Thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp tại Thanh Hóa

21/06/2021, 12:27

Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, chuyển đổi số (CĐS) đang là đòi hỏi cấp bách, sống còn và là “chìa khóa” để thúc đẩy các doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh và bứt tốc. Tại Thanh Hóa, CĐS là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức, đòi hỏi các các doanh nghiệp thay đổi mạnh mẽ để phù hợp với sự tiến bộ của công nghệ, khoa học - kỹ thuật nhằm đổi mới hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh và phục vụ quá trình điều hành sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Khách hàng có thể thanh toán bằng giao dịch điện tử, đọc mã QR tại các cây xăng của PVOIL trên toàn quốc.

Thời gian qua, cụm từ CĐS trong doanh nghiệp được nhắc đến nhiều, nhưng có nhiều quan điểm, cách nhìn nhận khác nhau. Theo các chuyên gia kinh tế, về cơ bản, CĐS trong doanh nghiệp là giải pháp tích hợp, áp dụng công nghệ số hóa để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, hiệu quả quản trị doanh nghiệp nhằm tăng năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp. Tại Thanh Hóa, những doanh nghiệp đi đầu trong thực hiện CĐS đã nhận thấy tính ưu việt, hiệu quả rõ rệt trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị mình.

PVOIL Easy - ứng dụng thanh toán mua bán xăng dầu không dùng tiền mặt, không dùng thẻ tín dụng được Công ty CP Xăng dầu Dầu khí Thanh Hóa ứng dụng công nghệ và đưa ra thị trường từ năm 2018. Đến nay, sau gần 3 năm triển khai, hệ thống PVOIL Easy đã được hoàn thiện, tích hợp thêm nhiều tiện ích, nhanh hơn, thuận tiện hơn cho khách hàng. Cùng với việc triển khai hóa đơn điện tử trên toàn quốc, PVOIL là doanh nghiệp tiên phong và đang dẫn đầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về công cụ thanh toán điện tử khi mua xăng dầu.

Anh Mai Trung Thành, Phó trưởng Phòng Kinh doanh, Công ty CP Xăng dầu Dầu khí Thanh Hóa cho biết: Chất lượng, số lượng hàng hóa, tiền hàng là 3 vấn đề quyết định sự sống còn bởi nó mang lại uy tín, thương hiệu của PVOIL. Xác định để quản lý được hiệu quả cả 3 thông số trên, PVOIL cần có giải pháp số hóa toàn bộ quy trình bán hàng, trở thành quy trình khép kín, số hóa 100%, quản lý bằng các phương tiện tự động, đảm bảo chất lượng, số lượng, đảm bảo việc mua bán trung thực nhất. Với việc nghiên cứu và áp dụng PVOIL Easy, ứng dụng công nghệ đọc mã QR trên thiết bị di động thông minh để hỗ trợ khách hàng thanh toán tiền mua xăng dầu không dùng tiền mặt, không dùng thẻ tín dụng. Khách hàng chỉ cần ký hợp đồng với một đơn vị kinh doanh của PVOIL, sau đó có thể mua xăng dầu tại bất kỳ cửa hàng xăng dầu nào của PVOIL và các đối tác liên kết với PVOIL trong toàn quốc và chỉ phải thanh toán vào cuối kỳ cho đơn vị kinh doanh đã ký hợp đồng. Với giải pháp này, khách hàng được cung cấp công cụ quản lý thông minh, hiện đại cài đặt trên thiết bị di động, kiểm soát giao dịch mọi lúc, mọi nơi; có thể quản lý thời gian, địa điểm, lượng hàng, phương tiện mua hàng, hạn mức giao dịch... Do đó, cũng không mất thời gian và công sức trong việc quản lý, kiểm soát, đối chiếu giao dịch... Cùng với phương thức thanh toán trả sau của hệ thống PVOIL Easy được triển khai hướng đến các khách hàng doanh nghiệp, PVOIL tiếp tục tăng cường tính năng cho PVOIL Easy bằng việc tích hợp đa dạng các phương thức thanh toán, đem lại sự thuận tiện hơn nữa cho khách hàng, đặc biệt là hướng đến các khách hàng cá nhân trong bối cảnh phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng trở nên phổ biến và là xu hướng tất yếu của nền kinh tế. PVOIL đã mở rộng hợp tác với các ngân hàng, các doanh nghiệp viễn thông, các nền tảng thanh toán điện tử (ví điện tử)... Điều này không chỉ đem lại sự tiện lợi hơn nữa cho những khách hàng hiện hữu mà còn mở ra cơ hội cho PVOIL phát triển thêm một lượng khách hàng lớn trong tương lai.

Từ kinh nghiệm CĐS trong nội bộ doanh nghiệp và hỗ trợ nhiều đơn vị, doanh nghiệp thực hiện CĐS, ông Nguyễn Xuân Vĩnh, Phó Giám đốc VNPT Thanh Hóa chia sẻ: Từ năm 2017, VNPT bắt đầu thực hiện chiến lược VNPT 4.0 chuyển đổi từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ số. Trong 5 năm vừa qua tại địa bàn Thanh Hóa, VNPT đã có nhiều các hoạt động khẳng định vai trò dẫn dắt trong CĐS ở hầu hết các lĩnh vực như: chính quyền điện tử, y tế, giáo dục, doanh nghiệp... Với vai trò là nhà cung cấp dịch vụ, giải pháp hàng đầu về viễn thông - công nghệ thông tin, hiện nay, VNPT đã và đang xây dựng bộ giải pháp số cho doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu CĐS của khối doanh nghiệp theo các giai đoạn số hóa, ứng dụng công nghệ số và CĐS theo các chuyên ngành, lĩnh vực khác nhau như: nông nghiệp, du lịch thương mại, nhà hàng, khách sạn, vận tải, tài chính, ngân hàng... Các giải pháp với độ tùy biến cao, cho phép “may đo” cho từng doanh nghiệp. VNPT đã phát triển hệ sinh thái các giải pháp để có thể giúp số hóa hoàn toàn một doanh nghiệp. Đó là: Hệ thống xác thực và định danh điện tử eKYC; Hệ thống quản lý kho hàng (VNPT Inventory); Hệ thống kế toán doanh nghiệp (VNPT ASME); Hệ thống quản trị nguồn nhân lực (VNPT HRM); Hệ thống quản lý kênh phân phối (VNPT DMS); Chữ ký số, Hóa đơn điện tử... Các hệ thống này có thể linh hoạt triển khai theo nhu cầu của từng doanh nghiệp, từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) cho đến các tập đoàn, tổng công ty lớn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Vĩnh cũng chia sẻ thêm: Các doanh nghiệp khi bắt tay vào số hóa không nhất thiết triển khai đồng loạt trên cả hệ thống, mà có thể chọn một vài khâu mạnh nhất, cần thiết nhất trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để tiếp cận. Mỗi quy trình sẽ thực hiện giải pháp độc lập khác nhau. Hiện nay, các đơn vị lĩnh vực công nghệ họ sẵn sàng cung cấp các giải pháp độc lập và đơn lẻ, giúp cho doanh nghiệp CĐS linh hoạt theo từng bước với chi phí thấp.

Thanh Hóa hiện có trên 17.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó chủ yếu là các doanh SME. Tuy nhiên, theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện vẫn còn hơn 70% doanh nghiệp SME phản ứng thụ động với những thay đổi của thị trường. Gần 80% máy móc là nhập khẩu công nghệ cũ từ thập niên 1980 - 1990. Phần lớn doanh nghiệp SME tại Việt Nam nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng vẫn thụ động, ngại thay đổi, thiếu kỹ năng và nhân lực, thiếu nền tảng công nghệ thông tin, thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa doanh nghiệp đều là những rào cản khiến nhiều doanh nghiệp loay hoay không biết phải làm thế nào và bắt đầu từ đâu để CĐS.

Để giải đáp những băn khoăn trăn trở của hội viên trong Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, thời gian qua, ngoài việc tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn để doanh nghiệp hiểu sâu hơn về lợi ích, quy trình, cách thức CĐS, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cũng bám sát Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Đề án “CĐS tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”... phối hợp với các Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông... tổ chức các hội thảo, tư vấn để doanh nghiệp tiếp cận với các cơ chế, chính sách cũng như các giải pháp công nghệ CĐS.

Ông Đới Sỹ Nam, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chia sẻ: Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã kết nối với các đơn vị, tập đoàn lớn về cung cấp các giải pháp số như Tập đoàn Misa, VNPT Thanh Hóa, Mobifone Thanh Hóa... tư vấn, cung cấp các gói giải pháp và lựa chọn, giới thiệu 50 doanh nghiệp đã sẵn sàng CĐS để hỗ trợ các doanh nghiệp chạy thử các giải pháp CĐS trong vòng từ 6 tháng đến 1 năm nhằm tạo ra phong trào CĐS lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho các chủ doanh nghiệp, CĐS trong doanh nghiệp là một quá trình, tùy từng giai đoạn mà doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược, giải pháp cụ thể phù hợp thực tế để CĐS hiệu quả và thành công nhất.

Ngoài ra, hiện nay, Chính phủ, tỉnh đang khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy doanh nghiệp CĐS, nhất là đối với các ngành và lĩnh vực trọng điểm như: nông nghiệp, y tế, logistics, tài chính - ngân hàng, sản xuất công nghiệp và đặc biệt với nhóm doanh nghiệp SME.

CĐS, phát triển nền kinh tế số là xu thế tất yếu của thời cuộc, là cơ hội cho các doanh nghiệp bứt phá, thiết lập mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực. Tuy nhiên, CĐS cũng là thách thức lớn khi nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp SME chưa nhận thức đúng vai trò của CĐS, phát triển nền kinh tế số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, việc xây dựng chính sách khuyến khích CĐS và phát triển nền kinh tế số trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết, phù hợp với xu thế và tình hình chung, nhất là trong bối cảnh cơn “bão” COVID-19 vẫn đang hoành hành.

Bài và ảnh: Linh Hương

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO