đầu từ Gia Định báo (1865) cho đến nay đã trải qua 158 năm, trong đó, báo chí Việt Nam thống nhất từ năm 1975 cho đến nay là 48 năm. Thực tiễn báo chí đã chỉ ra rằng, dù ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, báo chí cũng được coi là công cụ đắc lực để bảo vệ quyền và lợi ích tối cao của đất nước; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; là diễn đàn để công dân thực hiện quyền TDNL. Hoạt động báo chí phải tuân thủ theo quy định của pháp luật và quy ước xã hội. Tuy nhiên, qua mỗi thời kỳ lịch sử, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội có những thay đổi nhất định, do đó, để tránh tình trạng “luật khung”, “luật ống” cứng nhắc, Luật Báo chí cũng phải luôn được chỉnh lý cho phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới của báo chí, bảo đảm tối đa quyền tự do ngôn luận (TDNL) trên báo chí của công dân.
Trong tham luận này, chúng tôi chỉ tiếp cận Luật Báo chí do nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Quốc gia được thế giới chính thức công nhận tư cách pháp nhân với Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy, chủ quyền lãnh thổ), ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục.
1.1. Những văn bản Luật Báo chí trước năm 2016
Trên thế giới, Luật Báo chí (press law) là thuật ngữ để chỉ một loại văn bản quy phạm pháp luật dùng để thực hiện quản lý nhà nước về báo chí (cùng với các luật khác, như: Luật Xuất bản, Luật Phát thanh - Truyền hình,...). Từ những năm 90 của thế kỷ XX trở đi, khi báo điện tử và các loại hình truyền thông số phát triển, Luật Báo chí được mở rộng hơn về nghĩa, hoặc được thay thế bằng các thuật ngữ khác, như: Luật Truyền thông (communication law), Luật Truyền thông đại chúng (mass communication law), Luật Thông tin đại chúng (mass media law),...
Ở Việt Nam, thuật ngữ Luật Báo chí (press law) được dùng từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 282 ngày 14-02-1956 về báo chí, sau đó, Sắc lệnh này được Quốc hội thông qua, trở thành Luật Báo chí đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Luật số 100/SL-L-002 ngày 20-5-1957 về báo chí. Xem xét tiến trình hoàn thiện Luật Báo chí gắn liền với tiến trình đổi thay của đất nước và sự phát triển của báo chí, cho nên, sẽ bắt đầu từ Luật số 100/SL-L-002 ngày 20-5-1957 về báo chí.
- Luật số 100/SL-L-002 ngày 20-5-1957 về báo chí
Trong thời điểm lịch sử còn tồn tại khá nhiều loại báo chí, như: báo chí do Đảng lãnh đạo và Nhà nước quản lý; báo chí tư nhân; báo chí của các tổ chức tôn giáo,... Luật số 100/SL-L-002 ngày 20-5-1957 ra đời, với mục đích tạo hành lang pháp lý cho báo chí hoạt động đúng hướng và hiệu quả; bảo đảm cho công dân hưởng thụ đầy đủ quyền TDNL trên báo chí.
Luật này gồm 3 chương, 19 điều, nội dung rất khái quát. Quyền TDNL trên báo chí của công dân được quy định:
* Quyền TDNL trên báo chí dành cho mọi người dân, không phân biệt thành phần xã hội, tôn giáo, dân tộc, nam, nữ;
* Nhân dân có quyền được trả lời, đính chính những điều báo chí nói sai có liên quan đến mình.
Những quy định này bao quát khá rộng về quyền TDNL trên báo chí của công dân. Trên thực tế, việc thực hiện quyền TDNL trên báo chí của nhân dân trong thời kỳ này còn có nhiều khó khăn, bởi đất nước vẫn còn bị chia cắt hai miền Bắc-Nam, toàn dân vừa phải gồng mình để xây dựng và phát triển đất nước sau chiến tranh ở Miền Bắc, vừa phải kháng chiến chống Mỹ ở Miền Nam để thống nhất đất nước; bởi phương tiện vật chất, kỹ thuật (như điện thoại, máy tính,... ) còn lạc hậu, yếu kém, hoặc công dân không có để thực hiện quyền TDNL trên báo chí; bởi trình độ dân trí cũng chưa cao,...
Luật này được áp dụng trong suốt 32 năm (1957-1989), đã bộc lộ nhiều điểm không còn phù hợp với thực tiễn đổi mới của đất nước, sự phát triển của báo chí, cần được chỉnh lý để theo kịp nhiệm vụ mới của báo chí.
- Luật Báo chí năm 1989:
Sau Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), cùng với sự phát triển của đất nước, báo chí cũng phát triển mạnh theo hướng chuyên nghiệp, rất cần một văn bản Luật báo chí mới, vừa theo xu hướng hiện đại, có tầm nhìn nhiều năm sau đó, vừa cụ thể, rõ ràng về câu chữ để áp dụng. Luật Báo chí 1989 ra đời, thay thế hoàn toàn Luật số 100/SL-L-002 ngày 20-5-1957 về báo chí.
Luật Báo chí năm 1989 được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Khóa VIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28-12-1989, do Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Võ Chí Công ký, ban hành ngày 02-01-1990, gồm 7 chương, 31 điều.
Luật Báo chí 1989 là sự kế thừa những nguyên tắc đúng đắn của Luật số 100/SL-L-002 ngày 20-5-1957, bổ sung nhiều điểm mới cho phù hợp với tình hình mới. Với mục đích khẳng định Luật Báo chí là công cụ để nhân dân thực hiện quyền TDNL trên báo chí, cho nên ngay trong Điều 1, Chương 1 đã quy định: “Báo chí nước CHXHCN Việt Nam là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội, là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội; là diễn đàn của nhân dân”. Điều này đã chỉ rõ, bắt đầu từ luật này trở đi, hệ thống báo chí Việt Nam là một thể thống nhất, chỉ có báo chí công do Nhà nước quản lý, không có báo chí tư nhân. Đây là điểm khác biệt rõ nhất so với Luật số 100/SL-L-002 ngày 20-5-1957.
Để xác định rõ hơn về quyền TDBC, quyền TDNL trên báo chí của công dân, Điều 2, Chương 1 khẳng định: “Không ai được lạm dụng quyền TDBC, quyền TDNL trên báo chí để xâm phạm lợi ích của nhà nước, tập thể và công dân”. Điều này chỉ rõ, nền tảng của TDBC, TDNL là pháp luật. Không có pháp luật thì tự do sẽ trở thành một thứ vô chính phủ, vô kỷ luật. Công dân tuân thủ pháp luật chính là công dân văn minh của một quốc gia dân chủ.
Quyền TDBC, quyền TDNL trên báo chí của công dân được quy định cụ thể trong Điều 4, Điều 5: “Mọi công dân được hưởng thụ báo chí, được tham gia vào quá trình làm báo, được góp ý kiến, khiếu nại, tố cáo trên báo chí. Nếu cơ quan báo chí không đăng, phát sóng ý kiến của công dân thì phải có trách nhiệm trả lời công dân”. Quy định này mới, khẳng định rõ hơn quyền của công dân được tham gia vào quá trình làm báo và báo chí phải chịu sự giám sát rất khắt khe của công dân - những người hưởng thụ quyền TDBC, quyền TDNL trên báo chí.
Nhìn chung, Luật Báo chí năm 1989 tuy là văn bản quy phạm pháp luật nhưng ngôn ngữ không quá khô khan; nội dung bám sát với thực tiễn ở thời điểm đó và có tính dự báo; bộc lộ được tính chất công bằng, dân chủ và nhân văn. Tuy nhiên, Luật Báo chí năm 1989 vẫn mang tính chất là bộ luật khung, tương đối khái quát, do vậy trong quá trình thực hiện cũng bộc lộ không ít khó khăn. 10 năm sau, những hạn chế này sẽ được chỉnh lý, bổ sung, sửa đổi trong Luật Báo chí năm 1999.
- Luật Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Báo chí (năm 1999)
Sau Đại hội đổi mới năm 1986, báo chí truyền thông phát triển rất mạnh theo đường lối đổi mới của Đảng và Chính phủ. Từ năm 1997, Internet có mặt tại Việt Nam, theo đó, loại hình báo chí thứ tư - báo điện tử ra đời. Báo chí phát triển phải đi đôi với quản lý tốt, vì vậy, Luật Báo chí cũng phải thể chế đầy đủ đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, phải phù hợp với tình hình thực tế của báo chí truyền thông.
Luật Báo chí 1999 vẫn giữ nguyên cơ cấu 7 chương, 30 điều (bỏ Điều 30 và chuyển Điều 31 thành Điều 30). So với Luật báo chí 1989, Luật báo chí 1999 sửa đổi, bổ sung mới hầu hết các Điều, Khoản, như: Lời mở đầu và 10 Điều: 3, 6, 9, 12, 15, 17, 19, 21, 22, 28, trong đó, Điều 15,17,19 được bổ sung nhiều hơn cả. Ví dụ: Chương 1, Điều 3: Các loại hình báo chí: bổ sung thêm loại hình báo điện tử. Chương III, Điều 6: Nhiệm vụ và quyền hạn thứ 1 và thứ 2 được bổ sung thêm cụm từ “phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân”; “góp phần ổn định chính trị”. Đây là sự khẳng định nhiệm vụ chính trị lớn lao của báo chí trong bối cảnh đất nước mới bắt đầu bước sang cơ chế thị trường, bước vào con đường hội nhập quốc tế, chắc chắn sẽ phải đối diện với nhiều rủi ro, thử thách.
Quy định về quyền TDBC, quyền TDNL của công dân về căn bản vẫn được giữ nguyên, thể hiện lập trường nhất quán của Đảng và Nhà nước trong Hiến pháp “con người là mục tiêu, là động lực của cách mạng”, tuy nhiên, cũng được xác định rõ giới hạn thực hiện các quyền này là phải “phù hợp với lợi ích của CNXH và của nhân dân ”
Nhìn chung, Luật Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Báo chí năm 1999 đã thể hiện được tính kịp thời, tính khoa học và tính chuyên nghiệp. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện cũng bộc lộ những điểm hạn chế nhất định, có những điểm chưa theo kịp sự phát triển quá nhanh của báo chí. Ví dụ: chưa có quy định nào về phóng viên nước ngoài, cơ quan báo chí của nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
1.2. Luật Báo chí 2016
Quá trình chuẩn bị (chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện Luật báo chí 1999) để cho ra đời Luật báo chí 2016 là khá dài. Ngay từ ngày 12/12/2007, tại Thừa Thiên Huế, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học về chủ đề: “Đánh giá việc thực hiện Luật Báo chí hiện hành và những kiến nghị đề xuất cần sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí”. Trong hội thảo này có rất nhiều nhà báo tinh thông nghề báo và am tường luật pháp đã góp ý kiến cho Luật Báo chí, sau 10 năm thực hiện đã bộc lộ nhiều điểm chưa bắt kịp với hoạt động thực tiễn.
Để khắc phục những hạn chế của luật báo chí hiện hành và đáp ứng nhu cầu cấp thiết cho sự phát triển của các loại hình báo chí, Bộ TT&TT đã thực hiện các bước chuẩn bị cho nhiệm vụ soạn thảo Dự thảo Luật báo chí. Khi xong Dự thảo Luật Báo chí, Bộ TT&TT đã tiến hành 12 lần lấy ý kiến của các luật sư, nhà báo, công dân, nhằm mục đích để Luật Báo chí được chỉnh lý có chất lượng cao nhất. Dự kiến Dự thảo Luật báo chí sẽ được trình Quốc hội Khóa XII tại kỳ họp tháng 10/2008, tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến tiếp tục đóng góp, nên chưa thể thống nhất và thông qua văn bản chính.
Mãi đến năm 2016, sau 10 năm chuẩn bị, với sự đầu tư trí tuệ, tâm huyết của hàng triệu triệu người, Luật Báo chí 2016 ra đời, gồm 6 Chương, 61 Điều, được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 05-4-2016, do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ký. Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Trần Đại Quang ký Lệnh công bố Luật ngày 19 -5-2016.
Ngay trong dòng đầu tiên của Chương I, Điều 1. Phạm vi điều chỉnh: quy định rõ: “Luật này quy định về quyền TDBC, quyền TDNL trên báo chí của công dân,...”, đã cho thấy, nội dung trọng tâm của Luật Báo chí 2016 là hướng đến công dân - chủ thể thực hiện quyền TDBC, quyền TDNL trên báo chí. Báo chí làm ra cũng là để thỏa mãn nhu cầu được biết, được hưởng thụ thông tin, được chia sẻ thông tin, được biểu đạt ý kiến theo quan điểm riêng của con người.
Toàn bộ Chương II của Luật này quy định về quyền TDBC, quyền TDNL của công dân
Điều 10: Quyền TDBC của công dân, gồm 6 khoản.
Điều 11: Quyền TDNL trên báo chí của công dân, gồm 3 khoản:
1. Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới
2. Tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước
3. Góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác.
Điều 12. Trách nhiệm của cơ quan báo chí đối với quyền TDBC, quyền TDNL trên báo chí của công dân, gồm 2 khoản.
Điều 13: Trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền TDBC, quyền TDNL trên báo chí của công dân, gồm 3 khoản.
Có thể thấy, nhờ có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, cho nên, so với các văn bản Luật Báo chí trước, Luật Báo chí (sửa đổi) 2016 đã khá hiện đại. Mỗi điều được chia thành các mục nhỏ, dễ nhìn, dễ nhớ. Về nội dung: đã bổ sung khá nhiều điểm mới; phân định nội dung theo từng chủ đề cụ thể dễ nắm bắt, dễ thực hiện. Nội dung quyền TDBC, quyền TDNL trên báo chí của công dân cụ thể, phù hợp với tình hình cụ thể của Việt Nam.
Vai trò của Luật Báo chí 2016 là tạo hành lang pháp lý cho báo chí phát triển đa loại hình, đa nền tảng, đa dạng liên kết (xã hội hóa) trong hoạt động sản xuất sản phẩm báo chí. Theo Bộ TT&TT, tính đến ngày 26-12-2022, cả nước có 869 cơ quan báo chí, trong đó có 127 Báo và 670 Tạp chí (trong đó có 327 tạp chí lý luận chính trị và khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật), 72 đài PT-TH[1].
Nhờ báo chí phát triển nhanh mà mức độ hưởng thụ thông tin từ báo chí của công dân được tăng cao. 869 cơ quan báo chí mỗi ngày cung cấp một khối lượng thông tin khổng lồ về tình hình đất nước và quốc tế, công dân hoàn toàn tự do lựa chọn xem gì, nghe gì mà họ quan tâm, hoặc những gì họ thấy có ích cho cuộc sống. Về mức độ công dân tiếp nhận thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay (kết quả một cuộc điều tra nhỏ năm 2021 từ 1.050 người có trả lời phỏng vấn anket = 100%), trong đó, 47,71% người tiếp cận thông tin từ Báo In; 23,71% nghe radio; 69,24% xem truyền hình; 85,9% xem báo điện tử; 91,4% xem mạng xã hội (facebook, Tiktok,....)[2]
Ngoài thông tin trên báo chí chính thống, 77,93 triệu công dân Việt Nam sử dụng Internet, tương đương 79,1% so với tổng dân số (đến tháng 01/2023, dân số Việt Nam đạt 98,53 triệu người), đứng thứ 12 trong danh sách những quốc gia trên thế giới có người dùng Internet cao nhất. Có 70 triệu người dùng MXH, tương đương 71% tổng dân số. Tổng số kết nối di động đang hoạt động là 161,6 triệu, tương đương với 164,0% tổng dân số[3]. Từ kết quả khảo sát này có thể thấy, công dân hoàn toàn có thể thỏa mãn nhu cầu tìm kiếm và tiếp cận thông tin, không còn bị bó hẹp trong một số phương tiện thông tin truyền thống như TK 20.
Bám sát quy định của Luật Báo chí về quyền TDNL, công dân cung cấp thông tin cho báo chí, sáng tạo tác phẩm báo chí đăng trên các chuyên mục: Bạn đọc, Ý kiến, Góc nhìn; tham gia các cuộc thi viết, thi ảnh, do các báo tổ chức,... hoặc phản hồi, bình luận về những thông tin báo chí đã đăng qua hộp thư, qua e.mail, qua điện thoại “đường dây nóng”, qua công cụ “Ý kiến bình luận” dưới mỗi tin - bài,... Ví dụ: Năm 2014-2015, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD981 ở Biển Đông, trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, báo chí đưa tin phản đối. Công dân bày tỏ ý kiến qua công cụ “Ý kiến bình luận” dưới mỗi tác phẩm báo chí, trong đó, bài Không thể lùi bước trước giàn khoan bất chính và phi nghĩa của Lê Chân Nhân trên dantri.com.vn, ngày 9-5-2014, có tới 503 comment. Đây là sự tham gia tự nguyện của công dân vào công việc làm báo - sự hưởng thụ quyền TDBC, quyền TDNL một cách chủ động, có ý thức pháp luật cao để bảo vệ quyền lợi của quốc gia, dân tộc, trong đó có quyền lợi hợp pháp của chính bản thân mình.
Như vậy, Luật Báo chí 2016 là công cụ để công dân nhận thức đúng về quyền TDBC, về quyền TDNL, từ đó biết nên nói về cái gì, nói như thế nào cho đúng, nói vào thời điểm nào cho phù hợp, không bị hùa theo “tâm lý đám đông”, không bị rơi vào “bẫy” dẫn dắt của những thế lực thù địch với đất nước.
2. Góc nhìn cá nhân về việc sửa đổi Luật Báo chí 2016
Dưới góc độ một công dân đang hưởng thụ quyền TDBC, quyền TDNL theo quy định của Luật Báo chí năm 2016, xin mạo muội chia sẻ vài suy nghĩ của mình như sau.
Thứ nhất, cho đến năm 2023, việc thực hiện Luật Báo chí 2016 cũng đã được 8 năm - một khoảng thời gian cũng không phải là quá dài so với đời sống của một văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, sự chuyển động quá nhanh trong đời sống thực tiễn của quốc tế và Việt Nam hiện nay, báo chí cũng phát triển không ngừng, trong đó xu hướng chủ đạo là báo chí số, cho nên, để tạo cơ sở pháp lý tương đối ổn định cho hoạt động báo chí, bảo đảm cao nhất quyền TDBC, quyền TDNL trên báo chí của công dân Việt Nam, theo ý kiến tác giả tham luận, nên huy động cao nhất trí tuệ của các nhà chuyên môn sâu về luật, về báo chí, về các khoa học liên ngành,... để nghiên cứu và chỉnh lý Luật Báo chí, sao cho văn bản luật này đảm bảo được tính chuyên sâu, khoa học, hiện đại, có tầm bao quát hàng chục năm, có những điểm tương đồng với Luật Báo chí của khu vực và thế giới. Cũng nên duy trì thường xuyên chế độ 5 năm một lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Thứ hai, ngày nay có nhiều loại hình báo chí khác nhau, trong tương lai có thể còn có nhiều loại hình báo chí khác nữa, cho nên, có thể thay tên Luật Báo chí thành Luật Truyền thông đại chúng (mass communication law) được không?
- Thứ ba, trong Điều 3: Giải thích từ ngữ: Khoản 1. Báo chí: Hiện nay có rất nhiều loại hình báo chí, có cả báo định kỳ (như: báo in, PT, TH) và báo không định kỳ (như: báo điện tử, sau này còn có những loại hình báo chí mới không định kỳ khác nữa), cho nên, cần bổ sung cụm từ “không định kỳ” vào chỗ: xuất bản định kỳ và không định kỳ. Cũng có những thuật ngữ khác, hoặc nội dung cần được giải nghĩa rõ ràng hơn, mặc dù trong các Bộ luật khác đã có. Ví dụ: Điều 3, Khoản 2, mục 17 và mục 18: cần xem lại sản phẩm “có tính chất báo chí” có phải là đối tượng quản lý của Luật Báo chí không? bởi vì hiện nay có nhiều người không phân biệt rạch ròi được đâu là Báo điện tử chính thống, đâu là trang tin điện tử của cá nhân, doanh nghiệp,... vì chúng đều bắt đầu bằng một địa chỉ Web. Sự không rạch ròi này dẫn đến hệ quả là: có những trang thông tin cá nhân cũng sản xuất nội dung thông tin như báo điện tử, thậm chí, lấy thông tin từ báo chí rồi ghi là “sưu tầm”, trong đó không loại trừ có tin giả. Nếu sản phẩm “có tính chất báo chí” này không được xem là báo chí, thì có thể đưa sản phẩm này vào quản lý ở một văn bản luật khác, chẳng hạn như Luật Tuyền thông (communication law), có nội hàm rộng hơn.
- Thứ tư, Điều 11, Chương II: Quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân: ba khoản này cùng một nội dung: công dân có ý kiến trên báo chí, chỉ là ý kiến về các loại nội dung khác nhau. Như vậy, chưa thể hiện được hết nội hàm của quyền TDNL trên báo chí của công dân (theo Điều 19 Khoản 2 của ICCPR năm 1996). Ngoài ra, quy định này của Luật Báo chí nhưng hơi giống như giải nghĩa từ ngữ.
Dựa trên một vài nghiên cứu nhỏ trong thực tế mấy năm qua, cá nhân tác giả tham luận xin mạo muội chia sẻ rằng, dựa vào “hành vi thực hiện quyền” thì có thể quy vào 3 nội dung về “quyền TDNL” trên báo chí của công dân: (i) Công dân được tự do tìm kiếm, tiếp nhận và công bố thông tin trên báo chí; (ii) Công dân được tự do phản hồi thông tin, chia sẻ ý kiến (theo quan điểm riêng) trên báo chí; (iii) Công dân được tự do khiếu nại, tố cáo trên báo chí.
- Thứ năm, có thể cần bổ sung một Khoản mới vào Điều 11 (Luật Báo chí 2016 chưa thấy có): Giới hạn quyền TDNL (Limitation of Freedom Speech Rights) của công dân.
- Thứ sáu, Điều 26: Đối tượng được cấp thẻ nhà báo. Khoản 6 quy định: Người làm công tác giảng dạy chuyên ngành báo chí tại các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật giáo dục đại học. Theo quy định của Luật này, những người làm công tác giảng dạy đại học chuyên ngành báo chí - cũng phải được cấp thẻ nhà báo. Tuy nhiên, trong thực tế, có những người vừa giảng dạy chuyên ngành báo chí, vừa viết báo hàng chục năm nay mà không hề được cấp thẻ nhà báo, mặc dù họ cũng đã có mấy lần làm tờ khai? Nếu không cấp thẻ cho đối tượng này, thì nên bỏ Khoản 6 này đi.
Một số điều chia sẻ, có thể chưa được thấu đáo, còn nhiều hạn chế, mong Quí vị thông cảm và bỏ qua. Trân trọng cảm ơn!