MỘT SỐ GÓP Ý SỬA ĐỔI LUẬT BÁO CHÍ NĂM 2016 TỪ GÓC NHÌN THỰC TIỄN CỦA HOẠT ĐỘNG BÁO CHÍ HIỆN NAY
Nguyễn Phạm Thanh Hoa, Công ty Luật TNHH TND (TND Legal)
Nguyễn Lê Thị Ngọc Ánh, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
Tóm tắt: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với sự bùng nổ của Internet đã tác động và làm thay đổi hầu như mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt, báo chí là một trong những lĩnh vực chịu tác động mạnh mẽ và sâu sắc nhất. Báo chí vận hành theo phương thức truyền thống đang đối mặt với nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với các nền tảng truyền tải thông tin khác - báo điện tử. Thế nhưng, Luật Báo chí năm 2016 từ khi ban hành và áp dụng cho đến nay đã bộc lộ nhiều hạn chế, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn cũng như nhiều vấn đề mới phát sinh chưa được Luật này điều chỉnh. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016 trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Xuất phát từ thực tiễn này, bài viết từ việc phân tích, đánh giá thực trạng của hoạt động báo chí hiện nay cùng những bất cập trong nội dung quy định của Luật Báo chí năm 2016 để đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện.
Summary: The 4.0 industrial evolution along with the rapidly growing popularity of the internet has made a strong impact on the livelihood of society. The journalism industry is one of the industries that has been dramatically affected by it. The traditional journalism industry is facing many difficulties regarding competition with other platforms, including electronic newspapers. However, since the Press Law 2016 has been promulgated and applied, there are drawbacks and some inappropriate rules are irrelevant to the current life. Moreover, there are problems that arise and do not be solved because of this law. Therefore, modifications or adding new press laws become more necessary than ever. According to reality, an essay that includes analyzing, and evaluating the real state of affairs of media along with the disadvantages of the rules of the Press Law 2016 to conclude a few complete petitions.
Hiện nay, hoạt động báo chí đã có nhiều thay đổi đáng kể bởi các tác động của quá trình chuyển đổi số cùng sự chi phối của các nền tảng mạng xã hội. Để thích ứng với quá trình này, nhiều cơ quan báo chí đã có chủ trương, chính sách trong đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ để hoạt báo chí trở nên hiệu quả hơn, tuy nhiên, những khó khăn, thách thức đã dần bộc lộ.
1. Thực tiễn hoạt động của các cơ quan báo chí hiện nay
Internet xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX và phát triển mạnh mẽ vào cuối thế kỷ XX. Hiện thế giới có gần 2,3 tỷ người sử dụng Internet, chiếm xấp xỉ một phần ba dân số, tăng hơn 6 lần so với năm 2000. Việt Nam chính thức kết nối Internet toàn cầu vào 19/11/1997, sau gần 15 năm phát triển, tới tháng 9/2022, Việt Nam có 72,1 triệu người sử dụng Internet (đạt tỷ lệ 73,2% dân số) trong cuộc sống hàng ngày. Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới. Đây là tỷ lệ khá cao so với khu vực[1]. Tốc độ phát triển vượt bậc của Internet đã mang lại nhiều tiện ích cho người dùng như thông tin điện tử, email, chat, tìm kiếm dữ liệu, dịch vụ thương mại, chuyển ngân, y tế, giáo dục và quản lý công việc. Internet cung cấp một lượng thông tin và dịch vụ trực tuyến đồ sộ trên phạm vi toàn cầu. Nó cho phép con người mở rộng mối quan hệ và giao tiếp với bạn bè trên khắp thế giới một cách nhanh chóng và hiệu quả. Đây cũng là nơi con người tự do sáng tạo, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển nền kinh tế tri thức.
Báo chí là một trong những lĩnh vực có thay đổi rất lớn dưới sự tác động của Internet thông qua khả năng truyền tải thông tin nhanh chóng và trực tiếp tới công chúng. Tác động này đã thay đổi cách thức truyền tải thông tin của con người. Nhờ Internet, các tổ chức báo chí có thể đăng tải tin tức và các bài viết trực tiếp trên trang web của mình, đồng thời cung cấp các dịch vụ thông tin trực tuyến như tin tức, bản tin điện tử và video trực tuyến. Điều này cho phép người dùng truy cập thông tin một cách nhanh chóng và linh hoạt. Internet cũng thúc đẩy quá trình phổ biến của các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, Twitter, Instagram và YouTube. Các nền tảng này đã trở thành kênh truyền thông quan trọng, cho phép người dùng tạo, chia sẻ và tiêu thụ nội dung thông qua việc tương tác và giao tiếp trực tiếp trong môi trường trực tuyến với người dùng khác. Từ đó, báo chí đã tận dụng mạng xã hội để tăng sự tương tác, thảo luận và phản hồi từ khán giả.
Internet đã làm thay đổi cách thức báo chí hoạt động và giao tiếp với công chúng. Nó đã mang lại nhiều lợi ích và cơ hội mới nhưng cũng đặt ra những thách thức cho báo chí. Đó là việc quản lý thông tin và xây dựng niềm tin từ công chúng. Báo chí là một trong những phương tiện truyền thông đại chúng dẫn dắt hướng nhìn, quan điểm chung của cộng đồng. Vì vậy, vai trò của các cơ quan báo chí trong việc truyền tải thông tin chính xác đến công chúng càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, hoạt động của cơ quan báo chí vẫn tồn tại rất nhiều bất cập.
Thứ nhất, vấn đề thiên vị và thông tin không chính xác đã ảnh hưởng rất lớn đến tính khách quan và độ tin cậy của nội dung.
Một số cơ quan báo chí đã thiên vị và đưa ra thông tin không chính xác, ảnh hưởng đến tính khách quan và độ tin cậy của nội dung. Điển hình là việc một số cơ quan báo chí thiên vị trong việc đưa ra thông tin, ưu tiên truyền tải quan điểm riêng hoặc chịu ảnh hưởng từ các lợi ích cá nhân, chính trị. Việc lan truyền thông tin không chính xác hoặc tin đồn chưa được kiểm chứng có thể gây nhầm lẫn cho công chúng, ảnh hưởng đến khả năng hình thành quan điểm đúng đắn và thông tin đáng tin cậy của công chúng khi tiếp nhận thông tin. Thực hiện không đúng tôn chỉ mục đích, một số cơ quan truyền tải nhiều thông tin sai sự thật, có xu hướng đưa nhiều tin theo kiểu “giật gân”, “câu view”; một số vấn đề phức tạp, nhạy cảm liên quan đến tình hình chính trị - đối ngoại. Việc đưa tin thiếu thận trọng gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an ninh xã hội và quan hệ ngoại giao đối với các quốc gia khác. Vấn đề này không chỉ làm ảnh hưởng xấu đến quan điểm của giới độc giả trong nước mà còn làm xấu đi hình ảnh của truyền thông Việt Nam với bạn bè quốc tế. Tiêu biểu như bài báo với tiêu đề nóng hổi "Nhà virus học: SARS-CoV-2 bắt nguồn từ phòng thí nghiệm" do trang báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh đăng tin đã truyền đạt lại thông tin sai lệch về nguồn gốc của SARS-Cov-2 gây xôn xao dư luận, làm ảnh hưởng trật tự an ninh xã hội[2].
Thứ hai, trong lĩnh vực báo chí, lợi ích thương mại gây ảnh hưởng không ít đến tính khách quan và độc lập của nội dung.
Áp lực từ quảng cáo và lợi ích kinh tế gây ảnh hưởng đến tính khách quan và độc lập của nội dung mà tác giả muốn truyền tải ban đầu, làm mất đi tính độc lập của các cơ quan báo chí trong việc quyết định về nội dung mà mình muốn truyền tải đến công chúng. Một số cơ quan báo chí đối mặt với áp lực từ quảng cáo và lợi ích kinh tế khiến cho các tin tức và thông điệp bị ảnh hưởng bởi những lợi ích kinh tế này. Quảng cáo có thể tác động đến sự lựa chọn và sắp xếp tin tức, dẫn đến thực trạng ở một số trang báo điện tử việc đẩy lùi các tin tức quan trọng nhưng không được quảng cáo hỗ trợ đã dần trở nên bình thường hóa, hoặc việc tạo ra sự chú ý không cần thiết cho những tin tức không quan trọng nhưng lại bị gán mác “giật gân”, “siêu hot”,... dần dần trở nên phổ biến hơn. Điều này gây ra hiện tượng mất cân bằng trong việc đưa tin và ảnh hưởng đến tính khách quan của nội dung báo chí. Các cơ quan báo chí có xu hướng chọn tin tức dựa trên tiềm năng quảng cáo hoặc lợi ích kinh tế mà làm giảm đi tính đa chiều và đa dạng của thông tin được truyền tải. Điều này khiến cho cộng đồng độc giả khó nắm bắt được các tin tức thời sự trọng điểm như lúc trước và bị thu hút, dẫn dắt bởi những tin tức rác. Vụ việc điển hình là Cay đắng cảnh ứng viên sinh năm 97 gặp nhân sự 2000 bị mỉa mai: "Tuổi này người ta đã làm quản lý"[3] của kênh Yeah1 đã đăng tải những bình luận sai lệch về thông tin chuyên môn tuyển dụng của bộ phận nhân sự các công ty gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý việc làm của giới trẻ nhằm mục đích tăng lượt truy cập, thu hút sự quan tâm từ phía cộng đồng mạng vì lợi ích thương mại.
Thứ ba, truyền thông xã hội đã tạo ra thách thức trong việc quản lý, kiểm soát tính chính xác của tin tức được truyền tải, cũng như xử lý những tin đồn và thông điệp sai lệch.
Mạng xã hội cung cấp một kênh thông tin mới cho người dùng, nhưng cũng đồng thời góp phần vào việc lan truyền thông tin sai lệch trên nền tảng này. Với sự phổ biến của truyền thông xã hội, việc lan truyền tin tức không chính xác, tin đồn và thông điệp sai lệch trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Truyền thông xã hội đã mở ra nhiều cánh cửa phát triển hơn cho lĩnh vực báo chí, nhưng đồng thời cũng tạo ra các thách thức. Các cơ quan báo chí uy tín phải cạnh tranh với các nguồn tin không chính thống trên mạng xã hội, đồng thời cần phải xử lý thông tin một cách cẩn trọng để không góp phần vào sự lan truyền thông tin sai lệch. Điều này đặt nhiều áp lực và trách nhiệm lên vai các cơ quan báo chí để kiểm tra và xác minh thông tin trước khi đăng tải. Báo chí phải đối mặt với việc kiểm tra sự chính xác và đáng tin cậy của thông tin, đồng thời tìm cách đáp ứng nhanh chóng và linh hoạt sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và thị trường truyền thông.
Có thể thấy rằng, hoạt động báo chí hiện nay đã và đang bị chi phối mạnh mẽ bởi quá trình chuyển đổi số. Sự chi phối này mang lại nhiều hiệu quả cho các cơ quan báo chí khi nhờ mạng lưới truyền thông và công nghệ mà việc truyền tải và cung cấp thông tin đến với công chúng kịp thời và nhanh chóng. Tuy nhiên, tính chính xác, vấn nạn tin giả, vi phạm bản quyền và quá trình kiểm tra, giám sát ngày càng trở nên khó khăn hơn.
2. Một số bất cập trong Luật Báo chí năm 2016
Báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin cho công chúng, song vấn đề tự do ngôn luận và tính đa dạng của báo chí hiện đang gặp nhiều thách thức. Sự kiểm soát và quá trình kiểm duyệt nội dung, hạn chế truy cập thông tin và vi phạm quyền riêng tư là những vấn đề đáng lo ngại. Luật Báo chí năm 2016 hiện đã và đang trở thành công cụ pháp lý quan trọng để quản lý và giám sát hoạt động báo chí, đồng thời bảo vệ quyền tự do ngôn luận, quyền biểu đạt và quyền tiếp cận thông tin của công chúng. Tuy nhiên, sau 06 năm thi hành thì đến nay, Luật này đã phát sinh nhiều bất cập.
Thứ nhất, chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa báo điện tử và tạp chí điện tử.
Báo điện tử là loại hình báo chí sử dụng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được truyền dẫn trên môi trường mạng, gồm báo điện tử và tạp chí điện tử[4].
Tạp chí điện tử là sản phẩm báo chí xuất bản định kỳ, đăng tin, bài có tính chất chuyên ngành, được truyền dẫn trên môi trường mạng[5].
Tuy nhiên, giữa báo điện tử và tạp chí điện tử có sự khác biệt về mặt nội hàm. Báo thể hiện rõ nét tính thời sự, cập nhật, đối tượng công chúng tiếp nhận đa dạng, phong phú hơn, với nhiều trình độ khác nhau. Nội dung phản ánh của báo bao trùm tất cả các sự kiện, vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội, còn tạp chí chủ yếu sử dụng các thể loại chính luận như bình luận, chuyên luận hoặc tin tức khoa học, điều tra khoa học[6].
Thấy rằng, báo điện tử và tạp chí điện tử có điểm chung nhất về mặt truyền tải thông tin là thông qua môi trường mạng, còn về bản chất, giữa báo và tạp chí vẫn là khác nhau. Do vậy, việc đưa tạp chí điện tử nằm trong khái niệm báo điện tử là chưa phù hợp. Điều này khiến cho công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của báo chí gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trong thực tế hiện nay, tình trạng “báo hóa” đang diễn ra phổ biến, các tạp chí điện tử có xu hướng tác nghiệp, xuất bản tin tức theo hướng gây hiểu nhầm là báo[7].
Thứ hai, sự mơ hồ trong quy định về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân. Tại Điều 10, Điều 11 Luật Báo chí năm 2016 quy định về quyền tự do báo chí của công dân như sau:
Quyền tự do báo chí của công dân gồm: sáng tạo tác phẩm báo chí; cung cấp thông tin báo chí; phản hồi thông tin cho báo chí; tiếp cận thông tin báo chí; liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí; in, phát hành báo in.
Quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân gồm: phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác.
Tuy nhiên, những nội dung của hai quyền này chưa cụ thể, phạm vi thực hiện quyền của người dân không rõ ràng. Đối với quyền phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới, thì thực tế, không phải sự kiện, sự việc nào người dân cũng được quyền thực hiện quyền này, đặc biệt là liên quan đến các vấn đề về an ninh chính trị. Bên cạnh đó, chính vì Luật không quy định rõ ràng nên ranh giới giữa tự do ngôn luận và lợi dụng quyền tự do ngôn luận là rất mong manh. Trên thực tế, nhiều người đã lợi dụng quyền này để thực hiện các ý đồ, mục đích xấu để đạt được lợi ích cá nhân, tổ chức. Minh chứng rằng, hàng năm, vào ngày 31/5 - ngày Tự do báo chí hay 21/6 - ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch ở bên ngoài đã phối hợp với một số phần tử ở bên trong là các tổ chức mang danh tổ chức dân chủ, lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để xuyên tạc tình hình của Việt Nam[8] làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị của nước ta cũng như gây hoang mang dư luận. Đặc biệt, một khi các đối tượng này sử dụng hình thức báo chí để mang danh thực hiện quyền tự do ngôn luận thì hậu quả là rất lớn vì tốc độ truyền tin cũng như mức độ phổ phát của báo chí là cực kỳ lớn, đặc biệt là báo chí điện tử.
Thứ ba, các quy định về tạp chí khoa học chưa hoàn thiện. Tại khoản 16 Điều 3 Luật Báo chí năm 2016 thì tạp chí khoa học là sản phẩm báo chí xuất bản định kỳ để công bố kết quả nghiên cứu khoa học, thông tin về hoạt động khoa học chuyên ngành. Và chỉ có những đối tượng sau mới được thành lập tạp chí khoa học, gồm: cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật Giáo dục đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ; bệnh viện cấp tỉnh hoặc trung ương trở lên. Đây chỉ mới là những quy định còn khá chung liên quan đến tạp chí khoa học, chưa quy định về tiêu chí và điều kiện đảm bảo chất lượng khoa học của các bài viết được đăng tải trên tạp chí khoa học. Điều này dẫn đến thực trạng: (i) số lượng tạp chí khoa học nhiều nhưng chất lượng còn thấp; (ii) tính chất thông tin, cổ vũ, tuyên truyền có nơi, có lúc còn lấn át tính phát hiện, phản biện, tranh luận khoa học; (iii) tính diễn đàn và tính hệ thống khoa học, tính chuyên ngành, liên ngành còn yếu; (iv) hình thức còn lạc hậu, chưa có những mặc định thông tin tối thiểu như thông lệ quốc tế đã có từ lâu,...[9] Chính vì Luật Báo chí năm 2016 thiếu quy định các điều kiện về nội dung, hình thức của các bài viết đăng tải trên tạp chí khoa học đã khiến cho chất lượng cũng như tính khoa học của bài viết không được đảm bảo. Bất cập này dẫn đến tình trạng là hàng loạt các bài viết mang nhãn là bài viết khoa học nhưng thực tế, nó chỉ là những bài viết đã được sao chép và biến tấu thành một bài viết mới từ những bài viết khoa học chính thống khác, từ đó làm ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng của các tạp chí khoa học.
Thứ tư, thiếu cơ chế giám sát và xử lý vi phạm. Luật Báo chí năm 2016 đã có quy định về Cơ chế giám sát, đánh giá và xử lý vi phạm đề cập tới tại Điều 58, 59. Tuy nhiên, hiện tại, Luật này chỉ mới dừng lại ở việc quy định chế tài xử phạt đối với từng đối tượng tương ứng với từng hành vi vi phạm trong hoạt động báo chí, như đối với cơ quan báo chí, tổ chức tham gia hoạt động báo chí nếu có vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị cảnh cáo, phạt tiền và bị áp dụng biện pháp thu hồi, tịch thu ấn phẩm, băng đĩa ghi âm, ghi hình, đình bản tạm thời hoặc thu hồi giấy phép trong hoạt động báo chí hay với người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, tổng biên tập, phó tổng biên tập cơ quan báo chí, nhà báo, tác giả tác phẩm báo chí và cá nhân khác có hành vi vi phạm quy định của Luật Báo chí thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử lý kỷ luật, thu hồi thẻ nhà báo, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, Luật Báo chí năm 2016 vẫn còn tồn tại hạn chế khi thiếu quy định về sự công khai và minh bạch trong công tác xử lý các vi phạm. Điều này sẽ làm mất đi tính minh bạch và đáng tin cậy của quá trình giám sát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí. Nói cách khác, vì Luật chưa cung cấp các hướng dẫn một cách rõ ràng về cách thức thành lập, tổ chức và hoạt động của cơ quan thanh tra, giám sát nên đã khiến cho quá trình giám sát các hoạt động của cơ quan báo chí trở nên khó khăn, và khi những cơ quan báo chí xảy ra vi phạm thì quá trình xử lý diễn ra chậm và không triệt để.
Thứ năm, Luật Báo chí năm 2016 chưa bắt kịp với thực tiễn chuyển đổi số hiện nay. Theo Phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030 hướng đến mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Trong đó, lĩnh vực báo chí cũng nằm trong phạm vi của Chương trình này. Tuy nhiên, Luật Báo chí năm 2016 chưa có bất kỳ quy định nào nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong hoạt động báo chí, trong khi đó, lĩnh vực này đã và đang chịu nhiều tác động mạnh mẽ của công nghệ, truyền thông.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện
Hoạt động báo chí hiện nay ngày càng phát triển, trở thành môi trường tiếp cận thông tin phổ biến của công chúng. Tuy nhiên, thực trạng của hoạt động báo chí hiện nay đã cho thấy việc cấp thiết phải sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Luật Báo chí năm 2016 để phù hợp hơn với những thay đổi của bối cảnh xã hội. Từ những nhận diện và đánh giá các hạn chế trong Luật Báo chí năm 2016, bài viết đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện, cụ thể như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện khái niệm báo điện tử và tạp chí điện tử. Để tránh sự nhọc nhằn trong cách hiểu về báo điện tử và tạp chí điện tử thì cần đi từ bản chất của báo và tạp chí, không nên để báo điện tử gồm tạp chí điện tử và báo điện tử như cách thức định nghĩa hiện tại mà Luật Báo chí năm 2016 đưa ra. Do vậy, tác giả đề xuất lại khái niệm theo hướng tách biệt hai thuật ngữ này, cụ thể:
Báo điện tử là loại báo chí sử dụng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được truyền dẫn trên môi trường mạng.
Tạp chí điện tử là sản phẩm báo chí xuất bản định kỳ, đăng tin, bài có tính chất chuyên ngành, được truyền dẫn trên môi trường mạng.
Thứ hai, có sự phân định rõ ràng các quy định về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân. Để tránh tình trạng một số đối tượng lợi dụng quy định pháp luật không rõ ràng giữa tự do ngôn luận và lợi dụng tự do ngôn luận để thực hiện các mưu đồ xấu thì Điều 10, Điều 11 Luật Báo chí năm 2016 cần bổ sung các nội dung về phạm vi thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để công dân nhận diện và có những hành vi phù hợp. Cụ thể, bổ sung một điều khoản có nội dung như sau: Trong phạm vi thực hiện quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, công dân cần nhận diện và phân biệt rõ ràng giữa quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí.
Thứ ba, bổ sung quy định về điều kiện liên quan đến đảm bảo chất lượng khoa học của các bài viết trên tạp chí khoa học. Như đã đề cập, hiện nay, Luật Báo chí năm 2016 chưa có quy định về vấn đề này mà các tạp chí khoa học của từng lĩnh vực, chuyên ngành sẽ tự điều chỉnh với nhau bằng cách đặt ra các tiêu chuẩn về nội dung, hình thức bài viết của riêng tạp chí đó. Do vậy, tác giả đề xuất rằng : Luật Báo chí năm 2016 cần bổ sung một điều luật về điều kiện, hình thức chung cần phải đảm bảo đối với các bài viết trên tạp chí khoa học. Từ quy định mang tính nguyên tắc này, các tạp chí khoa học sẽ dựa vào đó mà có sự cụ thể trong thể lệ đăng bài và có sự tuân thủ một cách nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng, nội dung khoa học của bài viết.
Thứ tư, hoàn thiện cơ chế giám sát và xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí. Hiện tại, Luật Báo chí năm 2016 mặc dù đã có điều luật quy định về xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí, tuy nhiên, quy định này còn rất chung cũng như quá trình giám sát và xử lý vi phạm thiếu sự công khai và minh bạch. Nên thực tế, nhiều cơ quan báo chí bị vi phạm, cơ quan chức năng xử lý nhưng công chúng lại không hề hay biết thông tin và vẫn tiếp tục sử dụng nguồn thông tin mà cơ quan báo chí đó cung cấp. Vì vậy, Luật Báo chí năm 2016 cần bổ sung một điều khoản về nguyên tắc trong thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí, cụ thể như sau: Việc thanh tra và xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động báo chí của các cơ quan báo chí, tổ chức tham gia hoạt động báo chí và các cá nhân có liên quan đến hoạt động báo chí phải công khai, minh bạch.
Thứ năm, bổ sung quy định về thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí. Hiện nay, chuyển đổi số là tất yếu đối với hầu hết các lĩnh vực, báo chí cũng không nằm ngoài những ảnh hưởng của bối cảnh này. Để bắt kịp với thời đại công nghiệp 4.0 với các công cụ thông minh hỗ trợ như trí tuệ nhân tạo,... Để thích ứng một cách linh hoạt với các thay đổi của xã hội hiện nay thì Luật Báo chí năm 2016 cần cấp thiết phải sửa đổi, bổ sung thêm nội dung về thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong hoạt động báo chí. Nội dung này có thể là nhiệm vụ và quyền hạn của các chủ thể trong bối cảnh chuyển đổi số như cơ quan báo chí, tổ chức tham gia báo chí và các cá nhân có liên quan cần tích cực áp dụng các công nghệ của quá trình chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả trong hoạt động báo chí hay định nghĩa chuyển đổi số.
4. Kết luận
Có thể thấy rằng, Luật Báo chí năm 2016 đã phát huy hiệu quả vai trò là một công cụ pháp lý trong điều chỉnh các vấn đề liên quan đến hoạt động báo chí. Tuy nhiên, trải qua 06 năm thi hành, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được thì một số hạn chế đã dần bộc lộ khiến cho việc quản lý và kiểm soát hoạt động báo chí của cơ quan có thẩm quyền trở nên khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh có nhiều sự thay đổi cùng các tác động của công nghệ thông tin và truyền thông. Từ các nhận diện và đánh giá về thực trạng hoạt động báo chí, một số bất cập trong Luật Báo chí năm 2016, bài viết đã đưa ra 05 kiến nghị (i) định nghĩa lại hai thuật ngữ báo điện tử và tạp chí điện tử; (ii) bổ sung quy định về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; (iii) bổ sung điều kiện các bài viết trên tạp chí khoa học; (iv) hoàn thiện cơ chế giám sát và xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí; (v) bổ sung quy định về thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động báo chí. Với kỳ vọng những đề xuất trên sẽ góp phần hoàn thiện các quy định của Luật Báo chí năm 2016, từ đó, nâng cao hiệu quả và chất lượng của hoạt động báo chí, hạn chế tình trạng lợi dụng báo chí như một công cụ để vi phạm pháp luật và các giá trị đạo đức, xã hội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- 1. Luật Báo chí năm 2016;
- 2. Khôi Chương (2021), Nhà virus học: SARS-CoV-2 bắt nguồn từ phòng thí nghiệm,https://plo.vn/nha-virus-hoc-sars-cov-2-bat-nguon-tu-phong-thi-nghiem-post628763.html, truy cập ngày 25/5/2023.
- N.H (2022), Việt Nam đứng thứ 12 về lượng người dùng Internet trên thế giới,https://petrotimes.vn/viet-nam..., truy cập ngày 25/5/2023.
- 4. Thùy Dung (2023), Cay đắng cảnh ứng viên 97 gặp nhân sự 2000 bị mỉa mai: “Tuổi này người ta đã làm quản lý”, https://yeah1.com/tin-tuc/cay-..., truy cập ngày 25/5/2023.
- 5. Trần Văn Nhung, Bùi Mạnh Thi, Nguyễn Đức Huy (2019), Nâng cao chất lượng tạp chí khoa học của Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế, http://hdgsnn.gov.vn/tin-tuc/n..., truy cập ngày 25/5/2023.
- 6. TTXVN (2023), Chấn chỉnh tình trạng “tư nhân hóa báo chí”; “báo hóa” tạp chí, trang tin, mạng xã hội,https://xaydungchinhsach.chinh..., truy cập ngày 25/5/2023.
- 7. PV/VOV1 (2022), Ranh giới giữa tự do ngôn luận và lợi dụng quyền tự do ngôn luận, https://vov.vn/chinh-tri/ranh-..., truy cập ngày 25/5/2023.
- 8. Song Minh (2019), “Báo hóa” tạp chí điện tử - hiện tượng cần chấn chỉnh, https://tuyengiao.vn/nghien-cu...., truy cập ngày 25/5/2023.
[1] N.H (2022), Việt Nam đứng thứ 12 về lượng người dùng Internet trên thế giới, https://petrotimes.vn/viet-nam..., truy cập ngày 25/5/2023.
[2] Khôi Chương (2021), Nhà virus học: SARS-CoV-2 bắt nguồn từ phòng thí nghiệm, https://plo.vn/nha-virus-hoc-s..., truy cập ngày 25/5/2023.
[3] Thùy Dung (2023), Cay đắng cảnh ứng viên 97 gặp nhân sự 2000 bị mỉa mai: “Tuổi này người ta đã làm quản lý”, https://yeah1.com/tin-tuc/cay-... truy cập ngày 25/5/2023.
[4] Khoản 6 Điều 3 Luật Báo chí năm 2013.
[5] Khoản 15 Điều 3 Luật Báo chí năm 2013.
[6] Song Minh (2019), “Báo hóa” tạp chí điện tử - hiện tượng cần chấn chỉnh, https://tuyengiao.vn/nghien-cu...., truy cập ngày 25/5/2023.
[7] TTXVN (2023), Chấn chỉnh tình trạng “tư nhân hóa báo chí”; “báo hóa” tạp chí, trang tin, mạng xã hội,https://xaydungchinhsach.chinh..., truy cập ngày 25/5/2023.
[8] PV/VOV1 (2022), Ranh giới giữa tự do ngôn luận và lợi dụng quyền tự do ngôn luận, https://vov.vn/chinh-tri/ranh-..., truy cập ngày 25/5/2023.
[9] Trần Văn Nhung, Bùi Mạnh Thi, Nguyễn Đức Huy (2019), Nâng cao chất lượng tạp chí khoa học của Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế, http://hdgsnn.gov.vn/tin-tuc/n..., truy cập ngày 25/5/2023.