Phóng viên TTXVN tại Rome dẫn báo cáo của Hiệp hội ngành thủ công và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (Confartigianato) của Italy, được công bố ngày 24/8, cho biết “quá trình chuyển đổi công nghệ và tự động hóa sâu sắc sẽ ảnh hưởng đến 36,2% lực lượng lao động” của nước này.
Theo báo cáo trên, các ngành nghề có nguy cơ cao nhất “là những ngành có trình độ chuyên môn cao nhất, tức là những ngành có thành phần trí tuệ và hành chính cao, như kỹ thuật viên thông tin và truyền thông, quản lý hành chính và kinh doanh, chuyên gia quản lý và kinh doanh, chuyên gia khoa học và kỹ thuật và các nhà quản lý hành chính công”. Trong khi đó, những công việc ít gặp rủi ro nhất từ AI là những công việc có “thành phần thủ công không được tiêu chuẩn hóa”, chẳng hạn như nghệ nhân và thợ thủ công.
Nghiên cứu này chỉ ra rằng việc sử dụng ngày càng nhiều công nghệ AI tác động nhiều nhất đến vùng Lombardy, tiếp theo là Lazio, hai vùng kinh tế lớn nhất quốc gia Nam Âu này, với lần lượt là 35,2% và 32% số người lao động bị ảnh hưởng trong năm 2022.
Báo cáo cũng nêu bật các cơ hội liên quan đến việc sử dụng AI, chẳng hạn như tối ưu hóa quy trình kinh doanh và triển khai các công nghệ tiên tiến. Khoảng 6,9% doanh nghiệp vừa và nhỏ của Italy sử dụng robot, cao hơn mức trung bình 4,6% của châu Âu và cao gần gấp đôi so với 3,5% của Đức. Ngoài ra, 5,3% doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Italy sử dụng hệ thống AI, trong khi 13% có kế hoạch đầu tư vào ứng dụng AI trong thời gian tới.
Phát biểu với báo giới, Chủ tịch Confartigianato, Marco Granelli nhấn mạnh trí tuệ nhân tạo là một phương tiện chứ không phải là mục đích. AI không đáng sợ, mà có thể trở thành một công cụ, có khả năng nâng cao khả năng sáng tạo và kỹ năng không thể bắt chước được. Không có robot hay thuật toán nào có khả năng sao chép kỹ năng của các nghệ nhân hoặc bắt chước 'linh hồn' của các sản phẩm và dịch vụ đẹp mắt và được chế tạo tốt để làm cho nhãn hiệu 'Made in Italy' trở nên độc nhất trên thế giới".
Báo cáo cũng cho biết tỷ lệ việc làm gặp rủi ro vì AI tại Italy thấp hơn so với mức trung bình 39,5% của châu Âu, với tỷ lệ này ở Đức là 43%, Pháp là 41,4%, Bỉ là 48,8%, Thụy Điển là 48% và Luxembourg là 59,4%.