Nột số bàn luận về vấn đề vi phạm bản quyền trong hoạt động báo chí ở Việt Nam

TS. Nguyễn Minh Hải | 09/06/2023, 11:28

TS. Nguyễn Minh Hải

MỘT SỐ BÀN LUẬN VỀ VẤN ĐỀ VI PHẠM BẢN QUYỀN TRONG HOẠT ĐỘNG BÁO CHÍ Ở VIỆT NAM

TS. Nguyễn Minh Hải

Trường Cao đẳng Truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam

Tình trạng vi phạm bản quyền trong hoạt động báo chí ở Việt Nam đã và đang diễn ra khá nhức nhối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu, nguồn thu của các cơ quan báo chí, sự tâm huyết trong sáng tạo của các tác giả và cả vấn đề an ninh mạng trong bối cảnh truyền thông số. Luật Báo chí 2016 là một bước tiến mới trong việc tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động báo chí, trong đó có những quy định về vấn đề bản quyền, như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm báo chí, quyền tác giả, quyền sử dụng tác phẩm... Tuy nhiên, hệ thống các quy định pháp luật về bản quyền vẫn chưa đầy đủ, nhất là trong bối cảnh kỷ nguyên số như hiện nay nên gây khá nhiều khó khăn, trở ngại đối với hoạt động báo chí. Bài viết này bàn luận về thực trạng việc vi phạm bản quyền trong hoạt động báo chí thời gian qua, chỉ ra nguyên nhân, trên cơ sở đó gợi mở, đề xuất một số nội dung nhằm kiểm soát vấn đề vi phạm bản quyền trong hoạt động báo chí trong bối cảnh mới.

1. Tình hình vi phạm bản quyền báo chí ở Việt Nam

Bản quyền là quyền tác giả hay nhà xuất bản về một tác phẩm được luật pháp qui định[1]. Trong thời gian qua, tình trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí, truyền thông ở Việt Nam đã và đang diễn ra khá phổ biến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều khía cạnh của hoạt động báo chí trong bối cảnh truyền thông số. Phát biểu tại Hội thảo “Kết nối mạng lưới quản lý đa kênh” ngày 27/5/2023 tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, Việt Nam đứng đầu thế giới về lạm dụng không gian mạng để gian lận, vi phạm bản quyền, “cứ 100 đồng tiền kiếm được từ hành vi gian lận trên YouTube, có 55 đồng của người dùng Việt Nam. Chúng ta đang đứng đầu danh sách vi phạm bản quyền”[2]. Trước đó, vào tháng 11/2020, tại Diễn đàn“Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí” do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, tiến sĩ Trịnh Tuấn Thành, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: sự sao chép, đánh cắp bản quyền tác giả xuất hiện ngày càng nhiều hơn, tinh vi hơn, không chỉ đối với mạng xã hội mà còn phổ biến ở các cơ quan báo chí hiện nay[3]. Còn theo ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Tp.HCM, cho đến 2020, Báo Tuổi trẻ đã bị lấy nguyên văn hơn 16.000 tác phẩm báo chí. Không chỉ báo Tuổi trẻ, nhiều báo khác cũng phải đối mặt với tình trạng nay như Báo Thanh niên (gần 10.000 lần), VnExpress (gần 9.000 lần)[4]. Theo đơn vị Kiểm tra của Đài Truyền hình Việt Nam, từ tháng 9/2021 đến tháng 11/2022, Đài đã xử lý 141.712 trường hợp vi phạm bản quyền trên Internet, tập trung vào các trang mạng xã hội như YouTube, Facebook, Tiktok,v.v... .

Nhìn chung, việc vi phạm bản quyền trong hoạt động báo chí, truyền thông ở Việt Nam thể hiện qua các hành vi sau:

Một là, sao chép nội dung, sử dụng hình ảnh, âm thanh,... mà không xin phép. Hành vi vi phạm bản quyền này diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là với các tác phẩm, sản phẩm báo chí trên các nền tảng mạng Internet. Có nhiều tác phẩm báo chí chính thống ngay khi vừa xuất bản có thể bị sao chép một phần văn bản, hoặc các chi tiết, số liệu, hình ảnh, âm thanh, thậm chí là toàn bộ tác phẩm mà không có sự cho phép của người sở hữu bản quyền, hoặc không hề trích dẫn nguồn góc, dẫn đường link. Rất nhiều tác giả đã rất bất bình khi bỏ ra nhiều công sức, tâm huyết, hao tổn nhiều sức khoẻ và cả kinh phí để dấn thân, nhập cuộc mới cho ra đời được một tác phẩm báo chí chất lượng. Có những tác phẩm truyền hình, phóng viên phải ăn chực nằm chờ, vật lộn cả tháng mới ghi được những hình ảnh đắt giá. Vậy mà ngay khi vừa đăng tải đã bị nhiều tờ báo ngang nhiên sao chép, sử dụng các chi tiết trong tác phẩm để xào xáo, hoặc thay đổi vị trí cấu trúc, sửa lời dẫn, sapo, tiêu đề và đăng tải như thể đây là sản phẩm độc quyền của báo mình. Có những đoạn phỏng vấn mà nhân vật trả lời phỏng vấn chỉ nhận lời trả lời cho tờ báo A, nhưng lại bị các báo B, C, D,... công khai sử dụng mà không hề xin phép chủ thể sở hữu cũng như người trả lời phỏng vấn. Các hành vi này đã vi phạm nghiêm trọng quyền tác giả, gây thiệt hại cả về vật chất cho chủ sở hữu và tổn hại cả tinh thần cho đội ngũ sáng tạo.

Hai là, đăng tải trái phép các sản phẩm của các cơ quan báo chí, truyền thông. Nhiều trang báo điện tử hoặc trang web đăng tải các bài viết, tin tức, các chương trình ca nhạc, trận bóng đá hoặc phim truyền hình trái phép trên các nền tảng trực tuyến. Thực trạng này gây tổn hại lớn về nguồn thu và rất nhiều phiền toái cho các chủ sở hữu bản quyền. Đài Truyền hình Việt Nam là một trong những đơn vị bị xâm hại nhiều nhất ở hành vi vi phạm bản quyền này. Năm 2021, chỉ trong 7 ngày Tết, chương trình “Táo quân 2021” của Đài Truyền hình Việt Nam đã có 2.011 trường hợp vi phạm bản quyền, đăng tải lậu trên không gian mạng[5]. Rất nhiều giải bóng đá mà VTV đã ký kết hợp đồng nhận được quyền phát sóng để mang đến cho khán giả Việt Nam những chương trình hợp pháp, chính thống.Tuy nhiên, vẫn bị nhiều đơn vị sở hữu các trang tin điện tử có những hành vi vi phạm bản quyền trắng trợn bất chấp cảnh báo từ VTV và các cơ quan chức năng. Các chương trình phim truyện cũng bị xâm hại bản quyền thường xuyên, đặc biệt là những bộ phim hấp dẫn, thu hút sự chú ý của công chúng. Không chỉ Đài Truyền hình Việt Nam, nhiều Đài Phát thanh, Truyền hình (PTTH) khác cũng bị xâm hại bản quyền phổ biến ở các chương trình giải trí như gameshow, ca nhạc, truyền hình thực tế, phim truyền hình,... để thu lợi bất chính. Các bộ phim nổi tiếng như “Tiếng sét trong mưa”, “Mẹ ghẻ”, “Vua bánh mì”,... của Đài PTTH Vĩnh Long ngay khi được phát sóng đã bị sao chép, đăng tải lại qua các kênh Yotube, Fanpage và nhiều tải khoản mạng xã hội khác. Riêng phim “Vua bánh mì” của Đài PTTH Vĩnh Long mỗi tuần có tới 1.000 link phát lậu trên mạng Internet[6].

Để tránh bị phát hiện, những đơn vị, cá nhân khai thác trái phép các sản phẩm của các cơ quan báo chí đã dùng rất nhiều thủ đoạn tinh vi như làm mờ logo, bóp méo tiếng, thu nhỏ khuôn hình, sửa chữ thanh ba, cắt xén nội dung, v.v... Điều này không chỉ ảnh hướng đến lợi ích kinh tế của các chủ sở hữu bản quyền mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu của chính những cơ quan báo chí khi chất lượng sản phẩm không được đảm bảo.

Ba là, tạo các kênh truyền thông giả mạo bằng cách sao chép logo, bắt chước giao diện fanpage hoặc các nền tảng mạng chính thống của các cơ quan báo chí uy tín rồi đăng tải các nội dung vi phạm bản quyền nhằm thu hút quảng cáo. Hành vi này cực kỳ nguy hiểm khi các đối tượng vi phạm lợi dụng uy tín, thương hiệu của các cơ quan báo chí để trục lợi, gây ra những hệ luỵ không đáng có đối với bị hại, thậm chí gây những hậu quả nặng nề cho xã hội. Không chỉ vậy, logo của của nhiều cơ quan báo chí bị khai thác, sử dụng bừa bãi trong nhiều hoạt động đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng của chủ sở hữu.

Bốn là, sử dụng phần mềm không hợp lệ. Một số trang thông tin điện tử hoặc trang web tin tức đã sử dụng phần mềm không hợp lệ, bao gồm cả phần mềm biên tập, phần mềm đồ họa, phần mềm phân phối... trong hoạt động sản xuất, phân phối nội dung các tác phẩm, sản phẩm báo chí. Việc làm này cũng có thể vi phạm quyền tác giả và gây ra những tranh chấp pháp lý.

Việc vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí ở Việt Nam đã và đang tạo ra các hệ quả tiêu cực, thể hiện ở những điểm sau:

Thứ nhất, các cơ quan báo chí, truyền thông, phóng viên, nhà báo chân chính bị thất thu về mặt nguồn lực khi giá trị tài sản trí tuệ bị giảm cũng như ảnh hưởng đến khả năng gia tăng giá trị từ tác phẩm của họ. Quan trọng hơn, uy tín, thương hiệu của các cơ quan báo chí, truyền thông, phóng viên, nhà báo chân chính bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong khi đó các đối tượng xâm hại không phải đầu tư kinh phí sản xuất, trí tuệ, thiết bị,... mà vẫn ngang nhiên thu lợi bất chính.

Thứ hai, làm cho môi trường hoạt động báo chí Việt Nam “méo mó”, gây mất lòng tin của công chúng đối với hoạt động báo chí. Tình trạng vi phạm bản quyền trong hoạt động báo chí ở Việt Nam đã và đang diễn ra khá phổ biến, trong khi đó, việc xử lý hành vi vi phạm bản quyền chưa nghiêm, chưa có tính răn đe cao. Điều này làm cho công chúng (cả trong và ngoài nước) và cộng đồng báo chí quốc tế nhìn nhận chưa đúng về môi trường hoạt động báo chí tại Việt Nam.

Thứ ba, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân cách, đạo đức nhà báo. Việc vi phạm bản quyền báo chí diễn ra thường xuyên, nhưng không được phát hiện và xử lý nghiêm, điều này tác động rất xấu đến nhận thức của người làm báo chí, truyền thông, lâu dần hình thành nên một thái độ dửng dưng vô cảm, chấp nhận việc vi phạm bản quyền như một hành vi mặc nhiên bình thường trong kỷ nguyên số; và ở một mức độ nào đó, tự cho mình quyền thực hiện hành vi tương tự. Vi phạm bản quyền với tư cách là một biểu hiện suy thoái đạo đức nghề nghiệp báo chí - truyền thông, là một yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân cách, đạo đức nhà báo.

Thứ 4, ảnh hưởng đến tinh thần, nhiệt huyết sáng tạo của đội ngũ sản xuất và người làm nội dung. Để có được một đứa con tinh thần chất lượng, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của công chúng, đội ngũ sản xuất phải nỗ lực đổi mới từng ngày, cập nhật công nghệ, thay đổi tư duy sáng tạo, phải dấn thân, nhập cuộc, vượt qua mọi khó khăn trở ngại. Tuy nhiên, khi chứng kiến tác phẩm của mình bị xâm phạm bản quyền trắng trợn, họ sẽ vô cùng thất vọng, tuyệt vọng, ức chế tinh thần, cảm thấy bị đối xử bất công. Nhà báo, phóng viên và những người sản xuất bị xâm phạm bản quyền dễ rơi vào tâm lý buông xuôi, chán chường, mất động lực sáng tạo.

2. Nguyên nhân vi phạm bản quyền báo chí

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc vi phạm bản quyền, trong đó nổi lên một số nguyên nhân chủ yếu, cơ bản sau:

Thứ nhất, vì lợi ích kinh tế. Đây có thể được xem là nguyên nhân hàng đầu của sự vi phạm bản quyền trong hoạt động báo chí. Trong bối cảnh bùng nổ hệ sinh thái thông tin trên các nền tảng, việc cạnh tranh để có những sản phẩm hấp dẫn thu hút công chúng khiến nhiều cơ quan báo chí, truyền thông chịu áp lực lớn khi nguồn kinh phí sản xuất eo hẹp, thời lượng phát sóng hoặc chỉ tiêu tin bài ở mức lớn. Để tiết kiệm chi phí sản xuất và thời gian, công sức sáng tạo các nội dung mới, không ít đơn vị, cá nhân đã hướng tới việc khai thác, sử dụng "chùa" các tin bài, sản phẩm của các cơ quan báo chí khác. Ngoài ra, một số tổ chức, cá nhân đã cố tình vi phạm bản quyền để trục lợi, kiếm tiền quảng cáo từ các chương trình, sản phẩm có sự thu hút cao đối với công chúng.

Thứ hai, do áp lực chạy đua thông tin nhanh trong bối cảnh truyền thông mới phát triển mạnh mẽ. Công chúng truyền thông hiện đại ngày càng trở nên khó tính hơn trong việc lựa chọn thông tin và các món ăn giải trí, tinh thần. Họ sẽ lãng quên ngay các tờ báo mà hằng ngày không có nhiều thông tin mới, hấp dẫn, cách thức thể hiện sinh động, cuốn hút. Vì vậy, để có thể luôn là sự lựa chọn đầu tiên của công chúng thì các báo phải chạy đua để có lượng thông tin dồi dào, phong phú nhưng phải là những thông tin nóng nhất, mới nhất, nhiều chi tiết độc đáo nhất. Áp lực phải có tin bài nhanh, hay, độc, khiến cho không ít phóng viên dễ dãi hơn với bản thân trong tác nghiệp. Sự thuận tiện trong môi trường số đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy cập, sao chép, cắt, ghép tác phẩm báo chí trái phép. Việc khai thác, sử dụng dễ dãi các hình ảnh, âm thanh, thông tin từ các đồng nghiệp dần dần tạo thành thói quen cho không ít người trong hoạt động nghề: chỉ ngồi một chỗ vẫn có tin, bài đăng tải.

Thứ ba, do sự thiếu hiểu biết về pháp luật nói chung, luật báo chí nói riêng và sự không tuân thủ đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận phóng viên, cộng tác viên báo chí. Thực tế cho thấy, không ít người chưa nhận ra việc khai thác, sử dụng nội dung, ý tưởng, các chất liệu trong tác phẩm báo chí hay các sản phẩm của cơ quan báo chí mà chưa được sự cho phép là vi phạm bản quyền. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan báo chí, truyền thông, nhiều phóng viên, cộng tác viên báo chí tuy nhận thức được vấn đề bản quyền song lại không tuân thủ đạo đức nghề nghiệp nên cố tình vi phạm bản quyền báo chí.

Thứ tư, do qui định của luật pháp về bản quyền chưa chặt chẽ, thiếu tính răn đe mạnh. Việc vi phạm bản quyền báo chí là một hành vi vi phạm Luật Báo chí, Luật Sở hữu trí tuệ và chịu hậu quả pháp lý. Tuy nhiên, hiện nay những qui định của Luật Báo chí năm 2016 và Luật Sở hữu trí tuệ năm 2019 về vấn đề bản quyền báo chí còn chung chung, thiếu chặt chẽ, còn nhiều lỗ hổng pháp lý cho việc vi phạm bản quyền bùng nổ. Các luật có các quy định về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nhưng chưa có các qui định pháp lý rõ ràng và chi tiết về quản lý bản quyền trong hoạt động báo chí, chưa thực sự tăng khả năng bảo vệ quyền lợi cho nhà báo và cơ quan báo chí. Việc thiếu quy định cụ thể về việc đăng ký, công bố và quản lý bản quyền gây khó khăn trong việc xác định chủ sở hữu và bảo vệ quyền lợi của các tác giả và tổ chức báo chí. Việc xác định chủ sở hữu và quyền sở hữu đối với tác phẩm, sản phẩm báo chí còn chung chung, rất dễ gây ra sự hiểu mập mờ và khó xử lý khi xảy ra tranh chấp. Bên cạnh đó, các chế tài xử phạt việc vi phạm bản quyền báo chí ở Việt Nam chưa mạnh, nên tính răn đe chưa cao. Thực tế, mức phạt cho hành vi xâm phạm bản quyền còn rất nhẹ so với lợi nhuận mà đối tượng vi phạm bản quyền thu được nên họ sẵn sàng nộp phạt và tiếp tục vi phạm bản quyền.

Thứ năm, do những khó khăn trong kiểm soát, giám sát ngăn ngừa việc vi phạm bản quyền báo chí. Trong thời gian qua, mặc dù công tác quản lý báo chí của các cơ quan chức năng Việt Nam đã được tăng cường, song, gặp nhiều khó khăn trong kiểm soát, giám sát ngăn chặn việc vi phạm bản quyền báo chí. Bên cạnh khó khăn đến từ qui định của pháp luật trong vấn đề bảo vệ bản quyền báo chí chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ, thì khó khăn còn đến từ thực tế số lượng vi phạm bản quyền quá lớn, trong khi đội ngũ làm công tác quản lý báo chí, kiểm soát vấn đề vi phạm bản quyền có hạn. Ngoài ra, việc vi phạm bản quyền nhiều nhất đến từ các trang web không rõ nguồn gốc, không rõ cơ quan chủ quản, không rõ địa chỉ (nhiều trang web có trụ sở đặt ở nước ngoài) và không có giấy phép hay đến từ các mạng xã hội, các tài khoản cá nhân trên không gian mạng nên khó khăn trong việc ngăn chặn, xử lý.

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ bản quyền báo chí ở Việt Nam trong kỷ nguyên số

Trong kỷ nguyên số, với sự bùng nổ của truyền thông xã hội, vấn đề bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí càng trở nên cấp thiết. Để nâng cao hiệu quả bảo vệ bản quyền báo chí ở Việt Nam trong kỷ nguyên số cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó:

Một là, hoàn thiện hệ thống thống pháp luật chặt chẽ, đồng bộ về bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí, sản phẩm của cơ quan báo chí, trong đó có sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí. Đây là giải pháp mang tính cốt lõi trong bảo vệ hiệu quả bản quyền báo chí. Các quy định pháp lý càng đầy đủ, chi tiết, hoàn thiện thì càng bảo đảm cho hoạt động bảo vệ bản quyền hiệu quả, chủ động ngăn ngừa các sai phạm có thể xảy ra. Quá trình sửa đổi Luật Báo chí, cần qui định cụ thể, đầy đủ về vấn đề bảo vệ bản quyền báo chí, trong đó chú trọng đến các điểm sau:

(i) Cần định nghĩa rõ ràng về các loại tác phẩm báo chí, sản phẩm của cơ quan báo chí được bảo vệ bản quyền, bao gồm bài viết, hình ảnh, video, âm thanh và các dạng tác phẩm, sản phẩm khác. Điều này sẽ giúp tránh tranh cãi và làm rõ quyền lợi của người sở hữu bản quyền;

(ii) Xác định rõ quyền sở hữu tác phẩm báo chí, sản phẩm của cơ quan báo chí và các quyền liên quan, như: quyền công bố, sao chép, phân phối, sử dụng tác phẩm. Cần phải có quy định rõ ràng về việc trích dẫn, đưa ra phạm vi xác định mức độ hợp lý để có căn cứ xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả một cách rõ ràng, minh bạch. Việc đảm bảo quyền sở hữu tác phẩm, sản phẩm và các quyền liên quan là hết sức quan trọng để bảo vệ sự sáng tạo và khuyến khích sự đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí;

(iii) Đề ra các quy định cụ thể về quản lý và bảo vệ bản quyền trong hoạt động báo chí trong kỷ nguyên số. Điều này bao gồm việc thiết lập các cơ chế đăng ký và công bố bản quyền, xử lý tranh chấp về bản quyền và áp dụng biện pháp trừng phạt đối với vi phạm bản quyền. Quy định rõ ràng và minh bạch trong việc quản lý bản quyền sẽ giúp bảo vệ quyền lợi của người sở hữu bản quyền và khuyến khích sự tuân thủ;

(iv) Đảm bảo quyền riêng tư và bảo vệ nguồn tin trong hoạt động báo chí. Điều này bao gồm việc xác định rõ quyền riêng tư của nguồn tin và nhân vật được đề cập; đồng thời, đưa ra các biện pháp bảo vệ để ngăn chặn việc lạm dụng quyền này;

(v) Có chế tài mạnh, nghiêm khắc, đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm bản quyền tác phẩm, sản phẩm báo chí. Cần quy định rõ ràng và tăng nặng những hình thức xử phạt hành vi vi phạm về sở hữu trí tuệ cũng như quyền tác giả.

Hai là, tăng cường hoạt động giáo dục, tuyên truyền, về bản quyền trong hoạt động báo chí, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ bản quyền của cả người làm báo và công chúng. Đây là giải pháp quan trọng, bởi có nhận thức đúng thì hành động sẽ đúng. Xây dựng một cộng đồng báo chí nhận thức về quyền bản quyền và hiểu rõ vị trí, vai trò và ý nghĩa của việc bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí để từ đó thực hiện tốt các quy định về bản quyền, tăng cường sự tuân thủ và tôn trọng bản quyền trong hoạt động báo chí, thúc đẩy xây dựng môi trường hoạt động báo chí lành mạnh. Do đó, cần tăng cường hoạt động giáo dục, tuyên truyền, phổ biến về thiệt hại, về ảnh hưởng vi phạm bản quyền báo chí của các cơ quan báo chí, về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả trong lĩnh vực báo chí nhằm thay đổi và nâng cao nhận thức, đẩy mạnh sự quan tâm về bản quyền, các biện pháp để bảo vệ bản quyền báo chí cho các tác giả, các cơ quan báo chí.

Ba là, tăng cường sự kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm bản quyền trong hoạt động báo chí. Đây là giải pháp quan trọng trong hạn chế, ngăn ngừa các hành vi vi phạm bản quyền báo chí. Trước hết, các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí cần phát huy vai trò, trách nhiệm trong giám sát, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm bản quyền đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Trên cơ sở qui định của pháp luật, cần xử lý nghiêm khắc, có tính răng đe cao và bảo đảm xử lý bình đẳng, không có ngoại lệ mọi hành vi vi phạm bản quyền. Các hành vi vi phạm bản quyền cần được công bố công khai, rõ ràng. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông cũng như của tác giả trong bảo vệ quyền bản quyền tác phẩm báo chí của mình. Đồng thời, cần tạo dựng sự liên kết giữa các cơ quan báo chí, truyền thông trong nước để cùng nhau cam kết và khắc phục tình trạng vi phạm bản quyền cũng như đấu tranh đối với việc vi phạm bản quyền xuyên quốc gia của các tài khoản trên mạng xã hội. Các cơ quan báo chí, truyền thông trong nước cần liên kết với nhau thực hiện đúng quy định pháp luật về bản quyền tác phẩm báo chí, sau đó hợp tác đưa ra các biện pháp để đấu tranh, xử lý vi phạm bản quyền xuyên quốc gia đến từ Google, Facebook... Bởi, một cơ quan báo chí, truyền thông khó và không thể đơn độc chống lại tình trạng vi phạm bản quyền xuyên quốc gia mà cần có sự liên minh, hợp tác để xử lý.

Bốn là, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ trong bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí. Đây là giải pháp quan trọng trong giám sát, phát hiện các hành vi vi phạm bản quyền báo chí. Trong xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cần tăng cường áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ, nhất là ứng dụng trí tuệ nhân tạo để đăng ký bản quyền tác phẩm; giám sát, phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm bản quyền báo chí trong môi trường số, qua đó giảm thiểu hành vi vi phảm bản quyền. Theo đó, cần thiết phải có những “bộ lọc” công nghệ để các cơ quan báo chí, truyền thông sử dụng, dựa vào đó để thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu, khai phá dữ liệu, lưu trữ và truy vết để phát hiện các hành vi vi phạm bản quyền để chuyển cơ quan chức năng xử lý.

Năm là, nghiên cứu thành lập đơn vị, bộ phận bảo vệ bản quyền báo chí chuyên nghiệp. Trong bố cảnh tình trạng vi phạm bản quyền báo chí diễn ra phổ biến, phức tạp trên không gian mạng và xuyên biên giới, đòi hỏi cần phải có một bộ phận chuyên trách, hoạt động chuyên nghiệp để xử lý vấn đề vi phạm bản quyền báo chí. Điều này sẽ thúc đẩy việc xử lý vi phạm bản quyền báo chí nhanh chóng, chặt chẽ, hiệu quả, qua đó ngăn ngừa, hạn chế các hành vi vi phạm bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số.

Tóm lại, trong thời đại kỷ nguyên số, truyền thông đại chúng và truyền thông xã hội có sự kết nối thuận lợi, điều này tạo điều kiện rất tốt cho hoạt động báo chí phát huy vai trò và chức năng đối với đời sống chính trị, xã hội. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí, truyền thông cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức, trong đó nổi bật là vấn đề vi phạm bản quyền. Ngoài nguyên nhân khách quan trên thì việc vi phạm bản quyền báo chí ở Việt Nam chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân chủ quan. Để khắc phục được tình trạng vi phạm bản quyền báo chí ở Việt Nam, cần phải tiến hành đồng bộ nhiều nội dung giải pháp, trong đó cần xây dựng được hệ thống pháp luật đồng bộ, chặt chẽ; phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, mà trước hết là vai trò của các cơ quan chỉ đạo, quản lý nhà nước về báo chí, vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông và từng phóng viên, nhà báo trong tuân thủ đạo đức nghề nghiệp trong quá trình hoạt động báo chí. Có như vậy mới góp phần tạo ra môi trường hoạt động báo chí, truyền thông công bằng, cạnh tranh lành mạnh, khơi nguồn và thúc đẩy hoạt động sáng tạo, cống hiến cho xã hội nhiều sản phẩm có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu ngày một cao của công chúng.

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc Dũng (2020), Xử lý vi phạm bản quyền báo chí, https://vnanet.vn/vi/anh/anh-t....

2. Quốc hội (2016), Luật Báo chí, Hà Nội.

3. Quốc hội (2019), Luật Sở hữu trí tuệ, Hà Nội.

4. Nguyễn Văn Dững (2018), Cơ sở Lý luận báo chí, Nxb. Thông tin và Truyền thông.

5. Bùi Chí Trung, Đinh Thị Xuân Hoà (2015), Truyền hình hiện đại - những lát cắt 2015-2016, Nxb Đại học Quốc Gia, Hà Nội.

6. Vtv.vn/cong-nghe/ Gian-nan-cuoc-chien-chong-vi-pham-ban-quyen-cac-chuong-trinh-truyen-hinh-tren-khong-gian-mang-20210303151727553.htm.

\



[1] Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Ngôn ngữ học (1992), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Khoa học xã hội.

[2] Vnexpress.net/100-dong-gian-lan-tren-youtube-55-dong-cua-nguoi-viet-4610452.html#vn.

[3],4 Dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/bao-ve-ban-quyen-cac-tac-pham-bao-chi-567346.html.

[5] Vtv.vn/cong-nghe/ Gian-nan-cuoc-chien-chong-vi-pham-ban-quyen-cac-chuong-trinh-truyen-hinh-tren-khong-gian-mang-20210303151727553.htm.

[6] Vtv.vn/cong-nghe/ Gian-nan-cuoc-chien-chong-vi-pham-ban-quyen-cac-chuong-trinh-truyen-hinh-tren-khong-gian-mang-20210303151727553.htm.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO