Có thể thấy, xu hướng mua sắm trên các sàn thương mại điện tử trở nên phổ biến nhất là trong thời điểm dịch bệnh. Tận dụng sức hút của mình, mới đây ByteDance, công ty mẹ Trung Quốc tạo ra TikTok đã tung ra một ứng dụng dành cho những ai muốn bán sản phẩm trên mạng xã hội của họ. Được gọi là TikTok Seller, ứng dụng này để người bán có thể quản lý các cửa hàng kỹ thuật số của họ. Đây là động thái mới cho thấy, kỳ lân công nghệ có trụ sở tại Bắc Kinh đang đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử từ việc tận dụng sự phổ biến rộng rãi của nền tảng video ngắn do chính mình sở hữu.
Theo nguồn tin của trang SCMP, ứng dụng do nhóm TikTok có trụ sở tại Singapore phát triển. Trước khi ra mắt ứng dụng bán hàng TikTok Seller, TikTok đã sớm thực hiện một số thay đổi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại điện tử. Cụ thể, hồi tháng 2/2021, công ty ra mắt Seller University - trung tâm chuyên đào tạo các thương gia kinh doanh trên ứng dụng chia sẻ video TikTok. Sau đó, đến mùa hè năm nay, công ty hợp tác với Shopify thử nghiệm tính năng mua sắm trên TikTok ở Mỹ, Anh và Canada. Thỏa thuận hợp tác cho phép người bán thêm mục mua sắm vào hồ sơ TikTok của họ. Đồng thời, các thương gia có thể đồng bộ hóa danh mục sản phẩm ngay trên hồ sơ để tạo cửa hàng của riêng mình trên nền tảng video này.
Theo mô tả trên Google Play, các tính năng của ứng dụng mới bao gồm "đăng ký người bán, quản lý sản phẩm, quản lý đơn đặt hàng, quản lý trả lại và hoàn tiền, quản lý khuyến mại, dịch vụ khách hàng, phân tích dữ liệu, đăng ký chiến dịch và giáo dục người bán".
TikTok đã cung cấp tuyên bố về ứng dụng mới trên trang TechCrunch như sau:
"Chúng tôi luôn tìm cách để nâng cao trải nghiệm của cộng đồng và thường xuyên thử nghiệm các tính năng mới truyền cảm hứng sáng tạo, mang lại niềm vui và đổi mới các trải nghiệm TikTok. Các thương hiệu trên TikTok đã tìm thấy một lối thoát sáng tạo để kết nối chân thực với khán giả, và chúng tôi rất vui được thử nghiệm các cơ hội thương mại mới cho phép cộng đồng của chúng tôi khám phá và tương tác với những gì họ yêu thích nhất".
Đến nay, ứng TikTok Seller đã chính thức đi vào hoạt động. Tuy nhiên, ứng dụng này trước mắt hiện chỉ khả dụng ở Indonesia và vẫn chưa đến phương Tây, TikTok đã xác nhận điều này và cho rằng ứng dụng đã được phát hành ở Indonesia, nơi công ty đang chạy Chương trình thử nghiệm mua sắm TikTok và tiếp tục thử nghiệm một loạt các giải pháp thương mại mới đang được âm thầm phát triển.
"Chúng tôi không ngừng tìm cách để thường xuyên thử nghiệm các tính năng mới nhằm nâng cao trải nghiệm cộng đồng, truyền cảm hứng sáng tạo, mang lại niềm vui và đổi mới trải nghiệm TikTok", phát ngôn viên của TikTok, Masu cho biết.
Cũng theo phát ngôn viên của TikTok, Indonesia đã từng là thị trường thử nghiệm cho nhiều khoản đầu tư của TikTok vào lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử. Điều này là do việc sử dụng điện thoại thông minh ngày càng tăng trong nước và cơn khát dịch vụ trực tuyến của những người ưa thích thiết bị di động. Đến năm 2020, khoảng 64% dân số cả nước đã truy cập Internet từ điện thoại di động và con số đó dự kiến sẽ tăng lên 81% vào năm 2026, theo dữ liệu của Statistat.
Chủ sở hữu TikTok ByteDance đẩy mạnh mở rộng thương mại điện tử với việc ra mắt ứng dụng mua sắm Fanno ngay ở châu Âu
Mới đây, ByteDance, chủ sở hữu của TikTok đã đẩy mạnh việc mở rộng sang lĩnh vực thương mại điện tử với việc ra mắt ứng dụng mua sắm "Fanno" gần đây tại các thị trường được chọn trên khắp châu Âu, khi công ty khởi nghiệp về công nghệ có giá trị nhất thế giới tập trung vào các ngành chiến lược để đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của mình.
Ứng dụng Fanno đã được cung cấp trên cả App Store của Apple và Google Play dành cho nền tảng Android ở Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Anh. Nó được phát hành cho kịp trước mùa mua sắm Giáng sinh ở Mỹ và các thị trường phương Tây khác.
"Chúng tôi đang ở giai đoạn đầu khám phá đề xuất thương mại điện tử mới này, nhằm cung cấp các sản phẩm hiệu quả về chi phí cho người dùng toàn cầu", đại diện ByteDance cho biết.
Các động thái mở rộng kinh doanh thương mại này được cho là cực kỳ quan trọng với ByteDance, vì nó giúp mở rộng lợi ích thương mại điện tử của mình trong bối cảnh Bắc Kinh liên tục đàn áp quy định đối với lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, điều đó đồng nghĩa họ cũng phải cạnh tranh với các thực thể truyền thông xã hội lớn khác, chẳng hạn như Facebook và Instagram trên các thị trường thương mại điện tử quốc tế.
Ngành thương mại điện tử toàn cầu dự kiến đạt 4,2 nghìn tỷ USD vào năm 2021, theo dự báo từ Chỉ số nền kinh tế kỹ thuật số của Adobe. Tại Trung Quốc đại lục, ByteDance dự kiến sẽ giới thiệu một ứng dụng mua sắm độc lập có tên Douyin Box, theo một báo cáo của tờ Chinse Tech Media 36kr. Douyin- ứng dụng chị em của TikTok ở Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng một hệ sinh thái rộng lớn gồm các thương gia trên nền tảng thương mại điện tử của riêng mình.
ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh cũng dự định đưa TikTok thành một đơn vị kinh doanh độc lập, dự kiến sẽ ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 60% lên 400 tỷ nhân dân tệ (63 tỷ USD) trong năm nay, theo một báo cáo gần đây của trang The Information.