Quy định cần sửa đổi cho phù hợp với thực tế
Theo đó, phương án thứ nhất, cơ sở đào tạo lái xe xây dựng chương trình đào tạo không tập trung hoặc tập trung đối với người học nội dung lý thuyết các hạng A1, A2, A3, A4 (giấy phép lái xe máy), B1 (giấy phép lái ôtô không kinh doanh vận tải). Với các hạng B2, C, D, E và hạng F (giấy phép lái xe con, xe tải kinh doanh vận tải), cơ sở đào tạo sẽ xây dựng chương trình đào tạo tập trung. Phương án thứ hai là cơ sở đào tạo xây dựng chương trình học lý thuyết kết hợp trực tiếp và học qua phần mềm trực tuyến với các hạng giấy phép lái xe.
Theo đại diện Cục Đường bộ Việt Nam, hiện nay việc học trực tuyến phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ, tạo thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, Luật Giao thông đường bộ quy định học lý thuyết từ hạng B2 trở lên theo hình thức tập trung. Vì thế, quy định này cần được sửa cho phù hợp thực tế. Về thực hành lái xe, Cục Đường bộ Việt Nam đã xây dựng theo hướng người học được xét cấp chứng chỉ đào tạo thay cho việc kiểm tra, cấp chứng chỉ đào tạo.
Với thực hành lái xe trong sân, người học cần đảm bảo thời gian học theo quy định (41h đối với hạng B2) và 50% số km. Hiện nay người học cần đủ thời gian và đủ 100% số km. Với học lái xe trên đường, học viên cần đảm bảo đủ số km, tối thiểu 50% thời gian (quy định hiện nay đủ số km và 100% thời gian).
Hồi tháng 4, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT sửa đổi Thông tư 12/2017. Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội, nhiều cơ sở đào tạo lái xe kiến nghị cho phép học viên được lựa chọn học lý thuyết trực tiếp hoặc tự học. Bởi đa số người học trong độ tuổi lao động đang làm việc tại các cơ quan công sở, doanh nghiệp và trường học, quỹ thời gian rất eo hẹp. Trong khi đó đào tạo online, tự học là xu thế của thời đại khoa học công nghệ.
Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cũng chỉ ra một số nội dung đào tạo không phù hợp, như môn Cấu tạo và Sửa chữa thông thường. Người học lái xe là để thành thục kỹ năng điều khiển phương tiện, không cần thiết phải nghiên cứu sâu về cấu tạo xe. Môn này nên được rút gọn thành "Hướng dẫn sử dụng và Sửa chữa thông thường". Hiệp hội đề xuất đưa môn Nghiệp vụ vận tải ra ngoài chương trình đào tạo lái xe, bởi vì có trên 80% người học lái xe không hành nghề vận tải. Quy định cứng như hiện nay sẽ lãng phí thời gian và nguồn lực xã hội. Môn Đạo đức, văn hóa giao thông và phòng chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông có nội dung trùng lặp với môn Pháp luật giao thông đường bộ. Hiệp hội cũng đề nghị thực hành lái xe trong hình và đường trường tổng cộng là 38h để rút ngắn khoảng cách về số giờ thực hành trong đào tạo lái xe giữa các nước trong khu vực.
Nâng cấp thiết bị giám sát chống gian lận trong đào tạo lái xe
Trước đó, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng quản lý phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) cũng cho biết, Cục sẽ nâng cấp, bổ sung tính năng phân tích dữ liệu DAT, tự động phát hiện phiên học có dấu hiệu bất thường, cảnh báo trên hệ thống để các Sở GTVT kiểm tra, xử lý. Hệ thống sẽ ngăn chặn việc can thiệp vào phần mềm để gian lận thời gian và quãng đường học thực hành lái xe; cảnh báo các phiên học vi phạm hoặc khuôn mặt học viên không xác thực.
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, thời gian qua, các cơ sở đào tạo khá lúng túng trong truyền dữ liệu DAT và hướng dẫn giáo viên vận hành. Cũng có thời điểm thiết bị này cũng hoạt động chưa ổn định, quá trình truyền dữ liệu từ xe tập lái về máy chủ quản lý của cơ sở đào tạo có lúc bị gián đoạn. Do đó, Cục yêu cầu các đơn vị bố trí đủ cán bộ am hiểu công nghệ thông tin để sử dụng thiết bị hiệu quả.
Đối với các trung tâm đào tạo lái xe nghi có sai phạm khi thanh kiểm tra, Cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu các sở giao thông vận tải kiểm tra từng trường hợp học viên, chủ động chuyển thông tin cho công an xem xét xử lý. DAT là thiết bị tập hợp thông tin về định danh và quá trình học thực hành lái xe trên đường của học viên, được truyền từ máy chủ của cơ sở đào tạo về máy chủ của các cơ quan quản lý. Nhờ thiết bị giám sát, cơ quan quản lý giảm kiểm tra trực tiếp, trong khi vẫn kiểm soát được tuyến đường đào tạo lái xe, xác định học viên hoàn thành quãng đường và thời gian thực hành. Đây cũng là căn cứ cho phép học viên dự kỳ sát hạch để cấp giấy phép lái xe.