Hoàn thiện pháp luật về báo chí, quan điểm từ góc nhìn lịch sử, bản chất và một số kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016

Nguyễn Đình Hậu & Lê Thu Hà | 09/06/2023, 09:27

Tham luận của Nguyễn Đình Hậu, Lê Thu Hà

HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ BÁO CHÍ, QUAN ĐIỂM TỪ GÓC NHÌN LỊCH SỬ, BẢN CHẤT VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LUẬT BÁO CHÍ NĂM 2016

Nguyễn Đình Hậu [1]

Lê Thu Hà [2]



[1] Tiến sĩ, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.

[2] NCS, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.

Đặt vấn đề

Trong những năm qua, nền báo chí Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ. Báo chí đã bám sát vào đời sống xã hội, cung cấp những thông tin đa chiều, sâu sắc, tạo dư luận xã hội sâu rộng, góp phần phát triển đất nước.

Công tác hoàn thiện pháp luật về báo chí luôn được quan tâm. Nhìn vào lịch sử, từ 1975 đến nay, Luật Báo chí đã 3 lần thay đổi, sửa đổi, bổ sung[3] cho phù hợp hơn, góp phần tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển. Luật Báo chí hiện hành (năm 2016), thời điểm ra đời, được đánh giá là đã quy định đầy đủ, rõ ràng, chi tiết, tạo điều kiện cho hoạt động nghiệp vụ báo chí, đồng thời tạo hành lang pháp lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu và hợp tác, hỗ trợ cơ quan báo chí, tác nghiệp của phóng viên,v.v.

Tuy nhiên, sau khoảng 6 năm thực hiện Luật Báo chí năm 2016 (cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành) đã phát sinh nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc, cần sớm tháo gỡ, điều chỉnh như: quy định về phân cấp quản ý nhà nước về báo chí; quy định về đối tượng, điều kiện thành lập, mô hình hoạt động, cơ cấu tổ chức, cơ chế kinh tế - tài chính của cơ quan báo chí; quy định về nội dung thông tin báo chí, sản phẩm báo chí, sản phẩm có tính chất báo chí;... Những điểm tồn tại này đòi hỏi cần sớm phải sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong giai đoạn mới.

Đồng thời, trong điều kiện bùng nổ thông tin, mạng xã hội, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ thì việc xây dựng hành lang pháp lý trong lĩnh vực báo chí cần được củng cố, tăng cường và hoàn thiện, đáp ứng được những yêu cầu đặt ra. Vì vậy, việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật về báo chí, cụ thể là vấn đề sửa đổi Luật Báo chí năm 2016 trở thành nhu cầu tất yếu, để cùng bước bắt nhịp với sự phát triển của đất nước và thế giới.

1. Hoàn thiện pháp luật về báo chí, góc nhìn từ lịch sử, bản chất

Nhìn vào lịch sử, theo tác giả, có thể khái quát quá trình hoàn thiện pháp luật về báo chí ở Việt Nam từ 1975 đến nay thành bốn giai đoạn chính: 1) Giai đoạn 1975-1990 và sự ra đời của Luật Báo chí năm 1989; 2) Giai đoạn 1990-2000, sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 1999; 3) Giai đoạn 2000-2016 và sự ra đời của Luật Báo chí năm 2016; và cuối cùng là Giai đoạn từ 2016 đến nay.

*Giai đoạn 1975-1990, cơ sở ra đời Luật Báo chí năm 1989

- Sự ra đời của Hiến pháp năm 1980 là văn bản quan trọng và là cơ sở pháp lý cho hoạt động thông tin báo chí, tạo ra sự thống nhất trong nhận thức và hành động của toàn thể xã hội về chức năng, nhiệm vụ của báo chí Việt Nam thời kỳ đó.

Thắng lợi vĩ đại của chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử dân tộc. Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, tập trung đi lên chủ nghĩa xã hội. Sau thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử năm 1976, Quốc hội khóa VI đã ra nghị quyết về việc sửa đổi Hiến pháp 1959 và thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp. Sau một thời gian thảo luận, ngày 18-12-1980, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 1980.

Hiến pháp năm 1980 đánh dấu một dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện pháp luật về báo chí sau này. Dẫn chứng như Điều 45 Hiến pháp nêu: “Công tác thông tin báo chí, xuất bản, thư viện, pháp thanh, truyền hình, điện ảnh được phát triển và không ngừng nâng cao về trình độ chính trị, tư tưởng và nghệ thuật, nhằm hướng dẫn dư luận xã hội, giáo dục chính trị văn hóa, khoa học, kỹ thuật và động viên toàn dân ra sức thi đua xã hội chủ nghĩa”. Điều 67 Hiến pháp cũng nêu: “Công dân có các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do biểu tình, phù hợp với lợi ích của chủ nghĩa xã hội và của nhân dân”.

- Trước yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước và thực tiễn áp dụng văn bản pháp luật, phát sinh nhiều vấn đề bất cập, hạn chế, đòi hỏi sự hoàn thiện pháp luật về báo chí

Thứ nhất, năm 1986, đất nước tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, sâu sắc, chuyển từ cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Điều này đặt ra vấn đề cần phải hoàn thiện pháp luật về báo chí cho phù hợp bối cảnh mới.

Thứ hai, ngoài Hiến pháp 1980, hoạt động báo chí còn được quy định ở một số văn bản quy phạm khác như: Nghị định số 186/HĐBT ngày 09-11-1982 của Hội đồng Bộ trưởng về việc ban hành Điều lệ phát hành báo chí; Nghị định số 33 ngày 27-02-1984 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành điều lệ quản lý giá,... Tuy nhiên, thực tiễn triển khai đã gặp phải một số điểm bất cập, hạn chế, không phù hợp như: 1) Sự bao cấp và phân phối báo chí đã hạn chế của báo chí phát triển; 2) Những quy định về phân phối giấy in báo cho các báo chưa hợp lý, làm kìm hãm sự phát triển của báo chí; 3) Sự quản lý phân phối phát hành đã hạn chế sự phát triển báo chí; 4) Nhà nước can thiệp sâu vào quá trình giá bán báo, nên quyền tự định giá và giá của các tờ báo bị hạn chế,… (Phí Thị Thanh Tâm, 2015).

Trước tình hình đó, để đảm bảo hoạt động báo chí trong điều kiện kinh tế thị trường, ngày 28-12-1989, Quốc hội thông qua Luật Báo chí 1989, thay thế Luật số 100/SL-SL002 năm 1957 về chế độ báo chí. Ngày 02-01-1990, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã ký lệnh công bố Luật. Sự ra đời của Luật Báo chí 1989 thể hiện những bước đi quan trọng trong công cuộc đổi mới báo chí trước sự yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh mới. Đây cũng là kết quả của quá trình phát triển nội tại, tự vận động để đổi mới báo chí Việt Nam trong bối cảnh mới.

* Giai đoạn 1990-2000, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí, năm 1999

Những đòi hỏi về việc cụ thể hóa Hiến pháp năm 1992 vào thực tiễn, đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí thời điểm đó.

So với các giai đoạn trước đó, sự ra đời của Luật Báo chí năm 1989 đã góp phần xây dựng cơ sở pháp luật về báo chí tương đối đầy đủ. Các văn bản pháp luật đã quy định cụ thể hơn đối với hoạt động báo chí thời điểm đó[4]; Nhà nước cũng đã ban hành nhiều các văn bản pháp luật để củng cố, kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về báo chí[5].

Tuy nhiên, với tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI, Quốc Hội khóa VII, tại Kỳ họp thứ 3, đã ra nghị quyết sửa đổi Lời nói đầu Hiến pháp năm 1980. Cuối năm 1991, đầu năm 1992, bản Dự thảo Hiến pháp lần thứ ba đã được đưa ra trưng cầu ý kiến nhân dân. Đến ngày 15-4-1992, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 1992. Trên cơ sở kế thừa các bản hiến pháp trước, Hiến pháp năm 1992 đã quy định một cách đầy đủ hơn về hoạt động báo chí và quyền tự do báo chí của công dân. Dẫn theo Điều 33 và Điều 69, Hiến pháp năm 1992 nêu: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật. Nhà nước phát triển công tác thông tin, báo chí, phát thanh, truyền hình, điện ảnh, xuất bản, thư viện và các phương tiện thông tin đại chúng khác. Nghiêm cấm những hoạt động văn hoá, thông tin làm tổn hại lợi ích quốc gia, phá hoại nhân cách, đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam”.

Để cụ thể hóa Hiến pháp năm 1992 và đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong thời kỳ mới, ngày 12-6-1999, Quốc hội khóa X đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí (gọi là sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí, năm 1999). Một số nội dung chính có thể kể đến như: Đưa thêm báo điện tử vào các loại hình báo chí (Điều 3); Tăng cường quyền hạn cũng như trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí (Điều 28); Điểm mới về chính sách tài chính, quy định rõ Nhà nước có chính sách hỗ trợ ngân sách và tạo điều kiện cho báo chí phát triển (Điều 17c), v.v. Có thể thấy, ở giai đoạn này, pháp luật về báo chí đã kịp thời đổi mới phù hợp với sự phát triển của kinh tế-xã hội, bối cảnh giai đoạn lịch sử thời điểm đó.

* Giai đoạn 2000-2016, cơ sở ra đời Luật Báo chí năm 2016

- Sự ra đời của Hiến pháp năm 2013 tiếp tục là cơ sở quan trọng, đặt ra những yêu cầu về hoàn thiện pháp luật về báo chí.

Trên cơ sở Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên xã hội chủ nghĩa năm 1991, cùng với kết quả tổng kết thực tiễn 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, đã đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Theo đó, Ngày 06-08-2011, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Sau thời gian triển khai, đến ngày 28-11-2013, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp năm 2013. Ngày 08-12-2012, Chủ tịch nước đã ký Lệnh công bố Hiến pháp. Hiến pháp 2013 có hiệu lực từ ngày 01-01-2014.

Điểm thay đổi đáng chú ý nhất của Hiến pháp năm 2013 so với các văn bản trước đó là những quy định về quyền con người và quyền công dân nói chung và quyền tự do báo chí nói riêng (Phí Thị Thanh Tâm, 2015, tr.115). Theo Jane Kirtley: “Nền báo chí sẽ phát triển tốt nhất ở những nơi mà tính pháp quyền được tôn trọng” (Jane Kirtley, 2010). Do vậy, cần rà soát các văn bản pháp luật hiện hành từ góc độ phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013 để đề xuất sửa đổi, bổ sung.

Từ góc độ hoàn thiện pháp luật về báo chí, Hiến pháp năm 2013 ra đời, đặt ra một số điểm cần phải hoàn thiện về Luật Báo chí như: 1) Vấn đề về quyền tự do báo chí: Điều 2, Luật Báo chí năm 1989 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí, năm 1999) quy định “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí” trong khi Điều 25, Hiến pháp năm 2013 khẳng định “Công dân có quyền tự do báo chí. Việc thực hiện quyền này do pháp luật quy định”; 2) Pháp luật về báo chí chưa quy định về giới hạn quyền tự do báo chí, điều này là chưa phù hợp với Hiến pháp năm 2013: Khoản 2, Điều 14, Hiến pháp năm 2013 nêu “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”, trong khi Luật Báo chí 1986 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí, năm 1999) lại liệt kê một loạt những điều không được thông tin trên báo chí, làm hạn chế đi nhiều quyền tự do trên báo chí; v.v.

- Góc nhìn từ yếu tố nội tại hoàn thiện luật, Luật Báo chí năm 1989 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí, năm 1999) bộc lộ những vấn đề bất cập, không thể điều chỉnh kịp với những vấn đề mới nảy sinh trong đời sống báo chí, có thể kể đến: 1) Một số quy định chưa phù hợp như: quy định về loại hình cơ quan báo chí[6]; quy định về trách nhiệm của cơ quan báo chí đối với quyền tự do báo chí của công dân[7]; 2) Những sai phạm mới mà Luật Báo chí chưa bao quát hết được như không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, khi các cơ quan báo chí đều có thêm loại hình ấn phẩm mới, thông tin sai lệch một nửa sự thật, thông tin vi phạm đời tư của các cá nhân hoặc tiết lộ các thông tin kinh tế không được tổ chức đó đồng ý, thông tin vi phạm thuần phong mỹ tục, thông tin bạo lực,v.v. (Lê Ngọc Đức, 2015).

- Thực tiễn phát triển nhanh của báo chí và các xu hướng mới đòi hỏi việc hoàn thiện pháp luật về báo chí.

Giai đoạn 2000-2016 chứng kiến những sự thay đổi, phát triển mạnh của báo chí Việt Nam. Từ 2000-2016, số lượng cơ quan báo chí tăng gần gấp hai lần, từ 560 (năm 2000) lên tới 1029 (Tính đến hết tháng 12-2015, có 857 cơ quan báo in, 105 cơ quan báo, tạp chí điện tử và 67 đài phát thanh, truyền hình). Số lượng nhà báo được cấp thẻ cũng gần tăng gấp đôi, từ 9.003 thẻ (năm 2000) lên 18.000 thẻ (năm 2015) (PV, 2015).

Giai đoạn này, mỗi cơ quan báo chí có nhiều loại hình. Nhiều cơ quan báo in có cả truyền hình và báo điện tử. Đài truyền hình có báo in, báo điện tử. Một số bộ ngành có những kênh truyền hình chuyên biệt,… Thêm vào đó, mỗi cơ quan báo chí và mỗi loại hình báo chí lại có nhiều ấn phẩm mới như báo tuần, báo cuối tuần, thông tin chuyên đề, thông tin cơ sở, truyền hình thời sự chính trị; truyền hình văn hóa, truyền hình thể thao giải trí, phát thanh giao thông, phát thanh cảm xúc,… Sự phát triển và hội tụ về công nghệ giữa viễn thông, truyền thông và Internet diễn ra mạnh mẽ… càng ngày càng xuất hiện nhiều loại hình, chuyên đề, chuyên mục báo chí mới chưa có trong các quy định hiện hành.


Biểu đồ về sự phát triển về số lượng các cơ quan báo chí từ năm 2000 - 2015

(Nguồn: Hoàng Đình Cúc, 2013 (2000-2013) và Cổng Thông tin điện tử, Bộ TT&TT (2014-2015)

Thêm vào đó, nhiều vấn đề mới phát sinh như xã hội hóa, liên kết giữa các cơ quan báo chí với các tổ chức, đơn vị dịch vụ ngoài lĩnh vực báo chí, vấn đề kinh tế báo chí, định mức thuế trong kinh doanh báo chí,... đều cấp thiết, cần có các quy định của pháp luật.

* Tính tất yếu cần phải hoàn thiện pháp luật về báo chí

Pháp luật về báo chí là một phần quan trọng trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Qua quá trình khảo cứu các văn bản luật về báo chí qua một số giai đoạn, có thể thấy, việc hoàn thiện pháp luật về báo chí Việt Nam tập trung ở một số lý do chính:

LBC 1989
Sửa đổi, bổ sung LBC 1999
LBC 2016
Thay đổi Hiến pháp
x
x
x
Yêu cầu xây dựng, phát triển, hoàn thiện Nhà nước
x
x
x
Nội tại quá trình hoàn thiện chính sách pháp luật về báo chí
x
x
x
Sự phát triển của báo chí và những vấn đề phát sinh từ thực tiễn
x
x
x

Bảng tổng hợp tính tất yếu cần phải hoàn thiện pháp luật về báo chí (từ 1975-2016)

- Hoàn thiện pháp luật về báo chí trên tinh thần đảm bảo tính tối cao của Hiến pháp: Với khuôn khổ có hạn, Hiến pháp trong nhiều trường hợp không thể quy định một cách chi tiết và cụ thể để áp dụng trong mọi tình huống mà chỉ có thể quy định những vấn đề chung, cơ bản, mang tính nguyên tắc của Nhà nước và của xã hội. Do vậy, đòi hỏi có sự chi tiết, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp bằng các văn bản pháp luật khác. Nếu không có sự chi tiết đó, những quy định của Hiến pháp sẽ khó đi vào cuộc sống, thậm chí có những quy định không thể thực hiện được (Nguyễn Minh Đoan, 2002). Hiến pháp là văn bản luật có hiệu lực pháp lý cao nhất, Hiến pháp mới ra đời sẽ đặt ra yêu cầu về việc rà soát, hoàn thiện pháp luật về báo chí.

- Hoàn thiện pháp luật báo chí trước những vấn đề lớn về xây dựng, phát triển và hoàn thiện Nhà nước: Vấn đề xây dựng, phát triển và hoàn thiện Nhà nước luôn là nội dung trọng tâm được thể hiện qua nhiều văn bản quan trọng. Cụ thể, Văn kiện Đại hội Đảng qua các nhiệm kỳ, đều đề ra nhiệm vụ phải tiếp tục cải cách bộ máy nhà nước, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Trong đó, yêu cầu quan trọng hàng đầu đặt ra là Nhà nước phải quản lý xã hội bằng pháp luật. Trước yêu cầu cải cách hành chính và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam, pháp luật về báo chí luôn phải hoàn thiện, kịp thời với sự phát triển của tình hình hiện tại.

- Sự phát triển nhanh của báo chí và những vấn đề bất cập phát sinh đã đặt ra những vấn đề cấp thiết cho trong việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật về báo chí: Bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận, góp phần vào sự nghiệp phát triển của đất nước, ổn định chính trị xã hội thì hoạt động của báo chí cũng phát sinh nhiều vấn đề trong từng giai đoạn, do vậy, cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về báo chí một cách kịp thời.

- Nội tại quá trình hoàn thiện chính sách đối với báo chí, đòi hỏi phải đổi mới, hoàn thiện pháp luật về báo chí: Trong bất kỳ giai đoạn nào, báo chí đều có sứ mệnh quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Hoạt động của báo chí có tác động trực tiếp đến sự nghiệp cách mạng của dân tộc trên tất cả các lĩnh vực của xã hội, của các tầng lớp nhân dân và thậm chí làm thay đổi cả nhận thức và hành động của nhân dân. Do vậy, việc hoàn thiện chính sách đối với báo chí có vai trò rất quan trọng, tạo nền tảng pháp lý quan trọng cho báo chí hoạt động, phát triển, từ đó góp phần vào công cuộc phát triển chung của đất nước. Vì vậy, quá trình hoàn thiện chính sách đối với báo chí đòi hỏi phải luôn đổi mới, hoàn thiện pháp luật về báo chí để làm cơ sở cho công tác hoạch định chính sách về báo chí.

2. Bối cảnh hiện nay và một số kiến nghị về việc hoàn thiện pháp luật về báo chí

* Bối cảnh hiện nay

Mặc dù Luật Báo chí năm 2016 đã tạo hành lang pháp lý và các hoạt động liên quan cho báo chí phát triển, tuy nhiên, trước thực tiễn phát triển của báo chí nói riêng, truyền thông nói chung, dẫn tới phát sinh nhiều vấn đề bất cập, yêu cầu cần sớm xây dựng, hoàn thiện pháp luật về báo chí. Có thể kể đến một số vấn đề chính như:

Thứ nhất, vấn đề xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động

Lần đầu tiên thuật ngữ “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động” chính thức được sử dụng trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng (Trần Ngọc Đường, 2022). Đây là một bước phát triển tiếp nối, tập trung và làm sâu sắc hơn bản chất và định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong điều kiện mới. Theo đó, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa không chỉ nắm bắt và xử lý kịp thời một xã hội tràn ngập thông tin với sự liên kết mạnh mẽ trên bình diện xã hội, mà còn phải có khả năng phân tích thông tin và áp dụng các tri thức mới để quản lý quốc gia (tức là có năng lực kiến tạo phát triển). Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong điều kiện ngày nay còn là một Nhà nước có một bộ máy quản lý điều hành hướng tới nhu cầu cải tạo môi trường quản lý, bảo đảm sự nhanh nhạy, linh hoạt về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động, vừa kiến tạo bên trong chính mình, vừa kiến tạo môi trường mà nó vận hành.

Thứ hai, vấn đề chuyển đổi số quốc gia

Luật Báo chí hiện hành chưa có quy định thúc đẩy chuyển đổi số báo chí, trong khi chuyển đổi số quốc gia đang là xu thế tất yếu, đang được Đảng, Nhà nước quan tâm triển khai đồng loạt. Với ba trọng tâm chuyển đối số là Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số và những mục tiêu cụ thể đã được chính phủ phê duyệt trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng 2030”. Theo đó, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính phủ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Thứ ba, nhiều thay đổi của báo chí đương đại

Những vấn đề từ các phương tiện truyền thông xã hội: Ngoài 4 loại hình báo chí quy định trong Luật Báo chí 2016, còn có nhiều loại hình thông tin khác có tính chất tạo, lan truyền thông điệp như báo chí (một số trường hợp còn có sự ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều các thông điệp mà đơn vị báo chí tạo và phát đi) như mạng xã hội Facebook, Youtube, Tiktok,...; các trang thông tin điện tử (web), ứng dụng (app) xuyên biên giới;…

Sự phát triển của nhiều mô hình báo chí mới: Nhiều mô tòa soạn mới đã và đang được triển khai, áp dụng như mô hình tòa soạn hội tụ, mô hình báo chí đa phương tiện, mô hình báo chí công nghệ, mô hình tòa soạn báo chí số,... đang là thực tiễn và xu thế phát triển nhanh của báo chí hiện đại mà Luật Báo chí hiện hành chưa bao quát hết.

Sự mở rộng kênh phân phối các sản phẩm thông tin báo chí, trong đó có nhiều nền tảng xuyên biên giới: Trong xu thế tất yếu của quá trình chuyển đổi số báo chí, để lan tỏa nội dung báo chí đến người đọc qua những nền tảng công chúng ưa thích, khai thác bổ sung các nguồn thu kinh tế, áp dụng xu hướng chung toàn cầu, nhiều cơ quan báo chí đã: xây dựng ứng dụng (app) tự phân phối nội dung trên Internet; mở thêm các kênh phân phối nội dung trên các nền tảng mạng xã hội trong và ngoài nước (mở kênh trên Youtube, Tiktok, fanpage trên Facebook, Zalo, Lotus,v.v), kéo theo hàng loạt các vấn đề phát sinh về quản lý, sai sót, làm giả, nhái thương hiệu cơ quan báo chí khi truyền tải thông tin trên những nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới.

Áp lực kinh tế báo chí: Vấn đề áp lực kinh tế báo chí do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và sự cạnh tranh, chi phối của nhiều nền tảng xuyên biên giới. Các nguồn thu quảng cáo rơi vào các đơn vị doanh nghiệp sở hữu nền tảng xuyên biên giới.

* Một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016

Từ góc độ tiếp cận lịch sử, bản chất của quá trình hoàn thiện pháp luật về báo chí; kết hợp với một số vấn đề chính từ bối cảnh thực tiễn hiện nay, không có sự thay đổi về Hiến pháp, theo tác giả phương án hoàn thiện pháp luật về báo chí trong bối cảnh hiện tại là sớm xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Báo chí hiện hành, trong đó, tập trung rà soát, bổ sung những nội dung mới, khắc phục các tồn tại hạn chế. Một số kiến nghị cụ thể:

Thứ nhất, cân nhắc về phạm vi điều chỉnh, tên gọi và đối tượng áp dụng.

Về phạm vi điều chỉnh, như đã phân tích, Luật Báo chí hiện hành chưa cập nhật được những thực tiễn phát triển của báo chí như: Những vấn đề từ các phương tiện truyền thông xã hội; Sự phát triển của nhiều mô hình báo chí mới; Sự mở rộng kênh phân phối các sản phẩm thông tin báo chí,v.v. Do vậy, cân nhắc mở rộng phạm vi điều chỉnh để quản lý được các vấn đề trên.

Về tên gọi, theo phạm vi điều chỉnh trên, có thể cân nhắc, mở rộng tên gọi đến truyền thông (luật báo chí truyền thông) để bao quát các vấn đề lớn của báo chí truyền thông hiện đại, mở rộng các hệ thống khái niệm, từ đó bổ sung quy định quản lý phù hợp.

Về đối tượng áp dụng, cân nhắc mở rộng đối tượng áp dụng bao gồm các tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện hoạt động báo chí hoặc hoạt động có liên quan đến báo chí trên lãnh thổ Việt Nam. Cân nhắc có chương riêng quy định về vấn đề này.

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung theo hướng tạo ra hành lang pháp lý để xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các nền tảng công nghệ số, báo chí trên nền tảng số. Các nội dung cần quan tâm đến như triển khai, xây dựng, áp dụng công nghệ số, phân phối nội dung thông tin báo chí số; xây dựng công cụ/nền tảng thu thập, xử lý dữ liệu, đánh giá, dự báo, phản ánh chất lượng báo chí số; xây dựng dữ liệu độc giả; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để tự động hóa quy trình sản xuất, biên tập nội dung, nâng cao chất lượng nội dung và cải thiện trải nghiệm của người dùng; phát triển các mô hình liên kết giữa báo chí với công ty công nghệ, nhà mạng viễn thông, doanh nghiệp quảng cáo, các nền tảng xuyên biên giới; chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế để đẩy mạnh chuyển đổi số,... Bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí, việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan cũng cần được thực hiện đồng bộ, song song nhằm thúc đẩy, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của các cơ quan báo chí.

Thứ ba, mở rộng rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến các vấn đề về công tác quản lý nhà nước liên quan đến cơ quan chỉ đạo, quản lý các cấp; về mô hình, hoạt động của cơ quan báo chí; và về sản phẩm báo chí, sản phẩm có tính chất báo chí,... nhằm giải quyết, khắc phục những tồn tại, vướng mắc, góp phần hoàn thiện pháp luật về báo chí trong bối cảnh mới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hoàng Đình Cúc (2013), Đạo đức nghề báo - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị quốc gia - sự thật, Hà Nội, tr.188.
  2. Nguyễn Minh Đoan (2022), Bàn về lập hiến, nghiên cứu lập pháp, số 5, tháng 5/2002, địa chỉ: https://quochoi.vn/tulieuquochoi/anpham/Pages/anpham.aspx?AnPhamItemID=32, ngày truy cập 28/5/2023.
  3. Trần Ngọc Đường (2022), Tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động theo quan điểm Đại hội XIII của Đảng, Tạp chí cộng sản điện tử, https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset-publisher/V8hhp4dK31Gf/content/tiep-tuc-xay-dung-nha-nuoc-phap-quyen-xa-hoi-chu-nghia-kien-tao-phat-trien-liem-chinh-hanh-dong-theo-quan-diem-dai-hoi-xiii-cua-dang, ngày truy cập 28/5/2023.
  4. Lê Ngọc Đức (2015), Vì sao phải ban hành Luật Báo chí mới?, Cục phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, địa chỉ tại: https://abei.gov.vn/gop-y-du-thao-vbqppl/vi-sao-phai-ban-hanh-luat-bao-chi-moi/95946, truy cập ngày 28/5/2023.
  5. Luật Báo chí năm 1989, toàn văn tại Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư Pháp, địa chỉ: https://moj.gov.vn/vbpq/lists/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx?itemid=2085, ngày truy cập: 28/5/2023.

Hiến pháp năm 1980, nguồn Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, địa chỉ: https://moj.gov.vn/vbpq/lists/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx?itemid=1536, ngày truy cập: 28/5/2023

Hiến pháp năm 1992, nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản, địa chỉ: https://tulieuvankien.dangcong..., ngày truy cập: 28/5/2023

Hiến pháp 2013, toàn văn tại Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư Pháp, địa chỉ: https://moj.gov.vn/vbpq/lists/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx?itemid=28814, ngày truy cập: 28/5/2023

Jane Kirtley (2010), Sổ tay Luật truyền thông, Ấn phẩm của Chương trình thông tin quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Hà Nội.

PV (2015), Năm 2015, số lượng cơ quan báo chí in tăng 12 cơ quan, Cổng thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông, địa chỉ: https://www.mic.gov.vn/Pages/TinTuc/116042/Nam-2015--so-luong-co-quan-bao-chi-in-tang-12-co-quan.html, truy cập ngày 28/5/2023

Phí Thị Thanh Tâm (2015), Hoàn thiện pháp luật về báo chí ở Việt Nam hiện nay, Luận án Tiến sĩ Luật học, Khoa Luật, ĐHQGHN.

-----

Tóm tắt

Dựa trên việc nghiên cứu các vấn đề từ lịch sử hoàn thiện pháp luật về báo chí tại Việt Nam (từ 1975 đến nay), bài tham luận khái quát thành các quan điểm mang tính bản chất, chi phối đến việc hoàn thiện pháp luật về báo chí. Các quan điểm này soi chiếu vào bối cảnh hiện tại, từ đó đưa ra những nhận định khoa học hướng tới việc sửa đổi Luật Báo chí 2016.

Từ khóa: hoàn thiện luật báo chí, sửa đổi luật báo chí 2016, luật báo chí, lịch sử luật báo chí, pháp luật về báo chí.



[1] Tiến sĩ, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.

[2] NCS, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.

[3] Luật Báo chí năm 1989; sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Báo chí, năm 1999 và Luật Báo chí năm 2016.

[4] Những quy định về quyền tác giả, quy định về tiêu chuẩn, nghiệp vụ viên chức chuyên ngành báo chí, v.v.

[5] Như Nghị quyết số 384 ngày 05-11-1990 của Hội đồng Bộ trưởng về tăng cường quản lý công tác báo chí xuất bản; Nghị định 133/HĐBT ngày 20-4-1992 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chi tiết Luật Báo chí 1989,v.v.

[6] Điều 11, Luật Báo chí năm 1989 (sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Báo chí năm 1999) quy định mỗi cơ quan thực hiện 1 loại hình báo chí. Tuy nhiên, thực tế, các cơ quan báo chí thực hiện nhiều loại hình báo chí cùng lúc (đơn cử như Đài Tiếng nói Việt Nam, thực hiện cả 4 loại hình báo chí).

[7] Khoản 1, Điều 5, Luật Báo chí năm 1989 (sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Báo chí năm 1999) quy định “Cơ quan báo chí có trách nhiệm đăng, phát sóng tác phẩm, ý kiến của công dân; trong trường hợp không đăng, phát sóng phải trả lời nêu rõ lý do”, thực tế cho thấy quy định này thiếu tính khả thi.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO