TS Nguyễn Văn Tràng (quê Bắc Ninh) đang làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ LiFi, Đại học Edinburgh (Anh), theo đuổi các giải pháp công nghệ truyền dữ liệu qua ánh sáng.
Tại đây Tràng được nhận mức lương nghiên cứu hơn 4.000 USD mỗi tháng cùng chế độ y tế, giáo dục miễn phí và cơ hội định cư lâu dài cùng gia đình, không ai nghĩ một ngày anh lại quyết định về Việt Nam. Trước khi sang Anh, Tràng có 5 năm du học và làm việc tại Hàn Quốc.
Kể lại thời điểm hạ quyết tâm, Tràng cho biết trong đầu chỉ có một suy nghĩ còn trẻ nên nhìn xa hơn "vùng an toàn", quay trở về làm điều gì đó cho quê hương. Nhận thấy Việt Nam nếu đưa công nghệ đèn chiếu sáng thông minh nhận diện giọng nói, cử chỉ nhờ công nghệ AI, dùng ánh sáng để truyền dữ liệu thay vì dùng sóng Wifi... là cơ hội để khai thác "kho" sáng chế Tràng đang có.
Ý định về nước khởi nghiệp nung nấu từ năm 2019, Tràng trao đổi với vợ và gia đình. Thời điểm đó, ai cũng khuyên anh tiếp tục nghiên cứu tại Anh vì những ưu đãi anh có được sau những cố gắng. Nhưng nhờ động viên của vợ: "Quyết định này là ở anh, dù thế nào gia đình luôn ủng hộ", Tràng được tiếp thêm động lực chuẩn bị thủ tục chuyển công việc trở về Việt Nam.
Cuối năm 2019, Tràng bắt đầu xây dựng đội ngũ trước khi về nước. Mười cộng sự là bạn bè, đồng nghiệp nghiên cứu của anh cùng chung khát vọng mang công nghệ số hóa ánh sáng cho Việt Nam. Nắm trong tay các sáng chế công nghệ, bằng số vốn các thành viên tự góp, tháng 4/2021 anh về nước và thành lập startup Huepress tại Hà Nội.
Tràng kể, bây giờ một ngày làm việc của anh luôn kín lịch. Thời gian ban ngày dành trọn cho công ty vừa thành lập, đêm về anh tiếp tục làm việc từ xa cho dự án sau tiến sĩ tại Anh. Cường độ làm việc cao như vậy lại không làm anh áp lực, mà thấy "mãn nguyện" vì đang từng bước được thực hiện ước mơ lâu nay.
Anh chia sẻ, Huepress dự định bước đầu nghiên cứu từ con chip đến ứng dụng điện thoại cho người dùng để sản xuất các loại đèn chiếu sáng thông minh. Khi có lợi nhuận, nhóm sẽ tái đầu tư phát triển công nghệ LiFi tại Việt Nam và vươn ra toàn cầu.
Nếu được ứng dụng tại Việt Nam, công nghệ LiFi sẽ giúp ánh sáng đèn điện thông thường có thể truyền dữ liệu với tốc độ lên đến TB/giây, thay vì sử dụng sóng điện từ Wifi có hại cho sức khỏe về lâu dài. Tuy nhiên, theo anh, việc thương mại hóa công nghệ này cần có cơ sở hạ tầng đủ mạnh như 5G, 6G để tải lượng dữ liệu lớn.
Ở giai đoạn đầu, nhóm đã liên kết với các đối tác sản xuất đèn thông minh, quy mô công nghiệp và kênh phân phối tại Việt Nam. Theo dự kiến sản phẩm sẽ đến tay người tiêu dùng vào tháng 9, nhưng do dịch Covid-19 nên không kịp như dự định.
Là nhà nghiên cứu, dù có kinh nghiệm tiếp xúc với các dự án công nghệ lớn, Tràng vẫn không lường hết được những thách thức khi startup. Mọi công việc từ vận hành đến quản lý kinh doanh, anh vừa phụ trách vừa tìm hiểu thêm. Tuy nhiên "tôi đã chuẩn bị nguồn vốn dự phòng cho phương án xấu nhất xảy ra nếu hàng chưa kịp về, doanh thu chưa có", anh nói.
Bước đầu khó khăn nhưng anh và cộng sự luôn tự hào là startup đầu tiên trong nước phát triển công nghệ LiFi. Với vốn kinh nghiệm gần 10 năm nghiên cứu công nghệ LiFi- giải pháp truyền dữ liệu lớn qua ánh sáng (ở cả Hàn Quốc và Anh), TS Tràng sở hữu 57 bằng sáng chế quốc tế và trong nước. Anh tự tin đây là cơ sở để nhóm phát triển sản phẩm đèn thông minh và các giải pháp ánh sáng.
Hiện anh cùng cộng sự tập trung nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm và giải pháp công nghệ chủ lực của công ty, đồng thời xin sáng chế trong nước, từng bước thực hiện giấc mơ số hóa ánh sáng tại Việt Nam.