CẦN THIẾT NHANH CHÓNG SỬA ĐỔI LUẬT BÁO CHÍ 2016 ĐỂ THEO KỊP VỚI NHỮNG CHUYỂN ĐỘNG MAU LẸ CỦA ĐỜI SỐNG BÁO CHÍ TRUYỀN THÔNG
Lê Trần Nguyên Huy - Phó Tổng Biên tập phụ trách báo Nhà báo và Công luận
Ngày 21/6/2023, nền báo chí cách mạng Việt Nam kỷ niệm 98 năm ra đời và chỉ còn hai năm nữa, sẽ chạm mốc “bách niên”. Sau gần một thế kỷ phát triển, có thể khẳng định, báo chí Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế to lớn của mình, đồng hành, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, báo chí đã góp phần rất lớn và tạo đồng thuận xã hội về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, phản ánh kịp thời những ý kiến sôi động từ thực hiện để Đảng, Nhà nước kịp thời ban hành, điều chỉnh chủ trương, giải pháp. Đảng, Nhà nước luôn trân trọng những đóng góp đó, nhận thức đầy đủ vai trò quan trọng của báo chí và luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để báo chí cách mạng phát huy tối đa vai trò, làm tốt hơn nữa chức năng nhiệm vụ của mình, trong đó có việc không ngừng hoàn thiện các cơ sở pháp lý như Luật Báo chí để báo chí cách mạng nước ta không ngừng phát triển, không ngừng lớn mạnh. Mới đây nhất, Luật Báo chí 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí phát triển vượt bậc, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và luật định.
Đất nước giờ đây đang chuyển mình đổi mới mạnh mẽ với những mục tiêu cao hơn, xa hơn, báo chí cách mạng dù vẫn trung trinh với sứ mệnh cốt lõi của mình là đồng hành cùng đất nước, cùng dân tộc, nhưng sự xuất hiện của những công nghệ truyền thông mới, sự cạnh tranh khốc liệt từ các loại hình truyền thông mới cũng như sự đổi thay trong cách thức tiếp nhận thông tin của công chúng, đặc biệt gần đây là sự trỗi dậy mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI) đang khiến đời sống báo chí truyền thông thay đổi về mặt căn bản. Nhiều vấn đề báo chí mới, phức tạp, từ đó cũng nảy sinh khiến Luật Báo chí 2016 đang chưa bao quát được hết. Đơn cử như các quy định cụ thể để điều chỉnh hoạt động của những loại hình hoạt động thông tin có tính chất báo chí như mạng xã hội, ứng dụng (App) trong nước và xuyên biên giới đang phân phối nội dung trên internet… đòi hỏi có những điều chỉnh kịp thời để quản lý được chặt chẽ hơn. Việc đạo đức báo chí ngày càng “nóng”, tình trạng cơ quan báo chí và nhà báo lạm quyền, cửa quyền, lợi dụng vị trí và công việc để vụ lợi… ngày càng gia tăng cũng đòi hỏi Luật Báo chí cần có sự điều chỉnh trong quy định về nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí, quy định về việc thu hồi giấy phép hoạt động báo chí, quy định về điều kiện, tiêu chuẩn nhà báo, trong đó phải nhấn mạnh tới yêu cầu về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp trước khi cấp thẻ nhà báo lần đầu…
Liên quan tới việc góp ý sửa đổi Luật Báo chí 2016, từ thực tiễn đời sống báo chí cũng thực tế hoạt động tác nghiệp tại tòa soạn, Báo Nhà báo và Công luận chúng tôi có một số đề xuất như sau:
a. Sửa đổi, bổ sung Điều 18, Điều 31 Luật Báo chí theo hướng thu hồi giấy phép hoạt động khi cơ quan báo chí không còn đảm bảo các điều kiện theo quy định.
b. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 Luật Báo chí theo hướng nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nhà báo Việt Nam trong giáo dục bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ người làm báo; thường xuyên theo dõi giám sát, kiểm tra kết luận hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp và tăng cường xử lý vi phạm của hội viên, nhà báo. Điều này rất quan trọng trong bối cảnh hoạt động báo chí hiện nay.
c. Cân nhắc, xem xét sửa đổi tên Luật Báo chí thành Luật Báo chí truyền thông, mở rộng phạm vi điều chỉnh để bao quát các loại hình truyền thông hiện đại; Làm rõ khái niệm chủ bút, chủ báo.
d. Báo chí đang được khuyến khích chuyển đổi số mạnh mẽ thì Luật Báo chí cũng phải được bổ sung theo hướng tạo ra hành lang pháp lý để xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích báo chí phát triển trên nền tảng số. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của những công cụ trí tuệ như AI sẽ có những tác động căn bản tới hoạt động báo chí, trong đó có đạo đức nghề nghiệp, vì vậy cần thiết phải có những bổ sung, sửa đổi về Luật để báo chí hiện đại vẫn đảm bảo được tính khách quan, trung thực.
e. Bổ sung quy định quản lý liên quan tới các hoạt động cung cấp nội dung thông tin trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội, quy định rõ điều kiện thành lập, hoạt động, vai trò, nhiệm vụ của trang tin điện tử tổng hợp.
g. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 điều 5 Luật Báo chí theo hướng làm rõ hơn chính sách hỗ trợ, đặt hàng cơ quan báo chí, quy định cơ quan quản lý nhà nước tham gia điều tiết, thẩm định việc đặt hàng báo chí để bảo đảm hiệu quả tuyên truyền và đúng tôn chỉ mục đích.
h. Sửa đổi chính sách nhằm hỗ trợ, ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ quan báo chí đối với cả 04 loại hình để tái đầu tư nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm thông tin, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị. Đây cũng là mong muốn được lãnh đạo các cơ quan báo chí bày tỏ từ Diễn đàn Tổng Biên tập về Kinh tế báo chí do Báo Nhà báo và Công luận tổ chức năm 2020.
i. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí 2016 về việc thu hẹp đối tượng thành lập cơ quan báo chí; quy định rõ mô hình chung của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú tương ứng với quy mô của cơ quan báo chí; quyền, nghĩa vụ và yêu cầu tiêu chuẩn phóng viên, điều kiện hoạt động tác nghiệp của phóng viên khi chưa được cấp thẻ nhà báo... Những quy định này sẽ tạo hành lang pháp lý chặt chẽ hơn để các cơ quan báo chí, các nhà báo tác nghiệp đúng quy định.
Trên đây là một số góp ý, đề xuất của Báo Nhà báo và Công luận xung quanh việc sửa đổi Luật Báo chí 2016 xin được gửi tới Hội thảo. Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.