Sinh năm 1945, John McAfee là chuyên gia bảo mật người Mỹ gốc Anh. Ông là nhà sáng lập của hãng bảo mật danh tiếng McAfee vào năm 1987 trước khi công ty được bán lại cho Intel vào năm 2010 với giá 7,68 tỷ USD. Trên thực tế, McAfee đã rời khỏi vị trí lãnh đạo của hãng bảo mật mang tên mình từ năm 1994 và không còn bất kỳ sự liên quan nào đến hãng bảo mật này kể từ thời điểm đó.
John McAfee được xem là một trong những "huyền thoại bảo mật" với những bình luận có sức ảnh hưởng lớn trên lĩnh vực an ninh mạng. McAfee thường đưa ra những nhận định sâu sắc về những vụ bê bối tấn công mạng trên toàn cầu và vấn đề giám sát trên Internet.
Sau khi rời bỏ hãng bảo mật do mình lập ra, McAfee thành lập công ty bảo mật mới có tên gọi Future Tense Central, tập trung vào các vấn đề bảo mật và sản phẩm bảo vệ riêng tư cá nhân.
Là một "huyền thoại bảo mật" và là một tên tuổi lớn trong giới công nghệ, tuy nhiên McAfee cũng nổi tiếng với lối sống trác táng, buông thả và có phần lập dị. Ông đã từng không ít lần gặp rắc rối với pháp luật.
Tuổi thơ gian khó
John McAfee sinh ngày 18/9/1945 tại một doanh trại của quân đội Mỹ đóng tại hạt Gloucestershire (Anh), do cha ông là một quân nhân người Mỹ và mẹ ông là một người Anh.
Khi McAfee được 15 tuổi, cha của ông, một người nghiện rượu nặng, đã tự sát bằng súng. Người cha nghiện rượu và cái chết của ông đã ảnh hưởng rất nhiều đến tuổi thơ của McAfee và có vẻ như chính điều này đã tạo nên một con người nổi loạn và phóng túng khi ông trưởng thành.
McAfee cũng uống rượu từ khi còn rất sớm, nhưng bên cạnh đó, ông cũng là một người có đầu óc kinh doanh từ khi còn trẻ. Ngay từ khi còn theo học cao đẳng, McAfee đã kinh doanh tạp chí theo hình thức "gõ cửa từng nhà" và điều này đã giúp ông thu được một khoản tiền đáng kể.
Trở thành lập trình viên và thành lập hãng bảo mật mang tên mình
John McAfee có bằng cử nhân toán học và tự học lập trình, từng làm lập trình viên cho NASA từ năm 1968 đến năm 1970. Sau khi rời NASA, John McAfee làm lập trình viên cho nhiều hãng công nghệ khác nhau như Univac, Xerox, CSC…
Cuối năm 1980, khi đang làm việc tại công ty Lockheed, McAfee đã nhận được một bản sao của Brain, loại virus máy tính đầu tiên trong lịch sử. Kể từ thời điểm này, McAfee đã có niềm đam mê và bắt đầu nghiên cứu để phát triển phần mềm chống lại virus máy tính.
Năm 1987, McAfee thành lập công ty diệt virus với tên gọi McAfee Associates và đến năm 1992, công ty chính thức được lên sàn chứng khoán. McAfee Associates đạt doanh thu 5 triệu mỗi năm và nhiều công ty lớn trên thế giới đều sử dụng sản phẩm của hãng bảo mật này. Tuy nhiên, đến năm 1994, McAfee quyết định bán toàn bộ cổ phần của mình và rời khỏi công ty, điều này giúp McAfee "đút túi" 100 triệu USD.
Tháng 8/2010, Intel mua lại hãng bảo mật McAfee với giá 7,68 tỷ USD và quyết định đổi tên thành Intel Security. McAfee sau đó đã lên tiếng cảm ơn Intel vì đã đổi tên hãng bảo mật McAfee, vì ông không còn muốn dính dáng gì đến công ty do mình sáng lập.
"Giờ đây, tôi vô cùng biết ơn Intel vì đã giải phóng tôi khỏi mối liên hệ tồi tệ với phần mềm tệ hại nhất hành tinh này", McAfee phát biểu sau khi Intel mua lại và đổi tên công ty do ông sáng lập, điều này cho thấy McAfee đã không còn chút tâm huyết và mặn mà nào với "đứa con tinh thần" của mình.
Cuộc sống phóng túng, dính rắc rối với pháp luật và chạy đua Tổng thống Mỹ
Sau khi rời khỏi công ty do mình sáng lập, John McAfee đã thành lập nhiều công ty khác nhau, bao gồm cả công ty bảo mật và công ty dược sản xuất thuốc kháng sinh. McAfee cũng đã đầu từ hàng chục triệu USD vào bất động sản, nhưng thua lỗ nghiêm trọng.
Trước khi thành lập hãng phần mềm mang tên mình, John McAfee đã lâm vào cảnh nghiện nặng. Ông thường xuyên sử dụng ma túy và các chất gây ảo giác. Cuối thập niên 2000, McAfee quyết định bán toàn bộ tài sản tại Mỹ để chuyển đến sống tại quốc gia Trung Mỹ Belize. Tại đây, McAfee tiếp tục sử dụng ma túy và có một cuộc sống phóng túng. Ông thường xuyên sử dụng các loại thuốc gây ảo giác rồi sau đó đăng bài lên các diễn đàn trực tuyến để mô tả về cảm giác của mình.
Đầu năm 2012, McAfee đã từng bị cảnh sát Belize bắt giữ vì sở hữu vũ khí bất hợp pháp. Ông cũng có các mối quan hệ với bất chính với những băng đảng tội phạm khét tiếng ở Belize. Cũng trong năm 2012, McAfee bị cảnh sát Belize điều tra vì tình nghi liên quan đến một vụ án giết người, điều này đã khiến McAfee bỏ trốn khỏi Belize và chuyển đến một quốc gia Trung Mỹ khác là Guatemala. Tuy nhiên, McAfee đã bị bắt giữ tại Guatemala vì nhập cảnh trái phép và sau đó bị trục xuất về Mỹ.
Năm 2013, McAfee đã đăng tải một đoạn video lên Youtube với tiêu đề "Cách gỡ bỏ phần mềm McAfee Antivirus", trong đó ông được vây quanh bởi các cô gái xinh đẹp và ăn mặc "thiếu vải", sử dụng một chất bột trắng giống ma túy và hướng dẫn cách gỡ bỏ phần mềm bảo mật mang tên mình.
Dù gặp nhiều rắc rối về pháp lý, năm 2015, McAfee thông báo sẽ tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào 2016. Thay vì tìm kiếm đề cử từ một đảng phái hiện nay ở Mỹ, McAfee cho biết ông sẽ ra tranh cử với tư cách thành viên của "Đảng Phi thường" do ông thành lập.
Sau thất bại năm 2016, McAfee từng có ý định tiếp tục tranh cử vào năm 2020, nhưng sau đó đã bỏ cuộc giữa chừng.
Từng bị bắt giữ vì dùng… quần lót thay khẩu trang
Tháng 8/2020, McAfee đã bị cảnh sát Na Uy bắt giữ khi ông sử dụng chiếc quần lót của vợ đeo lên mặt để thay cho khẩu trang để phòng bệnh.
Sự việc xảy ra khi John McAfee cùng vợ của mình đến Na Uy để tham dự một cuộc họp bằng máy bay riêng. Nhưng trong khi làm thủ tục nhập cảnh, McAfee đã bị các nhà chức trách tại Na Uy bắt giữ vì ông từ chối mang khẩu trang để phòng chống dịch, thay vào đó ông sử dụng một chiếc quần lót của vợ mình.
"Tôi khẳng định đó là thứ an toàn nhất có sẵn và tôi từ chối mang bất cứ thứ gì khác, vì lợi ích sức khỏe của tôi", McAfee viết trên trang Twitter sau khi bị nhà chức trách Na Uy tạm giữ.
Cuộc họp của McAfee sau đó đã phải hủy bỏ vì sự cố này.
Giải thích cho quyết định mang quần lót lên mặt thay vì mang khẩu trang, vợ của John McAfee, Janice, cho rằng khẩu trang không thể ngăn chặn được virus, còn quần lót thì thông thoáng hơn.
John McAfee đã được cảnh sát Na Uy trả tự do sau khi nộp một số tiền bảo lãnh.
Bị bắt giữ tại Tây Ban Nha và tự sát trong tù
Tháng 10/2020, John McAfee bị cảnh sát Tây Ban Nha bắt giữ theo yêu cầu của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) với cáo buộc trốn thuế.
DOJ cáo buộc McAfee đã trốn thuế trong nhiều năm, thông qua nhiều cách thức khác nhau, bao gồm cả việc sử dụng tên của người khác để đứng tên các tài khoản ngân hàng, tài khoản tiền điện tử, bất động sản, du thuyền và một loạt các phương tiện khác… DOJ cho biết không có bất kỳ tài sản nào đứng tên của McAfee. McAfee cũng đã bị truy tố vì cố tình không kê khai thuế từ năm 2014 đến năm 2018.
Trước khi bị DOJ cáo buộc, McAfee cũng đã từng nhiều lần "khoe khoang" trên mạng xã hội về hành động trốn thuế của mình và xem những giấy tờ kê khai thuế là "một mớ giấy lộn".
Tuy nhiên, đến ngày 23/6, trong khi đang bị giam giữ tại nhà tù thành phố Barcelona để chờ dẫn độ về Mỹ. John McAfee được phát hiện đã tử vong trong tư thế treo cổ. Những kết luận ban đầu cho thấy, đây có thể là một vụ tự tử.
Là một "huyền thoại" trong giới bảo mật, từng là triệu phú khi có trong tay cả trăm triệu USD, nhưng nửa cuối của cuộc đời McAfee dính đến những rắc rối về pháp lý và những cuộc trốn chạy khỏi cơ quan chức năng. Có thời điểm, ông sống lênh đênh trên du thuyền để không bị bắt giữ.
Sự ra đi đột ngột của "huyền thoại bảo mật" John McAfee đã khiến giới công nghệ phải bất ngờ và nhiều người trong giới công nghệ đã dành những lời chia buồn sâu sắc đến gia đình McAfee.
T.Thủy
Tổng hợp