Bắc Ninh: Chuyển đổi IPv6 phục vụ tốt nhu cầu người dân, doanh nghiệp

25/02/2022, 10:42

Với mục tiêu bảo đảm an toàn thông tin, phát triển hạ tầng số, phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp truy cập, sử dụng dịch vụ cơ quan Nhà nước, tỉnh Bắc Ninh triển khai kế hoạch chuyển đổi IPv6 gắn với quy hoạch nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, kết nối internet, cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công trực tuyến thống nhất, đồng bộ, hiện đại.

Chuyển đổi IPv6 góp phần bảo đảm các yêu cầu về an toàn thông tin, an ninh mạng, thúc đẩy phát triển chính quyền điện tử, thành phố thông minh.

IP (Internet Protocol) là địa chỉ số mà mọi thiết bị kết nối mạng đều có để chia sẻ dữ liệu với những thiết bị khác thông qua giao thức kết nối internet. Việc chuyển đổi địa chỉ IPv6 để sẵn sàng về công nghệ, bảo đảm tài nguyên cho quy hoạch hiện đại hóa hạ tầng, mạng lưới, dịch vụ đáp ứng các yêu cầu về an toàn thông tin, đồng thời phù hợp với sự phát triển bền vững của mạng internet và xu thế chung của thế giới, đáp ứng nhu cầu triển khai các dịch vụ mới, chất lượng cao.

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định, phát triển sử dụng tài nguyên số là một trong những giải pháp phát triển hạ tầng số, trong đó nêu rõ: “Chuyển đổi toàn bộ mạng Internet Việt Nam sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6)”; “dịch vụ trực tuyến của các cơ quan Nhà nước, báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, giáo dục, y tế, thương mại điện tử của Việt Nam sử dụng tên miền quốc gia (.vn)”.

Tháng 12-2020, UBND tỉnh có Quyết định Phê duyệt Đề án chuyển đổi IPv6 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT của các cơ quan Nhà nước, phục vụ việc phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. Phấn đấu đến đầu năm 2023, toàn bộ mạng lưới và dịch vụ Internet trên địa bàn tỉnh được chuyển đổi để hoạt động một cách an toàn, tin cậy với địa chỉ IPv6 (tương thích với công nghệ IPv6). Đưa các ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước phục vụ cho việc phát triển chính quyền điện tử, thành phố thông minh của tỉnh bảo đảm các yêu cầu về an toàn thông tin, an ninh mạng và đi đúng xu hướng công nghệ toàn cầu.

Việc chuyển đổi sang IPv6 được đánh giá là giải pháp phát triển bền vững cho các doanh nghiệp khi tiến vào kỷ nguyên 5G, kết nối internet vạn vật IoT, điện toán đám mây (cloud), thúc đẩy phát triển các công nghệ, nền tảng phục vụ chuyển đổi số... Bên cạnh đó, các dịch vụ mới như: Phương tiện giao thông tự lái, tự động hóa công nghiệp, thực tế ảo VR, chăm sóc sức khỏe thông minh, cloud… đều đòi hỏi yêu cầu kết nối lớn, chất lượng cao và nhanh hơn, có yêu cầu cao hơn về tự động hóa mạng, trí thông minh và việc kết nối dự đoán trải nghiệm người dùng. Đối với những yêu cầu đó, IPv6 đáp ứng đủ đặc tính cần thiết để kết hợp thêm với các công nghệ khác như trí tuệ nhân tạo (Al). Sự kết hợp này nhằm tạo ra các mạng IP thông minh thế hệ mới cho kỷ nguyên 5G và đám mây (ngôn ngữ công nghệ gọi là mạng “IPv6 +”), với sự đột phá như: tự động tối ưu định tuyến, dịch vụ; tự động vận hành và bảo dưỡng; tự động tối ưu hóa chất lượng, đảm bảo SLA, nhận thức về ứng dụng… 

Quá trình thực hiện đề án trên địa bàn tỉnh bảo đảm phù hợp tình hình thực tế, an toàn thông tin, an ninh mạng. Kế hoạch thực hiện phân chia 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 thực hiện các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức như tổ chức hội thảo, xây dựng bản tin, chuyên trang, chuyên đề về chuyển đổi IPv6; cung cấp các tin tức, hoạt động về chuyển đổi IPv6; tập huấn, đào tạo cán bộ kỹ thuật; quy hoạch địa chỉ IPv6 cho hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị; mua sắm bổ sung thiết bị, đường truyền.

Giai đoạn 2 - thử nghiệm kết nối, định tuyến; quảng bá vùng địa chỉ IPv6 của đơn vị trên Internet toàn cầu; yêu cầu doanh nghiệp viễn thông triển khai kết nối IPv6 với mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh; rà soát, nâng cấp, lập trình phần mềm bảo đảm hỗ trợ đồng thời IPv4/IPv6; thử nghiệm ứng dụng IPv6 tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh, hệ thống mạng LAN và Wifi kết nối Internet sử dụng IPv6 tại Sở Thông tin và Truyền thông; đánh giá sau thử nghiệm, rút kinh nghiệm trước khi triển khai chuyển đổi chính thức.

Giai đoạn 3 - chuyển đổi chính thức: Thực hiện cấu hình bổ sung thêm địa chỉ IPv6 cho Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh (hệ thống máy chủ và thiết bị lưu trữ, hệ thống Chính quyền điện tử tích hợp dịch vụ công trực tuyến, cổng thông tin điện tử của tỉnh, email, phần mềm ứng dụng nội bộ…). Chuyển đổi IPv6 kết nối WAN tới các cơ quan, đơn vị. Chuyển đổi IPv6 cho hệ thống phần mềm của các cơ quan chính quyền tại Trung tâm dữ liệu của tỉnh như: Hệ thống Quản lý cán bộ công chức viên chức, Phần mềm Quản lý dữ liệu ngành Giáo dục đào tạo, Hệ thống GIS ngành xây dựng... Nâng cấp các thiết bị máy tính cũ không còn phù hợp và chuyển đổi sang IPv6 tại các cơ quan, đơn vị sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã...

Theo ông Lại Hữu Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, hiện nay hạ tầng công nghệ thông tin tỉnh Bắc Ninh được quan tâm, đầu tư; 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và xã đã được trang bị máy tính, hệ thống internet và triển khai ứng dụng các phần mềm dùng chung, phần mềm chuyên ngành tại đơn vị. 100% cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã kết nối vào Mạng truyền số liệu chuyên dùng và mạng WAN nội tỉnh. Hầu hết các hệ thống phần mềm đều tương thích và hoạt động với địa chỉ IPv6. Về thiết bị mạng và an ninh mạng, 100% các đơn vị sở, ban, ngành và UBND cấp huyện được trang bị các thiết bị mạng và an ninh mạng hiện đại đều tương thích và hoạt động với địa chỉ IPv6. Tỉnh cũng thiết lập Trung tâm tích hợp dữ liệu, Trung tâm điều hành thành phố thông minh, hệ thống quản lý văn bản và điều hành liên thông kết nối với trục liên thông quốc gia, đây là những thành phần hạ tầng dùng chung quan trọng cho hệ thống Chính quyền điện tử.

Việc triển khai kế hoạch ứng dụng IPv6 cho cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh được nhiều người dân, doanh nghiệp đồng tình ủng hộ. Ông Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc Công ty TNHH An Huy Vina (Quế Võ) chia sẻ: “Việc triển khai kế hoạch ứng dụng IPv6 cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp khi có nhu cầu truy cập, sử dụng các dịch vụ cơ quan nhà nước, góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng phát triển trong thời gian tới”./.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO