Tại Hội thảo, đại diện đến từ Công ty tư vấn Digital Success Nonprofit đã giới thiệu về Chương trình thành công số hóa của Hungary với 6 trụ cột chính gồm: Các chiến lược số trong các lĩnh vực quan trọng (như giáo dục, start-up, phát triển xuất khẩu số, bảo vệ trẻ em trên môi trường số); Truy cập số (miễn trừ thuế cho các doanh nghiệp triển khai số hóa), Mạng số (Chương trình Internet siêu nhanh, Liên minh 5G Hungary, Chương trình phát triển cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia), Kiến thức số (Phát triển kiến thức số, Chương trình Mầm non số, Trung tâm kiến thức thể thao số…), Quốc gia số (An toàn thông tin số, thành phố thông minh, chính quyền số) và Kinh tế số (Chương trình phát triển nguồn nhân lực số, Chiến lược phát triển y tế số, Chiến lược Nông nghiệp số, Liên minh AI….).
Để thúc đẩy số hóa ở khu vực nông thôn, chính phủ Hungary đã triển khai Chương trình Ngôi làng số nhằm phát triển vùng nông thôn, sử dụng các giải pháp số, thông minh tạo ra một lối sống bền vững tại khu vực này. Trong thời kỳ đại dịch Covid, nhiều người chuyển sang làm việc tại nhà, Chương trình đã triển khai các nền tảng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chuyển sang làm việc trực tuyến. Đồng thời, nền tảng này còn cung cấp các biểu đồ với các thông tin về các khu vực trên toàn quốc, tạo điều kiện cho người dân khi muốn di chuyển đến một vùng mới để làm việc sẽ biết được nơi họ sống cách siêu thị, trường học bao xa, kết nối Internet tại đó thế nào… Ngoài ra, Chương trình còn xây dựng Cộng đồng mua bán ở nông thôn, Cộng đồng năng lượng ở nông thôn, Mô hình thị trường lao động nông thôn, hệ sinh thái thanh toán điện tử và dịch vụ số hóa… Chương trình Ngôi làng số cung cấp nhiều dịch vụ và sản phẩm nhằm giải quyết những khó khăn tại khu vực nông thôn, nâng cao tiêu chuẩn số của người dân nơi đây.
Cũng tại hội thảo, đại diện Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT đã giới thiệu về “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2020, với tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia hướng tới mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản cụ thể.
Tại Hội thảo, đại diện Văn phòng Tư pháp quốc gia Hungary giới thiệu các giải pháp số hiện đang được áp dụng tại hệ thống tư pháp nước này./.