Phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19

17/09/2021, 09:59

Chiều 16/9, Bộ Ngoại giao phối hợp với Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) và Báo Điện tử Tin nhanh Việt Nam (VnExpress) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam 2021 với chủ đề: “Bắt kịp các xu thế thị trường, phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch và hậu đại dịch COVID-19”.

Trong khuổn khổ sự kiện, Triển lãm quốc tế nông nghiệp Việt Nam 2021 (AgriTech Expo 2021) được khai mạc theo hình thức trực tuyến và thực tế ảo.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương Triển lãm quốc tế nông nghiệp Việt Nam 2021 (AgriTech Expo 2021) theo hình thức trực tuyến và thực tế ảo. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Tham dự Diễn đàn, về phía Việt Nam có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, các Hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp; các Đại sứ, trưởng cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài.

Về phía quốc tế có đại diện các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam; đại diện một số viện nghiên cứu, các tổ chức kinh tế - xã hội, các chuyên gia trong và ngoài nước trong lĩnh vực chuyển đổi số nông nghiệp đến từ Nhật Bản, Hà Lan, Israel, Ngân hàng Thế giới, Tập đoàn tài chính Quốc tế IFC… cũng như đại diện các hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, sự quan tâm, tham dự của đông đảo đại biểu từ hơn 1.300 điểm cầu trên khắp mọi miền đất nước, hơn 35 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với đa dạng thành phần đại biểu là một tín hiệu rất tích cực cho thấy, nông nghiệp và quá trình chuyển đổi tại Việt Nam đang thu hút sự quan tâm rất lớn của toàn xã hội.

Theo Bộ trưởng, Chính phủ Việt Nam đã sớm xác định tầm quan trọng của việc chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và yêu cầu cấp bách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số; coi đây là giải pháp đột phá, là cơ hội để bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định, một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là “đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế”.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu trực tuyến tại diễn đàn. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

“Có thể nói, để hiện thực hóa khát vọng phát triển của đất nước, thực hiện thành công mục tiêu đưa Việt Nam đến 2030 là nước công nghiệp theo hướng hiện đại và đến năm 2045 là nước phát triển, thu nhập cao, Việt Nam phải chuyển đổi số thành công. Trong đó, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực ưu tiên cần thực hiện chuyển đổi số trước tiên như đã được xác định trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.

Bộ trưởng hy vọng, Diễn đàn là một hoạt động kết nối có ý nghĩa thiết thực để các địa phương, doanh nghiệp trong nước và các đối tác nước ngoài cùng trao đổi cởi mở về nhu cầu, tiềm năng, lợi thế của nhau. Trên cơ sở đó, nhận diện những cơ hội hợp tác mới, từ đó có kế hoạch, biện pháp thúc đẩy hợp tác vì lợi ích của chính các địa phương, doanh nghiệp và cũng vì sự phát triển chung của đất nước. Để chuẩn bị cho sự bứt phá của kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hậu COVID-19, với tinh thần “ngoại giao phục vụ phát triển”, “lấy địa phương, doanh nghiệp và người dân là trung tâm phục vụ”, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp trong quá trình hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp cận, tham gia các xu thế lớn của thế giới, nắm bắt thời cơ phát triển trên mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp và chuyển đổi số.

Cũng tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá, trong những năm qua, ngành Nông nghiệp Việt Nam đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, được xem như kỳ tích khi trở thành “trụ đỡ” mỗi khi kinh tế đất nước lâm vào khó khăn, trước bối cảnh khó lường của thế giới. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định quan điểm “chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp”. Hành trình từ “chuyển đổi tư duy” sang “chuyển đổi mô hình tăng trưởng” sẽ cần đến những bước tiến mạnh mẽ, quyết tâm để thực hiện kiên trì, bền bỉ, xuyên suốt Kế hoạch Hành động 5 năm tới của ngành nông nghiệp.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Tuy nhiên, ông Lê Minh Hoan cũng cho rằng, năng suất, sản lượng nông nghiệp Việt Nam đã dần chạm ngưỡng do giới hạn về trình độ khoa học kỹ thuật, sự suy giảm tài nguyên thiên nhiên, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, dịch bệnh bất thường… Diện tích đất sản xuất nông nghiệp càng ngày càng thu hẹp. Việc phân bổ, cân đối hài hòa tương quan nguồn lực phát triển giữa ngành nông nghiệp với các ngành, khu vực khác cần lời giải thỏa đáng. Sản xuất nông nghiệp không còn chạy theo sản lượng như trước, mà phải chú trọng chất lượng. Vì vậy, chính quyền và nông dân phải thay đổi tư duy về vai trò của doanh nghiệp với hiệp hội ngành hàng; không thể làm đơn giá trị mà phải sản xuất đa giá trị của một nền nông nghiệp; phải kết nối đầu vào với đầu ra trong chuỗi liên kết giá sản xuất. Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn, Diễn đàn sẽ không chỉ mang lại cái nhìn tổng quát về nền nông nghiệp số tại Việt Nam mà còn mở ra nhiều cơ hội giao thương, thu hút đầu tư, trao đổi công nghệ, phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam ra toàn thế giới.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cam kết ủng hộ, hỗ trợ mọi nguồn lực, chính sách thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp mong muốn đưa nông sản Việt gia tăng giá trị, nâng cao thương hiệu. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hỗ trợ thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, thay thế các mô hình công nghệ nông nghiệp… đưa đất nước tiến lên, vượt qua đại dịch và vì một nền nông nghiệp Việt Nam không chỉ là “trụ đỡ” của nền kinh tế trong những thời điểm khó khăn, mà đủ sức trở thành “thước đo mức độ bền vững của quốc gia”.

Chú thích ảnh
Các đại biểu từ hơn 1300 điểm cầu ở Việt Nam và hơn 35 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới dự diễn đàn. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Diễn đàn gồm hai phiên thảo luận: phiên 1 về định hướng chính sách và phiên 2 với chủ đề “Định hình nông nghiệp số Việt Nam đến năm 2035” với tham luận của 20 diễn giả đại diện cho chính quyền địa phương, lãnh đạo hiệp hội doanh nghiệp, các tập đoàn… Nhiều ý kiến chia sẻ những xu thế phát triển nông nghiệp của khu vực và thế giới, kịch bản chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam đến năm 2035, những vấn đề then chốt trong chiến lược phát triển nông nghiệp Việt Nam theo hướng số hóa trong bối cảnh những biến chuyển nhanh do ảnh hưởng ngày càng phức tạp từ đại dịch COVID-19, đứt gãy chuỗi cung ứng, biến đổi khí hậu...


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO