Sau những sản phẩm tiêu dùng cá nhân thông thường thì đến lượt việc mua bán ô tô cũng đã được "chuyển đổi số". Trong năm 2021, hàng loạt nhà sản xuất lớn tại Việt Nam đều công bố chương trình bán ô tô online.
Xu hướng mới tại Việt Nam
Ngày 9/8, VinFast đưa ra thông báo chính thức cung cấp giải pháp mua ô tô trực tuyến tại Việt Nam. Theo đó, khi truy cập website của hãng, khách hàng sẽ được cung cấp đầy đủ các dịch vụ từ so sánh tìm hiểu trước khi mua xe, đặt cọc, thanh toán, nộp hồ sơ vay và vay online. Ngoài ra, việc đặt lịch bảo dưỡng và sửa chữa xe cũng có thể được thực hiện online.
VinFast chính thức bán ô tô online tại Việt Nam.
Trên thực tế, VinFast đa cho ra mắt mô hình mua sắm O2O (online to offline) từ đầu năm nay nhưng chưa cho thanh toán online như hiện tại.
Bên cạnh hãng xe Việt, Mercedes cũng là một trong những hãng tiên phong trong việc bán xe online. Hơi khác với VinFast, việc giao dịch mua xe Mercedes vẫn do đại lý thực hiện với khác trong khi hãng chỉ đóng vai trò tư vấn ban đầu. Trong thông báo phát đi hồi tháng 6, Mercedes "khoe" số xe bán theo hình thức online đạt 3 con số, tức là trên 100 xe.
Một hãng xe khác là TC Motor cũng nhanh tay áp dụng phương thức bán hàng online là TC Motor từ tháng 6/2021. Tuy nhiên, hãng mới chỉ áp dụng cho mẫu Santa Fe thời điểm đó. Chưa rõ TC Motor có áp dụng hình thức mua sắm này cho mẫu Grand i10 mới ra mắt, hay mở rộng cho tất cả mẫu xe của hãng hay không.
Theo các chuyên gia thị trường ô tô, mua xe online là hình thức mới mẻ tại Việt Nam, nhưng đã phổ biến ở một số quốc gia phát triển. Ưu điểm của hình thức này là người dùng có thể tiếp cận nhiều thông tin cùng lúc, so sánh đối chiếu các mẫu xe, tính năng, trang bị một cách dễ dàng – điều khó có thể làm khi mua trực tiếp tại đại lý.
Ngoài ra, người mua cũng sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian cho việc mua xe thay vì ra đại lý, chờ đợi, ký tá nhiều loại giấy tờ khác nhau. Trong giai đoạn dịch bệnh như hiện tại, việc lựa chọn, làm thủ tục và mua hàng không qua tiếp xúc cũng mang đến cảm giác an toàn hơn nhiều so với ra đại lý.
Một ưu điểm nữa là giá bán, ưu đại, dịch vụ đi kèm với xe đều được niêm yết minh bạch, giúp người mua yên tâm khi mua sắm.
Trong khi đó, nhược điểm lớn nhất chính là việc người dùng sẽ thiếu đi nghiệm trực tiếp với chiếc xe. Họ cũng không thể lái thử để trước khi chọn mua xe.
Mercedes cũng cho phép người dùng mua xe online, mặc dù giao dịch vẫn phải thực hiện qua đại lý.
Do đó, các chuyên gia cho rằng hình thức mua xe online phù hợp cho những người đã hiểu rõ về chiếc xe cần mua, hoặc có sự tin tưởng lớn cho thương hiệu mình đã chọn. Hình thức này sẽ khó thuyết phục những người mua xe lần đầu.
Phổ biến ở thị trường quốc tế
Tháng 2/2019, Tesla gây sốc khi CEO Elon Musk tuyên bố công ty sẽ giảm bớt nhân viên sale và đóng cửa hầu hết showroom của mình. Thay vào đó, hãng sẽ chuyển sang bán online, cho người mua xe khoảng 1 tuần để trả lại nếu họ không cảm thấy hài lòng. Với Tesla khi đó, đây là một giải pháp "tình thế" hơn là thúc đẩy phương pháp mua sắm mới bởi khi đó, họ đang cần cắt giảm bớt chi phí vận hành.
Cho đến nay, việc lên website Tesla chọn xe, chọn trang bị, thanh toán và chờ nhận hàng đã khá quen thuộc tại Mỹ. Tháng 7 vừa qua, Tesla tiếp tục công bố sẽ loại bỏ nhiều showroom tại nhiều trung tâm mua sắm lớn, cho thấy chính sách bán hàng online đã có tác dụng.
Một số hãng xe khác tại Mỹ như General Motor, Nissan cũng đi theo con đường của Tesla khi mở rộng việc bán xe online.
Theo khảo sát của Frost & Sullivan, khoảng 63% người dùng cân nhắc mua ô tô trong 5 năm tới cho biết sẵn sàng giai dịch qua kênh trực tuyến. Khảo sát của Smilee năm 2021 cũng cho thấy 51% người dùng sẵn sàng mua ô tô cũ qua mạng, miễn là được cung cấp đầy đủ thông tin về xe.
Theo Nhịp sống kinh tế