Hỗ trợ nông dân trong chuyển đổi số: Cần sự vào cuộc đồng bộ

03/12/2021, 10:32

Thời gian qua, nhiều nông dân đã thu được tiền tỷ trên chính những mảnh vườn, thửa ruộng, vuông tôm, chuồng trại của mình. Khẳng định, chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu thế tất yếu, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước, các nông dân Việt Nam xuất sắc cần đi đầu trong công cuộc chuyển đối số.

Việt Nam là nước có tỷ lệ nông dân quan tâm đến chuyển đổi số cao nhất ASEAN

Chia sẻ tại Diễn đàn nông dân quốc gia lần thứ VI chủ đề: Nông dân với chuyển đổi số nông nghiệp tổ chức ngày 2/12/2021, TS. Trần Công Thắng- Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)- cho biết, nền kinh tế số tại Việt Nam đạt 16 tỷ USD năm 2020, đạt 21 tỷ USD năm 2021 (tăng 31%) và dự kiến đạt 57 tỷ USD vào năm 2025 (bao gồm các lĩnh vực thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến, và gọi xe công nghệ).

Việt Nam là quốc gia được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong số 6 quốc gia Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa của nền kinh tế số Việt Nam được dự báo sẽ tăng gấp gần 3 lần trong vòng 4 năm tới.

Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VI với chủ đề: Nông dân với chuyển đổi số nông nghiệp.
Diễn đàn nông dân quốc gia lần thứ VI với chủ đề: Nông dân với chuyển đổi số nông nghiệp

Đánh giá về những kết quả bước đầu trong việc thực hiện số hóa nông nghiệp tại Việt Nam, TS. Tan Siang Hee - Giám đốc CropLife châu Á - nhận định: Việt Nam đang có những bước tiến đầu tiên trong việc thực hiện số hóa nông nghiệp và để làm được điều này cần sự chung sức của tất cả chúng ta - những đơn vị liên quan trong ngành nông nghiệp.

TS. Tan Siang Hee cũng cho biết, vào quý I/2021, CropLife Asia đã thực hiện một cuộc khảo sát với trên 130 nông dân trồng lúa, trái cây, cà phê và rau, chúng tôi nhận thấy rằng có 42% nông dân mong muốn chuyển sang ứng dụng nông nghiệp kỹ thuật số. Nhưng họ băn khoăn phải làm gì, làm như thế nào để có thể áp dụng những công nghệ mới. Theo khảo sát, có hơn 89% người Việt Nam sử dụng điện thoại di động và 68% trong số đó là điện thoại thông minh, vì vậy đây là cơ hội to lớn để người nông dân có thể phổ cập và áp dụng các công nghệ nông nghiệp cải tiến.

“Chính phủ Việt Nam cũng có những chiến lược phát triển 500 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao, 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với sự hỗ trợ của cơ sở hạ tầng chính phủ. Đây trở thành cơ hội cho những nông dân sản xuất nhỏ tiếp nhận với công nghệ”, TS. Tan Siang Hee khẳng định.

Ông Lương Quốc Đoàn- Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam dẫn một khảo sát của Hiệp hội Crop Life châu Á - cho biết, khi so với 3 quốc gia ASEAN trong cùng khảo sát, Việt Nam là nước có tỷ lệ cao nhất nông dân mong muốn áp dụng số hóa trong nông nghiệp. Nông dân Việt Nam quan tâm đến số hóa nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trong khu vực. Đây là cơ hội rất lớn cho các đối tác trong chuỗi sản xuất thực phẩm - nông nghiệp tiếp tục hợp tác để đẩy mạnh các hoạt động thử nghiệm ứng dụng công nghệ mới; triển khai các chương trình đào tạo tập huấn để nông dân hiểu và sử dụng các công nghệ đó một cách hiệu quả, an toàn và bền vững với mục tiêu đảm bảo cơ hội tiếp cận và tăng tỷ lệ ứng dụng công nghệ vào canh tác thực tiễn.

Nông dân Việt Nam xuất sắc đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số

Hiện cả nước có 4,1 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp nhưng lại được chia nhỏ ra thành 7 triệu mảnh ruộng, trải dài trên 14 vĩ độ của 7 vùng sinh thái khác nhau. Mỗi năm Việt Nam cũng xuất khẩu tới 42-43 tỷ USD các mặt hàng nông, lâm, thủy sản tới trên 180 nước, vùng lãnh thổ; trong đó có 10 mặt hàng chủ lực đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên như lúa gạo, tôm, cá tra, cao su, hồ tiêu, hạt điều, cà phê, sắn, đồ gỗ…

Đây thực sự là một số liệu, dữ liệu khổng lồ, đòi hỏi nếu không được "số hóa" hay chuyển đổi số từ các dữ liệu đơn lẻ, từ cách hình thức ghi chép, thống kê khác nhau thành một kho dữ liệu để phục vụ cho chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị của ngành nông nghiệp.

Mặc dù vậy, việc ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp hiện đang có một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, trình độ công nghệ chung của cả nước đang thấp. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, chỉ có 23% số doanh nghiệp có hoạt động đổi mới, cải tiến công nghệ.

Một báo cáo của UNDP chỉ rõ, tỷ lệ nhập khẩu công nghệ ở Việt Nam chỉ 10%, nhiều công nghệ thuộc thập niên 80-90, 75% đã hết khấu hao. Còn theo đánh giá của WEF năm 2019, kỹ năng kỹ thuật số của Việt Nam đạt 3,8/7 xếp hạng 97/141).

Trong khi đó, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ còn hạn chế, chưa hiệu quả (hiện nay ngân sách Nhà nước đầu tư cho khoa học công nghệ chỉ chiếm 0,6% GDP, còn châu Âu năm 2013 là 2,01%, Nhật Bản năm 2013 là 3,47%, Mỹ năm 2012 là 2,81%...

Quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp cũng gặp phải những thách thức lớn. Theo TS. Trần Công Thắng, trình độ công nghệ của chúng ta ở mức trung bình, hạ tầng số hóa cần phải được quan tâm đầu tư, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa. Đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, 9,1 triệu hộ nông dân thiếu vốn và thông tin về công nghệ mới là rào cản lớn nhất trong việc chuyển đổi số. Tuy nhiên, đây sẽ là tiềm năng để thúc đẩy việc ứng dụng chuyển đổi số nông nghiệp trong thời gian tới.

Để thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp, TS. Trần Công Thắng đề xuất một số giải pháp quan trọng như: Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về nông nghiệp; xác định các công nghệ số ưu tiên và các lĩnh vực ưu tiên phát triển trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về nông nghiệp, Việt Nam cần tập trung xây dựng ngân hàng dữ liệu thông tin quốc gia về nông nghiệp số, thiết lập mạng lưới quan trắc, giám sát tích hợp trên không và dưới mặt đất phục vụ hoạt động nông nghiệp.

Cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất để nông dân nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ thiết bị nông nghiệp thông qua nền tảng kỹ thuật số.

Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa quy trình sản xuất, quản lý, giám sát nguồn gốc xuất xứ và theo chuỗi cung ứng, đảm bảo nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn và vệ sinh thực phẩm.

Cùng với đó, cần có chính sách khuyến khích và hỗ trợ tài chính cho nông dân quy mô nhỏ; khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai; thúc đẩy kinh tế tập thể và liên kết theo chuỗi giá trị và triển khai thí điểm các mô hình xã nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025.

Nông dân vẫn “mơ hồ” trong chuyển đổi số
Đđã có hơn 2,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành được đưa lên sàn TMĐT Postmart.vn của Bưu điện Việt Nam

Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - nhận định, thời gian vừa qua Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nông dân các cấp đã có nhiều chương trình hành động để hỗ trợ, giúp đỡ, động viên các hội viên nông dân vươn lên làm giàu. Nhiều nông dân đã thu được tiền tỷ trên chính những mảnh vườn, thửa ruộng, vuông tôm, chuồng trại của mình. Nhưng thực tế để hỏi, thế nào là chuyển đổi số, không nhiều người nắm rõ.

Từ thực tế đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng: "Để công cuộc chuyển đổi số của ngành nông nghiệp có thành công hay không phụ thuộc vào gần 100 nông dân xuất sắc có mặt tại diễn đàn này. Chúng ta sẽ là những người đi đầu, những người dẫn dắt để cho hàng triệu hội viên nông dân cùng bước vào công cuộc chuyển đổi số đầy gian nan, thách thức nhưng cũng là cơ hội rất lớn để làm cuộc "đại thay đổi" cho ngành nông nghiệp".

Xác định vai trò và trách nhiệm trong việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi số và tham gia vào nền kinh tế số, ông Lương Quốc Đoàn cho biết, xác định vai trò và trách nhiệm trong việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi số và tham gia vào nền kinh tế số, Hội Nông dân Việt Nam sẽ đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của nông dân và xã hội về chuyển đổi số, xây dựng và kết nối các chuyên trang về chuyển đổi số, kinh tế số trên cổng thông tin và fanpage của các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong cả nước; phối hợp xây dựng ứng dụng trên di động (app Store, Google Play) về hỗ trợ chuyển đổi số cho nông dân; Nâng cao kiến thức về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong nông nghiệp cho nông dân; Xây dựng và chuyển giao các mô hình hỗ trợ nông dân chuyển đổi số; Phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị được cấp phép (Viettel Pay, VNPT Pay, Postpay của Bưu điện Việt Nam, Momo…) triển khai các loại hình tài chính số hỗ trợ nông dân, như: cho vay ngang hàng, thanh toán không tiền mặt, Mobile money.

Đến tháng 11/2021, thông qua sự hỗ trợ của các bộ ngành chức năng và các doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử, đã có hơn 2,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành được đưa lên sàn TMĐT Postmart.vn của Bưu điện Việt Nam, hàng triệu nông dân được đào tạo kỹ năng số, gần 50.000 sản phẩm nông sản được đưa các sàn TMĐT và hàng nghìn giao dịch điện tử đã được thực hiện. Điều đó cho thấy hiệu quả bước đầu của công cuộc chuyển đổi số nông nghiệp. Tuy nhiên, chuyển đối số là một tiến trình dài và để có được hiệu quả cao cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, ban ngành ở Trung ương và địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO