Tây Ninh thí điểm xây dựng đô thị thông minh

19/10/2021, 10:32

Tỉnh Tây Ninh đang chủ trương xây dựng TP Tây Ninh và thị xã Hòa Thành trở thành đô thị thông minh; tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, hướng tới đổi mới toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của các cấp chính quyền; đổi mới các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân nhằm phát triển môi trường số an toàn và nhân văn.

Thành phố tiên phong

Hiện nay,việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ở TP Tây Ninh đã được đầu tư vào một số lĩnh vực quản lý, góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng và nâng cao chất lượng phục vụ người dân.Nhưng các dữ liệu từ cấp tỉnh chưa được chuẩn hóa và chia sẻ rộng rãi giữa các cơ quan, việc ứng dụng CNTT của người dân, doanh nghiệp trên cổng dịch vụ công trực tuyến còn ít nên cần có cơ chế khuyến khích, đẩy mạnh tuyên truyền người dân, doanh nghiệp sử dụng và khai thác dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến.

Trước thực trạng trên, tỉnh Tây Ninh đã ban hành Nghị Quyết số 02-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính quyền số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trong đó, TP Tây Ninh phấn đấu đến năm 2025 có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 phổ biến; 100% giao dịch trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử của thành phố được xác thực điện tử; 70% số lượng người dân, doanh nghiệp tham gia hệ thống Chính quyền điện tử TP; 100% hồ sơ được giải quyết thông qua hệ thống thông tin một cửa điện tử, 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và TP Tây Ninh cũng phấn đấu vào tốp đầu của nhóm khá về xây dựng Chính quyền số an toàn an ninh mạng.

Đáng chú ý, Trung tâm Giám sát Điều hành thông minh (GSĐHTM) TP Tây Ninh là nơi tổng hợp các nguồn thông tin dữ liệu quan trọng của TP trên các lĩnh vực về đời sống, kinh tể, văn hóa, xã hội, giúp lãnh đạo TP giám sát, quản lý chất lượng dịch vụ một cách tổng thể, cho phép phân tích, đánh giá tình hình quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, hỗ trợ ra quyết định, xây dựng phương án, cơ chế, chính sách, định hướng phát triển. Đây là tiền đề quan trong để Tây Ninh phấn đấu đến năm 2030, duy trì 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% hồ sơ công việc tại cấp thành phố và 100% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Ông Dương Đại Dương (ngụ ở TP Tây Ninh) kỳ vọng, TP Tây Ninh sẽ thành công trong việc xây dựng đô thị thông minh, nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTH và xây dựng TP Tây Ninh phát triển về mọi mặt trở thành điểm đến của các nhà đầu tư trong, ngoài tỉnh.

Xây dựng trung tâm điều hành thông minh

Thực hiện xây dựng nền tảng đô thị thông minh theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy Tây Ninh, thị xã Hòa Thành cũng đang quyết tâm xây dựng trở đô thị thông minh. Theo đề án xây dựng thị xã Hòa Thành trở thành đô thị thông minh (giai đoạn 2021-2025) Hòa Thành sẽ tập xung xây dựng và phát triển Trung tâm điều hành thông minh để tích hợp hệ thống tổng hợp, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, camera giám sát, hệ thống quan trắc môi trường. 

Tây Ninh thí điểm xây dựng đô thị thông minh ảnh 1Nhân viên trực quầy tại Trung tâm hành chính công Tây Ninh giải quyết thủ tục hành chính giữa mùa dịch Covid-19
Thị xã Hòa Thành cũng triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho hệ thống thông tin tại các cơ quan, trong đó tập trung cho các Trung tâm điều hành thông minh (IOC) Hòa Thành, trung tâm dữ liệu lưu trữ hình ảnh Camera, hệ thống chính quyền điện tử. Hòa Thành phấn đấu đến năm 2030, hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật, kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước, giảm 30% thủ tục hành chính; mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp và tối thiểu có 01 xã/phường đạt cơ bản nền tảng về chuyển đổi số.

UBND thị xã Hòa Thành cũng tập trung xem xét, quyết định thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc để tổ chức triển khai thực hiện Đề án đô thị thông minh, quyết định cơ chế phối hợp giữa các phòng, ban, đơn vị để đảm bảo phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa các đơn vị, tránh tình trạng chồng chéo hoặc không rõ ràng trong thực thi nhiệm vụ. Đồng thời, UBND thị xã cũng chỉ đạo cơ quan chức năng báo cáo tiến độ hàng quý về UBND tỉnh, rà soát, cập nhật thực hiện các mục tiêu của đề án. 

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho biết, xây dựng thành phố thông minh là nhiệm vụ quan trọng của tỉnh Tây Ninh nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong điều kiện nguồn lực, hạ tầng kinh tế, xã hội, trình độ khoa học, công nghệ còn hạn chế, tỉnh Tây Ninh với tinh thần “không cầu toàn, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, làm tới đâu, chắc tới đó”. Chủ trương thí điểm xây dựng thành phố thông minh trên nền tảng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính, hoàn thiện các ứng dụng hiện có, đa dạng hóa và năng cao chất lượng các tiện ích cho người dân, doanh nghiệp góp phần phát triển nền kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, hướng tới xây dựng Tây Ninh văn minh, hiện đại, thân thiện, nghĩa tình và đáng sống.

HOÀNG BẮC


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO