Internet di động tại châu Phi giúp cải thiện cuộc sống người dân tộc

Kiến Lập | 20/12/2021, 14:00

Thực tế cho thấy, tại những quốc gia kém phát triển, các dịch vụ từ Internet di động đã mang lại lợi ích to lớn trong cải thiện điều kiện sống của cộng đồng cư dân bản địa. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng Internet di động tại khu vực cận Sahara (châu Phi) thuộc vào loại thấp nhất toàn cầu. Ngân hàng Thế giới (WB) đang hành động tích cực để cải thiện việc này.

Internet di động đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội tại các quốc gia châu Phi. (Ảnh: GSMA)

Truy cập Internet đã trở thành nhu cầu thiết yếu của cuộc sống hàng ngày, hơn một nửa dân số thế giới có khả năng tiếp cận. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã phơi bày một thực tế đáng lưu ý: truy cập Internet vẫn là thứ xa lạ, hiếm hoi đối với nhiều người.

Điều này đặc biệt đúng ở khu vực cận Sahara, châu Phi, nơi 1/4 dân số vẫn nằm ngoài vùng phủ sóng băng thông rộng di động, so với tỷ lệ 7% trên toàn cầu. Ngay cả khi ở trong khu vực phủ sóng, mức độ hấp thụ các dịch vụ Internet di động vẫn rất thấp.

Rào cản đối với Internet di động tại Tây Phi

Theo Báo cáo Phát triển Thế giới năm 2021: Dữ liệu cho Cuộc sống Tốt đẹp hơn do WB công bố, hầu hết các quốc gia trong tiểu vùng Tây Phi đều đứng cuối bảng xếp hạng toàn cầu về mức độ thâm nhập Internet.

Tính hiệu tích cực là phạm vi phủ sóng băng rộng di động và hệ sinh thái công nghệ đang phát triển nhanh chóng. Ví dụ, mức độ bao phủ ở Senegal tăng từ 66% lên 98% trong giai đoạn 2015-2020.

Các chuyên gia tập trung vào băng thông rộng di động vì hầu hết người dân ở các nước đang phát triển, đặc biệt là ở châu Phi cận Sahara, truy cập Internet qua điện thoại di động nhiều hơn là qua Internet băng thông rộng cố định.

Ngoài ra, Tây Phi là một trong những khu vực nghèo nhất trên thế giới, chuyển đổi số có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng nói chung và góp phần vào việc giảm nghèo. Vì thiếu dữ liệu, tiểu vùng này là một trong những nơi ít được nghiên cứu nhất trên thế giới về các yếu tố quyết định kết nối Internet.

Kết hợp số liệu từ khảo sát điều kiện sống của các hộ gia đình tại 7 quốc gia thuộc Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Tây Phi (WAEMU) giai đoạn 2018-2019, thông tin về phạm vi phủ sóng băng thông rộng, đặc điểm nhân khẩu học, kinh tế xã hội, chính sách, khả năng tiếp cận dịch vụ… các nhà nghiên cứu đến từ WB đã chỉ ra các rào cản khiến cho người dân tại khu vực cận Sahara vẫn chưa thể sử dụng Internet di động băng thông rộng.

Theo đó, 2 hạn chế chính đối với việc sử dụng băng thông rộng di động liên quan đến khả năng chi trả: giá dịch vụ di động cao và sức mua thấp, thể hiện qua mức tiêu dùng của hộ gia đình.

Nhận định này phù hợp với thực tế giá dữ liệu di động trong tiểu vùng thuộc hàng cao nhất trên toàn thế giới, so sánh theo giá sinh hoạt. Theo Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) - cơ quan của Liên hợp quốc về ICT - giá dịch vụ Internet băng thông rộng của Niger và Guinea-Bissau nằm trong số 10 quốc gia đắt đỏ nhất trên toàn cầu.

Nếu mức thu nhập bình quân đầu người của mỗi hộ gia đình tăng thêm khoảng 2 USD mỗi ngày thì sẽ làm tăng khả năng sử dụng Internet di động lên 6,5%. Trong trường hợp giá dịch vụ Internet di động giảm 5,5% thì sẽ làm tăng khả năng sử dụng lên 2,4%.

Đặc điểm nhân khẩu học và kinh tế xã hội cũng quan trọng đối với việc sử dụng Internet. Có khoảng cách rõ rệt trong việc thụ hưởng dịch vụ theo giới tính và khu vực thành thị - nông thôn. Phụ nữ và người sống ở nông thôn có tỷ lệ trực tuyến thấp hơn so với nam giới và cư dân thành thị. Những người trẻ hơn (từ 40 tuổi trở xuống) và những cá nhân có trình độ học vấn tốt hơn có nhiều khả năng sử dụng băng thông rộng di động hơn.

Ngoài ra, tỷ lệ sử dụng Internet di động còn phụ thuộc vào lĩnh vực kinh tế, khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ phi bản địa và vấn đề bao phủ điện lưới quốc gia.

Sáng kiến của Ngân hàng Thế giới

Trong 18 tháng qua, WB đã thực hiện một sáng kiến đầy tham vọng nhằm kết nối lục địa châu Phi với băng thông rộng vào năm 2030 và tận dụng các công cụ kỹ thuật số để chuyển đổi kinh tế, tạo công ăn việc làm tốt hơn.

Sáng kiến Kinh tế Kỹ thuật số cho Châu Phi (#DE4A) được khởi động vào năm 2019 để hỗ trợ "Chiến lược Chuyển đổi số của Liên minh Châu Phi". Kể từ đó, các báo cáo đánh giá toàn diện đã được thực hiện tại 35 quốc gia.

Sáng kiến của WB sẽ góp phần thúc đẩy gia tăng mức độ bao phủ Internet di động và chuyển đổi số tại châu Phi. (Ảnh: IFC)

Những kết quả nghiên cứu này cung cấp cái nhìn toàn cảnh về nền kinh tế kỹ thuật số của mỗi quốc gia, khảo sát 5 trụ cột kinh tế kỹ thuật số (cơ sở hạ tầng, nền tảng công cộng, dịch vụ tài chính, doanh nghiệp và kỹ năng), đồng thời đánh giá các rủi ro liên quan đến chuyển đổi kỹ thuật số. Dữ liệu từ báo cáo cung cấp cho các dự án hiện tại và những sáng kiến tiềm năng trong tương lai.

Tính đến mùa hè năm 2021, 149 dự án của WB đang hoạt động tại 34 quốc gia châu Phi để hỗ trợ xây dựng một nền kinh tế kỹ thuật số sôi động, mức độ bao phủ rộng và an toàn. Các dự án rất đa dạng, góp phần thu hẹp khoảng cách như: định danh kỹ thuật số, ngân hàng, dịch vụ tài chính di động (Mobile Money), hỗ trợ gia đình, đào tạo, tư vấn thông qua các trung tâm kỹ thuật số và các trường đại học.

Rất nhiều người châu Phi không được thụ hưởng tiến bộ công nghệ phục vụ đời sống, từ trường học, việc làm đến y tế hoặc tài chính. Đại dịch đã phơi bày thực trạng dễ bị tổn thương của những người không thể tiếp cận dịch vụ kỹ thuật số. Sáng kiến của WB là tiền đề quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại lục địa này.

Minh chứng từ thành công của Nigeria

Một nghiên cứu của WB và Hiệp hội Hệ thống Thông tin Di động Toàn cầu (GSMA) thực hiện năm 2020 đã chứng minh tác động tích cực của băng thông rộng di động đối với phúc lợi và giảm nghèo ở Châu Phi, dựa trên dữ liệu từ Nigeria, thị trường di động lớn nhất lục địa.

Theo đó, tỷ lệ hộ gia đình dưới mức nghèo khổ giảm khoảng 4% sau một năm phủ sóng băng thông rộng di động và khoảng 7% sau 2 năm trở lên, một phần lớn là do lực lượng lao động có nhiều cơ hội cải thiện cuộc sống hơn khi được tiếp cận các dịch vụ Internet di động.

Theo nghiên cứu của WB và GSMA, Internet di động giúp giảm tỷ lệ nghèo tại Nigeria. (Ảnh: GSMA).

Cơ sở hạ tầng băng thông rộng là động lực chính tạo ra việc làm và gia tăng năng suất, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa. Sự phát triển của công nghệ số thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Nó cũng kết nối người dân với nhiều dịch vụ và cơ hội hơn.

Nhờ sự tiến bộ của công nghệ, thông qua Internet di động, nhiều có thể truy cập lượng lớn thông tin, tìm được công việc trực tuyến, đăng ký các khóa học qua mạng và thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa.

Tài chính di động (Mobile Money) cung cấp một giải pháp thay thế dễ dàng và an toàn cho hệ thống ngân hàng truyền thống, trong khi vẫn có thể tăng cường mức bao phủ dịch vụ tài chính đến người dân.

Thách thức còn ở phía trước

Đại dịch đã làm tăng thách thức đối với những người thiếu khả năng tiếp cận hoặc kỹ năng để hoạt động trong thế giới kỹ thuật số. 7 triệu sinh viên đại học ở châu Phi không thể tiếp tục học vào năm 2020 do trường học đóng cửa giữa các đợt bùng phát COVID-19.

Cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu cũng kéo theo những rủi ro xung quanh quyền riêng tư và an ninh mạng, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số an toàn, bảo mật. Đứng trước thực trạng đó, các quốc gia đã tiếp tục nỗ lực, hướng tới việc tăng khả năng truy cập Internet băng thông rộng di động.

Thông qua dự án của WB trong khuôn khổ Sáng kiến Kinh tế Kỹ thuật số cho Châu Phi, tổ chức này cam kết giúp các quốc gia tăng băng thông và quản lý tắc nghẽn; đảm bảo tính liên tục của các dịch vụ công quan trọng; ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro trên không gian mạng; cung cấp sức mạnh cho các công nghệ tài chính khi nhu cầu về các dịch vụ như chăm sóc sức khỏe, thanh toán di động, giao thức ăn và thương mại điện tử tăng lên.

WB đang đẩy mạnh kế hoạch hành động trong khuôn khổ khu vực và quốc gia, với các biện pháp phù hợp để tăng cường khả năng tiếp cận và ứng dụng công cụ kỹ thuật số.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO