Các nước APEC cần thúc đẩy chuyển đổi số trong thương mại dịch vụ

11/10/2021, 11:20

Báo cáo mới công bố của Đơn vị Hỗ trợ Chính sách APEC chỉ ra rằng, các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) cần phải hành động nhiều hơn nữa để đảm bảo một môi trường cởi mở và dễ dự đoán để tiếp cận các thị trường dịch vụ.

Cần nhận ra tầm quan trọng của thương mại kỹ thuật số và các luồng dữ liệu trong việc thúc đẩy khả năng cạnh tranh. Ảnh minh họa: VTV.vn

Theo đó, trong 4 năm qua, khu vực đang hoạt động kém hiệu quả và chứng kiện sự thụt lùi trong tiến trình đạt được các mục tiêu đề ra.

Theo lộ trình cạnh tranh dịch vụ của APEC được các nhà lãnh đạo thông qua vào năm 2016, các nền kinh tế thành viên đã nhất trí giảm hạn chế đối với thương mại dịch vụ và đầu tư, cũng như tăng tỷ trọng xuất khẩu dịch vụ và tổng thể thương mại dịch vụ vào năm 2025.

Tuy nhiên, hiện tiến độ không đồng đều và tác động từ đại dịch có thể sẽ làm trầm trọng thêm sự thất bại.

Một đánh giá giữa kỳ do Đơn vị Hỗ trợ Chính sách APEC công bố cho thấy rằng, trong khi một số lĩnh vực dịch vụ đã trở nên cởi mở, phát triển hơn trong 4 năm qua, chẳng hạn như xếp dỡ hàng hóa hậu cần, môi giới hải quan, vận tải biển và giao nhận hàng hóa, những lĩnh vực khác lại trở nên hạn chế hơn, đơn cử như vận tải đường bộ và hàng hóa, kế toán và vận tải hàng không.

Denis Hew, Giám đốc Đơn vị Hỗ trợ Chính sách APEC giải thích: “Dữ liệu cho thấy xuất hiện những tiến bộ trái chiều trong chuỗi những nỗ lực khiến cho khu vực trở nên cởi mở hơn trong việc hỗ trợ thương mại dịch vụ và đầu tư. Có nhiều yếu tố góp phần tạo ra những hạn chế này, bao gồm hạn chế nhập cảnh nước ngoài, rào cản cạnh tranh, tính minh bạch của luật pháp, cũng như nhiều quy định ảnh hưởng đến khả năng đi lại của người dân.

Báo cáo nhấn mạnh rằng, tỷ trọng xuất khẩu dịch vụ thế giới của APEC đã giảm từ 38,8% vào năm 2016 xuống còn 38,1% vào năm 2019. Điều này có nghĩa là APEC đã giảm quỹ đạo và cần phải tăng nhanh xuất khẩu dịch vụ nếu khu vực muốn tăng tỷ trọng xuất khẩu dịch vụ toàn cầu vào năm 2025.

Có thể nói rằng, dịch vụ rất quan trọng đối với hầu hết các nền kinh tế bởi lĩnh vực này cung cấp phần lớn các hoạt động kinh tế và cung cấp nhiều việc làm. Ở hầu hết các nền kinh tế thành viên APEC, dịch vụ chiếm hơn 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Nhìn tổng thể, dịch vụ chiếm khoảng 2/3 GDP của APEC và hơn một nửa trong tổng số việc làm tại 15 nền kinh tế APEC trong 10 năm qua được thúc đẩy nhờ lĩnh vực này.

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp có khả năng tiến hành thương mại dịch vụ xuyên biên giới trong thời kỳ đại dịch sẽ trở nên thành công hơn và có khả năng phục hồi tốt hơn. Điều này cho thấy tầm quan trọng của thương mại kỹ thuật số và các luồng dữ liệu trong việc thúc đẩy khả năng cạnh tranh.

“Khả năng chuyển đổi trực tuyến là một trong những yếu tố tạo nên thành công quan trọng việc ứng phó với khủng hoảng. Các nước cần nhận ra vai trò quan trọng của nền kinh tế kỹ thuật số trong chuỗi giá trị toàn cầu và tìm cách khuyến khích, thúc đẩy triển khai các chính sách đẩy mạnh khả năng tiếp cận, thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số và tránh các rào cản đối với nền kinh tế kỹ thuật số”, Andre Wirjo, một nhà phân tích tại Đơn vị Hỗ trợ Chính sách APEC, đồng thời cũng là tác giả của bài báo cáo nhận định.

Đan Lê(Lược dịch từ Xinhua Net)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO