Giám đốc Công an TP.Hà Nội Nguyễn Hải Trung phát biểu tại phiên họp ảnh chụp màn hình |
Theo ông Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội, đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội, đây không chỉ là ý kiến cá nhân ông mà còn của nhiều đại biểu Quốc hội khác và việc xây dựng app tiện ích này đang được Bộ Công an thực hiện.
Theo ông Trung, dấu ấn rất nổi bật của ngành công an năm 2021 là đã hoàn thành và đưa vào hoạt động hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chỉ trong thời gian ngắn đã hoàn thành chiến dịch cấp 50 triệu thẻ căn cước có gắn chip điện tử cho công dân. Đây là 2 dự án lớn về công nghệ thông tin có phạm vi toàn quốc, triển khai trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng với sự chỉ đạo rất quyết liệt và tinh thần triển khai thần tốc và sự cống hiến tận tụy của lực lượng công an nhân dân, 2 hệ thống này đã hoạt động đúng tiến độ chỉ sau hơn một năm thực hiện.
“Tôi được biết, từ việc hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Chính phủ đã chỉ đạo bộ đang triển khai, gắn mã số định danh cá nhân cho 100% công dân toàn quốc. Đối với người được cấp thẻ căn cước công dân thì mã số định danh cá nhân chính là số thẻ căn cước công dân đối với người chưa được cấp thẻ đã có thông báo bằng văn bản đến cho công dân có kèm mã QR. Đồng thời với đó, hơn 50 triệu công dân đã được cấp thẻ căn cước có gắn chíp điện tử với độ bảo mật cao, có thể tích hợp nhiều thông tin, mở ra nhiều cơ hội để phát triển các tiện ích phục vụ cho người dân và doanh nghiệp trong hoạt động kinh tế - xã hội”, ông Nguyễn Hải Trung nói và cho biết việc phát triển các ứng dụng trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã phát huy nhiều hiệu quả.
Cụ thể, trong phòng, chống dịch Covid-19 tại Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh phía Nam vừa qua cho thấy, từ dữ liệu gốc có độ chính xác và bảo mật cao, các ngành đã kết nối dữ liệu tiêm chủng để phát triển và thống nhất các ứng dụng phần mềm phòng, chống dịch, khắc phục tình trạng loạn các phần mềm chống dịch với nhiều lỗ hổng về bảo mật.
"Là chủ trương rất đúng đắn"
Người đứng đầu Công an TP.Hà Nội cũng cho rằng Nghị quyết 128 của Chính phủ đã xác định kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu về tiêm chủng, xét nghiệm quản lý người nhiễm Covid-19 khỏi bệnh để triển khai thống nhất với việc ứng dụng mã QR trên thẻ căn cước công dân hoặc hình thức phù hợp đối với những người chưa có thẻ căn cước công dân gắn chip, phục vụ việc quản lý đi lại của người dân “là chủ trương rất đúng đắn, cần được các ngành khẩn trương triển khai để mang lại hiệu quả trên thực tế”.
Ngoài ra, tiềm năng khai thác ứng dụng của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân còn rất lớn, nhất là phục vụ việc phát triển Chính phủ điện tử, cải cách hành chính, thực hiện chuyển đổi số tại Việt Nam.
“Tôi được biết vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định quy định về định danh và xác thực điện tử. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia và dân cư để xác định xác thực danh tính công dân Việt Nam, xác thực danh tính công dân hoạt động qua không gian mạng, góp phần ngăn chặn các vi phạm rất phức tạp hiện nay”, ông Trung nói.
Giám đốc Công an TP.Hà Nội cũng cho biết Bộ Công an đang phối hợp với Bộ Tài chính thống nhất đưa quản lý thuế và mã số thuế cá nhân gắn với dữ liệu quốc gia về dân cư; thống nhất với Bảo hiểm xã hội về dữ liệu bảo hiểm trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…