Thủ tướng: 'Việc học trực tuyến không thể kéo dài'

13/11/2021, 09:32

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT cùng Bộ Y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch với phương án từng bước mở cửa trường học trong năm 2021.

This browser does not support the video element.

Dành hơn 30 phút trong phiên chất vấn sáng 12/11 để báo cáo, giải trình rõ những nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập đến nhiều nội dung, kế hoạch liên quan tới tình hình dịch Covid-19.

Theo người đứng đầu Chính phủ, đại dịch tạo ra áp lực nhưng cũng là động lực để các cấp, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp tiếp tục đổi mới tư duy và hành động để thích ứng với tình hình mới.

Có phương án mở cửa trường học trong năm 2021

Đề cập đến vấn đề dạy và học trong bối cảnh dịch bệnh, người đứng đầu Chính phủ nhận định đại dịch kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực giáo dục.

Theo ông, việc dạy và học trực tuyến toàn phần chỉ là giải pháp tình thế trong điều kiện chưa tiêm phủ vaccine cho học sinh và điều kiện phòng, chống dịch chưa đáp ứng yêu cầu.

Đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội về việc học trực tuyến không thể kéo dài, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch với lộ trình và phương án cụ thể để từng bước mở cửa lại trường học trong năm 2021.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị có kế hoạch, phương án từng bước mở cửa lại trường học trong năm 2021. Ảnh: Hồng Phong.

Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, đẩy nhanh tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em; chuẩn bị tốt các điều kiện phòng, chống dịch tại trường học; tổ chức dạy học linh hoạt, bằng nhiều phương thức phù hợp với tình hình dịch bệnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong giáo dục.

Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và học, kiểm tra, đánh giá phù hợp; rà soát tinh giản nội dung chương trình học.

Vấn đề học trực tuyến được nhiều đại biểu đề cập trong cả phiên chất vấn dành cho Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.

Thực trạng “người lớn đã đi làm nhưng trẻ vẫn phải học trực tuyến” được Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy nêu lên kèm câu hỏi: "Đây có phải sự thận trọng quá mức mà không tính đến thiệt thòi của học sinh và khó khăn của các gia đình có trẻ nhỏ học ở nhà?".

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, các địa phương không nên vì lo lắng quá mà hạn chế việc trẻ em đi học, nhất là các lớp đầu cấp như lớp 1, bậc tiểu học.

Đặc biệt, ông đề nghị các địa phương không nên chờ vaccine mới mở cửa trường học vì hiện nay mới chỉ có vaccine tiêm cho trẻ từ 12 tuổi trở lên, còn rủi ro về nguy cơ dịch đối với lứa tuổi 6-11 không lớn.

Theo ông Long, Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT khuyến cáo các địa phương mạnh dạn cho trẻ em đi học, nhất là ở những vùng, xã, huyện, tỉnh được xác định dịch ở cấp độ 1, 2.

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết ngành đã lên kế hoạch, thúc đẩy học sinh đến trường an toàn. "Xã, phường nào đang là vùng xanh, vùng an toàn thì nên cho các cháu đến trường", ông nói và cho rằng học sinh đến trường sẽ có các biện pháp an toàn phòng chống dịch.

"Dĩ bất biến, ứng vạn biến" trong chống dịch

Báo cáo về định hướng chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng khẳng định chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch nêu trong Nghị quyết 128 của Chính phủ là phù hợp, kịp thời.

Theo ông, chúng ta đã đẩy mạnh nhập khẩu và thực hiện chiến dịch tiêm vaccine phòng dịch lớn nhất từ trước tới nay trên toàn quốc.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy tính đến 11/11, Việt Nam nhập khẩu được 135 triệu liều vaccine, tiêm được 96 triệu liều, tỷ lệ trung bình người trên 18 tuổi tiêm ít nhất một mũi đạt trên 86%, tiêm 2 mũi đạt khoảng 45%.

Dự kiến trong tháng 11 và tháng 12 năm nay, Việt Nam tiếp tục nhập khẩu khoảng 85,1 triệu liều vaccine, trong đó có vaccine cho trẻ em.

Phiên chất vấn, trả lời chất vấn dành cho Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Hồng Phong.

Cùng với việc có lộ trình từng bước tiêm vaccine cho trẻ em, Thủ tướng lưu ý tích cực chuyển giao công nghệ nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước; đồng thời, tích cực thiết lập hệ thống trạm y tế lưu động, bệnh viện hồi sức, chăm sóc, điều trị; số ca tử vong tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp.

Tuy còn nhiều ổ dịch xuất hiện, người đứng đầu Chính phủ nhận định trạng thái bình thường mới dần được thiết lập ở tất cả địa phương trên cả nước, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển KTXH, thực hiện kiểm soát rủi ro.

Theo dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đại dịch Covid-19 có thể còn tiếp tục kéo dài trên toàn cầu với khả năng xuất hiện các biến chủng mới.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý trong công tác phòng, chống dịch bệnh và phục hồi, phát triển KTXH, cần vận dụng phương châm và triết lý “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

“Điều bất biến là đặt mục tiêu cao nhất là bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân; ứng vạn biến là trong điều kiện diễn biến của dịch bệnh có phương pháp và cách tổ chức phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển KTXH phù hợp, hiệu quả”, Thủ tướng giải thích.

Cùng với việc khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu chuyển đổi tư duy, phương pháp từ quản lý không Covid-19 (Zero Covid) sang quản lý rủi ro, giảm thiểu tử vong; thực hiện tốt quy định thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch.

Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung bố trí nguồn lực và có kế hoạch cụ thể để nâng cao năng lực hệ thống y tế; tiếp tục thực hiện hiệu quả Chiến lược vaccine để tiêm sớm nhất cho người dân.

“Phấn đấu đến hết năm 2021 tiêm 2 mũi đạt tỷ lệ bao phủ 100% cho các đối tượng cần thiết theo quy định”, Thủ tướng nêu yêu cầu.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO