Bộ trưởng Tô Lâm: An ninh mạng phải là động lực tạo ra tăng trưởng kinh tế

09/09/2023, 10:55

Mỗi một cuộc cách mạng công nghiệp mới sẽ tạo ra cơ hội cho một số ít những nước bứt phá, trở thành những nước phát triển, nhưng không phải tất cả. An ninh mạng và Hiệp hội An ninh mạng quốc gia phải là động lực tạo ra tăng trưởng kinh tế của đất nước…

Chiều 8/9, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đã diễn ra tại Hà Nội. Đại hội có sự tham dự của gần 200 đại biểu là hội viên Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia, học giả uy tín trong lĩnh vực an ninh mạng.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo An toàn, An ninh mạng quốc gia do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban, Bộ Công an đã xúc tiến hoạt động thành lập Hiệp hội An ninh mạng quốc gia. Ngày 8/5/2023, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 340/QĐ-BNV cho phép thành lập Hiệp hội An ninh mạng quốc gia. Theo đó, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công dân và tổ chức Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực an ninh mạng.

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết tình hình an toàn, an ninh mạng thời gian qua diễn biến phức tạp, trong bối cảnh cách mạng khoa học, công nghệ tiếp tục phát triển nhanh, mạnh, trong khi sự phát triển trong nước chưa theo kịp, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trên lĩnh vực an ninh mạng diễn ra gay gắt, quyết liệt hơn, tác động sâu sắc tới tình hình an ninh chính trị toàn cầu, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trong công tác bảo đảm chủ quyền, an ninh, lợi ích quốc gia trên không gian mạng.

Để giải quyết được những thách thức này, theo Bộ trưởng Tô Lâm, chỉ cơ quan nhà nước là chưa đủ, phải có sự chung tay, tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Do đó, vấn đề đặt ra là tập trung xây dựng, triển khai nhiệm vụ, giải pháp để an ninh mạng và Hiệp hội An ninh mạng quốc gia thực sự trở thành động lực chính cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc…

Theo Bộ trưởng Lâm, sau gần 30 năm hình thành và phát triển ở Việt Nam, không gian mạng, không gian chiến lược mới đã trở thành một trong những động lực đóng góp quan trọng trong nền kinh tế, đồng thời cũng gánh vác sứ mệnh nâng cao vị thế quốc gia.

Doanh thu năm 2022 của các ngành công nghệ thông tin đã đạt 148 tỷ USD. Tổng cộng nguồn nhân lực trên 1,2 triệu người, gấp trên 300 lần doanh thu và gấp 240 lần về quy mô nguồn nhân lực so với 30 năm trước.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Trong tương lai không xa sẽ có những cuộc chuyển dịch từ chủ quyền lãnh thổ sang chủ quyền mạng, từ kiểm soát lãnh thổ sang kiểm soát không gian mạng, từ công nghệ thông tin sang công nghệ số, từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số, từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số, từ gia công phần mềm sang làm chủ, tự chủ về công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, từ chiếm lĩnh thị trường trong nước sang thâm nhập thị trường quốc tế.

Chuyển đổi số cũng đang diễn ra mạnh mẽ, góp phần thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao giá trị cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Không gian mạng với các sản phẩm dịch vụ của Việt Nam đang ngày càng trưởng thành hơn. Các sản phẩm dịch vụ công nghệ thông tin, an ninh mạng của các doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước cũng như quốc tế. Tương lai, vị trí, vai trò của công nghệ thông tin và không gian mạng ngày càng quan trọng và giữ vị thế chủ đạo. Điều đó cho thấy thị trường an ninh mạng rất lớn, đa dạng, thiết thực.

“Cần khẳng định rằng, việc giải quyết được các vấn đề về nguy cơ thách thức từ không gian mạng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân lớn mạnh, chiếm lĩnh thị trường, thúc đẩy làm chủ, tự chủ được những sản phẩm dịch vụ và công nghệ an ninh mạng”, ông Lâm khẳng định, và cho rằng an ninh mạng và Hiệp hội An ninh mạng quốc gia phải là động lực tạo ra sự tăng trưởng kinh tế của đất nước, trên cơ sở giải quyết những khó khăn cho quốc gia, doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng không gian mạng đang chứa ẩn nhiều nguy cơ, thách thức, trong đó có nguy cơ đối với sự bảo đảm an ninh mạng và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Nổi lên, có một số thách thức như chưa có sự đồng bộ, thống nhất về sự tham gia của các doanh nghiệp trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, lợi ích an ninh quốc gia, sẵn sàng đối phó với các thách thức từ không gian mạng.

Điều này ảnh hưởng tới công tác quy hoạch, hoạch định các chính sách pháp luật, thực thi một cách đồng bộ, có hệ thống các giải pháp đảm bảo an ninh mạng. Trong thời đại hiện nay, với trọng tâm là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, không gian mạng không chỉ là môi trường để bảo vệ mà còn là yếu tố mở rộng phạm vi, chủ quyền, lợi ích an ninh quốc gia.

Bên cạnh đó, tình hình tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, gây thiệt hại rất lớn cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

“Chỉ tính riêng từ đầu 2023 đến nay, Bộ Công an đã xử lý gần 800 vụ việc, với tổng số tiền thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Hoạt động của các sàn giao dịch tiền ảo, tiền mã hóa trở nên phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố vi phạm pháp luật, thu hút số lượng lớn người tham gia, số lượng tiền giao dịch lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi tháng. Những nguy cơ, thách thức đó là thường trực, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức và áp lực rất lớn đối với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc an ninh mạng quốc gia”, theo Bộ trưởng Tô Lâm.

Cũng theo Bộ trưởng Tô Lâm, trong tương lai không xa sẽ có những cuộc chuyển dịch từ chủ quyền lãnh thổ sang chủ quyền mạng, từ kiểm soát lãnh thổ sang kiểm soát không gian mạng, từ công nghệ thông tin sang công nghệ số, từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số, từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số, từ gia công phần mềm sang làm chủ, tự chủ về công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, từ chiếm lĩnh thị trường trong nước sang thâm nhập thị trường quốc tế.

Các đại biểu tham dự Đại hội toàn quốc lần thứ nhất của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia chụp ảnh lưu niệm.

Bởi vậy, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia và các tổ chức, doanh nghiệp thành viên cần bắt kịp sự chuyển dịch này để có những khởi tạo mới về định hướng. “Tại thời đại không gian mạng, an ninh mạng giữ vai trò quan trọng như tấm khiên, lá chắn, thanh gươm để bảo vệ sự phát triển bền vững. Do đó, cả 3 yếu tố về: công nghệ, nhân tài và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực an ninh mạng lại càng có ý nghĩa quyết định”, ông Lâm nói.

Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia và các thành viên cần thống nhất nhận thức, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước về an ninh mạng thời gian qua; ngoài việc phải đánh giá toàn diện tình hình, kết quả thực hiện công tác thực tiễn, còn phải bám sát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư trên các lĩnh vực có liên quan.

Đồng thời, Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia phải đề ra sứ mệnh và tầm nhìn phù hợp với thời đại. Theo Bộ trưởng Tô Lâm, sứ mệnh và tầm nhìn phù hợp của Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia không chỉ là tạo ra lợi nhuận kinh tế, không chỉ là bảo vệ lợi ích của các thành viên, mà phải hướng tới mục tiêu cao cả hơn là trở thành động lực chính cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kiến tạo nên nền công nghiệp an ninh mạng Việt Nam, hình thành thị trường an ninh mạng có giá trị cao trên bản đồ quốc tế, tạo ra những tập đoàn, công ty có năng lực mạnh về an ninh mạng được thế giới công nhận, chuyển đổi từ việc gia công, đại lý sang làm chủ, tự chủ về công nghệ, sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng.

Thượng tướng Lương Tam Quang làm Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng quốc gia

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng trao quyết định thành lập Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho Thượng tướng Lương Tam Quang.

Đại hội lần thứ nhất của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đã thông qua chương trình, phương hướng hoạt động, điều lệ và đề án tổ chức nhân sự của hiệp hội nhiệm kỳ I (2023-2028).

Đại hội cũng đã bầu ra Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra, Ban Thường vụ Hiệp hội, một số chức danh lãnh đạo và thông qua Nghị quyết Đại hội lần thứ nhất. Theo đó, Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng quốc gia là Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an.

Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội là Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an).

Các Phó Chủ tịch gồm: Ông Đặng Hoàng An - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Đại tá Tào Đức Thắng - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel); Ông Tô Dũng Thái - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT); Phó Giáo sư - Tiến sỹ Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FPT; ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Điều hành Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC.

Tổng thư ký Hiệp hội là Thượng tá Nguyễn Bá Sơn - Trưởng phòng Cục An ninh Mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an); Phó Tổng thư ký, Chánh Văn phòng bao gồm ông Vũ Duy Hiền - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ An ninh Mạng Quốc gia Việt Nam (NCS) kiêm Chánh Văn phòng và Thiếu tá Đào Đức Triệu - Cán bộ Cục An ninh Mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an).

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO