Đề xuất gói phục hồi kinh tế trị giá 445.000 tỷ đồng

06/12/2021, 10:45

Gói phục hồi kinh tế được nhóm nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Kinh tế và các chuyên gia đề xuất trị giá khoảng 445.000 tỷ đồng, tương đương 5,48% GDP năm 2021.

Ngày 5/12, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp Ban Kinh tế Trung ương và Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững”.

Ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, đại diện nhóm nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Kinh tế và các chuyên gia, đưa ra những đề xuất về chương trình phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2023, với trị giá thực tế khoảng 5,48% GDP. Mức này tương đương nhiều nước châu Á.

Giảm thuế, đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng

"Dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến kinh tế - xã hội Việt Nam, đặc biệt trong năm 2021 và có vẻ Việt Nam đang bị lỡ nhịp phục hồi. Nếu chúng ta không có các chương trình, gói hỗ trợ đặc biệt sẽ bị lỡ nhịp, lỡ cơ hội và tụt hậu", ông Cấn Văn Lực mở đầu bài trình bày của mình.

Với bối cảnh như hiện tại, ông Lực nhấn mạnh nếu như không có các chương trình, gói hỗ trợ kích thích tài khóa, tiền tệ đặc biệt, kinh tế Việt Nam dự báo năm 2022 chỉ tăng trưởng ở mức 4-4,5%.

dien dan kinh te anh 1
Gói phục hồi kinh tế do nhóm nghiên cứu của Ủy ban Kinh tế đề xuất sẽ tập trung nguồn lực vào cấp vốn giá rẻ vào nền kinh tế, kích thích tiêu dùng và đầu tư cơ sở hạ tầng. Ảnh: Phạm Ngôn.

Về chính sách tài khóa, tiền tệ trong thời gian tới, ông Lực cho rằng cần tác động cả tổng cung và tổng cầu. Đồng thời mang tính khả thi và triển khai nhanh, gọn, hiệu quả. Nâng cao năng lực y tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận tài chính, vốn và an sinh xã hội. Thời gian 2 năm 2022-2023, đối tượng là lao động và người sử dụng lao động.

Cụ thể, về chính sách tài khóa, nhóm nghiên cứu đề xuất gói hỗ trợ có giá trị 389.200 tỷ đồng, chiếm 4,79% GDP. Cụ thể, đề xuất Chính phủ giảm thuế VAT với 2 phương án hỗ trợ 1% hoặc 2%, tương đương 32.370 tỷ đồng hoặc 60.200 tỷ đồng; giảm phí bảo hiểm xã hội 5% hoặc 10% tương đương 26.170 tỷ đồng52.340 tỷ đồng.

Gói này cũng đề xuất giảm 30% phí bảo vệ môi trường 2022 trị giá 18.924 tỷ đồng. Phí trước bạ ôtô trong nước cũng được đề xuất giảm 50% trong 6 tháng năm 2023, tương đương khoảng 4.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất bảo lãnh khoản vay vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với mức 80.000 tỷ đồng, kèm theo một gói hỗ trợ lãi suất 25.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, chuyên gia này cũng đề xuất là tăng đầu tư cơ sở hạ tầng trong 2 năm 2022 - 2023 với 150.000 tỷ đồng. Trong đó, ưu tiên các dự án liên kết vùng, trọng điểm, có tính lan tỏa trong danh mực đầu tư công và đã chuẩn bị xong thủ tục đầu tư, dự án dở dang, thiếu vốn tạm thời...

Chính sách hỗ trợ cũng ưu tiên hỗ trợ nâng cao năng lực y tế, đầu tư cơ sở vật chất đào tạo nghề, chi phí phòng chống dịch theo mức hỗ trợ lần lượt là 20.000 tỷ đồng, 22.970 tỷ đồng33.700 tỷ đồng. Cuối cùng là đầu tư của SCIC vào doanh nghiệp 50.000 tỷ đồng

Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất sử dụng công cụ nghiệp vụ thị trường mở (cả tỷ lệ dự trữ bắt buộc phù hợp) để hỗ trợ các tổ chức tín dụng duy trì lãi suất ở mức thấp, phấn đấu giảm thêm 0,5-1% lãi suất cho vay bình quân trong năm 2022 và duy trì ổn định trong năm 2023;

Ngoài ra, Chính phủ cho vay tái cấp vốn các tổ chức tín dụng để cho vay nhà ở (nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ…), quy mô 65.000 tỷ đồng. Riêng giá trị cấp bù lãi suất chênh lệch ước tính là 6.100 tỷ đồng.

Nhóm nghiên cứu cho rằng nên có 3 giai đoạn hỗ trợ. Giai đoạn 1: Chuẩn bị kích hoạt chương trình và mở cửa nền kinh tế, phục hồi rõ nét hơn (hết quý II/2022); giai đoạn 2: Tạo lập nền tảng, phục hồi nhanh và tăng tốc (đến hết quý III/2023); giai đoạn 3: Kết thúc chương trình và bước sang quỹ đạo mới (từ quý IV/2023).

Về nguồn lực và huy động nguồn lực, ông cho rằng phải đẩy mạnh việc cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước; cho phép bảo hiểm tiền gửi, bảo hiểm xã hội... để mua trái phiếu doanh nghiệp. Ngoài ra, cần rà soát quỹ ngoài ngân sách; sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối...

"Như vậy, Việt Nam sẽ phải huy động nguồn lực khoảng hơn 455.000 tỷ đồng, tương đương hơn 5% GDP trong 2 năm tới", ông Lực nói.

Giải pháp chuyên môn về y tế vẫn mang tính quyết định

Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng phát triển châu Á tại Việt Nam, cho biết đại dịch Covid-19 đã đẩy lùi thành quả của châu Á đối với xóa đói giảm nghèo trong 2 thập kỷ qua.

"Dự báo tình trạng đói nghèo sẽ tăng lên 179 triệu người trong năm 2020. Phục hồi kinh tế năm nay có thể làm giảm số nghèo đói xuống 104 triệu người. Do vậy, Covid-19 đã làm giảm quá trình xóa nghèo ở châu Á chậm lại trong 2 năm", ông nhận định.

dien dan kinh te anh 2
Diễn đàn phục hồi và phát triển bền vững sáng 5/12. Ảnh: Quochoi.

Theo ông, các giải pháp chuyên môn về y tế vẫn mang tính chất quyết định và chủ yếu, còn chính sách kinh tế vĩ mô là các công cụ mang tính hỗ trợ. Việt Nam cần có các biện pháp mở rộng cơ sở thu, tăng cường quản lý thu và cải thiện hiệu quả chi ngân sách nhà nước để thiết lập lại kỷ luật tài khóa trong vòng 3-5 năm sau, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính quốc gia trong giai đoạn 2021-2025.

Đặc biệt, ông Cường cho rằng các gói hỗ trợ tài khóa là rất cần thiết. Gói ngân sách hỗ trợ cho nền kinh tế hiện mới chưa đến 3% GDP nên có thể nâng lên khoảng 5-7% GDP. Bên cạnh đó, đầu tư công tiếp tục là trụ đỡ của phát triển kinh tế trong giai đoạn tiếp theo.

PGS. TS Bùi Quang Tuấn - Đại diện Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam - đánh giá quy mô các gói hỗ trợ kinh tế của Việt Nam vẫn còn tương đối thấp so với chính các gói hỗ trợ vào những năm trước đó của Việt Nam.

"Do đó, các gói hỗ trợ cần đủ quy mô, cấp thiết kịp thời, nhanh nhạy và quyết liệt. Đây là những mục tiêu khó khăn nhưng rất quan trọng để đảm bảo nền tảng ổn định vĩ mô, làm cơ sở cho sự phục hồi toàn diện của nền kinh tế trong trung và dài hạn", ông nhìn nhận.

Các giải pháp cơ bản, ông đề xuất tiếp tục hỗ trợ y tế, doanh nghiệp như giãn, giảm phí, thuế; Đẩy mạnh đầu tư công... Đặc biệt tăng cường chuyển đổi số, đầu tư cải thiện hoàn thiện thể chế đổi mới sáng tạo khoa học, nghiên cứu.

Hiến kế cho Quốc hội ra quyết sách

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết từ 2 năm nay dịch bệnh Covid-19 đã gây ra thiệt hại nặng nề cả về kinh tế - xã hội trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Trong năm 2020, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức 2,91%. Trong khi đó, GDP 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,96%.

"Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát lần thứ 4 gây thiệt hại nặng nề cho cả kinh tế - xã hội. Quý III tăng trưởng âm 6,7%, dự kiến cả năm mức tăng trưởng sẽ không đạt được mục tiêu đề ra", ông nói.

Để đối phó với dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế xã hội, Chủ tịch Quốc hội cho biết Việt Nam đã sử dụng linh hoạt và khá đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ cũng như chính sách vĩ mô khác. Tổng quy mô các gói hỗ trợ trong 2 năm 2020, 2021 ước tính khoảng 4%.

Ông Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh diễn đàn lần này là cơ hội để Quốc hội, các cơ quan tổ chức hữu quan lắng nghe hiến kế các giải pháp xây dựng gói hỗ trợ, với quy mô và liều lượng phù hợp, mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa đáp ứng nhiệm vụ trước mắt, vừa đáp ứng yêu cầu dài hạn về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh.

"Diễn đàn cũng sẽ trao đổi, giải đáp câu hỏi huy động nguồn lực từ đâu, khi mà thị trường huy động vốn trung và dài hạn còn hạn chế; việc phân bổ sử dụng nguồn lực thế nào; giải đáp câu hỏi năng lực hấp thụ của nền kinh tế khi chúng ta còn có điểm nghẽn, vướng mắc", ông nói.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO