Hà Nội phấn đấu dẫn đầu cả nước về phát triển chính quyền điện tử

15/10/2021, 10:07

Thời gian qua, thành phố Hà Nội luôn chú trọng phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số. Trong đó, phấn đấu đến năm 2025, Hà Nội dẫn đầu cả nước và xếp thứ hạng cao trong khu vực về phát triển Chính quyền điện tử. Đặc biệt, 9 tháng đầu năm 2021, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Tạo nền tảng phát triển Chính quyền điện tử

Thành phố đã ban hành 22 danh mục cơ sở dữ liệu; Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28.7.2020 của Chính phủ quy định về cơ sở dữ liệu (CSDL) hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến trên địa bàn TP Hà Nội; Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng TP Hà Nội năm 2021; Kế hoạch Phát triển hạ tầng Bưu chính - Viễn thông phục vụ Chương trình chuyển đổi số TP Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Để tạo nền tảng phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số, ngày 6.9.2021, UBND thành phố phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố Hà Nội - xây dựng theo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 với tầm nhìn “Đến năm 2025, hoàn thiện nền tảng Chính quyền điện tử Hà Nội, đưa thành phố Hà Nội dẫn đầu cả nước và xếp thứ hạng cao trong khu vực về phát triển Chính quyền điện tử, tạo tiền đề phát triển Chính quyền số, thành phố Hà Nội phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực”.

Đồng thời, Thành phố đã ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử TP Hà Nội để đảm bảo công tác lãnh đạo, điều hành hoạt động xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số thông suốt, liên tục, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của Chính quyền điện tử, Chính quyền số.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Hà Nội tiếp tục tăng cường triển khai mở rộng Hệ thống họp trực tuyến từ Thành phố đến tất các điểm cầu trực tuyến tại các sở, cơ quan tương đương sở, 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn trên địa bàn.

Đáng chú ý, Thành phố đã hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng, triển khai lắp đặt các thiết bị màn hình cảm ứng, trang thiết bị công nghệ thông tin, camera giám sát để tuyên truyền và hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại các khu chung cư, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố tại các quận, huyện như: Long Biên, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoài Đức, Đông Anh, Quốc Oai, Thanh Trì, Hoàng Mai... 

Bên cạnh các hệ thống thông tin, CSDL cốt lõi như dân cư, doanh nghiệp, bảo hiểm... được duy trì, khai thác hiệu quả, Thành phố đã ban hành kế hoạch, các văn bản để khuyến khích, định hướng người dân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn; xây dựng, phát triển thương mại điện tử; triển khai hóa đơn điện tử, biên lai điện tử... 

Hà Nội đề ra mục tiêu phát triển hạ tầng số - nền tảng xây dựng chính quyền số, kinh tế số
Hà Nội đề ra mục tiêu phát triển hạ tầng số - nền tảng xây dựng chính quyền số, kinh tế số 

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong bối cảnh dịch COVID-19

Đặc biệt, mặc dù gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 nhưng Thành phố đã kịp thời chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng CNTT, mở rộng đối tượng khai báo y tế điện tử phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 thông qua các ứng dụng “Vietnam Health Declaration” “Bluezone” “NCovi” cài đặt trên điện thoại thông minh, thực hiện tiếp nhận TTHC trực tuyến tại Cổng dịch vụ trực tuyến của Thành phố, Cổng dịch vụ công Quốc gia, Phần mềm quản lý doanh nghiệp và hộ cá thể đối với các TTHC đã triển khai dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 và qua Hệ thống bưu chính công ích.

Theo Sở TT&TT Hà Nội, hiện nay, Thành phố đã triển khai xuyên suốt tất cả các nền tảng của Bộ TT&TT chỉ đạo các tỉnh, thành phố thực hiện, trong đó có 3 nền tảng chính là: Nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng bằng mã vuông QR code; nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến và nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19...

Vừa qua, Sở TT&TT cũng đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công an để triển khai hệ thống quản lý công dân vùng dịch qua hệ thống kết nối với dữ liệu dân cư quốc gia. Ngoài ra, Thành phố đã phát triển thêm các phần mềm quản lý F0, F1 để phân luồng tuyến các bệnh nhân F0 và khi F1 trở thành F0 sẽ được phân luồng vào các bệnh viện điều trị cho phù hợp. Bên cạnh đó, Thành phố cũng đang triển khai các hệ thống phần mềm giải đáp kiến nghị của công dân qua Tổng đài 1022. 


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO