Không gian tăng trưởng chính của Viettel trong 10 năm tới

17/08/2022, 08:57

VietNamNet xin giới thiệu toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Tập đoàn Viettel ngày 16/8/2022.

Kính thưa đồng chí Phạm Minh Chính, UV BCT, Thủ tướng Chính phủ,

Kính thưa các đồng chí UV TWĐ, các đồng chí lãnh đạo các bộ ngành,

Thưa các đồng chí lãnh đạo Tập đoàn Viettel,

Thưa các đồng chí,

Viettel ra đời trong khó khăn, lớn lên trong khó khăn, thành công và trở thành xuất sắc cũng là nhờ khó khăn, nhờ sự dấn thân vào những vùng đất mới, nhờ sự sẵn sàng nhận những nhiệm vụ chiến lược do Đảng, Nhà nước, Quân đội giao cho. Viettel sẽ trở thành công ty trung bình nếu không tiếp tục đương đầu với những thách thức mới, nếu không tự tạo ra những thách thức mới cho chính mình, nếu không tiếp tục nhận những nhiệm vụ chiến lược mới của đất nước. Một công ty trung bình thì không nên là doanh nghiệp nhà nước.

Đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng tiếp tục giao cho Viettel những nhiệm vụ chiến lược quốc gia mới. Các cơ chế chính sách đã phát huy hiệu quả, đã góp phần tạo ra Viettel thì hãy cho tiếp tục áp dụng và nhân rộng. Các cơ chế chính sách mới để thúc đẩy nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, chuyển từ tư duy rủi ro bằng không sang chấp nhận rủi ro và quản trị rủi ro thì hãy cho Viettel thí điểm.

Khi làm viễn thông, Viettel đã đặt ra và đạt mục tiêu mỗi người Việt Nam một chiếc điện thoại di động. Khi đầu tư ra nước ngoài về viễn thông, Viettel đã lọt vào top 15, sánh vai với các nước đã phát triển. Khi làm công nghệ thông tin, Viettel đã thay đổi ngành này từ đầu tư sang thuê dịch vụ CNTT. Khi làm công nghiệp công nghệ cao, Viettel đã gây cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp là, người Việt Nam có thể làm chủ, có thể nghiên cứu sản xuất được các thiết bị công nghệ cao (như thiết bị 4G/5G), có thể làm được công nghiệp quốc phòng công nghệ cao. Viettel đã dẫn đầu phong trào các doanh nghiệp Việt Nam sau khi thành công ở mảng bất động sản, dịch vụ, ngân hàng thì chuyển sang làm công nghiệp, công nghệ. Khi làm an toàn, an ninh mạng, Viettel đã đạt thứ hạng quốc tế cao, góp phần để Việt Nam lọt vào top 30 thế giới, làm chủ trên 95% các sản phẩm an toàn, an ninh mạng và hướng tới cường quốc về an toàn, an ninh mạng để bảo vệ sự thịnh vượng Việt Nam trên không gian mạng.

Những năm gần đây, Viettel đang chững lại. Tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận đều thấp hơn tăng trưởng GDP của đất nước. Các không gian mới chưa được mở ra một cách mạnh mẽ. Không gian chủ đạo là viễn thông thì tăng trưởng thấp. Các không gian ngoài viễn thông đã được mở ra nhưng tăng trưởng chưa đủ nhanh, hành động chưa đủ quyết liệt để biến chúng thành không gian chính.

Có 5 không gian mới sẽ có quy mô tương đương viễn thông vào năm 2025 và đến 2030 sẽ vượt xa viễn thông. Đây sẽ là các không gian tăng trưởng chính của Viettel trong 10 năm tới.

Thứ nhất là điện toán đám mây. Điện toán đám mây sẽ là hạ tầng chính của hạ tầng số, với tốc độ tăng trưởng 20-30%/năm. Dữ liệu lớn và xử lý dữ liệu lớn sẽ là ngành công nghiệp lớn nhất. Hạ tầng điện toán đám mây sẽ quyết định việc dữ liệu Việt Nam sẽ được lưu trữ và xử lý tại Việt Nam. Đầu tư của Viettel vào điện toán đám mây (Cloud) phải tương đương với đầu tư viễn thông, nhưng hiện nay mới bằng 5% viễn thông. Ngày hôm qua, Tập đoàn Công nghệ CMC đã khánh thành một Cloud lớn nhất Việt Nam với dung lượng 6M máy tính ảo, gấp 3 lần Cloud lớn nhất của Viettel tại Hoà Lạc. Để xứng đáng là một doanh nghiệp hạ tầng số lớn nhất Việt Nam, Viettel phải đầu tư những Cloud với dung lượng lớn 15-20 triệu máy tính ảo.

Thứ hai là các nền tảng số. Đây là một loại hạ tầng mới - hạ tầng số trên không gian mạng. Nó bao gồm cả nền tảng cung cấp công nghệ như dịch vụ. Việt Nam chọn phát triển các nền tảng số Việt Nam là giải pháp đột phá để chuyển đổi số Việt Nam. Viettel phải phát triển các nền tảng số quốc gia được sử dụng trên toàn quốc, tất cả các bộ ngành và địa phương dùng chung một nền tảng số của Viettel. Viettel không nên làm những phần mềm đơn lẻ.

Thứ ba là thương mại điện tử. Trọng tâm là dịch vụ bưu chính chuyển phát, logistics và sàn nông sản. Tăng trưởng ở đây là trên 30%/năm. Thương mại điện tử có thể chiếm tới 1/4 doanh số bán lẻ toàn quốc trong những năm tới.

Thứ tư là nghiên cứu sản xuất công nghệ cao. Nó bao gồm thiết bị hạ tầng viễn thông, IoT, thiết bị y tế, thiết bị năng lượng mới (điện gió, điện mặt trời) và công nghiệp quốc phòng công nghệ cao. Công nghiệp và công nghệ sẽ là đóng góp lớn nhất của Viettel cho đất nước, và sẽ phải trở thành mảng kinh doanh lớn nhất của Viettel.

Thứ năm là công nghiệp và dịch vụ an toàn, an ninh mạng. Công nghiệp an toàn, an ninh mạng thì giống như công nghiệp quốc phòng trong thế giới thực. Việt Nam muốn thịnh vượng thì phải nhờ vào sự thịnh vượng trên không gian mạng, đó là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, và sự thịnh vượng đó phải được bảo vệ. Kinh tế số Việt Nam tăng trưởng 20-25%/năm thì an toàn, an ninh mạng cũng sẽ tăng trưởng tương đương. Việt Nam có thể trở thành cường quốc về an toàn, an ninh mạng. Viettel đã là doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng hàng đầu Việt Nam thì cần phải tiên phong nhận lấy sứ mệnh này, sứ mệnh về một cường quốc an toàn, an ninh mạng để có thể bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng.

5 không gian mới trên đây là cơ hội cho Viettel tăng trưởng 5-6 lần trong vòng 10 năm tới. Viettel đã từng có giai đoạn tăng trưởng 8 lần trong vòng 5 năm, đó là giai đoạn 2004-2009. Nếu Viettel chỉ làm được một lần như vậy trong sự nghiệp của mình thì có nghĩa là Viettel chỉ có quá khứ mà không có tương lai.

Tổ chức nào cũng vậy, muốn đi xa, muốn ngày mai huy hoàng hơn ngày hôm qua thì phải kế thừa quá khứ và mở ra tương lai. Cái cần kế thừa là truyền thống, là văn hoá, là tinh thần, là giá trị cốt lõi và là triết lý phát triển của Viettel. Mở ra tương lai là mở ra các không gian phát triển mới.

Nếu Viettel không mở ra các không gian phát triển mới thì các thế hệ người Viettel sẽ là F2, rồi F3, F4, v.v... Nhưng khi có không gian mới, có thách thức mới là có cơ hội sinh ra F1 mới. Chỉ có tinh thần mỗi thế hệ đều là F1, F1 phải sinh ra F1, chứ không phải F1 sinh ra F2, thì Viettel mới trường tồn. Chỉ có đương đầu với các thách thức mới, sáng tạo ra tương lai mới thì một tổ chức mới trường tồn.

Thế hệ lãnh đạo của Viettel hôm nay là một thế hệ mới. Thế hệ đầu tiên là đầu 4, rồi sau đó là đầu 5, đầu 6 và bây giờ là đầu 7. Hãy giữ lấy các giá trị cốt lõi cội nguồn, nhưng cho chúng nội hàm mới của thời đại mình, và hãy sáng tạo ra tương lai của mình. Quá khứ huy hoàng có thể là một gánh nặng, nhưng cũng có thể là một nền tảng tốt cho những giấc mơ lớn hơn. Nhưng điểm mấu chốt là giấc mơ phải lớn hơn.

10 năm đầu tiên, từ năm 1990 đến năm 2000, Viettel là công ty xây lắp các công trình viễn thông. 10 năm tiếp theo, từ năm 2000 đến năm 2010, Viettel là doanh nghiệp viễn thông. 10 năm thứ ba, từ năm 2010 đến năm 2020, Viettel là tập đoàn công nghiệp và viễn thông. Cả ba chặng đường này, Viettel luôn là số 1.

10 năm thứ tư, từ năm 2020 đến năm 2030, Viettel sẽ phải viết lên một trang mới, đó có thể là một tập đoàn toàn cầu về công nghệ số, tham gia tích cực vào 2 chuyển đổi lớn nhất mang tính thế kỷ của nhân loại là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Ban lãnh đạo hiện nay của Viettel cơ bản sẽ còn 10 năm nữa. Hãy đi con đường của mình. Hãy đến một đích mới. Và rồi hãy rời đi đúng lúc để cho một thế hệ khác viết lên một trang mới nữa. Hãy cứ 10 năm là một tái tạo mới.

Chúc cho Viettel tiếp tục nhận lấy những thách thức lớn hơn và thành công lớn hơn!

Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí!

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO