Ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử ở Thái Bình

07/04/2022, 09:52

Công nghệ thông tin ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế-xã hội. Nhận thức rõ vấn đề, hiện nay tỉnh thái Bình đang đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực quan trọng, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử với mục tiêu nâng cao mức độ hài lòng của người dân, bảo đảm tính công bằng, chuẩn mực trong quản lý nhà nước.

Là một trong những đơn vị có nhiều việc làm hiệu quả trong ứng dụng công nghệ thông tin, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình Hoàng Văn Ngoạn cho biết: Trong những năm qua, đơn vị đã tích cực đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào hoạt động của ngành, đem đến những kết quả rõ rệt.

Thời điểm này, tất cả các văn bản đến, đi được quản lý trên phần mềm Mạng văn phòng; 100% các văn bản đi được ký số cá nhân và tổ chức, không chuyển bản giấy (trừ văn bản liên quan đến thanh quyết toán; văn bản mật…); tất cả các đơn vị sử dụng chứng thư số do Ban cơ yếu chính phủ cấp để thực hiện ký số bảo hiểm, kho bạc, văn bản...

Từ tháng 6/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý, vận hành hệ thống phần mềm và cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường góp phần giải quyết công việc một cách nhanh chóng, hiệu quả. Duy trì hệ thống tiếp nhận và theo dõi số liệu quan trắc môi trường tự động liên tục từ các trạm quan trắc của các doanh nghiệp và các trạm quan trắc do Sở đầu tư truyền về.

Đến nay, có 22 trạm quan trắc trên địa bàn tỉnh truyền về Sở, bao gồm các trạm quan trắc về nước thải, nước mặt, khí thải và không khí xung quanh. Từ số liệu truyền về giúp cho đơn vị kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành những quy định, chính sách về môi trường trên địa bàn tỉnh một cách sát đúng.

Hệ thống máy chủ và thiết bị mạng tại Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình.

Tại tỉnh Thái Bình, hiện nay ngành bảo hiểm xã hội đang có bước tiến mãnh mẽ trong tiếp cận, phục vụ người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế bằng việc áp dụng nhanh công nghệ thông tin, coi đây là công cụ hữu hiệu đem đến sự hài lòng cho người dân.

Với  phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình tập trung mọi nguồn lực xây dựng, hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu với 6 trường thông tin cơ bản của hơn 1,9 triệu dân tương ứng với hơn 672 nghìn hộ gia đình trên toàn tỉnh (là nền tảng hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm).

Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trong đó hoàn thành việc cung cấp 100% các dịch vụ công mức độ 3,4 cho các thủ tục hành chính của ngành. Đến nay, tất cả các dịch vụ công được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công của ngành, đem lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.

Ông Phạm Quốc Thái, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình cho biết: Với việc ứng dụng công nghệ thông tin một cách đồng bộ, hiện nay người dùng chỉ cần có máy tính hoặc điện thoại thông minh kết nối mạng internet là có thể thực hiện các dịch vụ công của ngành bảo hiểm xã hội ở bất cứ đâu, bất kỳ lúc nào.

Hiệu quả rõ nét nhất trong ứng dụng công nghệ thông tin, phải kể đến việc triển khai thành công ứng dụng VssID (Bảo hiểm xã hội số). Thông qua đây, người dùng có thể quản lý, kiểm soát các thông tin về quá trình tham gia, thụ hưởng thụ hưởng chế độ, chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp.

Ngoài ra, từ ngày 1/6/2021, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã triển khai, sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID để đi khám chữa bệnh trên phạm vi toàn tỉnh. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 600 nghìn người cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID (Bảo hiểm xã hội số).

Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Bình, hiện nay Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh đã được đầu tư nhiều máy chủ có cấu hình cao, thiết bị mạng, thiết bị tường lửa lớp mạng, thiết bị và phần mềm bảo mật nên cơ bản đáp ứng để cài đặt, triển khai các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh.

Thái Bình cũng đã hoàn thành xây dựng hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của tỉnh, đã kết nối chia sẻ các hệ thống thông tin, cơ sơ dữ liệu của tỉnh thông qua hệ thống LGSP và hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (NGSP) của Quốc gia.

Bên cạnh đó, 100% cơ quan, đơn vị có mạng nội bộ, kết nối mạng diện rộng của tỉnh và kết nối internet tốc độ cao. Ngay từ năm 2018, tỉnh Thái Bình đã thực hiện xây dựng Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh để chia sẻ, khai thác phục vụ các hoạt động quản lý nhà nước.

Hiện nay, nhiều cơ quan, đơn vị đang triển khai bước đầu quá trình ứng dụng công nghệ thông tin, tạo tiền đề cho chuyển đổi số đem lại những hiệu ứng tích cực.

Ngành y tế đưa vào sử dụng sổ sức khỏe điện tử, phần mềm về quản lý F0 tại nhà, hay như các ứng dụng về quản lý dịch tễ, khai báo y tế, nền tảng tiêm chủng trong phòng, chống dịch Covid-19.

Trong lĩnh vực giáo dục, đang triển khai nhiều công nghệ mới phục vụ giảng dạy như phần mềm quản lý thư viện, phần mềm thiết kế bài giảng điện tử Elearning, phần mềm quản lý ngân hàng đề thi…

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, từ hơn một năm nay, tỉnh Thái Bình đưa vào vận hành hệ thống camera thông minh giám sát giao thông, kết hợp hỗ trợ công tác an ninh, trật tự tại thành phố Thái Bình và năm cửa ngõ ra vào tỉnh.

Ông Đỗ Như Lâm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Bình cho hay: Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các cơ quan, đơn vị, các lĩnh vực, ngành nghề sẽ thúc đẩy quá trình xây dựng chính quyền điện tử một cách nhanh chóng và đồng bộ. Đây chính là nền tảng vững chắc cho việc chuyển đổi số trong tương lai ở địa phương.

Công dân tra cứu thông tin thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thái Bình.

Cụ thể, theo Đề án chuyển đổi số tỉnh Thái Bình mới được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt ngày 17/3 vừa qua, ngay trong năm nay, tỉnh Thái Bình quyết tâm đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam, giúp người dân, doanh nghiệp thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi cũng như lợi ích của chuyển đổi số.

Trong đó phổ cập sử dụng các nội dung như: Sàn thương mại điện tử cho người dân và các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể; Nền tảng dạy học trực tuyến, trong đó chú trọng hướng dẫn người dân chủ động sử dụng các nền tảng số phục vụ việc học tập, ôn luyện các môn học về khoa học tự nhiên, ngoại ngữ, kỹ năng số, kỹ năng mềm; Nền tảng số hỗ trợ tư vấn sức khỏe cá nhân, kết nối trực tiếp giữa người dân với bác sĩ theo quy định của pháp luật, sử dụng nền tảng số hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa của các bệnh viện…

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO