Công nghệ đã thay đổi cách xử lý thông tin báo chí như thế nào?

21/06/2021, 12:24

Cuộc cách mạng về Internet, mobile, mạng xã hội và công nghệ trong ngành truyền thông đang tác động mạnh mẽ đội ngũ những người làm báo, giúp họ làm việc nhanh hơn, loại bỏ các công việc truyền thống và thay đổi cấu trúc các công việc còn lại...

Công nghệ thông tin phát triển cho phép các nhà báo làm việc nhanh hơn, loại bỏ các công việc truyền thống và thay đổi cấu trúc các công việc còn lại, đặc biệt là trên các trang báo hàng ngày. Những kỹ năng thu thập thông tin và viết bài của nhà báo cũng cần thay đổi theo sự phát triển của công nghệ, số lượng và chất lượng nguồn thông tin, phân tán thông tin.

NGHỀ BÁO TRƯỚC THÁCH THỨC CHUYỂN ĐỔI SỐ

Nhà báo Trần Nhật Bình, chuyên viết về công nghệ của Tạp chí Thông tin và Truyền thông, chia sẻ: chuyển đổi số mang lại nhiều cơ hội cho người làm báo. Báo chí là một trong những ngành nghề áp dụng chuyển đổi số sớm nhất, đơn cử như từ báo giấy sang báo mạng đã có cách đây từ 20 năm trước. Và liên tục trong nhiều năm qua, ở góc độ nào đó, báo chí luôn chuyển đổi số cũng như luôn cập nhật nhiều công nghệ mới. 

Công nghệ đã thay đổi cách xử lý thông tin báo chí như thế nào? - Ảnh 1

Lấy ví dụ dẫn chứng, ông Bình nêu: “Chuyển đổi số đã giúp cho nhà báo tác nghiệp dễ dàng và đơn giản hơn thế hệ đi trước. Trong đại dịch Covid-19, người làm báo có thể làm việc tại nhà, điều mà các thế hệ đi trước không thể thực hiện được nếu không đến toà soạn”.

Nhà báo Ngô Hồng Nhung, Thư ký tòa soạn Tạp chí Điện tử Tiêu dùng, chia sẻ: khoảng 80% các nhà báo hiện nay thu thập thông tin từ mạng Internet và những sản phẩm của họ cũng chủ yếu được xuất bản trên các trang báo online. Yêu cầu của một nhà báo hiện nay không chỉ là đi săn tin, viết bài mà còn phải biết am hiểu về “thế giới ảo” và sự ứng dụng của công nghệ mới trong nghề báo. Điều này rất hiếm gặp trong thập kỷ trước, khi mà công nghệ thông tin còn chưa phát triển.

Ngoài ra, chuyển đổi số cũng đưa đến thách thức cho đội ngũ những người làm báo. Giờ đây, những người làm báo không chỉ cần phải tinh thông về nghiệp vụ mà còn phải am hiểu về công nghệ, sử dụng thành thạo các thiết bị và cập nhật liên tục những tiến bộ công nghệ liên quan đến báo chí, đến toà soạn báo, đến tác nghiệp báo chí. Đặc biệt, an ninh mạng hay an toàn thông tin cũng là một thách thức đối với các toà soạn báo khi tiến hành chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.

Áp dụng và sống chung với công nghệ mới, giải pháp mới, ứng dụng mới... là đòi hỏi tất yếu của ngành báo chí. Không có con đường nào khác là phải tham gia vào tiến trình chuyển đổi số. Các toà soạn giờ đây không chỉ cạnh tranh với nhau bằng nội dung tin bài, mà toà soạn nào chuyển đổi số nhanh hơn, thực chất hơn, thông minh hơn sẽ giúp cho tờ báo phát triển tốt hơn. Phải thừa nhận rằng chuyển đổi số là một trong những điều kiện sống còn của báo chí ngày nay.

“Công nghệ, chuyển đổi số, giải pháp chuyển đổi số và việc ứng dụng công nghệ, giải pháp công nghệ vẫn còn là những khó khăn của nhiều cơ quan báo chí. Bởi không phải bao giờ áp dụng những tiến bộ, cái mới đều dễ dàng. An ninh mạng, bảo mật thông tin cũng là những khó khăn đối với báo chí”, ông Bình nói.

BÁO CHÍ VÀ MẠNG XÃ HỘI

Phải thừa nhận rằng sự hợp tác của báo chí và mạng xã hội góp phần giúp cơ quan báo chí tiếp cận được nhiều nguồn thông tin, trào lưu tiếp nhận thông tin của độc giả, tạo ra cú nhảy vọt, làm thay đổi hoàn toàn cách thức truyền tải thông tin, tương tác với bạn đọc. 

Tuy nhiên đa số nhà báo cho rằng, mạng xã hội cũng tạo ra nhiều nguy cơ nếu không tỉnh táo, báo chí có thể đánh mất mình để trở thành công cụ sản xuất nội dung cho các nền tảng mạng xã hội khi mà người đọc tìm đến nguồn tin chính trên mạng xã hội, không cần quan tâm nguồn tin đó từ đâu, ai là người viết. Nguy hại hơn, mạng xã hội cũng tạo ra những “phóng viên ngồi văn phòng” chuyên tiếp nhận nguồn tin chưa qua kiểm chứng để xử lý thành sản phẩm báo chí...

Ông Bình cho rằng các cơ quan báo chí cần có những sự thay đổi nhanh nhạy, nắm bắt xu thế để tận dụng những lợi thế do mạng xã hội mang lại. Báo chí hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm hay trải nghiệm của các mạng xã hội thành công để áp dụng phần nào đó vào các toà soạn trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 này.

Hơn nữa, sự phát triển của mạng xã hội đã mở ra xu hướng “toàn dân” tham gia vào làm báo hay những blogger/KOL (viết tắt Key Opinion Leader, tức người dẫn dắt tư tưởng dư luận) nổi tiếng có lượng độc giả riêng, lượng người hâm mộ rất lớn...

Song song đó, những luồng thông tin đa cực dẫn đến niềm tin của xã hội vào các báo có phần bị giảm sút. Vì vậy, nhà báo có thách thức vừa đảm bảo tốc độ thông tin nhanh nhất, vừa có độ trung thực cao nhất. Muốn vậy nhà báo cần đào tạo để nâng cao đạo đức nghề nghiệp có khả năng ứng dụng các công nghệ mới nhất trong truyền thông.

Bà Nhung cho rằng phải xác định rõ ràng báo chí hoạt động dựa trên nền tảng của đạo đức và luật pháp yêu cầu người làm báo phải chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội, khai thác lợi thế từ mạng xã hội để phục vụ công việc.

“Bản quyền là một vấn đề lớn của tất cả những gì thuộc về sáng tạo, báo chí là một phần trong số đó. Ở Việt Nam, bản quyền báo chí có lẽ là một trong những vấn đề nhức nhối nhất!”, bà Nhung nói.

ÁP LỰC CẠNH TRANH 

Có nhiều cơ hội việc làm mới cho ngành báo nhưng cũng không ít các nghề mất đi. Những công việc trong ngành truyền thông in ấn đang giảm rõ rệt. Lượng truy cập báo online tăng lên, lượng mua báo giấy giảm xuống khiến nhu cầu in ấn cũng sụt giảm. 

Những người làm việc ở nhà máy in mất đi công việc của mình. Bên cạnh đó, sự tham gia của mạng xã hội với trò thông tin cũng đang cạnh tranh mạnh mẽ với báo online. Đặc biệt, thị phần về quảng cáo của báo online suy giảm nghiêm trọng nhường chỗ cho tăng trưởng quảng cáo từ các mạng xã hội.

Thời gian qua, báo chí cũng phản ánh việc thu phí nội dung hay yêu cầu các mạng xã hội lớn chia sẻ phí bản quyền đều là các hình thức đáng quan tâm và đã được một số nước hay một vài cơ quan báo chí trong và ngoài nước triển khai. Tuy nhiên, để thực hiện những việc này, theo ông Bình, là không hề đơn giản.

Ông Bình lấy dẫn chứng: mạng xã hội mà chủ yếu là Facebook và Youtube cũng làm cho báo chí khó khăn hơn về mặt doanh thu. Nhưng suy cho cùng, mạng xã hội cũng thu hút được người dùng hay các doanh nghiệp quảng cáo. Cơ bản vì nội dung và do họ ứng dụng các công nghệ tốt, tận dụng tối đa các đổi mới và đổi mới công nghệ liên tục.

Do đó, báo chí muốn tồn tại và phát triển vẫn phải quan tâm đến chất lượng tin bài, và chuyển đổi số nhanh hơn. Dựa vào các nền tảng mạng xã hội lớn, phổ biến để xây dựng các nội dung trên đó và cùng họ chia sẻ doanh thu quảng cáo cũng là cách mà báo chí nên chú trọng nhiều hơn.

Đối với các nhà báo, họ cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Giờ đây, nhà báo được yêu cầu nộp các câu chuyện, báo cáo chủ đề, đề tài thực hiện hoặc chuẩn bị các kịch bản cho một số định dạng như dạng video, hình ảnh, dạng chữ, dạng file gif, biểu đồ, dạng thông tin tóm tắt bằng hình ảnh infographic cho nhiều nền tảng, định dạng khác nhau.

Những nhà báo trong lĩnh vực phát thanh truyền hình cũng đang có bước chuyển mình tương tự, với sự phát triển công nghệ, một số nghề sẽ vĩnh viễn mất đi và được thay bởi người máy, trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (Machine Learning), Deep Learning...

Chính những công nghệ này sẽ giúp họ tiếp cận, xử lý và kiểm chứng thông tin nhanh chóng hơn. Thậm chí, khán thính giả sẽ có thể nghe hoặc xem một cô phát thanh viên, người dẫn chương trình bằng robot vừa nhiều thông tin, vừa dí dỏm và tương tác thông minh đầy bất ngờ.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO