Nhiều khó khăn về chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến nông sản

04/04/2022, 10:18

Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất sẽ góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị; tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận; khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và hình thành chuỗi giá trị, liên kết sản xuất hiệu quả trong nông nghiệp. Đây cũng được xem là quá trình áp dụng chuyển đổi số từ gốc trong sản xuất, chế biến nông sản, phù hợp với xu thế của nền nông nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều đơn vị, HTX trên địa bàn tỉnh vẫn sản xuất, chế biến chủ yếu theo phương pháp thủ công, truyền thống.

Nhiều khó khăn về chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến nông sản
Việc áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất miến của HTX Miến dong Việt Cường mới được khoảng 30%.

Trung bình mỗi tháng, HTX Miến dong Việt Cường xuất bán khoảng 50 tấn các loại. Đặc biệt, từ khi đơn vị này có 1 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 5 sao cấp Quốc gia, có thời điểm, hàng không sản xuất kịp đáp ứng nhu cầu của thị trường ngày càng lớn. Thế nhưng, việc áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất miến mới được khoảng 30%. Bởi hàng tháng, chi phí thuê nhân công đóng gói miến thành phẩm vẫn còn rất lớn, quá trình sơ chế, chế biến nguyên liệu cũng phụ thuộc hoàn toàn vào cảm tính, kinh nghiệm của nghệ nhân… Thiếu dây chuyền sản xuất khép kín, đồng bộ, thiếu ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, chế biến và bảo quản, dẫn đến chất lượng sản phẩm khó đồng đều, kinh phí nhân công chiếm tỷ lệ cao, năng lực sản xuất bị hạn chế…

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc HTX Miến dong Việt Cường, huyện Đồng Hỷ chia sẻ: "Chúng tôi khó khăn trong khâu kết nối hệ thống, con người bằng tự động hóa. Khi làm theo kinh nghiệm thì độ đồng đều sẽ không được như tự động hóa hoàn toàn. Chúng tôi rất mong muốn được hỗ trợ, tư vấn về công nghệ".

Nhiều khó khăn về chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến nông sản
Do thiếu thốn, hạn chế về dây chuyền sản xuất đồng bộ, khoa học, hiện đại, nên năng suất và chất lượng sản phẩm của HTX Bún khô Tiến Diện bị ảnh hưởng không nhỏ.

Sau hơn 1 năm thành lập, đến nay, HTX Bún khô Tiến Diện đã bước đầu khẳng định được chất lượng, thương hiệu từ chương trình OCOP với 1 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ của HTX còn bấp bênh, không ổn định do quy mô sản xuất còn manh mún, sản lượng bún khô hàng tháng phần lớn do thời tiết quyết định. Cũng do thiếu thốn, hạn chế về dây chuyền sản xuất đồng bộ, khoa học, hiện đại, nên năng suất và chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng không nhỏ. Hiện nay, các khâu trong quá trình sơ chế, chế biến, sản xuất ra thành phẩm đều làm bằng thủ công. Vì vậy, mỗi tháng, với 7 thành viên, HTX mới chỉ sản xuất được khoảng 3-5 tấn mì, bún khô thành phẩm, không đủ đáp ứng tối đa cho những đơn hàng nếu ký hợp đồng tiêu thụ.

Ông Nguyễn Tiến Diện, HTX Bún khô Tiến Diện, huyện Võ Nhai cho hay: "Chúng tôi còn hạn chế về vốn, máy móc còn thiếu chưa tự động hóa được, nhiều khâu còn làm thủ công. Mong muốn được hỗ trợ nguồn vốn để trang bị máy móc".

Thiếu thốn vế nguồn vốn, cơ sở hạ tầng là những nguyên nhân chính khiến việc sản xuất, chế biến nông sản của các đơn vị, HTX vẫn chưa bắt nhịp được trọn vẹn với chuyển đổi số. Việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất cần tiếp tục được quan tâm, xem là yếu tố cốt lõi, quyết định đến gia tăng năng suất, chất lượng nông sản. Từ đó, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp – nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá./.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO