Kỳ I: Xu thế tất yếu
Giải quyết các vấn đề về giao thông, đô thị bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin đang là xu thế tất yếu của các đô thị hiện đại. Thái Nguyên đang phấn đấu là tỉnh công nghiệp nên tốc độ phát triển kinh tế cũng như vấn đề đô thị hóa nhanh kéo theo nhu cầu vận tải, gia tăng phương tiện đã tạo áp lực lên hệ thống giao thông, làm tăng nguy cơ ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông. Việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh trong một đô thị hiện đại sẽ giải quyết được những khó khăn này.
Những lợi ích “kép”
Khi biết chúng tôi tìm hiểu về Giao thông thông minh (GTTM), ông Phạm Công Huấn, Phó Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết: Mặc dù mới được nghiên cứu nhưng xây dựng hệ thống GTTM ở Thái Nguyên đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Hiện nay cả nước có hơn 20 tỉnh, thành đã, đang xây dựng các trung tâm giám sát, điều hành GTTM và hoạt động khá hiệu quả. Tỉnh ta cũng đang nghiên cứu vấn đề này và sẽ đưa ra những giải pháp tối ưu cho giao thông tỉnh nhà phát triển theo xu thế tất yếu của đô thị hiện đại.
Theo lý giải của ông Huấn, hiểu một cách đơn giản nhất, GTTM là việc áp dụng các công nghệ tiên tiến trong quản lý hoạt động giao thông vận tải. Hệ thống này được liên kết bởi 3 yếu tố: Cơ sở hạ tầng, phương tiện giao thông và con người để xây dựng nên các ứng dụng và công nghệ áp dụng nhằm quản lý, giám sát hoạt động giao thông. Các dịch vụ trong GTTM hướng đến 2 đối tượng phục vụ chính là các nhà quản lý hoạt động giao thông và người tham gia giao thông. Đối với các nhà quản lý thì các dịch vụ trong GTTM trợ giúp cho việc theo dõi, giám sát các hoạt động giao thông, hỗ trợ việc đưa ra quyết định thông qua việc thu thập và phân tích các số liệu được ghi nhận lại trong hoạt động giao thông. Còn đối với người tham gia giao thông được cung cấp các thông tin giúp xây dựng được kế hoạch di chuyển đảm bảo được yếu tố: tiết kiệm thời gian, di chuyển an toàn, tránh các yếu tố xung đột trong quá trình di chuyển.
Hệ thống quản lý thông minh tại Bến xe khách Trung tâm T.P Thái Nguyên hạn chế tối đa sự can thiệp của con người.
Như vậy, việc áp dụng GTTM sẽ giúp cải thiện mạng lưới đường bộ, giải quyết các vấn đề khó khăn, cấp bách đối với những đô thị đang phát triển nhanh và hiện đại. Người tham gia giao thông được thông tin tình trạng giao thông, cảnh báo ùn tắc giao thông để chọn cho mình một lộ trình thích hợp; đồng thời cũng cho phép người dân phản ảnh trực tiếp về các vấn đề liên quan đến hạ tầng, đường sá, đèn tín hiệu hoặc đóng góp thông tin về những vị trí đang xảy ra sự cố giao thông...
Nhìn vào thực tế
Những năm gần đây, cơ sở hạ tầng giao thông của Thái Nguyên đang từng bước được đầu tư hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại. Toàn tỉnh hiện có 38,7 km đường cao tốc, 5 tuyến Quốc lộ với tổng chiều dài 244km, 20 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 374km. Tuyến vành đai V từ Hiệp Hòa (Bắc Giang) qua huyện Phú Bình, T.X Phổ Yên và T.P Sông Công sang Vĩnh Phúc dài 45km. Đường Hồ Chí Minh dài 32km, giai đoạn 1 đã hoàn thành đưa vào khai thác 17km. Ngoài ra, tỉnh còn có 92 tuyến đường huyện dài 742km, 2.240 tuyến đường xã dài trên 3.232km…
Cùng với đó, một loạt các bến xe khách được xây dựng như Bến xe khách trung tâm T.P Thái Nguyên, bến xe khách Định Hóa, Phổ Yên, Đại Từ; hạ tầng bến xe buýt; hệ thống đèn tín hiệu giao thông… cũng được đầu tư đồng bộ, mang lại nhiều tiện ích cho người tham gia giao thông. Tại T.P Thái Nguyên, hạ tầng giao thông hiện tại được phân bổ theo các trục đường chính như: Lương Ngọc Quyến, Cách mạng tháng 8, Quang Trung, Thống Nhất, Việt Bắc, Phan Đình Phùng, Hoàng Văn Thụ. Các trục đường chính là đường 2 chiều 4 làn xe tạo lên mạng lưới giao thông dạng ô bàn cờ mang lại sự thông thoáng đáng kể cho giao thông của thành phố.
Mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng cơ sở hạ tầng giao thông hiện vẫn chưa theo kịp với sự gia tăng phương tiện, lượng người tham gia giao thông. Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh), những năm gần đây, phương tiện giao thông trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, bình quân mỗi năm tăng trên 46.000 xe các loại. Trong khi dân số của toàn tỉnh xấp xỉ 1,3 triệu người, mật độ 347 người/km2. Riêng T.P Thái Nguyên hiện có dân số khoảng 500.000 người, mật độ trên 1.900 người/km2. Với mật độ dân số và phương tiện giao thông lớn như hiện nay thì việc tổ chức giao thông và điều tiết giao thông là vô cùng phức tạp. Thực tế hiện nay việc phân làn, phân luồng giao thông tại một số tuyến đường chưa phù hợp, nhiều vị trí trong thành phố xuất hiện tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Điển hình như tại nút giao đầu cầu Gia Bảy, người tham gia giao thông từ bốn tuyến đường đổ vào nút giao, thường xuyên dẫn đến ùn tắc. Tại nút giao đường tròn Tân Long do còn bất cấp về hạ tầng và tổ chức giao thông nên thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc…
Ông Lê Văn Vịnh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải: “Phát triển GTTM là một xu thế tất yếu trong thời kỳ phát triển khoa học công nghệ. GTTM gắn với việc ứng dụng, tích hợp các công nghệ và chiến lược quản lý hiện đại vào hệ thống giao thông đô thị nhằm mục đích cung cấp các phương thức và các dịch vụ vận tải vào quản lý giao thông một cách sáng tạo. Trong đó, người tham gia giao thông được cung cấp thông tin tốt hơn, đầy đủ và kịp thời, được sử dụng mạng lưới giao thông đô thị an toàn”. |
Mặt khác, lực lượng Cảnh sát giao thông trong toàn tỉnh đang ngày càng được tinh gọn, không đủ lực lượng để trải đều thực hiện công tác tuần tra, giám sát trên tất cả các tuyến giao thông, dẫn đến tình trạng vi phạm về trật tự an toàn giao thông phổ biến nhưng không được thường xuyên nhắc nhở, xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, hệ thống kết nối, cung cấp thông tin cho người tham gia giao thông tại Thái Nguyên hiện tại gần như không có. Điểm qua một vài từ khoá thường dùng để tra cứu thông tin về giao thông qua trang web tìm kiếm google như: “Xe khách Thái Nguyên” , “Xe buýt Thái Nguyên”, “Giao thông Thái Nguyên” … Kết quả tìm kiếm mang lại chỉ cho thấy được thông tin về các tuyến xe khách cố định được đăng tải trên trang http://benxethainguyen.com.vn/datveonline còn lại các thông tin khác chỉ tập trung vào các bài báo phản ánh thông tin về tình hình giao thông của tỉnh. Tuy nhiên, mức độ thông tin cung cấp rất hạn chế và thiếu tính cập nhật các thông tin.
Có thể nói, với một hạ tầng kỹ thuật như vậy, việc đáp ứng các yêu cầu tối thiểu của GTTM là rất khó khăn. Trong khi, để xây dựng hệ thống GTTM thì đòi hỏi mạng lưới giao thông đô thị tương xứng theo quy mô, cấp đô thị. Tại các khu đô thị hiện có cần tiến hành phân loại mạng lưới đường giao thông, tổ chức lại giao thông hợp lý và xây dựng đồng bộ mạng lưới các công trình cơ sở hạ tầng khác. Trong đó tập trung phát triển đa dạng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng để đảm bảo trật tự an toàn giao thông đô thị và bảo vệ môi trường.