Seoul, thành phố thông minh vươn lên từ tro tàn

15/08/2022, 09:38

Thành phố Seoul đã sử dụng dữ liệu một cách thông minh từ năm 2011, phân tích các mô hình đô thị để hình thành nền tảng hạ tầng và dịch vụ cho smart city.

Khi Park Won Soon nhậm chức Thị trưởng Seoul vào năm 2011, ông đã tuyên bố sẽ xây dựng một thành phố nơi “công dân cũng là Thị trưởng”. Hơn 10 năm sau, Seoul đã có những bước tiến để đạt được tham vọng này: các nền tảng kỹ thuật số cho phép công dân cùng kiến tạo thành phố tương lai và bỏ phiếu thường xuyên về các chính sách.

Những công dân thông minh là tiền đề và trung tâm của quy hoạch tổng thể thành phố thông minh của Seoul, cơ sở hạ tầng thông minh và dịch vụ thông minh là hai “chân kiềng” còn lại. Seoul sử dụng công nghệ thông tin trong toàn thành phố để chuyển đổi cuộc sống của người dân, bao gồm những người yếu thế, thông qua sự phát triển cân bằng trong khu vực. Các mục tiêu chính sách bao gồm các lĩnh vực giao thông, an toàn, môi trường, phúc lợi, kinh tế và quản lý. 

Vươn lên từ tro tàn

Nép mình bên bờ sông Hán, Seoul có bước phát triển và chuyển mình đáng kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953. Vươn lên từ đống đổ nát, thành phố đã phát triển thành một đại đô thị công nghệ cao toàn cầu trong vòng nửa thế kỷ. 

Seoul, thành phố thông minh vươn lên từ tro tàn

Giữa thập niên 60 và 90, Seoul phải vật lộn với sự gia tăng dân số nhanh chóng và những thách thức đô thị đi kèm. Bất chấp những thành tựu đạt được như giảm 40% rác thải (1994-2015), tăng 20% lượng sử dụng xe buýt (2004-2013), Seoul vẫn còn những “nỗi đau” nhức nhối. Tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí và số người cao tuổi sống một mình tăng cao kể từ năm 2012 chỉ là vài trong số các vấn đề cần được giải quyết.   

Quan hệ đối tác công tư và thúc đẩy startup thành phố thông minh được coi là nền tảng để đạt được tính bền vững. Chúng là một phần của hệ sinh thái đổi mới và công nghệ mới nổi, sẵn sàng để thử nghiệm cũng như thương mại hóa R&D, đồng thời theo đuổi trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, 5G và robot.

Tầm nhìn được xây dựng trên dữ liệu

“Dựa trên dữ liệu” là một trong năm chiến lược đổi mới mà Seoul đang thực hiện để tiến tới tầm nhìn thành phố thông minh về năng lượng và các lĩnh vực khác. Việc tích lũy và phân tích các mô hình đô thị tạo thành nền tảng để đạt được cơ sở hạ tầng, dịch vụ và công dân thông minh. Hành trình hướng tới việc sử dụng dữ liệu một cách thông minh hơn đã bắt đầu vào năm 2011 với việc tích hợp các bộ dữ liệu quản trị nội bộ được lưu trữ. 

Năm 2012, “Open Data Plaza” ra mắt, cho phép các nhà phát triển và nhà nghiên cứu bên ngoài truy cập vào các tập dữ liệu đô thị, từ đó tạo ra các dịch vụ và thông tin chi tiết mới. Các sáng kiến ​​gần đây hơn bao gồm một nền tảng và khuôn viên dữ liệu lớn, Văn phòng Thị trưởng Kỹ thuật số và “dân số ảo” theo thời gian thực. 

Trước khi tạo ra giá trị từ dữ liệu, dữ liệu đó phải được khai sinh. Phương pháp chính để tạo dữ liệu là thông qua cảm biến thời gian thực của các thành phần đô thị khác nhau. Các thiết bị cảm biến được triển khai cho đến nay ở Seoul bao gồm camera quan sát và thiết bị đo lưu lượng, tốc độ tham gia giao thông và chất lượng không khí. 

Với vô số dữ liệu mới được tạo ra từ các thành phố thông minh, điều quan trọng là khả năng truy cập rộng rãi để khai thác tiềm năng thông tin chi tiết. Open Data Plaza cấp quyền truy cập hơn 5.000 bộ dữ liệu, bao gồm thông tin cảm biến thời gian thực với 184 ứng dụng ra đời tính đến năm 2020. Bộ dữ liệu trải dài trên nhiều lĩnh vực của cuộc sống đô thị, từ y tế đến nhà ở và đã được xem 6,9 tỷ lần tính đến tháng 1/2019. Viện R&D địa phương Hàn Quốc ước tính giá trị kinh tế của việc mở cửa thông tin này là 1,5 tỷ USD.

Theo cố Thị trưởng Park, Seoul tích cực sử dụng dữ liệu lớn và công nghệ IoT trong các chính sách. Nền tảng dữ liệu lớn nội bộ của SMG đã được sử dụng để xác định xu hướng và thông tin chi tiết từ các tập dữ liệu rộng lớn. Hàng chục nghiên cứu điển hình xác định lợi ích đã được phát triển trong những năm qua. Chẳng hạn, 3 tỷ bản ghi cuộc gọi di động đã được phân tích để xác định các cuộc gọi vào đêm khuya cho các công ty taxi và thiết kế các tuyến đường và tần suất của một “xe buýt cú đêm” mới, phục vụ nhu cầu của những người đi chơi khuya và công nhân làm việc theo ca, giảm ùn tắc.

Từ “thanh tra AI” đến hỗ trợ người già neo đơn 

Nền tảng dữ liệu lớn cũng được sử dụng để tạo ra một “thanh tra AI”, hỗ trợ báo cáo các dạng tội phạm tiềm ẩn khi một sự cố được ghi lại, tiết kiệm thời gian quý báu. Tai nạn giao thông liên quan đến người cao tuổi cũng được phân tích để xác định các điểm nóng, nơi cần có các khu bảo vệ người cao tuổi đặc biệt. Khuôn viên dữ liệu lớn cung cấp môi trường ảo và vật lý an toàn cho các bên liên quan để chia sẻ dữ liệu và giải quyết các thách thức đô thị cấp bách thông qua hợp tác.

Văn phòng Thị trưởng Kỹ thuật số được ra mắt vào năm 2017. Hệ thống nhập thông tin từ 290 nguồn để cung cấp cho thị trưởng bảng điều khiển dữ liệu thời gian thực và hình ảnh trực quan về hiện trạng thành phố, dư luận, tiến độ dự án quan trọng, các công cụ hỗ trợ ra quyết định và kiểm soát hoạt động. Thị trưởng có thể truy cập hệ thống thông qua một màn hình thông minh lớn trong văn phòng của mình với nhận dạng giọng nói và cử chỉ, cũng như khi ông đang di chuyển thông qua các thiết bị di động. Một phiên bản của hệ thống trên nền web cũng được cung cấp cho người dân để đảm bảo minh bạch và hiểu rõ hơn về cách thành phố của họ đang hoạt động và phát triển. 

Bên cạnh đó, người cao tuổi dự kiến chiếm hơn 20% dân số Seoul vào năm 2026. Dữ liệu đóng vai trò trung tâm trong sáng kiến an toàn hướng đến đối tượng người già neo đơn.  

Seoul đã và đang lắp đặt các cảm biến thu thập dữ liệu môi trường để phát hiện chuyển động, nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng trong nhà của những người cao tuổi. Dữ liệu được theo dõi trong thời gian thực trên bảng điều khiển và qua điện thoại di động của nhân viên phụ trách. Khi không phát hiện có chuyển động trong một khoảng thời gian nhất định hoặc phát hiện các dấu hiệu bất thường về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, nhân viên phụ trách ngay lập tức liên lạc, đến nhà và thực hiện các biện pháp khẩn cấp như gọi điện đến số 119.

Các thiết bị phát hiện chuyển động IoT được thiết kế để phát hiện sớm các trường hợp khẩn cấp và nhằm cứu sống những người cao tuổi có thể ngất xỉu trong nhà do rối loạn sức khỏe hoặc người già mắc chứng sa sút trí tuệ có thể đi lang thang. Dữ liệu về nhiệt độ và độ ẩm được phát hiện bởi các thiết bị IoT tạo điều kiện để cải thiện môi trường nhà ở cho người già sống một mình, chẳng hạn như lắp đặt lưới chống côn trùng ở các cửa ra vào, sử dụng nguồn lực từ cộng đồng địa phương. Chính quyền Seoul tuyên bố chưa có trường hợp nào tử vong trong những ngôi nhà được hỗ trợ dịch vụ chăm sóc thông qua các thiết bị IoT kể từ khi dự án ra mắt.

Tháng 3/2019, Seoul thông báo lắp đặt 50.000 cảm biến IoT trên toàn thành phố trước năm 2022 nhằm thu thập thông tin về bụi mịn, giao thông và các yếu tố khác liên quan đến cuộc sống người dân. Chính quyền cũng giới thiệu chatbot cho 120 tổng đài dân sự trong năm này, cũng như một hệ thống đậu xe công cộng để người dùng kiểm tra chỗ trống. Nó là một phần trong dự án thành phố thông minh trị giá 1,24 tỷ USD trong 4 năm, kể từ năm 2019, với mục tiêu biến Seoul thành “thủ đô của dữ liệu lớn”. 

Du Lam


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO