Gen Z ruồng bỏ Facebook

12/08/2022, 17:58

Nền tảng mạng xã hội đình đám một thời dần trở nên vô giá trị với giới trẻ.

Mặc dù lượng GenZ sử dụng Internet đang tăng mạnh, ngày càng ít người sử dụng Facebook. Cụ thể, theo nghiên cứu vừa được Pew Research Center công bố hôm 10/8, chỉ có 32% thanh thiếu niên 13-17 tuổi ở Mỹ sử dụng mạng xã hội của Meta.

Trong khi đó, ở báo cáo hồi năm 2014-2015, nền tảng này từng chiếm đến 71% người dùng, bỏ xa Instagram hay Snapchat.

Dùng Facebook như một nghĩa vụ

Chia sẻ với TechCrunch, Jules Terpak, một nhà sáng tạo nội dung Gen Z, cho rằng ngày nay Facebook đã trở nên vô giá trị với lớp trẻ.

Theo cô, hiện nay có rất nhiều nền tảng mạng xã hội phát triển mạnh mẽ. Điều này ảnh hưởng xấu đến quỹ thời gian và trải nghiệm của người dùng khi phải sử dụng quá nhiều ứng dụng, buộc họ loại bỏ những nền tảng tốn thời gian và không còn có giá trị đối với họ.

Do đó, Facebook, một nền tảng vốn được giới trẻ dùng để giữ liên lạc với bố mẹ, trở nên kém hấp dẫn. “Môi trường hiện nay trên Facebook không còn gần gũi và thu hút với Gen Z”, Jules Terpak, chia sẻ.

Facebook bi ruong bo anh 1
Facebook tỏ ra thất thế trước sự xuất hiện của nhiều mạng xã hội mới mẻ và gần gũi với giới trẻ hơn. Ảnh: AFP.

Theo TechCrunch, ngay cả báo cáo vào năm 2013 cũng cho thấy mặc dù 77% sử dụng Facebook, người dùng trẻ vẫn cảm thấy tiêu cực về nền tảng.

“Facebook đã len lỏi vào đời sống thường ngày của giới trẻ, nhưng thường chỉ được coi như một công cụ hoặc nghĩa vụ với gia đình hơn là một nền tảng thú vị của riêng họ”, Pew Research Center viết.

Báo cáo còn chỉ ra họ thường tỏ ra hứng thú với các mạng xã hội khác dù không sử dụng thường xuyên như Facebook. Xu hướng này vẫn còn kéo dài đến tận bây giờ, khiến thế hệ trẻ dần ruồng bỏ Facebook.

Đồng quan điểm với báo cáo của Pew Research Center, tài liệu nội bộ do Frances Haugen, cựu nhân viên Facebook công bố cũng cho thấy từ đầu năm 2021, lượng thanh thiếu niên sử dụng Facebook đã giảm 13% so với năm 2019.

Con số này sẽ còn giảm tiếp đến 45% trong vòng 2 năm tiếp theo. Theo TechCrunch, số người dùng trên mạng xã hội này vẫn sẽ duy trì xu hướng này trong thời gian tới. Nhưng con số ngày càng giảm sẽ là tin xấu với mảng quảng cáo, vốn chiếm phần lớn doanh thu của Meta.

“Giới trẻ xem Facebook là thế giới dành cho người già 40-50 tuổi. Họ cho rằng nội dung trên nền tảng này nhàm chán, dối trá và đầy rẫy tiêu cực”, tài liệu nội bộ năm 2021 của Facebook viết.

Các mạng xã hội khác lên ngôi

Nhưng tin tích cực cho Meta là giới trẻ vẫn rất hứng thú với Instagram. Cụ thể, 62% Gen Z dùng ứng dụng chia sẻ ảnh này, tăng mạnh so với số liệu 52% vào năm 2014-2015. TikTok mặc dù là một cái tên mới nhưng vẫn chiếm đến 67% lượng người dùng.

Đáng chú ý, YouTube là nền tảng nổi bật nhất khi sở hữu 95% người dùng ở độ tuổi 13-17. Song, nhiều người cho biết họ chỉ dùng nền tảng này để xem video chứ không kết nối hay tương tác trực tuyến với bạn bè.

Khảo sát trên 1.316 GenZ về tần suất sử dụng mạng xã hội, Pew Research Center đã chỉ ra TikTok vẫn chiếm được nhiều sự chú ý của giới trẻ hơn YouTube. Cụ thể, 19% cho biết họ dùng mạng xã hội video ngắn gần như liên tục.

Trong khi đó, Instagram và Snapchat cũng lần lượt chiếm đến 10% và 15% số người được khảo sát. Nhưng chỉ 2% cho biết họ sử dụng Facebook thường xuyên.

Facebook bi ruong bo anh 2
Những số liệu ảm đạm liên tục ập đến với mạng xã hội đình đám của Mark Zuckerber. Ảnh: The Verge.

Nhìn chung, Meta có phần thất thế trước ByteDance khi Instagram thua kém TikTok trong con mắt người dùng trẻ. Đây cũng là lý do khiến tập đoàn xem TikTok là đối thủ chính.

Mặc dù sử dụng liên tục mạng xã hội liên tục, Gen Z vẫn ý thức được rằng những nền tảng này không mang lại những kết nối xã hội có ý nghĩa thực sự. 56% số người được khảo sát cho biết họ đã dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội, áp đảo hoàn toàn so với 8% người cho rằng họ dành ít thời gian cho những nền tảng này.

Mặt khác, Pew Research Center còn chỉ ra 45% người trẻ khẳng định việc từ bỏ mạng xã hội sẽ không ảnh hưởng lớn đến họ.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO