Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Thời gian tới, tỉnh Hòa Bình sẽ duy trì, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận một cửa cấp huyện, xã; hoàn thiện, tích hợp liên thông các phần mềm dùng chung của tỉnh và phần mềm chuyên ngành bảo đảm phù hợp, đa tiện ích, dễ khai thác, sử dụng; tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 nhằm giảm tối đa các chi phí tuân thủ TTHC.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hòa Bình NGUYỄN VĂN TOÀN
Những năm gần đây, nhiều dự án đầu tư về công nghệ thông tin (CNTT), đặc biệt là các dự án liên quan đến triển khai chính quyền điện tử đã đóng góp tích cực vào mục tiêu nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành, cung cấp dịch vụ công; kết nối liên thông giữa các hệ thống thông tin trong và ngoài tỉnh Hòa Bình.
Ngày 27.8.2018, UBND tỉnh đã phê duyệt kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh phiên bản 1.0 và hiện đang triển khai cập nhật khung kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh phiên bản 2.0. Đến thời điểm này, 100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn đã được trang bị hệ thống mạng nội bộ (LAN) và kết nối internet băng thông rộng; tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan Nhà nước được trang bị máy tính phục vụ công việc tại cấp tỉnh đạt 98%, cấp huyện đạt 91%, cấp xã đạt 88%. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Hòa Bình đã áp dụng công nghệ để tổ chức các hội nghị bằng hình thức trực tuyến kết nối tới tất cả các huyện, thành phố. Cùng với đó, hệ thống phần mềm văn phòng điện tử đã kết nối liên thông 3 cấp, 100% hồ sơ công việc đều được xử lý qua môi trường mạng.
Đến tháng 7.2019, tỉnh đã đưa vào sử dụng cổng dịch vụ công tỉnh. Đây được coi là dấu mốc mang tính đột phá trong công tác CCHC của tỉnh. Hiện, cổng dịch vụ công tỉnh đã kết nối đến các xã, phường trên địa bàn; cung cấp 912 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 590 dịch vụ công mức độ 4. Chị Nguyễn Thị Anh (người dân TP. Hòa Bình) chia sẻ: Việc kê khai thực hiện các TTHC trên hệ thống điện tử đã giúp chị tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí và có thể theo dõi tiến trình giải quyết hồ sơ của mình. “Trước đây, mỗi lần nộp hồ sơ, tôi phải đi lại rất nhiều lần, mất nhiều công sức để chỉnh sửa. Còn hiện tại, việc nộp, thậm chí chỉnh sửa hồ sơ cũng có thể thực hiện trực tuyến. Không dừng lại ở đó, tôi còn có thể phản hồi ý kiến, góp ý thông qua các ứng dụng thuận lợi”, chị Anh cho biết.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Toàn cho biết: Hiện nay, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều chủ động đầu tư, triển khai hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến từ cấp huyện tới cấp xã đã giúp việc tổ chức các cuộc họp trở nên thuận lợi, tiết kiệm được cả thời gian và kinh phí. Bên cạnh đó, việc liên thông giữa các cơ quan, đơn vị trong quy trình giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công và gói tiện ích trực tuyến cũng nâng cao hơn hẳn chất lượng phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Nâng cao nhận thức, đổi mới lề lối làm việc
Có thể thấy, hiệu quả bước đầu của mô hình chính quyền điện tử đã góp phần nâng cao chất lượng thực thi nhiệm vụ, đáp ứng nhanh nhất, tốt nhất nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp vừa qua, chính quyền điện tử góp phần quan trọng trong việc duy trì thông suốt, kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp. Đồng thời, hạn chế tối đa các nguy cơ lây lan dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Để tiếp tục xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Toàn cho biết: Hòa Bình sẽ tập trung nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, lề lối làm việc, hướng đến phương thức quản trị hiện đại trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Cùng với đó, sẽ tăng cường đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước. Hàng năm, tỉnh cũng sẽ tổ chức đánh giá, xếp hạng; đưa ứng dụng CNTT thành một tiêu chí đánh giá công tác CCHC của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.
Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Toàn, để hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về ứng dụng, phát triển CNTT, tỉnh sẽ tập trung xây dựng các nghị quyết, đề án, chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển ứng dụng CNTT, phát triển chính quyền số các cấp; thử nghiệm phát triển dịch vụ đô thị thông minh; xây dựng, cập nhật bộ mã định danh điện tử các cơ quan, tổ chức thống nhất theo tiêu chuẩn quy định, bảo đảm phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu của tất cả các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu... Bên cạnh đó, tập trung triển khai dịch vụ chứng thực điện tử chữ ký số cho các hệ thống thông tin. Đặc biệt, triển khai giải pháp ký số từ xa trên thiết bị di động để thuận tiện cho việc sử dụng của người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức trong giai đoạn 2021 - 2025…