Các gói kích thích số
Trong giai đoạn đầu, các quốc gia đưa ra các sáng kiến số hỗ trợ các chính sách ứng phó nhằm giải quyết các tác động tức thời đến sức khỏe, xã hội và kinh tế:
Y tế: Các dịch vụ y tế số bao gồm y tế từ xa, ứng dụng tự chẩn đoán và phổ biến thông tin sức khỏe cộng đồng (tin nhắn SMS hàng loạt, video phổ biến kiến thức).
Học trực tuyến: Các quốc gia đã có các sáng kiến bao gồm tăng lưu lượng truy cập Internet, xây dựng các nền tảng học tập điện tử cho sinh viên, học sinh và nhà giáo dục, cũng như hỗ trợ việc kết nối và thiết bị. Edutech triển khai công nghệ hỗ trợ học trực tuyến đang xuất hiện và phát triển nhanh chóng.
Các giải pháp làm việc từ xa cho các tổ chức công và tư: Một số nhà khai thác viễn thông đang cung cấp quyền truy cập miễn phí vào các hệ thống hội nghị và làm việc từ xa. Các chính phủ đã cải tiến việc sử dụng các dịch vụ điện tử để cung cấp cho người dân và doanh nghiệp.
Giao dịch số: Giao dịch số và mobile money để tạo thuận lợi cho các giao dịch không dùng tiền mặt và cho phép chuyển tiền bảo trợ xã hội từ chính phủ sang cá nhân. Các quốc gia đang phát triển đã tạm ngừng hoặc giảm phí và các chính phủ đã ban hành hướng dẫn khuyến khích sử dụng thanh toán di động.
Trong thời gian gần đây, các quốc gia đặc biệt tập trung vào các kênh tiềm năng để kết hợp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) và các dịch vụ số như một phần của nỗ lực khôi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19. Nhiều chính phủ đã tăng đầu tư vào lĩnh vực số từ trước cuộc khủng hoảng Covid-19, đến nay lại càng gia tăng hơn nữa, không chỉ hỗ trợ các ngành đang gặp khó khăn như khách sạn, du lịch và hàng không mà còn hỗ trợ các công nghệ kỹ thuật số và cơ sở hạ tầng đóng vai trò hỗ trợ cho toàn bộ nền kinh tế.
Cụ thể, các chính phủ đã sử dụng kết hợp đầu tư công, tài trợ của nhà nước và cải cách đối với đầu tư tư nhân để hỗ trợ ba nền tảng hồi phục số chính: tăng cường kết nối, củng cố cơ sở hạ tầng dữ liệu cốt lõi và tăng tốc đổi mới và số hóa nền kinh tế.
Tăng cường kết nối: Ngoài việc tăng cường dung lượng băng thông rộng để đáp ứng nhu cầu gia tăng đối với các dịch vụ Internet trong thời gian phong tỏa, giãn cách, Úc đã có cam kết tài trợ lớn từ chính phủ để mở rộng việc truy cập Internet, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Các quốc gia khác như Trung Quốc và Hàn Quốc đã đẩy mạnh hỗ trợ triển khai mạng 5G trên toàn quốc thông qua các ưu đãi đầu tư công và thuế/phí.
Củng cố cơ sở hạ tầng dữ liệu cốt lõi: Đầu tư vào các giải pháp số để lưu trữ, tính toán và bảo vệ dữ liệu lớn được đưa vào các gói kích thích kinh tế. Ví dụ, Chính phủ Trung Quốc công bố sẽ chi 1.400 tỉ đô la Mỹ cho cơ sở hạ tầng mới của mình, bao gồm đầu tư công trực tiếp vào các trung tâm dữ liệu và trạm sạc xe điện; trí tuệ nhân tạo (AI) và giải pháp Internet vạn vật; và mở rộng lưới điện siêu cao áp.
Gói kích thích công nghệ dành cho mục đích chung này có quy mô gấp ba lần các hỗ trợ phúc lợi xã hội và sức khỏe của quốc gia (500 tỉ đô la Mỹ). Hàn Quốc thì có các khoản đầu tư cho việc đào tạo 100.000 chuyên gia về ứng dụng và sử dụng AI, tăng cường an ninh mạng (ví dụ, phát triển các doanh nghiệp an ninh AI và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc chống lại các mối đe dọa mạng).
Tăng tốc số hóa nền kinh tế: Nhiều gói kích thích bao gồm hỗ trợ cho việc số hóa các doanh nghiệp nhỏ và vừa và các dịch vụ của chính phủ, việc làm xanh và/hoặc đầu tư vào đổi mới sáng tạo và R&D (nghiên cứu, phát triển) để xây dựng một hệ sinh thái định hướng số. Ví dụ, Đức đầu tư giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, đổi mới và công nghệ số, bao gồm đầu tư công và khu vực tư nhân tài trợ cho cơ sở hạ tầng sạc điện tử (e-charging), các dự án AI và các dịch vụ chính phủ điện tử.
Một số quốc gia bao gồm Singapore, Malaysia và Israel đã mở rộng hỗ trợ tài chính và nguồn lực cho các doanh nghiệp để áp dụng các quy trình và công nghệ kỹ thuật số. Chẳng hạn Singapore đã phân bổ 353 triệu đô la trực tiếp để giúp các doanh nghiệp trong nước đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số thông qua việc áp dụng công nghệ mới.
Từ kinh nghiệm các nước đã triển khai các gói kích thích số cho kinh tế, một số hàm ý rút ra cho các quốc gia khác, đặc biệt là các nước đang phát triển như sau:
Thứ nhất, các nước đang phát triển với nguồn lực tài chính hạn chế cần có ưu tiên vào các khu vực nhất định. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ và dịch vụ kỹ thuật số không chỉ giúp các quốc gia chuẩn bị trước những cú sốc trong tương lai (tương tự như dịch Covid-19) mà còn giúp chính phủ xác định được con đường thúc đẩy tăng trưởng bao trùm. Các hỗ trợ cụ thể của chính phủ và thiết kế chính sách sẽ phụ thuộc vào bối cảnh cụ thể của từng quốc gia như mức độ phát triển hệ sinh thái số hiện tại, khả năng cạnh tranh và năng lực sản xuất của khu vực tư nhân, và thể chế ở mỗi quốc gia.
Thứ hai, sự hiện diện của chính phủ ở các lĩnh vực này cũng có những rủi ro nhất định. Chẳng hạn như các khoản đầu tư của chính phủ có thể lấn át khu vực tư, méo mó trong phân bổ nguồn lực có thể cản trở hiệu ứng lan tỏa đến thị trường lao động, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (đặc biệt là các quốc gia có khu vực phi chính thức cao).
(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM