Ứng dụng công nghệ số để gìn giữ văn hóa dân tộc thiểu số - Việc cần làm ngay

PV | 23/09/2021, 10:38

Một trong những vấn đề mà Đảng và Nhà nước Việt Nam ưu tiên là xây dựng nền văn hóa thống nhất và đa dạng trong cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS). Trong thời đại 4.0 như hiện nay, công nghệ thông tin chính là chìa khóa trong việc gìn giữ và phát huy văn hóa các DTTS, góp phần vào sự ổn định và phát triển đất nước.

Quyền gìn giữ văn hóa của các DTTS 

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 yêu cầu phải tôn trọng lợi ích, truyền thống, văn hoá, ngôn ngữ, tập quán, tín ngưỡng của các dân tộc. Hiến pháp năm 2013 cũng ghi nhận nước Cộng hoà XHCN Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của mình.

Để đảm bảo quyền về văn hóa của DTTS, Đảng và Nhà nước cũng đưa ra chủ trương xây dựng nền văn hóa thống nhất, đa dạng trong cộng đồng các DTTS Việt Nam, trong đó ưu tiên phát triển văn hóa các DTTS rất ít người. Nhiều chính sách, đề án đã được Chính phủ phê duyệt nhằm thực hiện hiệu quả việc bảo tồn, phát huy và phát triển giá trị văn hoá DTTS, đặc biệt là văn hoá DTTS ít người. 

Một loại nhạc khí vẫn được người dân tộc Mông ở bản Quả Lủng, xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang lưu giữ. (Ảnh: L.H).

Nhằm triển khai Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 trong đó lĩnh vực văn hoá, tháng 9/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1409/QĐ-TTg về việc Ban hành kế hoạch nhấn mạnh tập trung bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch và đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn. Nhiều chính sách đã được thông qua và thực hiện một cách có hiệu quả như bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các DTTS... Và việc triển khai "Dự án bảo tồn, phát huy giá trị làng truyền thống các DTTS" đã và đang tạo nên mô hình hiệu quả, thiết thực, đem lại lợi ích trên nhiều mặt của đời sống, phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa tại vùng đồng bào DTTS trên cả nước.

Toàn cầu hoá và làn sóng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã mang lại những bước tiến nhảy vọt về KTXH là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, nó cũng mang đến những thách thức và sự tiêu cực như phân hoá giàu nghèo; thay đổi chuẩn mực xã hội; đảo lộn cấu trúc nhân lực xã hội… Theo đó, sự va chạm giữa văn hoá bản địa và văn hoá ngoại nhập là điều không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, công nghiệp hoá - hiện đại hoá và nền kinh tế thị trường đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến bản sắc các DTTS. Vì vậy, việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của DTTS luôn có ý nghĩa quan trọng. 

Số hóa lễ hội: Việc cần làm ngay 

Theo thống kê, hiện nay cả nước ta có khoảng 7.966 lễ hội, trong đó có trên 7.039 lễ hội dân gian (chiếm 88%), phần lớn trong số đó là do cấp xã quản lý (5.517 lễ hội - chiếm gần 70%). Nhìn vào số lượng lễ hội có thể thấy lễ hội dân gian ở nước ta rất đa dạng, phong phú, song hiện nay xu hướng đồng dạng hóa lễ hội đang trở nên phổ biến và khiến cho lễ hội dân gian đặc biệt ở dân tộc thiểu số phần nào trở nên nhạt nhòa, các lễ hội mất dần tính đặc sắc. Trong bối cảnh các hoạt động lễ hội ngày càng gắn bó mật thiết với đời sống cộng đồng, góp phần bảo tồn nhiều giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, việc xây dựng Đề án Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 là cần thiết nhằm quản lý, thống nhất chuyên môn về nghiệp vụ lưu trữ trong lĩnh vực lễ hội.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam giai đoạn 2021- 2025. Đây được coi một cuộc "tổng kiểm kê" cần thiết nhằm quản lý, thống nhất chuyên môn về nghiệp vụ lưu trữ trong lĩnh vực lễ hội. Trong tương lai không xa, cổng thông tin về Lễ hội Việt Nam cũng sẽ hình thành, góp phần khắc phục những khó khăn trong quản lý và khai thác tài liệu về lễ hội.

Múa xòe - nét văn hóa đặc sắc trong lễ hội của người Thái Tây Bắc. (Ảnh: TTXVN)

Đề án Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam được triển khai thực hiện trong thời gian 5 năm, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I từ 2021-2022, với các công việc: Điều tra, thống kê các loại hình lễ hội tại Việt Nam; đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin; xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu và Cổng thông tin về Lễ hội Việt Nam; số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về lễ hội truyền thống. Giai đoạn II từ 2023- 2025 sẽ tiến hành số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề và lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài; hoàn thiện phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu và Cổng thông tin về Lễ hội Việt Nam; đào tạo tập huấn khai thác sử dụng phần mềm, duy trì và vận hành.

Mục tiêu cụ thể của Đề án nhằm số hóa 100% dữ liệu các loại hình lễ hội truyền thống. Theo đó, những dữ liệu được số hóa đảm bảo chất lượng, sử dụng hiệu quả trong công tác quản lý và cập nhật bổ sung định kỳ các loại hình lễ hội truyền thống; hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin quản lý các loại hình lễ hội truyền thống, đảm bảo sử dụng hiệu quả. Bên cạnh đó, đầu tư hoàn thiện trang thiết bị công nghệ thông tin, phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu và Cổng thông tin về Lễ hội truyền thống Việt Nam.

Theo Đề án, việc tổ chức thu thập thông tin, xử lý số liệu, tổng hợp, công bố và lưu giữ thông tin phải được thực hiện theo đúng quy định; bảo đảm thu thập đầy đủ, chính xác, kịp thời, không trùng lặp, không bỏ sót các thông tin quy định trong phương án điều tra; bảo mật thông tin thu thập từ các đối tượng điều tra theo quy định. 

Chữ viết của các DTTS: Gìn giữ bằng số hóa

Trước thực trạng tiếng nói và chữ viết của các DTTS có nguy cơ bị mai một, Chính phủ cũng có kế hoạch số hóa chữ viết nhằm gìn giữ và bảo tồn có hiệu quả nét văn hóa đã tồn tại hàng trăm năm qua.

Ngoài việc phổ cập ngôn ngữ phổ thông cho học sinh dân tộc thì tiếng nói và chữ viết của các DTTS vẫn cần gìn giữ và bảo tồn. (Ảnh: L.H)

Vừa qua, Viện Ngôn ngữ học (Viện Hàn lâm Khoa học - Xã hội Việt Nam) triển khai tiến hành Dự án Số hóa ngôn ngữ các DTTS tại Việt Nam, phối hợp cùng với nhóm phần mềm Vietkey. Dự án số hóa ngôn ngữ DTTS trong thời gian qua đã nhận được sự quan tâm của các nhà Ngôn ngữ học tâm huyết. Tuy nhiên, công tác số hóa hiện nay cũng đang gặp không ít trở ngại. 

Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn, Chuyên gia Công nghệ thông tin (CNTT), Trưởng nhóm phần mềm Vietkey cho biết hiện xuất hiện nhiều nhóm phần mềm làm các bộ gõ và Font chữ các DTTS một cách tự phát. Nhưng trở ngại lớn nhất là số lượng chuyên gia hiểu biết cả về ngôn ngữ và CNTT còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm thông tin về ngôn ngữ của các dân tộc rất khó; Một số Font chữ DTTS đã vi phạm các quy định về tiêu chuẩn ký tự Unicode, khi đưa lên Internet thì sẽ hiển thị ký tự chuẩn của Unicode chứ không phải ký tự riêng của các dân tộc. Bên cạnh đó, chúng ta chưa có một quy hoạch tổng thể về phân bổ ký tự cho ngôn ngữ các DTTS. Thực trạng chung vẫn là mạnh ngôn ngữ nào thì làm ngôn ngữ đó.

TS. Đặng Minh Tuấn.

Theo ông Tuấn, chúng ta phải xây dựng quy hoạch tổng thể về số hóa ngôn ngữ các DTTS, rồi mới đến những việc làm cụ thể. Đầu tiên, các chuyên gia ngôn ngữ học phải xây dựng hoàn thiện bộ chữ rồi đến lượt các chuyên gia CNTT mã hóa cho từng bộ chữ. Khi có mã thì mới xây dựng bộ Font chữ, bộ gõ rồi đến các công cụ hỗ trợ cho chuyển đổi số.

Để đồng bào các DTTS được bình đẳng trong không gian số hóa, rất cần những chính sách, giải pháp cụ thể của Chính phủ. Ngoài ra, cần sự vào cuộc tích cực của các văn nghệ sĩ người DTTS, các chi hội văn học nghệ thuật các DTTS ở các địa phương, cộng đồng trí thức người DTTS.

Thuật ngữ "ngôn ngữ có nguy cơ mai một hay đang bị đe doạ, nguy cấp, có nguy cơ bị mất/ tiêu vong" trở nên phổ biến trong nhiều công trình nghiên cứu gần đây, với những nét nghĩa có thể khác nhau. Nguy cơ mai một là hiện hữu với phần lớn các ngôn ngữ dân tộc thiểu số (DTTS) trong một quốc gia đa dân tộc. Rất khó có thể tránh cho mọi ngôn ngữ khỏi bị diệt vong, nhất là khi cộng đồng (đặc biệt là lớp trẻ) người bản ngữ không còn thiết tha với tiếng mẹ đẻ, dù chỉ là vì lợi ích trước mắt, đó là cần các phương tiện giao tiếp khác là ngôn ngữ quốc gia và ngoại ngữ phổ biến, như tiếng Anh hiện nay, thuận lợi hơn cho sinh kế.

Nhằm bảo tồn sự đa dạng ngôn ngữ để xây dựng một xã hội đa văn hoá, có tư liệu thực tế cho khảo cứu lâu dài, việc tìm ra những giải pháp thích hợp nhằm bảo tồn bằng lưu trữ dữ liệu các ngôn ngữ có nguy cơ mai một được đặt ra trong khung pháp lý thuận lợi. Đó là một phần chính sách của Nhà nước đối với các DTTS rất ít người ở Việt Nam, được thể hiện như ở Quyết định số 2123/QĐ-TTg, ngày 22/11/2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010 - 2015. Đối tượng áp dụng của Quyết định này là các cơ sở giáo dục có trẻ em (mẫu giáo 3 - 5 tuổi), học sinh, sinh viên thuộc 9 dân tộc rất ít người: Ơ Đu, Pu Péo, Si La, Rơ Măm, Cống, Brâu, Bố Y, Mảng, Cờ Lao trong phạm vi 6 tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Kon Tum.

Khuyến khích số hóa xuất bản phẩm bằng tiếng dân tộc

Không chỉ dừng lại ở việc số hóa chữ viết DTTS, Chính phủ cũng ưu tiên tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện; ưu tiên bố trí các nguồn lực hỗ trợ phát triển mạng lưới thư viện, không gian đọc, phòng đọc cơ sở, nhà sách, tủ sách… tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tăng cường phát triển văn hóa đọc cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ chức và hướng dẫn triển khai xây dựng các bộ tài liệu phù hợp với đặc điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số; khuyến khích, hỗ trợ sưu tầm, lưu trữ, số hóa các xuất bản phẩm bằng tiếng dân tộc; tăng cường luân chuyển tài nguyên thông tin và phục vụ thư viện lưu động đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO