Đã có 41 tỉnh thành phố triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh

11/11/2021, 10:55

Việc phát triển đô thị thông minh được Việt Nam xác định là một hướng đi đúng đắn cho các đô thị...

Phát biểu tại Hội thảo “Phát triển đô thị thông minh trong quá trình đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” diễn ra ngày 10/11/2021, ông Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết: Dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho các nước phải nhìn nhận lại nhiều vấn đề trong quá trình tồn tại và phát triển, trong đó có việc xem xét lại những mô hình phát triển đô thị nói chung và phát triển đô thị thông minh nói riêng.

Đây là một trong chuỗi 10 Hội thảo chuyên đề thuộc khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 lần thứ ba- Industry Summit 4.0 với chủ đề “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên số” do Ban Kinh tế Trung ương cùng một số bộ, ngành tổ chức.

XU THẾ TẤT YẾU VÀ LÀ HƯỚNG ĐI ĐÚNG ĐẮN CHO CÁC ĐÔ THỊ

Thông tin về hiện trạng phát triển đô thị ở Việt Nam hiện nay, ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết Việt Nam hiện có 870 đô thị với 2 đô thị đặc biệt, 22 đô thị loại I và 32 đô thị loại III… Đô thị hóa ở Việt Nam chỉ chiếm 40% dân số và hơn 7,4% diện tích đất tự nhiên. Tuy nhiên, khu vực đô thị đóng góp tới hơn 70% GDP và tốc độ tăng trưởng kinh tế bằng 1,2- 1,5 bình quân cả nước.

So sánh trong khu vực, tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam hiện nay (40%) vẫn còn khá thấp, chỉ đứng thứ 7 khu vực ASEAN. Ở một số nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, tỷ lệ này lên đến 60-70%. Trong khi đó, tốc độ phát triển đô thị quá nhanh trong 20-30 năm qua, hạ tầng chưa theo kịp đã gây những bất cập hệ lụy như: tắc nghẽn giao thông, ngập lụt, ô nhiễm môi trường, xử lý rác, nước thải, thiếu nhà ở…

Đến nay, trên cả nước đã có 41/63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh, trong đó có đề án, kế hoạch được ban hành cho toàn tỉnh và đề án, kế hoạch ban hành cho một đô thị thuộc tỉnh...

Theo các chuyên gia, với những thách thức phát triển hiện nay, thành phố thông minh đang trở thành một xu hướng phát triển đô thị nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia và các đô thị như một cách thức hội nhập quốc tế, bắt kịp với kỷ nguyên 4.0 và được kỳ vọng có thể giúp các đô thị chống lại các vấn đề về phát triển đô thị ngày nay như là tăng trưởng dân số nhanh, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông…

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong cho rằng, trong xu thế đô thị hóa và phát triển đô thị thông minh ngày càng gia tăng, việc phát triển đô thị thông minh được Việt Nam xác định là một hướng đi đúng đắn cho các đô thị.

“Định hướng phát triển đô thị thông minh là một trong những nội dung quan trọng được Bộ Chính trị chính thức đưa vào Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Văn kiện Đại hội Đảng XIII về đường lối phát triển đất nước trong giai đoạn tới cũng đặt mục tiêu hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam, miền Trung, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và trên thế giới”, ông Phong nhấn mạnh.

Phát triển đô thị thông minh đã nhận được sự quan tâm lớn của Chính phủ. Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018- 2025 và định hướng đến năm 2030.

Đến nay, trên cả nước đã có 41/63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh, trong đó có đề án, kế hoạch được ban hành cho toàn tỉnh và đề án, kế hoạch ban hành cho một đô thị thuộc tỉnh.

TIÊU CHUẨN, QUY CHUẨN XÂY DỰNG ĐÔ THỊ THÔNG MINH

Trong phát triển đô thị thông minh, Việt Nam có những thuận lợi về hạ tầng kỹ thuật số phát triển nhanh. Việt Nam cũng đã có chủ trương xuyên suốt, có Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững với lộ trình cụ thể. Một số địa phương, khu vực đã bước đầu thí điểm áp dụng các giải pháp phát triển đô thị thông minh và từng bước nhân rộng như: Bình Dương, Phú Quốc, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế…

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra nhiều vấn đề tồn tại về nhận thức, khái niệm và nội hàm về đô thị thông minh còn chưa rõ, còn lúng túng chưa biết bắt đầu từ đâu và triển khai như thế nào còn. Bên cạnh đó, một trong những yêu cầu rất quan trọng khi áp dụng công nghệ số cho đô thị là phải số hóa các cơ sở dữ liệu nhưng hiện nay mức độ số hóa ở các đô thị chưa được nhiều. Ngoài ra, vẫn còn nhiều đô thị dưới chuẩn nên cho dù có đưa công nghệ số vào cũng khó có thể phát triển mạnh…

Đô thị thông minh ở Việt Nam phải làm rõ và lượng hóa được tiêu chí, mức chuẩn phải đạt, mức độ áp dụng công nghệ số, dữ liệu lớn và việc liên kết thông tin… Việt Nam cũng không thể kỳ vọng đồng loạt áp dụng thông minh cho tất cả các đô thị...

Chỉ rõ những khó khăn trong triển khai đô thị thông minh tại Việt Nam, ông Phong cho rằng, nhận thức về đô thị thông minh từ nhu cầu của nhà quản lý (lãnh đạo ở địa phương), nhu cầu cung cấp sản phẩm của cộng đồng doanh nghiệp và chủ đầu tư hay từ nhu cầu thụ hưởng các dịch vụ của người dân chưa được nâng cao.

Bên cạnh đó, tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch đô thị thông minh và hạ tầng kỹ thuật, công trình kiến trúc thông minh chưa được ban hành đầy đủ và đồng bộ. Ngoài ra, sự tham gia của cộng đồng, các thành phần kinh tế trong xây dựng đô thị thông minh còn hạn chế. Việc triển khai đô thị thông minh còn riêng lẻ, manh mún. Các đô thị thông minh chưa mang tính đặc thù cho mỗi đô thị; đặc biệt, nguồn lực cho phát triển đô thị thông minh còn hạn chế…

Ở Việt Nam trước đây không có khái niệm đô thị thông minh nhưng có những quy chuẩn, tiêu chí cho đô thị. Các đô thị trước hết phải đạt được các chuẩn, còn thông minh là việc áp dụng công nghệ số để làm tốt hơn, tối ưu, chuẩn hóa hơn và làm nhanh hơn quá trình phát triển đô thị….

Do đó, ông Hùng cho rằng, đô thị thông minh ở Việt Nam phải làm rõ và lượng hóa được tiêu chí, mức chuẩn phải đạt, mức độ áp dụng công nghệ số, dữ liệu lớn và việc liên kết thông tin… Việt Nam cũng không thể kỳ vọng đồng loạt áp dụng thông minh cho tất cả các đô thị mà có chiến lược áp dụng cho khu vực đô thị trước, sau đó cho một số đô thị và tiếp tục mở rộng.

Để triển khai Quyết định 950 của Chính phủ, theo Bộ Xây dựng, nhiệm vụ trong thời gian tới phải xây dựng các tiêu chí cho đô thị thông minh phù hợp với điều kiện Việt Nam; xây dựng nền tảng pháp lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn cho đô thị thông minh. Đồng thời phải xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông (số hóa) về đất đai, quy hoạch, giao thông, dân cư và các dữ liệu không gian đô thị khác..

Về lộ trình thực hiện, ông Hùng thông tin, dự kiến đến năm 2025 Việt Nam sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý, có các tiêu chuẩn, quy chuẩn để triển khai phát triển đô thị thông minh; thí điểm xây dựng các khu vực đô thị thông minh. Dự kiến đến năm 2030 sẽ có khoảng 30% sẽ áp dụng các tiêu chí cơ bản về đô thị thông minh và tầm nhìn kỳ vọng đến năm 2045, đa số đô thị loại 2 trở lên đạt được tiêu chí cơ bản đô thị thông minh.

Đại diện Bộ Xây dựng cũng cho biết đã giao Viện quy hoạch đô thị và nông thôn nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để đưa ra các tiêu chí, quy chuẩn đô thị thông minh phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Ra mắt Câu lạc bộ Liên minh hợp tác công- tư phát triển đô thị thông minh

Câu lạc bộ được thành lập nhằm kết nối cộng đồng các tập đoàn, doanh nghiệp với các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo chính quyền trung ương và địa phương, các nhà phát triển và quy hoạch đô thị, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trên thế giới… trao đổi kinh nghiệm, sáng kiến và nguồn lực giữa hai khối công- tư; khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân đối với sự hình thành và phát triển của các đô thị thông minh. Câu lạc bộ được bảo trợ bởi Ban kinh tế Trung ương, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO