Quản lý sử dụng dịch vụ internet: Cân bằng giữa thực thi pháp luật và phát triển công nghiệp số

09/09/2023, 10:55

Việc phát triển các công cụ để tuân thủ nghĩa vụ được đề xuất trong dự thảo sẽ tạo ra chi phí hoạt động đáng kể cũng như những thách thức về nguồn lực, gây khó khăn cho các nền tảng nước ngoài trong việc tiếp tục đầu tư vào thị trường Việt Nam…

Bộ Thông tin và Truyền thông hiện đang xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP.

Theo đó, dự thảo đề xuất bổ sung một số nội dung như: bổ sung quy định xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội qua số điện thoại di động tại Việt Nam; quy định tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cung cấp thông tin trên mạng phải thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến an ninh quốc gia khi có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bổ sung quy định khóa tài khoản trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung. Bổ sung biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ internet đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật; bổ sung quy định về quản lý livestream; bổ sung quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của người dùng mạng xã hội…

LÀM GIA TĂNG CHI PHÍ TUÂN THỦ

Tại hội thảo “Góp ý dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng” ngày 8/9, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng Việt Nam là nước có độ phủ internet cao, khoảng 70% dân số Việt Nam sử dụng internet. Song việc sử dụng internet cũng rất dễ xảy ra các hành vi tiêu cực, lan truyền nhanh nên cần có cơ chế kiểm soát. Nhưng vấn đề quản lý như thế nào, nếu quản lý không khéo, quá chặt cũng sẽ ảnh hưởng tới phát triển kinh tế số hiện nay.

Quản lý sử dụng dịch vụ internet: Cân bằng giữa thực thi pháp luật và phát triển công nghiệp số  - Ảnh 1

Góp ý tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), cho biết dự thảo đặt ra các nghĩa vụ mới đối với doanh nghiệp viễn thông, cho thuê chỗ lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam, như: giám sát, thu thập, phát hiện thông tin vi phạm pháp luật trên hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng của doanh nghiệp; ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung trên mạng vi phạm pháp luật chậm nhất không quá 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông; báo cáo ngay cho Bộ Thông tin và Truyền thông bằng văn bản, điện thoại hoặc thư điện tử chậm nhất là 24 giờ kể từ khi tự phát hiện hoặc nhận được phản ánh, khiếu nại từ người dùng…

Theo ông Đồng, quy định như vậy tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp viễn thông, cho thuê chỗ lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam. Làm gia tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp Việt Nam do phải bố trí nhân sự chịu trách nhiệm giám sát, thu thập, phát hiện thông tin vi phạm pháp luật trên hạ tầng kĩ thuật của mình; phải thiết kế quy trình nhận phản ánh, khiếu nại của người dùng về nội dung vi phạm pháp luật; phải thực hiện đăng kí lại hợp đồng mẫu cung cấp dịch vụ truy nhập internet.

Mặt khác, còn tác động đến mô hình kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam. Bởi theo dự thảo, doanh nghiệp phải giám sát, phát hiện thông tin vi phạm pháp luật trên hạ tầng kĩ thuật của mình, dẫn đến khả năng doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm liên đới với người dùng dịch vụ trong trường hợp người dùng dịch vụ đăng tải thông tin vi phạm pháp luật nhưng doanh nghiệp không phát hiện ra hoặc nhận biết được nội dung đó vi phạm pháp luật.

Thêm nữa, việc chủ động phát hiện và xác định nội dung vi phạm pháp luật đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư thêm nguồn lực để thực thi nghĩa vụ, bởi doanh nghiệp không có nghiệp vụ của cơ quan tư pháp để xác định thông tin nào là loại thông tin vi phạm pháp luật, không có nghiệp vụ của cơ quan điều tra để giám sát, thu thập bằng chứng về thông tin vi phạm pháp luật.

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng IPS phát biểu tại hội thảo.
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng IPS phát biểu tại hội thảo.

Đặc biệt, ông Đồng nhấn mạnh, những quy định trong dự thảo khác biệt với thông lệ quốc tế. Theo thông lệ quốc tế, doanh nghiệp viễn thông, cho thuê chỗ lưu trữ dữ liệu được hưởng nguyên tắc “safe harbor” – “Bến cảng an toàn”. Theo đó, doanh nghiệp không có trách nhiệm giám sát thông tin của người dùng trên hệ thống của mình. Nguyên tắc này được ghi nhận trong Đạo luật Viễn thông của Hoa Kỳ, Đạo luật Dịch vụ số của Liên minh châu Âu.

Về vấn đề này, TS. Lưu Hương Ly, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cũng cho rằng quy định giám sát thông tin trên mạng của dự thảo chưa phù hợp với quy định về miễn trừ trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định tại Điều 198b Luật Sở hữu trí tuệ. Theo đó: “Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian được miễn trừ trách nhiệm pháp lý theo quy định tại khoản 3 Điều này không phải tự giám sát dịch vụ của mình hoặc chủ động tìm kiếm các bằng chứng chỉ ra hành vi xâm phạm”.

MỘT SỐ YÊU CẦU KHÔNG THỰC TẾ

Đối với các nghĩa vụ về nội dung: gỡ bỏ, tạm khóa, giám sát, rà quét, chặn lọc, tạm khoá nội dung, tài khoản… ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc Điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN cho rằng khả năng truy cập là một vấn đề quan trọng.

"Cần phải chống lại việc điều chỉnh hoặc chặn internet và nguyên tắc thông tin có thể di chuyển qua biên giới một cách tự do, an toàn như một phần của internet toàn cầu phải là cốt lõi của một quy định công bằng. Việc chặn nội dung mà không có hướng dẫn rõ ràng, không xét đến bản chất toàn cầu của internet, có nguy cơ cô lập Việt Nam khỏi cuộc xu hướng internet mở toàn cầu, với cái giá phải trả về kinh tế và xã hội", ông Đồng cảnh báo.

Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc Điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN phát biểu tại hội thảo.
Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc Điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN phát biểu tại hội thảo.

Các yêu cầu tạm khoá và khoá vĩnh viễn các tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung, chặn và gỡ bỏ ứng dụng là quá nhiều và không khả thi về mặt vận hành. Dự thảo mới cũng đã mở rộng cơ sở pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp quản lý thông tin để điều chỉnh mọi hành vi “vi phạm pháp luật Việt Nam”. Điều này gây gánh nặng lớn cho doanh nghiệp và có thể cản trở mục tiêu của Chính phủ trong việc xử lý nội dung bất hợp pháp.

Ngoài ra, dự thảo duy trì một số nghĩa vụ khác mà các công ty đơn giản không thể tuân thủ và có thể khiến các công ty buộc phải thực hiện cách tiếp cận quá thận trọng và xóa nhiều nội dung hơn. Ví dụ: thời gian thực hiện ngắn trong 3 giờ hoặc 24 giờ đối với các yêu cầu gỡ bỏ nội dung của cơ quan quản lý, xóa ứng dụng, hạn chế đối với các dịch vụ tạo doanh thu, yêu cầu đối với các nền tảng xuyên biên giới phải có bộ phận chuyên trách xử lý các yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam… không thực tế và không khả thi.

Việc phát triển các công cụ để tuân thủ các nghĩa vụ được đề xuất này sẽ tạo ra chi phí hoạt động đáng kể và những thách thức về nguồn lực, có thể gây khó khăn cho các nền tảng nước ngoài trong việc tiếp tục đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Ông Đậu Anh Tuấn Phó Tổng thư ký VCCI cho rằng các quy định cần đề ra theo hướng cân bằng, vừa đảm bảo vai trò quản lý của Nhà nước, vừa đảm bảo ngành công nghiệp số phát triển.

Vẫn còn những quy định đang đặt ra lo ngại dẫn đến “bảo hộ ngược”, tạo gánh nặng về chí phí tuân thủ cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đặt trụ sở tại Việt Nam, trong khi chưa thể quản lý được các doanh nghiệp xuyên biên giới.

Với các quy định như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ trở nên kém cạnh tranh hơn, gây ra hiện tượng các doanh nghiệp trong nước phải ra nước ngoài thành lập doanh nghiệp, tạo hiệu ứng không tốt cho kinh tế Việt Nam.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO