Malaysia phát triển kinh tế số cho cộng đồng nông thôn

Thụy Thanh | 20/12/2021, 14:00

Chính sách mở các trung tâm Internet cộng đồng tại vùng nông thôn là một chiến lược để Malaysia phát triển nền kinh tế số.

Kết quả thành công bước đầu

Sau 8 năm sản xuất và bán lẻ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ với quy mô nhỏ, Salmiah Kamaludin (39 tuổi) đã có thể bán hàng mà cô tự tay sản xuất trên các nền tảng thương mại điện tử, tiếp cận cộng đồng khách hàng rộng lớn hơn nhờ dịch vụ Internet băng rộng tốc độ cao tại Gedong - một làng nhỏ cách thủ đô Kuala Lumpur gần 1.000km.

"Với sự hỗ trợ của Trung tâm kinh tế số Gia đình Malaysia (PEDi) ở khu vực tôi sinh sống, tôi có thể quảng bá và bán sản phẩm thủ công trên các nền tảng như Facebook hay Shopee", Salmiah chia sẻ. Người phụ  nữ này có thể sử dụng mạng Internet để học thêm các kỹ nghệ mới để áp dụng cho công việc sản xuất của mình, vốn trước đây được thực hiện theo kinh nghiệm truyền thống và đặt hàng tại địa phương. Ước tính thu nhập hàng tháng của Salmiah đã tăng khoảng 85% sau khi thay đổi phương thức bán hàng truyền thống và kỳ vọng sẽ gia tăng nhanh chóng nhờ có đường truyền Internet ổn định.

Trung tâm PEDi tại Gedong đã giúp đỡ và đào tạo cho 46 hộ kinh doanh trong làng về kinh tế số và kết nối trên môi trường trực tuyến. Trong số đó, 24 hộ kinh doanh đã thiết lập gian hàng trên sàn thương mại điện tử với sự trợ giúp của PEDi để mở rộng hoạt động sản xuất và tiếp cận thị trường rộng lớn hơn.

Trong khi đó, Siti Hawa (51 tuổi), chủ của một cơ sở sản xuất vải thổ cẩm nhỏ tại bang Sarawak cho biết bà có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, từ khi thành lập cơ sở của riêng mình năm ngoái sau khi đi làm thuê 23 năm liên tiếp. Với sự hỗ trợ của chồng và các con, bà dự kiến sử dụng mạng Internet từ những kiến thức nhận được từ PEDi nơi bà sinh sống.

Chiến lược phát triển kinh tế số tại địa phương

Vào tháng 11/2021, Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob tuyên bố tại buổi lễ phát động chương trình PEDi tại Malaysia ""Chuyển đổi số đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm phân bố rộng khắp sự thịnh vượng của đất nước. Trên cơ sở Internet có thể tạo ra các cơ hội kinh tế và cải thiện cuộc sống, mạng lưới các Trung tâm PEDi sẽ được triển khai toàn quốc với mục đích cung cấp cơ sở vật chất cho 15,4 triệu người, đặc biệt là các cộng đồng người nghèo và nông thôn. Chính phủ sẽ tập trung vào các nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế số của đất nước thông qua các sáng kiến khác nhau như PEDi để thúc đẩy chương trình nghị sự quốc gia về chuyển đổi số".

Gần 900 trung tâm Internet cộng đồng tại Malaysia được chuyển đổi thành Trung tâm PEDi nhằm thúc đẩy các hoạt động kinh tế kỹ thuật số trong cộng đồng dân cư nông thôn. Ngoài ra, khoảng 200 trung tâm PEDi mới dự kiến được đưa vào hoạt động trong năm 2022 để đưa các PEDi trên toàn đất nước Malaysia vượt con số 1000.

PEDi, đóng vai trò một trung tâm một cửa, trước tiên cung cấp truy cập Internet tập thể cho cộng đồng và các khu vực nông thôn phổ cập băng thông rộng ít hơn. Bên cạnh đó, các trung tâm còn cung cấp cho cộng đồng địa phương các khóa học, đào tạo khác nhau về công nghệ thông tin nhằm trau dồi các kỹ năng trong kinh doanh thương mại điện tử, cũng như nắm vững kiến thức số.

Thông qua hợp tác chiến lược với một số cơ quan chính phủ và tư nhân, trọng tâm của PEDi là nỗ lực nhấn mạnh việc tạo thu nhập cũng như giúp đỡ phát triển kinh tế của người dân bằng thương mại điện tử. Do đó, việc nhấn mạnh vào chuyển đổi số là một chương trình chính tại PEDi để các cộng đồng nông thôn và các khu vực nghèo thành thị có thể tự lực thực hiện sản xuất kinh doanh cũng như nâng tầm thu nhập bằng kinh tế số.

Bộ trưởng Truyền thông và Đa phương tiện Malaysia Annuar Musa cho biết các thiết bị và phương tiện truy cập Internet được cải thiện tại mỗi trung tâm, nhằm đẩy mạng sự tham gia và khả năng của cộng đồng nông thôn trong việc làm chủ nền kinh tế số. Ủy ban Truyền thông và Đa phương tiện Malaysia (MCMC) và Tập đoàn Kinh tế Kỹ thuật số Malaysia (MDEC) sẽ điều phối quy trình làm việc và tổ chức hoạt động đào tạo cho người dân, giúp họ sử dụng thương mại điện tử để tiếp thị các sản phẩm địa phương ở cấp độ toàn cầu.

Bộ trưởng thông báo một khoản kinh phí khoản 12.000 USD một năm sẽ được cấp cho mỗi PEDi thông qua MCMC để tổ chức các chương trình cần thiết. "Chúng tôi đưa ra mục tiêu đến năm 2025, có khoảng 800.000 doanh nhân nhỏ và hộ kinh doanh được hưởng lợi từ PEDi. Mỗi PEDi có thể cung cấp dịch vụ của mình cho ít nhất 1.000 người tham gia vì các hoạt động đều diễn ra trong ngắn hạn và người tham gia có thể chọn các nội dung mà họ quan tâm và nhận được hỗ trợ", ông nói.

Đối tác cùng PEDi phát triển

Ngoài việc thiết lập cơ sở hạ tầng Internet, chính phủ Malaysia cũng xây dựng một ban cố vấn cho PEDi, Đối tác số và Hình mẫu doanh nhân cho từng PEDi tại địa phương nhằm tiếp cận các nhóm đối tượng khác nhau, từ già tới trẻ, cộng đồng thiểu số hay hẻo lánh.

Mục tiêu chính của Ban cố vấn PEDi là khuyến khích và tạo cơ hội cho các bên liên quan khác nhau trong cộng đồng địa phương tham gia vào các hoạt động liên quan đến PEDi cũng như thu hút cộng đồng địa phương sử dụng đầy đủ các dịch vụ và hoạt động tại PEDi.

Ban cố vấn này cung cấp hỗ trợ và tích cực tham gia vào các hoạt động và chương trình được thực hiện tại PEDi để có được thông tin liên quan đến các vấn đề kinh tế xã hội của địa phương và sự hợp tác giữa cộng đồng địa phương và các bên liên quan trong nỗ lực giải quyết vấn đề.

Tổng cộng 600 Đối tác số của PEDi được bổ nhiệm và chỉ định tham gia điều hành các chương trình do các cơ quan chính phủ và tư nhân tổ chức. Đối tác số PEDi sẽ thực hiện nhiều hoạt động khác nhau, cố vấn cho các doanh nhân siêu nhỏ cũng như sẽ hướng dẫn họ hướng tới nền kinh tế số. Họ cũng sẽ giúp doanh nhân tìm kiếm lời khuyên từ một số cơ quan nếu được yêu cầu. Nhiều Đối tác số chính là các doanh nghiệp đã thành công trong lĩnh vực và thị trường của mình.

Thông qua việc giám sát chặt chẽ chương trình do PEDi, MCMC có thể hành động nhanh chóng với các cơ quan chính phủ khác cũng như khu vực tư nhân để sắp xếp các hoạt động trở nên mạnh mẽ hơn và phù hợp hơn với các doanh nghiệp vi mô.

Nền kinh tế phụ thuộc vào SME

Khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) là trụ cột của nền kinh tế Malaysia, chiếm gần 1,2 triệu hoặc 97,2% tổng số doanh nghiệp vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 năm ngoái đã khiến hầu hết các MSME trở nên kém cạnh tranh hơn và cần được trao quyền. Nhiệm vụ chính của PEDi là cung cấp và trao quyền cho các doanh nghiệp nhỏ theo hướng số hóa đổi mới và cạnh tranh.

PEDi sẽ cung cấp nhiều chương trình khác nhau để giúp các doanh nhân nhỏ và hộ kinh doanh có thể bắt đầu hoạt động hoặc tăng nhu cầu đối với các sản phẩm hiện có của họ. Thủ tướng Malaysia tuyên bố "Chính phủ sẽ khuyến khích các doanh nhân hiện đại hóa doanh nghiệp của họ bằng cách sử dụng công nghệ tiên tiến và số hóa sẽ tạo cơ hội cho họ khám phá thị trường toàn cầu, từ đó duy trì hoạt động trong dài hạn".

"Để đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau trong làn sóng số hóa, chính phủ cùng với các doanh nghiệp đã cung cấp cơ sở hạ tầng, khuyến khích đổi mới và tạo ra một hệ sinh thái hoàn chỉnh để mọi người cùng đóng góp hướng tới một tiêu chuẩn cao hơn mà mỗi công dân Malaysia được hưởng", thông điệp từ Thủ tướng Malaysia.



(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO