Quyền về đời sống riêng tư của cá nhân trong hoạt động báo chí - một số kiến nghị hoàn thiện Luật Báo chí

Đào Tấn Anh | 09/06/2023, 10:53

Tham luận của Đào Tấn Anh

QUYỀN VỀ ĐỜI SỐNG RIÊNG TƯ CỦA CÁ NHÂN TRONG HOẠT ĐỘNG BÁO CHÍ - MỘT SỐ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN LUẬT BÁO CHÍ

Đào Tấn Anh

Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh

  1. Dẫn nhập:

Quyền dân sự hiện nay được hiểu theo hai hướng[1]. Quyền dân sự hiểu theo nghĩa rộng là quyền của chủ thể được pháp luật dân sự quy định như là nội dung của năng lực pháp luật của chủ thể đó. Các chủ thể có năng lực pháp luật dân sự khác nhau thì có các quyền dân sự khác nhau. Trong khi đó, quyền dân sự hiểu theo nghĩa hẹp chỉ là quyền của chủ thể trong quan hệ dân sự nhất định mà chủ thể đó đang tham gia. Ngược lại, phần lớn các học lý về quyền dân sự hiện nay tiếp cận quyền dân sự theo hướng phân chia dựa trên tính chất của quyền dân sự, bao gồm (i) quyền tài sản và (ii) quyền không có tính chất tài sản (quyền nhân thân). Trong đó, quyền tài sản được hiểu là những quyền được định giá bằng tiền, là quan hệ giữa các chủ thể mà có đối tượng là một vật có giá trị tài sản. Ngược lại, quyền không có tính chất tài sản (quyền nhân thân) là quyền gắn với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có quy định khác (khoản 1 Điều 25 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015). Thực tiễn cho thấy, các hoạt động xâm phạm đối với quyền dân sự trong lĩnh vực báo chí sẽ tập trung ở các hoạt động xâm phạm đến quyền nhân thân, cụ thể là quyền về đời sống riêng tư.

  1. Quy định của pháp luật liên quan đến quyền về đời sống riêng tư của cá nhân

Quyền về đời sống riêng tư là một quyền cơ bản, được ghi nhận trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Thứ nhất, Hiến pháp năm 2013 khẳng định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.” (Điều 21). Chúng ta đều biết “quy phạm pháp luật của ngành Luật Hiến pháp làm nền tảng hình thành các ngành luật khác như Luật Dân sự, Luật Hình sự,…[2]” từ đó có thể thấy, với Quy định tại Điều 21 Hiến pháp năm 2013 mang tính chất nền tảng, là nguyên tắc hiến định định hướng các văn bản dưới Hiến pháp

Thứ hai, BLDS năm 2015 quy định tại Điều 38 với nội dung “1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.”.

Với tính chất đặc thù của ngành báo chí, quyền về đời sống riêng tư của cá nhân là lĩnh vực mà hoạt động của ngành báo chí dễ xâm phạm đến. Bởi lẽ, trong báo chí việc sử dụng thông tin, dữ liệu, hình ảnh cá nhân là một hoạt động về chuyên môn nghiệp vụ và được pháp luật cho phép[3]. Song hành với hoạt động mà pháp luật cho phép, thì pháp luật cũng đặt ra những giới hạn, những hành vi được xem là xâm phạm đến quyền về đời sống riêng tư của cá nhân. Cụ thể Luật Báo chí năm 2016, sửa đổi bổ sung năm 2018 (sau đây gọi là Luật Báo chí) khẳng định các hành vi bị cấm tại khoản 5 và khoản 9 Điều 9 với nội dung “Tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật; Thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em.”.

Nhận xét: Với những quy định được viện dẫn trên, có thể nhận thấy, Luật Báo chí chỉ ghi nhận quyền về đời sống riêng tư của cá nhân bằng thuật ngữ “bí mật đời tư”, trong khi đó Hiến pháp năm 2013, BLDS năm 2015 khẳng định quyền này với thuật ngữ “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình”. Cùng với đó, thuật ngữ “bí mật đời tư” đã và đang được sử dụng nhiều trong văn bản pháp luật cũng như thực tiễn áp dụng. Đơn cử như khi hành vi “phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm” vừa bị phạt tiền, vừa bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc thu hồi tư liệu, tài liệu” được quy định tại Điều 51 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP. Hoặc bản án số 763/2007/DS-PT ngày 16/7/2007 của Toà án nhân dân Thành Phố Hồ Chí Minh khẳng định “Tác giả bài viết “Tổ ấm” là người trực tiếp theo dõi diễn biến phiên toà, biết rõ các tình tiết về đời sống hôn nhân, mâu thuẫn vợ chồng, các con ông Đức là đời tư của ông TTĐ, nhưng vẫn tường thuật chi tiết, nguyên văn những tình tiết ấy trong bài “Tổ ấm””. Nhưng cho đến hiện nay, vẫn chưa có bất kỳ định nghĩa nào ghi nhận khái niệm về thuật ngữ “bí mật đời tư”.

Kiến nghị: Thứ nhất, từ phần phân tích và đề cập trên, cần sửa đổi Luật Báo chí về sử dụng thuật ngữ có liên quan đến quyền về đời sống riêng tư của cá nhân. Và nên sử dụng dụng thuật ngữ “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình” thay thế cho thuật ngữ “bí mật đời tư” tại Luật Báo chí hiện nay. Tạo nên sự tương thích giữa các văn bản pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay.

Thứ hai, hiện nay chưa có bất kỳ định nghĩa nào được nêu ra để xác định nội hàm của thuật ngữ “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình”. Chính vì vậy, thiết nghĩ, trong giai đoạn hiện nay khó có thể ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới hình thức “Luật”, một giải pháp tối ưu hiện nay chính là khi Luật Báo chí được sửa đổi, bổ sung cần ghi nhận khái niệm của thuật ngữ “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình”. Khi xác định được định nghĩa, sẽ xác định được nội hàm của thuật ngữ này, đảm bảo hoạt động báo chí không bị xâm phạm các về đời sống riêng tư của cá nhân. Có thể tham khảo các văn bản khác như Nghị định 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 của Chính Phú quy định về bảo dữ liệu cá nhân quy định “Dữ liệu cá nhân nhạy cảm là dữ liệu cá nhân gắn liền với quyền riêng tư của cá nhân mà khi bị xâm phạm sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, bao gồm…”.

  1. Phương thức bảo vệ quyền về đời sống riêng tư của cá nhân

Về nguyên tắc, khi quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân bị xâm phạm, cá nhân có quyền sử dụng các phương thức được pháp luật quy định nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình. Từ đó, khi cá nhân bị xâm phạm quyền về đời sống riêng tư có quyền sử dụng các phương thức được BLDS năm 2015 quy định nhằm bảo vệ quyền của mình.

Hiện nay, Điều 11 BLDS năm 2015 có thể thấy, khi cá nhân có quyền về đời sống riêng tư bị xâm phạm có thể lựa chọn một trong hai phương thức bao gồm (i) thực hiện quyền tự bảo vệ theo quy định của BLDS, luật khác có liên quan; hoặc (ii) yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện các phương thức nhất định được liệt tại điều này. Cùng với đó, khi cá nhân có quyền về đời sống riêng tư bị xâm phạm thực hiện phương thức (i) phải đảm bảo rằng, việc tự bảo vệ quyền dân sự phải phù hợp với tính chất, mức độ xâm phạm đến quyền dân sự đó và không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của BLDS năm 2015 (Điều 12 BLDS năm 2015). Và thông thường khi áp dụng phương thức thứ (i) được hiểu chính là thực hiện việc hòa giải, thương lượng giữa bên cho rằng quyền bị vi phạm và bị cho rằng đã xâm phạm quyền. Nhưng hiện nay phương thức này không được đảm bảo tức là xuất phát từ ý chí của các bên, chưa có sự can thiệp của cơ quan có quyền lực.

Theo quy định của Luật Báo chí hiện nay, trường hợp cơ quan báo chí, nhà báo, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động báo chí vi phạm gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, ngoài việc bị xử lý theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này, còn phải công khai xin lỗi, cải chính trên báo chí, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật (khoản 5 Điều 59). Như vậy, trên phương diện dân sự, Luật Báo chí hiện nay sử dụng ba trong bảy phương thức của nhóm thứ (ii) như đã đề cập ở trên.

Cùng với đó, tác giả phân tích sơ lược một số phương thức thực hiện quyền nhằm xác định sự tương thích giữa quy định của BLDS năm 2015 và Luật Báo chí về phương thức bảo vệ quyền về đời sống riêng tư của cá nhân hiện nay.

Thứ nhất, phương thức “buộc chấm dứt hành vi xâm phạm”: về nguyên tắc khi một chủ thể có hành vi xâm phạm quyền, chủ có quyền bị xâm phạm có quyền áp dụng phương thức này yêu cầu chủ thể xâm phạm quyền phải chấm dứt hành vi đó. Vấn đề này đã được BLDS năm 2015 quy định cụ thể, cùng với đó tại khoản 1 Điều 34 đã khẳng định “thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ”. Như vậy, cá nhân có quyền bị xâm phạm có thể yêu cầu buộc chấm dứt hành vi bằng cách “gỡ bỏ hoặc hủy bỏ” những thông tin ảnh hưởng đến quyền về đời sống riêng tư.

Trong khi đó, Luật Báo chí hiện nay không đề cập phương thức này tại khoản 5 Điều 59, đồng thời tại khoản 1 Điều 59 chỉ quy định “Cơ quan báo chí, tổ chức tham gia hoạt động báo chí vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị cảnh cáo, phạt tiền và bị áp dụng biện pháp thu hồi, tịch thu ấn phẩm, băng đĩa ghi âm, ghi hình; đình bản tạm thời hoặc thu hồi giấy phép trong hoạt động báo chí theo quy định tại khoản 2 Điều này.”. Đồng thời tại khoản 1 Điều 42 Luật Báo chí chỉ quy định “Cơ quan báo chí thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phải đăng, phát lời cải chính, xin lỗi trên báo chí và thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Đối với báo chí điện tử, ngoài việc đăng, phát lời cải chính, xin lỗi còn phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát nhưng phải lưu giữ nội dung thông tin trên máy chủ để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 52 của Luật này.”. Vậy vấn đề đặt ra chính là đối với các loại thông tin ảnh hưởng đến quyền về đời sống riêng tư của cá nhân và được phát hành, xuất bản dưới hình thức “giấy” thì cá nhân bị xâm phạm quyền có được yêu cầu “gỡ hoặc hủy bỏ” hay không, khi Luật Báo chí chỉ khẳng định dưới hình thức báo chí điện tử mới “gỡ” như hiện nay.

Thứ hai, phương thức bồi thường thiệt hại: Cần lưu ý rằng, phương thức bồi thường thiệt hại trong trường hợp này chính là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Theo quy định tại Điều 584 BLDS năm 2015, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hiện nay phải đáp ứng đủ các điều kiện sau: (i) có hành vi trái luật; (ii) có thiệt hại xảy ra; và (iii) có mối quan hệ nhân quả giữa điều kiện (i) và (ii).

Trong đó, tại khoản 1 Điều 584 BLDS năm 2015 quy định “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”. Như vậy, ai có hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác mà gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm bồi thường trong đó có cả yếu tố xâm phạm quyền nhân thân mà cụ thể là quyền đời sống riêng tư[4]. Trong lĩnh vực thuộc về đời sống riêng tư, xác định thiệt hại, mức độ thiệt hại liên quan đến các yếu tố tinh thần là rất khó khăn[5]. Hiện nay, thiệt hại từ hanh vi trái pháp luật có thể được chia thành hai nhóm thiệt hại, bao gồm thiệt hại về tinh thần và thiệt hại về vật chất. Khi thiệt hại về tinh thần, theo tác giả có thể áp dụng tương tự Điều 592 BLDS năm 2015 quy định về thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, vì suy cho cùng nếu đã xác định thiệt hại tinh thần thì không khác với nội hàm về thiệt hại tại Điều 592 BLDS năm 2015. Vấn đề cần đặt ra chính là khi cá nhân có quyền về đời sống riêng tư bị xâm phạm bởi hoạt động báo thì cho rằng, bị thiệt hại về tài sản, thì phương pháp hoặc quy định nào để áp dụng làm căn cứ cụ thể. Thì BLDS năm 2015 và Luật Báo chí đều thiếu vắng.

Kiến nghị:

Thứ nhất, Luật Báo chí cần có quy định tương thích với quy định của BLDS năm 2015 về phương thức “buộc chấm dứt hành vi xâm phạm” như đã phân tích ở trên.

Thứ hai, như đã đề cập, Luật Báo chí chưa có định nghĩa nhằm xác định nội hàm của thuật ngữ “bí mật đời tư” và sau khi sửa đổi cần thay thế bởi thuật ngữ “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình”, khi xác định được nội hàm của thuật ngữ này thì việc xác định hành vi trái luật của hành vi xâm phạm quyền về đời sống riêng tư của cá nhân mới thực sự dễ dàng, tạo tiền đề bảo vệ quyền của cá nhân. Vì cơ bản khi xác định hành vi trái luật cần xem xét đến luật chuyên ngành, mà trong lĩnh vực này, Luật Báo chí được xem là luật chuyên ngành điều chỉnh.

Thứ ba, cần có quy định chuyên biệt tại BLDS năm 2015 với quy định “Bồi thường thiệt do hoạt động báo chí gây ra”. Vì như đã phân tích hiện nay thiếu vắng quy định trên.

Trên đây là những quan điểm góp ý nhằm hoàn thiện Luật Báo chí hiện nay./.



DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ luật Dân sự năm 2015;
  2. Luật Báo chí năm 2016, sửa đổi bổ sung năm 2018;
  3. GS. TS. Đỗ Văn Đại - ThS. Nguyễn Tấn Hoàng Hải (2020), “Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi có hành vi xâm phạm quyền nhân thân của người khác trên mạng xã hội”, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 17;
  4. Trường Đại học Luật Hà Nội (GS. TS. Thái Vĩnh Thắng chủ biên) (2023), Giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân;
  5. Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp (2006), Từ điển Luật học, Nxb. Từ điển Bách Khoa - Nxb. Tư pháp;
  6. Nguyễn Quang Thuận (2022), Các hành vi trong hoạt động báo chí có xâm phạm đến quyền nhân thân của cá nhân, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội;
  7. Nguyễn Thị Tuyết Hằng (2022), Quyền về đời sống riêng tư trong lĩnh vực báo chí theo pháp luật dân sự Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật TP. HCM.


[1] Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp (2006), Từ điển Luật học, Nxb. Từ điển Bách Khoa - Nxb. Tư pháp, tr. 650.

[2] Trường Đại học Luật Hà Nội (GS. TS. Thái Vĩnh Thắng chủ biên) (2023), Giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, tr. 27.

[3] Nguyễn Quang Thuận (2022), Các hành vi trong hoạt động báo chí có xâm phạm đến quyền nhân thân của cá nhân, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr. 2-3.

[4] GS. TS. Đỗ Văn Đại - ThS. Nguyễn Tấn Hoàng Hải (2020), “Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi có hành vi xâm phạm quyền nhân thân của người khác trên mạng xã hội”, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 17, tr. 20.

[5] Nguyễn Thị Tuyết Hằng (2022), Quyền về đời sống riêng tư trong lĩnh vực báo chí theo pháp luật dân sự Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật TP. HCM, tr. 36.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO