Sáng 6/12, Diễn đàn cấp cao thường niên lần 3 về công nghiệp 4.0 đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (Hà Nội). Sự kiện do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức.
Phát biểu khi đồng chủ trì diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá các ý kiến đã chia sẻ thông tin, kinh nghiệm để phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là đổi mới sáng tạo, lấy kỷ nguyên số, chuyển đổi số, xã hội số làm động lực mới cho sự phát triển.
"Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, chủ động chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, để tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội", Thủ tướng nói.
Hạ tầng viễn thông vẫn còn nhiều "vùng lõm" về phủ sóng
Thủ tướng cho biết Việt Nam đang tập trung hoàn thiện chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. "Khi chống dịch bằng biện pháp hành chính đã tác động lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội nhưng nếu không phát triển kinh tế xã hội sẽ không có nguồn lực để chống dịch", ông đánh giá.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh hồi phục hay phát triển kinh tế thì nội lực vẫn là yếu tố cơ bản chiến lược lâu dài có tính chất quyết định nhưng ngoại lực là yếu tố quan trọng cho đột phá.
Theo ông, nội lực là con người, thiên nhiên, văn hóa và truyền thống, lịch sử. Còn ngoại lực là hỗ trợ quốc tế, công nghệ, tiền vốn, khoa học quản trị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định phát triển chuyển đổi số, công nghệ số thì phải có xã hội số, công dân số.
"Việt Nam sẽ chú trọng sự đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng và hạ tầng chiến lược. Hạ tầng giao thông đặc biệt là hạ thầng viễn thông vẫn còn những "vùng lõm" về phủ sóng, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, vùng biên giới hải đảo", Thủ tướng nói.
Chính phủ sẽ chú trọng phát triển hạ tầng kết nối, xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu lớn, bao gồm việc xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật số. Ảnh: Quỳnh Danh. |
"Khó mấy cũng phải làm, trách nhiệm không chỉ của Chính phủ mà còn của địa phương. Không có điện, không có sóng thì không có công nghệ số, công dân số. Đặc biệt, ở Đồng bằng sông Cửu Long hạ tầng liên quan đến giao thông cần đầu tư khai thác, Tây Nguyên, miền Trung cũng tương tự", Thủ tướng lưu ý.
Qua kinh nghiệm từ các đợt dịch Covid-19 vừa qua, Thủ tướng cho biết Việt Nam rút ra 3 được trụ cột chính trong phòng, chống dịch đó là cách ly nhanh và giải tỏa thần tốc, xét nghiệm và các biện pháp điều trị phù hợp. Từ đó đất nước đã xây dựng công thức chống dịch: 5K, vaccine, thuốc, biện pháp điều trị, công nghệ, ý thức người dân.
Đặc biệt, ông nhấn mạnh không thể thiếu công nghệ trong công tác phòng, chống dịch. "Làm sao có thể xử lý về an sinh xã hội, tiêm chủng của hàng chục triệu người dân trong thời gian ngắn nhất có thể. Do đó phải có công nghệ", Thủ tướng nói.
"Nhân quyền ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân có đời sống ấm no, hạnh phúc, dân chủ"
Thủ tướng cho rằng khó khăn hiện nay chỉ là tạm thời, nền kinh tế Việt Nam vẫn ổn định vững chắc, niềm tin người dân, nhà đầu tư tiếp tục được giữ vững, tăng cường củng cố... Đặc biệt, tinh thần đại đoàn kết dân tộc ngày càng được phát huy.
Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng phải không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân, giữ vững ổn định kinh tế, chính trị, xã hội.
"Tôi đã có nhiều cuộc trao đổi về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, nhân quyền lớn nhất là lo cho 100 triệu dân có đời sống ấm no hạnh phúc, dân chủ. Chúng ta phát huy tối đa yếu tố con người, lấy con người vừa là trung tâm, vừa là chủ thể vừa là mục tiêu cho sự phát triển. Đó là nhân quyền của Việt Nam", ông nói thêm.
Cuối cùng, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh Việt Nam không hy sinh an sinh xã hội, không hy sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.
Phát biểu bế mạc diễn đàn, ông Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban kinh tế Trung ương - cũng nhìn nhận quá trình phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19 và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng công nghiệp 4.0 đang gặp phải những trở ngại lớn.
Ông dẫn chứng mô hình tăng trưởng của Việt Nam chưa dựa nhiều trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm.
Tại Việt Nam, các chính sách phát triển các ngành công nghiệp chậm được cụ thể hóa. Ảnh: Quỳnh Danh. |
"Việt Nam vẫn còn phụ thuộc lớn vào bên ngoài; chưa quan tâm đúng mức đến chuỗi giá trị và cung ứng trong nước nhằm nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển công nghiệp còn thiếu tính bền vững", ông nói.
Theo Trưởng Ban kinh tế Trung ương, thực tiễn 35 năm qua tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cần phải tập trung giải quyết để hiện thực các mục tiêu từ nay tới 2045 như Nghị quyết Đại hội XIII đã xác định.
"Yêu cầu cấp bách đặt ra là phải xác định rõ triết lý phát triển, mô hình và chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới của giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045", ông nhấn mạnh.