Kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh nhưng thiếu hành lang pháp lý
Theo đánh giá của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, trong 05 năm gần đây thì tốc độ tăng trưởng TMĐT trung bình năm của Việt Nam từ 25-30%. Nếu Việt Nam vẫn duy trì mức độ tăng trưởng này thì quy mô thị trường TMĐT Việt Nam năm 2025 đứng thứ ba Đông Nam Á sau Indonesia và Thái Lan.
Về kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giao dịch qua TMĐT, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay về thủ tục hải quan chưa quy định thủ tục riêng cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT, vì vậy cơ quan hải quan chưa có đủ cơ sở dữ liệu để tổng hợp. Nhưng qua công tác quản lý của cơ quan hải quan cho thấy số lượng giao dịch qua TMĐT phát triển nhanh chóng, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh và vào các dịp lễ, các dịp giảm giá.
Đơn cử, trong 06 tháng đầu năm 2020 lượng hàng hóa giao dịch qua TMĐT làm thủ tục thông quan tại Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh thuộc Cục Hải quan TP Hà Nội kim ngạch ước đạt 1.025 triệu USD (tháng 6 là 416 triệu USD, tăng 5 lần so với tháng 1 là 85 triệu USD);
Hoặc số liệu nhập khẩu của 1 Công ty tại Hà Nội chuyên làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa của sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada của Trung Quốc (là đại lý của các sàn này tại Việt Nam) thì năm 2020 kim ngạch đạt hơn 551,5 triệu USD.
Năm 2021, kim ngạch quý I là 69,8 triệu USD tăng hơn 50 lần so với cùng kỳ năm 2020; quý II là hơn 49 triệu USD tăng hơn 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Hoạt động mua hàng quốc tế qua các trang thương mại điện tử ngày càng tăng mạnh |
Qua theo dõi, đánh giá thực trạng của hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam, cơ quan quản lý nhận thấy chưa có một cơ chế riêng về quản lý đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT nên khi thực hiện các thủ tục hải quan, thủ tục liên quan đến lĩnh vực quản lý của các Bộ ngành người mua hàng qua TMĐT tại Việt Nam gặp khó khăn trong việc nhận hàng hóa được mua từ nước ngoài.
Do đó, hình thành nên một bộ phận thực hiện việc mua hộ hàng hóa trên websites và vận chuyển số hàng hóa này về Việt Nam theo các con đường không chính thống, đặc biệt là qua biên giới đường bộ gây khó khăn trong công tác đấu tranh đối với các hành vi gian lận thương mại.
Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng cần thiết phải có những quy định để kiểm soát đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT nhưng vẫn đảm bảo thuận lợi để người mua, người bán tuân thủ thực hiện đúng theo quy định pháp luật.
Giới hạn số giao dịch được miễn thuế
Tại dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử, ngoài các quy định về thủ tục hải quan đối với các mặt hàng này, Bộ Tài chính còn đưa ra các quy định về quản lý thuế.
Theo đó, tương tự như chính sách quản lý hàng hóa, hiện hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua TMĐT không có quy định riêng về chính sách thuế. Theo đó, pháp luật về thuế nhập khẩu có quy định hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh (không phân biệt hàng hóa TMĐT hay hàng hóa khác) có trị giá hải quan từ 1 triệu đồng trở xuống hoặc có tổng số thuế từ 100 nghìn đồng trở xuống thì được miễn thuế nhập khẩu.
Tuy nhiên, quy định hiện hành lại chưa quy định cụ thể số lần hoặc cụ thể lô hàng được miễn thuế, do vậy dẫn đến việc người khai hải quan lợi dụng chính sách này để chia nhỏ lô hàng nhằm mục đích miễn thuế.
Do vậy, để tương đồng với hàng hóa gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, bưu chính và để ngăn chặn việc lợi dụng chính sách ưu đãi về thuế, tại dự thảo Nghị định quy định mỗi tổ chức, cá nhân mua hàng chỉ được hưởng tiêu chuẩn miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu qua TMĐT không quá 1 đơn hàng/ngày và không quá 4 đơn hàng/tháng.
Trường hợp hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử có trị giá hải quan theo từng đơn hàng trên 1 triệu đồng và có tổng số tiền thuế nhập khẩu phải nộp trên 100 nghìn đồng thì phải nộp thuế nhập khẩu đối với toàn bộ trị giá hàng hóa nhập khẩu.
Về thu nộp thuế, phí hải quan, để tạo thuận lợi cho người khai hải quan, Bộ Tài chính đề xuất doanh nghiệp khai hải quan thực hiện nộp thuế thay cho chủ hàng thì nộp trước một khoản tiền tương ứng với số thuế dự kiến phát sinh vào tài khoản tiền gửi của cơ quan hải quan nơi đăng ký tờ khai tại Kho bạc Nhà nước.