Báo chí và truyền thông: Thách thức và giải pháp trong xu thế phát triển kinh tế số

06/07/2021, 10:31

Phát triển kinh tế số đang là một xu thế và là động lực thúc đẩy kinh tế toàn cầu. Lĩnh vực kinh tế số chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong GDP toàn cầu. Nhiều quốc gia đã hình thành các chiến lược thúc đẩy phát triển kinh tế số, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung này. Trong bối cảnh đó, vấn đề chuyển đổi số đang là yêu cầu tất yếu, là cơ hội, điều kiện phát triển, đồng thời cũng là thách thức của lĩnh vực báo chí và truyền thông.

Kinh tế số và báo chí, truyền thông

Kinh tế số về bản chất là toàn bộ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số và phát triển kinh tế số là sử dụng công nghệ số và dữ liệu số để tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Trong nền kinh tế số, nền tảng số và dữ liệu số là hai động lực chính. Nền tảng số chính là cơ sở hạ tầng mở, là trung gian kết nối cho phép nhà sản xuất và người dùng tương tác trực tuyến với nhau. Dữ liệu số ví như “nhiên liệu” của nền kinh tế số. Dữ liệu số là cốt lõi của tất cả các công nghệ số, chẳng hạn như phân tích dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo AI, Chuỗi khối blockchain, Internet kết nối vạn vật IoT, điện toán đám mây và tất cả các dịch vụ dựa trên Internet.

Phát triển kinh tế số không đơn thuần là xu thế mới mà còn là mô hình kinh doanh mới, mở ra cơ hội lao động, việc làm và thu nhập cho người dân, doanh nghiệp và quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ cuộc sống. Hơn nữa kinh tế số cũng giúp tăng trưởng bền vững hơn, do sử dụng nguồn tài nguyên mới-tài nguyên số, và chính công nghệ số sẽ cho chúng ta những giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn đối với việc sử dụng tài nguyên, xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường. Kinh tế số cũng là phương cách cho phát triển rút ngắn, tạo điều kiện các quốc gia đi tắt đón đầu trong tiến trình phát triển.

Tháng 9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2025, nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt 20% GDP, phát triển được một cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lớn mạnh. Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chính phủ điện tử, đến năm 2025 kinh tế số chiếm 20% GDP, trong đó tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP và tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%.

Hiện Việt Nam đang hoàn thiện Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số, dự kiến hoàn thành trong tháng 8/2021. Như vậy có thể thấy, Việt Nam đang đi cùng thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cách mạng chuyển đổi số và có cơ hội lớn để bứt phá, vươn lên.

Diễn đàn cấp cao Công nghệ Thông tin - Truyền thông Việt Nam 2019 với chủ đề “Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường” được tổ chức tại Hà Nội, ngày 8/8/2019_Ảnh: TTXVN

Trong xu thế quá độ sang phát triển nền kinh tế số, nhiệm vụ của báo chí truyền thông đòi hỏi phải phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực, các mô hình và kinh nghiệm tốt, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, khơi dậy khát vọng phát triển để Việt Nam bứt phá vươn lên. Chuyển đổi số là phương cách để báo chí và truyền thông hòa nhịp trong xu thế phát triển, đồng thời sẽ mở ra cơ hội cho thực hiện tốt các chức năng vốn có của mình.

Chuyển đổi số về tổng thể là quá trình thay đổi toàn diện của các cá nhân và tổ chức về cách sống, làm việc và phương thức sản xuất trên môi trường số với các công nghệ số. Các mô hình và quá trình kinh doanh số sẽ tái cấu trúc nền kinh tế nói chung và từng lĩnh vực đời sống xã hội nói riêng, trong đó có lĩnh vực báo chí và truyền thông.

Chuyển đổi số, một mặt vừa là quá trình chuyển đổi ở cấp độ hệ thống nhằm thay đổi hành vi trên quy mô lớn, mặt khác, ở cấp độ doanh nghiệp chuyển đối số có nghĩa là tích hợp các giải pháp số vào tất cả các lĩnh vực của doanh nghiệp, thay đổi sâu sắc phương cách vận hành của doanh nghiệp bằng cách tạo ra các quy trình kinh doanh mới, trải nghiệm khách hàng và văn hóa tổ chức. Nó không chỉ tái tạo lại những phương pháp truyền thống mà còn sáng tạo những phương pháp mới để đáp ứng những kỳ vọng thay đổi của thị trường.

Nói cách khác, chuyển đổi số không chỉ là sự thay đổi trong các giải pháp công nghệ hay quy trình hoạt động của một doanh nghiệp, một chủ thể trên thị trường, mà còn là sự thay đổi về văn hóa, đòi hỏi các chủ thể trên thị trường phải tái tạo lại mô hình tổ chức kinh doanh. Bản chất của chuyển đổi số là sáng tạo.

Trong lĩnh vực báo chí và truyền thông, chuyển đổi số chính là việc sử dụng các công cụ, giải pháp công nghệ số để đổi mới mô hình, cách thức tác nghiệp, sản xuất và phân phối nội dung theo hướng tối ưu hóa mô hình tổ chức hoạt động của các cơ quan báo chí và truyền thông; tạo ra những sản phẩm, cơ hội, doanh thu và giá trị mới. Hướng của chiến lược chuyển đổi số trong lĩnh vực này là thay đổi cách làm báo trên môi trường số; hình thành một số cơ quan báo chí, xuất bản chủ lực; xây dựng kênh truyền hình quốc tế; thực hiện quản lý các nền tảng mạng xã hội và quảng cáo xuyên biên giới, trọng tâm là hoàn thiện thể chế.

Báo chí và truyền thông: Thách thức và giải pháp trong xu thế phát triển kinh tế số

Thách thức đối với báo chí và truyền thông

Thứ nhất, về đổi mới quy trình sáng tạo sản phẩm và dịch vụ báo chí, truyền thông hiệu quả trên nền tảng số. Trong sáng tạo các sản phẩm và dịch vụ báo chí vốn đã hình thành quy trình có tính chất truyền thống đối với các thể loại báo chí, từ báo in, báo nói, báo hình đến báo điện tử. Với việc áp dụng công nghệ mới như: dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… sẽ làm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa hoạt động báo chí và truyền thông.

Công nghệ số có thể hình dung bằng khái niệm “Tòa soạn không giấy”. Như vậy, khi ứng dụng công nghệ số sẽ xóa nhòa khoảng cách giữa các phòng ban trong cơ quan báo chí và truyền thông, tăng cường sự minh bạch và hiệu quả trong hệ thống quản trị nội bộ, tối ưu hóa năng suất phóng viên, biên tập viên, kết quả sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh.

Tất nhiên khi ứng dụng công nghệ này cần hiện đại hóa không chỉ hạ tầng cứng mà cả hạ tầng mềm, đó là nguồn nhân lực, cũng như năng lực quản trị trước thách thức tấn công mạng gây tổn hại các nguồn tài nguyên. Bởi khi ứng dụng công nghệ mới toàn bộ nghiệp vụ cơ quan báo chí được đưa lên môi trường số. Trong xu hướng chuyển đổi số, nhiều hình thức thể hiện tin tức đã ra đời.

Các công nghệ mới đang phát triển như AR, VR, ảnh 360, video 360,... đã tạo ra những sản phẩm tin tức độc đáo, hấp dẫn người xem được các mạng xã hội thể hiện, trong khi hệ thống báo chí của ta chuyển đổi còn chậm. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến thu hút sự quan tâm của công chúng và đương nhiên không chỉ ảnh hưởng đến nhiệm vụ thông tin tuyên truyền, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh. Bởi trong kinh tế báo chí nhu cầu công chúng chính là thị trường.

Kinh tế chia sẻ là một đặc trưng của kinh tế số

Thứ hai, định hình mô hình kinh doanh phù hợp với đặc điểm và nguồn lực của mỗi chủ thể cũng như phù hợp với xu thế phát triển kinh tế số. Với sự hội tụ của kỹ thuật số, sự phát triển vô cùng mạnh mẽ của Internet và sự ra đời của hàng loạt công nghệ truyền thông mới không chỉ ảnh hưởng to lớn đến cách thức sản xuất và phát hành nội dung báo chí, mà nó còn đang tái định hình toàn bộ nguyên lý kinh tế của ngành công nghiệp truyền thông.

Với kinh tế báo chí truyền thống, mô hình kinh doanh dựa trên quảng cáo và phát hành được xem là hai trụ cột chính, trong xu thế mới, xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh dựa trên các nền tảng khác nhau. Hoạt động kinh doanh trên các nền tảng mới không chỉ đưa lại lợi nhuận cho các chủ thể trên thị trường mà còn tạo lập các dịch vụ, lợi ích mới để thu hút công chúng. Cuộc cạnh tranh này đang rất quyết liệt, làm cho các mô hình kinh doanh truyền thống rơi vào tình trạng khó khăn. Kinh doanh qua quảng cáo trực tuyến của các đơn vị báo chí và truyền thông ở Việt Nam những năm gần đây giảm liên tục.

Với ứng dụng công nghệ mới đã xuất hiện rất nhiều mô hình kinh doanh báo chí và truyền thông mới như: đăng ký dài hạn, thương mại điện tử, dịch vụ CNTT… . Song, trong bước quá độ hiện nay lựa chọn mô hình kinh doanh nào để gia tăng nguồn thu là bài toán không hề đơn giản do hạn chế về năng lực của các chủ thể và sự phát triển chưa đồng bộ của thị trường báo chí và truyền thông ở Việt Nam.

Thứ ba, thách thức với người làm báo. Chuyển đổi số đang đặt ra đòi hỏi rất cao với người làm báo phải trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng công nghệ đi đôi với kiến thức chuyên môn để tác nghiệp một cách hiệu quả nhất, tin, bài, hình ảnh phục vụ tối đa cho mọi nền tảng công nghệ của toà soạn, từ báo giấy, báo điện tử, video cho truyền hình và audio cho phát thanh. Tuy nhiên, thực tế trong đa phần các cơ quan báo chí vẫn còn có sự phân biệt giữa phóng viên điện tử, báo in, báo nói và truyền hình.

Nhà báo đa năng, nhà báo thời công nghệ số giỏi cả chuyên môn, bản lĩnh và kỹ năng tác nghiệp môi trường số không nhiều. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh trong các cơ quan báo chí và truyền thông. Cũng do sự thiếu hụt nguồn lực, nhất là nguồn lực chất lượng cao khiến cuộc cạnh tranh tuyển dụng, thu hút nguồn lực trở thành thách thức thường trực không hề nhỏ với mọi cơ quan báo chí và truyền thông.

Kinh tế số tạo điều kiện các quốc gia đi tắt đón đầu trong tiến trình phát triển

Thứ tư, thách thức trong chiếm lĩnh và thỏa mãn nhu cầu thị trường. Có thể thấy, đây là một trong những thách thức quyết liệt nhất với hoạt động kinh tế báo chí và truyền thông trong kỷ nguyên số. Cơ sở cho phát triển kinh tế báo chí và truyền thông là công chúng, thị trường. Yêu cầu trước hết với các chủ thể là phải chiếm lĩnh được dung lượng thị trường đủ lớn. Đây là yêu cầu về tính quy mô trong hoạt động kinh tế.

Muốn vậy, phải nâng cao chất lượng và số lượng các sản phẩm và dịch vụ báo chí và truyền thông phù hợp với đặc điểm của từng thị trường. Trong bối cảnh chuyển đổi số, đây thực sự là một thách thức không hề nhỏ. Đây chính là hoạt động cạnh tranh nội dung thông tin. Có thể nói hiện nay mạng xã hội đang chiếm ưu thế về số lượng và tốc độ đưa tin. Để chiếm lĩnh được thị trường, ngoài việc phát huy ưu thế về độ tin cậy thông tin, báo chí và truyền thông cũng phải tìm đến chiến lược tận dụng và liên kết mạng xã hội.

Theo xu thế phát triển, nhu cầu công chúng ngày càng đa dạng và có khuynh hướng cá nhân hóa, nên thỏa mãn nhu cầu trở thành một thách thức đòi hỏi các đơn vị báo chí và truyền thông phải đầu tư nghiên cứu kịp thời sự phát triển và chuyển đổi đặc điểm của thị trường, tương ứng với các đặc thù của thị trường cần có chiến lược sản phẩm và phát hành phù hợp, nếu không sẽ thất bại. Mặt khác việc các nhân hóa cao cũng sẽ gây trở ngại cho việc chuyển đổi số toàn diện.

Thứ năm, thách thức trong quản lý nhà nước lĩnh vực báo chí và truyền thông.

Chính những thách thức trên đưa đến yêu cầu quản lý nhà nước về báo chí và truyền thông phải có sự đổi mới cả về nội dung và phương thức quản lý.

Với sự phát triển của báo chí và truyền thông trên cơ sở ứng dụng những thành tựu công nghệ mới đặt ra không ít vấn đề với hoạt động quản lý nhà nước.

Nhiều mô hình kinh doanh mới, phương thức và quy trình tác nghiệp mới, phương thức giao tiếp mới trên nền tảng công nghệ số khiến nội dung và phương thức quản lý truyền thống đôi khi không còn phù hợp, thậm chí cản trở sự phát triển của báo chí và truyền thông trong kỷ nguyên số.

Trình độ cán bộ quản lý cũng như không ít các quy định pháp lý tỏ ra bất cập, chẳng hạn quy định lưu chiểu, quy định quảng cáo trên môi trường mạng…

Bên cạnh đó nhiều mô hình kinh doanh mới, dịch vụ mới xuất hiện rất cần có quy định pháp lý mở đường cho hoạt động kinh doanh báo chí và truyền thông phát triển.

Diễn đàn "Chuyển đổi số và các mô hình kinh tế mới cho báo chí" được tổ chức tháng 7/2020

Thứ sáu, trong việc bảo đảm an ninh hoạt động báo chí và truyền thông.

Báo chí và truyền thông cung cấp các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ cho thị trường, thỏa mãn nhu cầu công chúng, qua đó thu về lợi nhuận. Các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ phải bảo đảm chất lượng, được phát hành hay cung cấp đến người tiêu dùng theo phương thức và thời gian hợp lý. Tuy nhiên, trong kỷ nguyên mới, với sự bùng nổ của mạng xã hội, đang kéo theo vấn nạn tin giả bùng phát.

Tin giả đôi khi không chỉ được lan truyền trên mạng xã hội mà còn do chính những cơ quan báo chí góp phần, khiến công chúng không thể phân định được sự thật, làm suy giảm lòng tin vào báo chí nói chung và đương nhiên dẫn đếm sụt giảm lượng phát hành, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các cơ quan báo chí và truyền thông.

Bên cạnh tin giả là vấn đề bản quyền. Với công nghệ mới việc sao chép và chỉnh sửa nội dung, hình ảnh trở nên đơn giản và thực tế tình trạng này diễn ra không phải đơn lẻ. Điều này gây thiệt hại cho tác giả, tạo tình trạng bất công bằng trong hoạt động kinh tế báo chí và truyền thông.

An ninh báo chí và truyền thông trong bối cảnh công nghệ mới phụ thuộc rất lớn vào hệ thống hạ tầng viễn thông. Toàn bộ tài nguyên của các cơ quan báo chí được đưa lên môi trường số, nếu như an toàn, an ninh mạng không được bảo đảm sẽ gây thiệt hại khôn lường. Đã không ít trường hợp thất thoát tài nguyên do hacker, do hệ thống an ninh mạng không đủ mạnh.

Thách thức bảo đảm an ninh hoạt động báo chí và truyền thông trong thời đại công nghệ số không chỉ ở vấn đề tin giả, vi phạm bản quyền hay bảo đảm an toàn mạng, mà quan trọng hơn là thách thức trong bảo vệ thị trường báo chí và truyền thông trước sự cạnh tranh thiếu công bằng của tác nhân bên ngoài, là hệ thống truyền thông và mạng xã hội xâm nhập, lấn át thị trường đẩy các cơ quan báo chí và truyền thông trong nước khỏi thị trường của chính mình.

Những điều cần biết về kinh tế số_Ảnh: TTXVN

Các giải pháp cơ bản

Một là, về mặt nhận thức, cần thấy chuyển đổi số nói chung và trong lĩnh vực báo chí và truyền thông nói riêng là con đường để báo chí và truyền thông phát triển trong kỷ nguyên số. Các đơn vị báo chí và truyền thông cần đẩy mạnh quá trình này, xem chuyển đổi số là chiến lược phát triển trọng tâm. Đương nhiên việc chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí và truyền thông không chỉ là công việc của các đơn vị báo chí và truyền thông, mà là công việc chung cả xã hội, từ các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chủ quản và cộng đồng xã hội, những đối tượng thụ hưởng sản phẩm và dịch vụ báo chí và truyền thông;

Hai là, hoàn thiện hệ thống thể chế nói chung, nhất là các thể chế liên quan đến hoạt động kinh doanh của báo chí và truyền thông trong môi trường số. Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực thể chế. Kinh doanh trên nền tảng số có những đặc điểm khác biệt, cần có quy định phù hợp, mở đường cho phát triển các mô hình mới, các dạng sản phẩm và dịch vụ mới, cũng như tạo cơ chế giao tiếp về nội dung, tài chính, quyền sở hữu tương thích trong môi trường số;

Báo chí di động là xu hướng mà các cơ quan báo chí hiện nay muốn bắt nhịp

Ba là, đổi mới phương thức quản trị tòa soạn theo mô hình tòa soạn hội tụ và chú trọng nghiên cứu nắm bắt xu thế thị trường để hình thành chiến lược kinh doanh. Đây là giải pháp tất yếu mà các cơ quan báo chí và truyền thông phải thực hiện trong xu thế phát triển mới hiện nay. Tất nhiên để có được tòa soạn hội tụ phải đầu tư nhân lực, nền tảng hạ tầng và cơ chế chính sách. Bên cạnh đó, nghiên cứu thị trường phải trở thành hoạt động chuyên nghiệp tạo cơ sở cho phát triển kinh tế báo chí và truyền thông.

Bốn là, đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực có chuyên môn, bản lĩnh đi liền nắm vững kỹ năng tác nghiệp trên môi trường số. Nguồn nhân lực là giải pháp quan trọng nhất bảo đảm cho thành công trong hoạt động kinh doanh của các cơ quan báo chí và truyền thông. Trong môi trường số, kể cả có phát minh về người máy cũng không thể thay thế hoàn toàn đội ngũ phóng viên báo chí. Tuy nhiên, phóng viên trong môi trường số đòi hỏi phải đa năng.

Do vậy cần phải đào tạo và đào tạo lại phóng viên để thỏa mãn các yêu cầu tác nghiệp trong môi trường số. Cần đổi mới cả nội dung đào tạo và phương pháp đào tạo gắn với yêu cầu tác nghiệp trong tòa soạn hội tụ. Đào tạo lý thuyết gắn liền với thực hành các kỹ năng tác nghiệp, thực hiện liên kết nhà trường với đơn vị báo chí và truyền thông, nơi sử dụng lao động; đào tạo kỹ năng chuyên môn đi liền với giáo dục đạo đức và trách nhiệm, sứ mệnh người làm báo.

Cùng với đào tạo phóng viên, các cơ quan báo chí và truyền thông cần xây dựng đội ngũ cộng tác viên. Cần có cơ chế chính sách để thu hút và khuyến khích đội ngũ cộng tác viên. Đây là nguồn lực rất quan trọng cho thành công trong hoạt động kinh doanh báo chí và truyền thông trong môi trường hiện nay.

Các phóng viên trong nước và quốc tế đưa tin phiên bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng_Ảnh: TTXVN

Năm là, khai thác các nguồn lực hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, bảo đảm an ninh và điều kiện tác nghiệp trên môi trường số. Việc bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động kinh doanh trong môi trường số, ngoài các quy định pháp luật, ý thức và trình độ phóng viên, hạ tầng công nghệ hiện đại là điều kiện không thể thiếu. Do vậy cần khai thác các nguồn lực, đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng đi liền với tận dụng, lựa chọn các đối tác có uy tín trong hoạt động bảo mật khi thuê hạ tầng.

Sáu là, hợp tác, liên kết trong hoạt động kinh doanh giữa các chủ thể trên thị trường báo chí và truyền thông. Đây là xu hướng tất yếu, bởi mỗi chủ thể trên thị trường đều có thế mạnh, yếu khác nhau, nên hợp tác khai thác thị trường trên cơ sở luật pháp quy định sẽ mở ra cơ hội thành công cho các chủ thể. Nhất là trong điều kiện khi mạng xã hội đang chiếm ưu thế về tần suất và tốc độ đưa tin hiện nay. Các cơ quan báo chí và truyền thông có thể hợp tác thông qua mạng xã hội để đưa các sản phẩm và dịch vụ báo chí đến công chúng, hay đưa tin bài trên nền tảng di động, qua đó quảng bá thương hiệu.

Trong xu thế phát triển kinh tế số, hoạt động báo chí và truyền thông cần hòa nhịp vào xu thế chung, thực hiện chuyển đổi số. Đây là chiến lược, là con đường phát triển tất yếu của các cơ quan báo chí và truyền thông trong kỷ nguyên số. Tất nhiên, trên con đường phát triển, hoạt động báo chí và truyền thông cần phải thực hiện nhiều giải pháp để vượt qua những thách thức đặt ra, nhằm đưa lại hiệu quả kinh doanh trong môi trường mới./.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO