Sản phẩm phát hiện hành vi bất thường của người dùng trên mạng phải có sẵn 500 kịch bản

17/08/2022, 08:56

Một trong những yêu cầu kỹ thuật cơ bản với sản phẩm phân tích và phát hiện hành vi bất thường của người dùng trên mạng là tích hợp sẵn ít nhất 500 kịch bản phát hiện bất thường áp dụng trên tập dữ liệu gửi từ các nguồn.

Yêu cầu kỹ thuật cơ bản đối với sản phẩm phân tích và phát hiện hành vi bất thường của người dùng trên mạng (User and Entity Behavior Analytics - UEBA) vừa được Bộ TT&TT ban hành.

Theo đó, Bộ TT&TT khuyến nghị các cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động nghiên cứu, phát triển; đánh giá, lựa chọn sản phẩm UEBA khi đưa vào sử dụng trong các hệ thống thông tin, cần áp dụng 8 nhóm yêu cầu kỹ thuật cơ bản, gồm: yêu cầu về tài liệu; yêu cầu về quản trị hệ thống; yêu cầu về kiểm soát lỗi; yêu cầu về log; yêu cầu về hiệu năng xử lý; yêu cầu về chức năng tự bảo vệ; yêu cầu về chức năng giám sát, phân tích sự kiện và đánh giá mức độ rủi ro an toàn thông tin; yêu cầu về chức năng cảnh báo.

Sản phẩm phát hiện hành vi bất thường của người dùng trên mạng phải có sẵn 500 kịch bản
Sản phẩm UEBA hiện đã được nhiều doanh nghiệp tích hợp vào giải pháp Trung tâm giám sát, điều hành an toàn thông tin mạng.

Với mỗi nhóm yêu cầu, Bộ TT&TT cũng đưa ra các tiêu chí, điều kiện mà sản phẩm UEBA cần đáp ứng để đảm bảo chất lượng.

Cụ thể, về quản trị hệ thống, UEBA cần cho phép quản lý vận hành đáp ứng các yêu cầu như cho phép thiết lập, thay đổi, áp dụng và hoàn tác sự thay đổi trong cấu hình hệ thống, cấu hình quản trị từ xa, cấu hình tài khoản xác thực và phân quyền người dùng cũng như cấu hình tập luật bảo vệ; cho phép thay đổi thời gian hệ thống; cho phép đăng xuất tài khoản người dùng có phiên kết nối còn hiệu lực…

UEBA còn được yêu cầu cho phép quản lý tập nguồn gửi dữ liệu gồm các thao tác thêm nguồn mới, sửa thông tin nguồn, tìm kiếm nguồn, xóa nguồn; quản lý tập đích nhận cảnh báo với các thao tác thêm đích mới, sửa thông tin đích, tìm kiếm đích và xóa đích.

Đồng thời, sản phẩm cũng cho phép kết nối, chia sẻ dữ liệu với các loại hệ thống: quản lý và phân tích sự kiện an toàn thông tin - SIEM; điều phối, tự động hóa và phản ứng an toàn thông tin - SOAR; nền tảng tri thức môi đe dọa an toàn thông tin - TIP.

Về yêu cầu với chức năng tự bảo vệ, UEBA cần có khả năng tự bảo vệ, ngăn chặn các dạng tấn công phổ biến vào giao diện bên ngoài của hệ thống; đồng thời cho phép cập nhật bản vá để xử lý các điểm yếu, lỗ hổng bảo mật của hệ thống đã được công bố.

Đối với yêu cầu về hiệu năng xử lý, UEBA được triển khai thỏa mãn cấu hình tối thiểu theo hướng dẫn cài đặt và thiết lập cấu hình của nhà sản xuất phải đảm bảo đáp ứng các yêu cầu: cho phép xử lý và lưu trữ dữ liệu đồng thời tối thiểu 10.000 sự kiện trong khoảng thời gian là 1 giây; cho phép phân tích và lưu trữ các mô hình hành vi của ít nhất 10.000 đối tượng trong hệ thống được giám sát trong khoảng thời gian tối thiểu 30 ngày; tích hợp sẵn ít nhất 500 kịch bản phát hiện bất thường áp dụng trên tập dữ liệu gửi từ các nguồn…

Việc Bộ TT&TT xây dựng và ban hành yêu cầu kỹ thuật cơ bản cho sản phẩm phân tích và phát hiện hành vi bất thường của người dùng trên mạng - UEBA là nhằm khuyến nghị các cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động nghiên cứu, phát triển, lựa chọn, sử dụng sản phẩm an toàn thông tin trong nước áp dụng các yêu cầu kỹ thuật cơ bản cho sản phẩm này.

Đồng thời, tạo chuẩn mực chung với các sản phẩm an toàn thông tin trong nước, hướng tới chuẩn mực quốc tế; thí điểm, đánh giá thực tế việc áp dụng yêu cầu kỹ thuật làm cơ sở xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho từng sản phẩm trong giai đoạn tiếp theo.

Bộ TT&TT giao Cục An toàn thông tin chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan hướng dẫn việc áp dụng các yêu cầu kỹ thuật cơ bản đối với sản phẩm UEBA.

Liên quan đến việc phát triển hệ sinh thái các sản phẩm an toàn thông tin mạng Việt Nam, từ cuối năm ngoái, đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT đã cho biết, Việt Nam hiện đã có hệ sinh thái đa dạng, đầy đủ các chủng loại sản phẩm an toàn thông tin mạng.

Chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030 cũng đã khẳng định quan điểm phát triển đội ngũ chuyên gia và tự chủ về công nghệ, sản phẩm, phổ cập dịch vụ là giải pháp căn cơ để đưa Việt Nam trở thành quốc gia có năng lực cao về bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Một mục tiêu được đặt ra đến năm 2025 là phát triển từ 3 - 5 sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin trọng điểm, chiếm lĩnh thị trường trong nước và có khả năng cạnh tranh quốc tế.

Vân Anh


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO